Phật Học Vấn Đáp


Niệm Phật để làm nhân vãng sinh, nhưng chưa biết phải hiểu như thế nào?
Đã rõ niệm Phật để làm nhân vãng sinh, nhưng chưa biết phải hiểu như thế nào? Phương pháp chân chánh niệm Phật ra sao?

8/31/2022 9:12:56 AM
Xét từ quá khứ vô biên vô số kiếp, dẫu kẻ có tu nhân thì hư dối nhiều mà chân thật ít, chỉ cầu danh lợi, vọng chấp nhân ngã: Dù họ có làm nhiều thiện duyên cũng không phải vì chánh lý, do đó phải bị trôi lăn trong đường ác, chịu khổ vô cùng. Đức Thánh chủ A di đà để lại danh hiệu nhiếp hóa chúng sinh đời sau, Ngài đã thành tựu quả Phật trải qua 10 kiếp. Còn bọn chúng ta ngu si, chỉ biết tham làm điều ác, tuy học Phật pháp mà chỉ cầu danh hiện đời; tự cho mình đúng còn người khác là sai; tâm thường ngạo mạn, tìm cầu cơm áo, ngày đêm nhọc nhằn; nếu có lúc rảnh rỗi thì chạy theo bạn ác. Giả như không gặp được bạn tốt thì làm sao nghe được cõi Tịnh? Một mai vô thường thì rơi trở lại con đường ác. Nay gặp được bậc đại thiện hữu tri thức có duyên với ta, dạy ta tư duy, bỏ những hạnh ác, được nghe bổn nguyện từ bi của Đức Phật A di đà, từ mười kiếp đến nay thường hoằng hóa chánh pháp. Bởi ta bị nghiệp chướng nặng nề, nên ngày nay mới được nghe, trong lòng bi thương, vô cùng hổ thẹn, tham sân si sinh khởi dẫy đầy. Nhưng chỉ cần tu theo bốn cách để làm chánh nghiệp:
 
1. Tu thời gian dài, là từ khi phát tâm cho đến lúc thành Phật, luôn tạo nhân Tịnh độ, không hề thoái chuyển.
 
2. Tu cung kính, ở đây lại có năm trường hợp:
 
Cung kính những bậc Thánh có duyên: nghĩa là khi đi, đứng, ngồi, nằm không quay lưng về phương Tây; hỷ mũi, khạc nhổ cũng không hướng về phương Tây.
 
Cung kính tượng và giáo có duyên: tượng là tạo Biến tướng  Phật A di đà Tây Phương, nếu không vẽ được nhiều thì chỉ cần vẽ một hình Đức Phật và một hình Bồ tát cũng được. Giáo là như các kinh A di đà v.v…, nên đựng trong đãy ngũ sắc, tự mình đọc tụng hoặc hướng dẫn mọi người đọc tụng. Những kinh và tượng này, nên an trí trong thất, sáu thời lễ sám, dâng hoa hương cúng dường, hết lòng cung kính tôn trọng.
 
Cung kính các bậc thiện hữu tri thức có duyên: nghĩa là những bậc tuyên giảng giáo nghĩa Tịnh độ, dù ở xa ngàn do tuần , hay dưới 10 do tuần cũng đều cung kính tôn trọng, thân cận cúng dường. Còn đối với những người tu học pháp môn khác cũng đều khởi tâm cung kính, xem họ không khác với mình, chỉ biết hết lòng kính trọng. Nếu khởi tâm khinh thường thì phạm tội rất nặng. Cho nên, cung kính hết thảy thì trừ được chướng ngại cho công hạnh tu tập.
 
Cung kính bạn đồng học: nghĩa là cung kính những người cùng tu Tịnh nghiệp với mình. Do nghiệp chướng của mình sâu dày, tự mình tu tập riêng biệt sẽ khó thành tựu, cho nên cần phải nương nhờ vào bạn tốt đồng tu mới có thể thành tựu đạo hạnh. Bạn bè đồng tu học nên cứu giúp những lúc hoạn nạn, phải hết lòng tương trợ, bảo vệ và tôn trọng lẫn nhau.
 
Cung kính Tam Bảo: Biệt tướng hay Đồng thể Tam Bảo đều phải hết lòng cung kính. Ở đây không ghi chép, vì e người tu hành cạn cợt không thật nương vào đó để tu tập, nên chỉ trình bày sơ lược về Trụ trì Tam Bảo để tạo nhân duyên lớn cho những hạng người ấy!
 
+ Phật bảo là những tượng Phật được chạm khắc bằng gỗ chiên đàn, bằng vàng ròng, ngọc, hay thêu dệt trên lụa, hay tạo bằng đá, đất. Phải hết lòng cung kính những linh tượng này, rồi quán tướng để tiêu tội, tăng phước. Nếu khởi một mảy tâm khinh thường thì tội ác tăng trưởng, mất hết thiện căn, chìm mãi đường ác. Chỉ cần quán tưởng tượng Phật thì tương lai sẽ thấy chân Phật.
 
+ Pháp bảo là giáo chỉ Tam thừa của Phật, được lưu thông khắp pháp giới, được danh cú diễn đạt, là duyên phát sinh giải ngộ, cho nên cần phải trân trọng kính ngưỡng. Vì là nền tảng phát khởi trí tuệ, nên sao chép tôn kính, thường bảo quản trong hòm, an trí trong tịnh thất thật trang nghiêm. Mỗi khi đọc tụng, thân tâm phải thanh tịnh.
 
+ Tăng bảo là Thánh tăng Bồ tát, đối với những người phá giới cũng nên bình đẳng khởi tâm cung kính, chớ sinh tâm khinh thường.
 
3. Tu không gián đoạn: nghĩa là thường xuyên niệm Phật, phát tâm cầu vãng sinh, bất cứ lúc nào cũng khéo léo quán tưởng. Giống như có người bị bắt giam, làm kẻ tôi tớ, chịu đủ mọi cay đắng nhọc nhằn, bỗng nhớ đến cha mẹ, muốn trốn về quê cũ, nhưng hành trang chưa đủ, phải ở lại quê người, ngày đêm suy nghĩ, khổ đau tột cùng, không lúc nào không nhớ đến cha mẹ. Đến khi sự việc đã thành, liền được trở về quê, gần gũi cha mẹ, mặc tình vui sướng. Hành giả cũng vậy, trước kia do nhân phiền não làm nhiễu loạn thiện tâm, tài sản phước trí đều tan mất, đắm chìm lâu ngày trong sinh tử, bị phiền não khống chế, không được tự do, thường làm tôi tớ cho Ma vương, dong ruỗi trong sáu đường, đau đớn thân tâm. Nay gặp được duyên lành, chợt nghe được danh hiệu Đức Từ phụ A di đà, không trái với nguyện lớn, nguyện cứu vớt quần sinh, nên ngày đêm dốc lòng phát nguyện vãng sinh. Cho nên chuyên cần, không mệt mỏi, biếng trễ, luôn nhớ nghĩ ân Phật, tâm thường giữ chánh niệm đến hết báo thân này.
 
4. Không tu pháp môn khác: nghĩa là chuyên tâm cầu sinh Cực Lạc, lễ bái xưng niệm danh hiệu Đức Phật A di đà, không được xen lẫn vào các pháp môn khác, hàng ngày cần phải tu tập như vậy, niệm Phật tụng kinh, không hành các khóa lễ khác.
 
Trích từ:  Tây Phương Yếu Quyết . Đại Từ Ân tự Sa Môn Khuy Cơ | Dịch Giả :Thượng Tọa Thích Nguyên Chơn


Thẻ
Niệm Phật       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật