Xin giải thích ý nghĩa hình tượng Di Lặc Bồ Tát? Trần Tuấn Mẫn | Xem: 196


Câu Hỏi

Đã lâu gia đình tôi thờ một tượng Đức Di Lặc, dáng mập mạp, bụng lớn, nụ cười trông rất hiền hậu, tươi vui. Xin được hiểu biết thêm về Ngài và việc tôn thờ hình tượng Ngài.

Trả Lời

Di Lặc là âm Hán Việt của từ Maitreya (Sanskrit) hay Metteyya (Pàli), vốn phát xuất từ Maitri (Sanskrit) hay Metta (Pàli) nghĩa là Từ bi và hai từ sau này lại có gốc là danh từ Mittra hay Mitta nghĩa là Người bạn (chỉ sự thân thiết). Nhiều tài liệu ghi tên Ngài là A Dật Đa (Ajita, Hán dịch là Vô Năng Thắng).

Kinh Chuyển Luân Vương Sư Tử Hống (Cakkavatti Sihanada Suttanta) của Trường Bộ có lẽ là văn bản sớm nhất của Phật giáo Nguyên thủy nói việc Bồ tát Di Lặc hạ sinh và thành Phật tại cõi Ta Bà này. Trong bản kinh này, Đức Phật Thích Ca dạy: “Này các Tỳ kheo, khi tuổi thọ loài người đến tám vạn tuổi, có Thế Tôn Metteyya sẽ ra đời, là bậc A la hán, Chánh Đẳng Giác… tự mình biết, chứng và tuyên thuyết trên trái đất này”. Có sáu kinh Đại thừa xuất hiện vào thế kỷ II và được dịch sang chữ Hán vào thế kỷ IV, V, VI nói về Bồ tát Di Lặc thượng sinh cõi trời Đâu Suất, thuyết pháp cho chư Thiên, rồi sẽ hạ sinh cõi Ta Bà, thành Phật, mở ba hội Long Hoa, giảng pháp tế độ chúng sinh. Đó là các kinh: Quán Di Lặc Thượng Sinh, Di Lặc Hạ Sinh, Di Lặc Lai Thời, Quán Bồ tát Di Lặc Hạ Sinh, Di Lặc Hạ Sinh Thành Phật, Di Lặc Đại Thành Phật. Ngoài ra, còn rất nhiều sớ luận, truyền thuyết về Đức Di Lặc chứa nội dung có nhiều khác biệt về thân thế, hành trạng của Ngài. Kinh Pháp Hoa, Kinh Bình Đẳng Giác bảo Ngài là một trong 16 vị Phật ở Hiền kiếp. Một số tác phẩm văn học Đại thừa còn cho rằng Ngài là tác giả nhiều bộ luận nổi danh như Du già Sư Địa, Đại Thừa Trang Nghiêm, Hiện Quán Trang Nghiêm…

Thân thế và hành trạng của Đức Di Lặc được miêu tả từ nhiều nguồn kinh sách và truyền thuyết khác nhau, lại được thêm thắt nhiều chi tiết thần bí, dần dần tạo thành một tín ngưỡng phổ biến trong dân gian. Có khi, có người mạo xưng là hóa thân của Ngài, có người cố ý diễn giải sai lạc về Ngài để mưu đồ danh lợi, chính trị, thậm chí còn xúi giục phản loạn…

Tượng Đức Di Lặc được điêu khắc, tô vẽ rất nhiều, nhất là ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản,

Việt Nam, Triều Tiên… và mang nhiều tướng vẻ khác nhau. Ví dụ, tượng Ngài trong tư thế đứng, thân thể tráng kiện mang đặc điểm của nghệ thuật Hy Lạp Phật giáo của Gandhara, thế kỷ II; tượng Ngài ngồi, thân hình cân đối, khỏe mạnh của nghệ thuật Mathura, cũng vào thế kỷ II; tượng Ngài ngồi trên ghế theo thế nhàn tọa của Triều Tiên, thân hình mảnh mai, dáng vẻ trầm
lặng, thanh thoát được tạo trong thế kỷ IV hay V, nay còn được giữ tại Bảo tàng Guimet… Hiện nay, dự án Di Lặc đang được thực hiện và sắp hoàn thành tại Kusinagar, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, gần nơi Đức Phật Thích Ca nhập diệt. Đây sẽ là một trung tâm văn hóa Phật giáo lớn, có bức tượng Đức Di Lặc bằng đồng lớn nhất thế giới, cao 152m, biểu trưng cho ước nguyện hòa bình, an lạc trên toàn thế giới.

Tượng Đức Di Lặc mập mạp, bụng lớn, nụ cười hiền hậu, tươi vui là tượng rất phổ biến tại Trung

Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc… Tượng được miêu tả theo hình ảnh của Hòa thượng Khế Thử

(? – 917), thường được gọi là Hòa thượng Bố Đại, người ở Phụng Hóa, Minh Châu, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc. Tương truyền Hòa thượng thường dùng gậy gánh một túi vải lớn rong ruổi khắp nơi và thuyết pháp, hễ ai cho thứ gì thì đều bỏ vào túi, sau đó đem cho những người đáng cho. Sách Cảnh Đức Truyền Đăng Lục tả Ngài béo phì, bụng phệ, tính tình vui vẻ, xuề xòa, cốt cách thong dong, tự tại. Truyền thuyết kể rằng khi Ngài tịch, có để lại bài kệ, theo đó, người ta suy đoán Ngài là hóa thân của Bồ tát Di Lặc. Hiện nay một họa tượng về Ngài do Lương Khải đời Tống vẽ còn giữ lại và được xem là bức vẽ xưa nhất về hình ảnh Ngài. Về sau, người ta còn khắc họa hình Ngài có kèm năm đứa bé đang chọc phá, tượng trưng cho năm căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân là những thứ thâu nhận ngoại cảnh, gây phiền não, khổ đau. Nụ cười của Ngài diễn tả sự hoan hỷ, bao dung, tự tại; cái bụng lớn thì dung chứa mọi phiền khổ giùm cho mọi người.
Đối với người Phật tử, việc tôn thờ tượng Đức Di Lặc cũng như tượng chư Phật, Bồ tát, Thánh tăng… không phải là để cầu xin, kính ngưỡng một ngôi vị cao cả mà chính là tôn thờ những ý nghĩa do chư vị biểu hiện, để thực hành theo, khơi dậy trong chính mình, vươn tới và trở thành. Tôn thờ tượng Đức Di Lặc là tôn thờ cái ý nghĩa biểu hiện của Ngài: tâm từ, bi, hỷ, xả, sự thong dong tự tại, sự cứu độ và niềm hy vọng một cõi an lạc cho toàn thể chúng sinh.

Trích từ: Vấn Đáp Phật Giáo