Phật Học Vấn Đáp


Khuyên người khác đến đạo tràng không như Pháp để bố thí cúng dường có chịu trách nhiệm không ?
Khuyên người khác đến đạo tràng không như Pháp để bố thí cúng dường thì liệu có chịu trách nhiệm nhân quả không ?

8/14/2022 8:00:42 AM

Phải chịu! Đó là đương nhiên. Cho nên khuyên người không phải là việc đơn giản. Tôi theo Lão sư Lý mười năm, trong mười năm, lời nói hành vi của Ngài là nhất quán, điều này chúng tôi rất bội phục. Lão sư Lý cả đời khuyên người thọ Tam Quy, không khuyên người thọ Ngũ Giới, không khuyên người đi xuất gia là rất có đạo lý. Ngài khuyên người đi thọ Giới, nếu khi người ta không thọ được Giới thì người khuyên phải gánh nhân quả; khuyên người xuất gia, họ xuất gia không như Pháp thì vấn đề đó càng lớn! Khuyên người thọ Tam Quy không vấn đề gì, khuyên thọ Tam Quy là dẫn dắt họ vào cửa Phật. Cho nên sau khi vào cửa Phật rồi đi cầu Giới hay xuất gia là việc của chính mình, đây không phải là việc của người khác, họ thật sự thông đạt thấu tỏ. Xuất gia phải có đạo lý của xuất gia, vì sao bạn muốn xuất gia? Hồi đó tôi phát tâm xuất gia, Lão sư Lý không đồng ý, hỏi tôi vì sao muốn xuất gia? Tôi nói: “Nhà chùa cử người đến tìm con chín lần, con mới đồng ý với họ”. Ngài nói chín lần cũng không được, đây không phải là lý do! Vậy lý do thật sự là gì? Lý do thật sự là mục đích xuất gia của chính mình, lấy thân phận xuất gia để hoằng Pháp lợi sanh. Chúng ta biết Đại sư Huyền Trang xuất gia phải tham gia thi cử, quan giám khảo hỏi Ngài, vì sao Thầy xuất gia? Ngài chỉ nói tám chữ, “Viễn thiệu Như Lai, cận quang di pháp”, lý do chính đáng. Thiệu là gì? Là kế thừa, xa thì ta kế thừa Thích Ca Mâu Ni Phật, gần thì ta phát dương quang đại di giáo của Thích Ca Mâu Ni Phật, vậy là lập tức được phê chuẩn. Không vì điều gì khác, nói được thì phải làm được!

Chúng tôi xuất gia không có gì khác, chính là học Thích Ca Mâu Ni Phật, hành nghi cả đời của Đức Phật, chúng tôi hiểu rõ. Đây là ban đầu Lão sư giới thiệu cho tôi đọc “Thích Ca Phổ”, “Thích Ca Phương Chí”, chúng tôi hiểu rõ cả đời Thế Tôn đều vì người, cả đời làm công việc dạy học. Cho nên tôi ở Đài Trung dưới hội của Lão sư Lý học Kinh giáo mười năm, học Kinh giáo rồi cứ vậy một mạch giảng Kinh dạy học, chưa từng đảm nhiệm bất kỳ việc chấp sự nào trong Chùa, chính là loại công việc đơn thuần này. Từ khi xuất gia thì bắt đầu dạy trong Viện Phật Học, cứ vậy cho đến bây giờ là năm mươi năm, chẵn năm mươi năm. Chỗ tốt đối với bản thân chính là Tín tâm không chút hoài nghi đối với việc vãng sanh Tịnh Độ, nguyện cầu vãng sanh vô cùng khẩn thiết, hiểu rõ đạo lý này, thấu tỏ chân tướng sự thật. Cho nên không lưu luyến thế gian này, bất luận làm gì cũng không để trong tâm. Bởi vì phải rời khỏi thế gian này. Hơn nữa, hiện nay ở độ tuổi này, tôi thường hay nói, đây là điều Lão sư Lý trước đây thường hay nói cho chúng tôi nghe, chúng tôi nghe rất quen tai.

Lão sư nói với chúng tôi, trong cuộc đời của con người có Xuân Hạ Thu Đông. Mùa Xuân của con người là khoảng thời gian từ một tuổi đến hai mươi tuổi, hai mươi năm này là mùa Xuân của đời người, phải nên học tập thật tốt. Hai mươi tuổi đến bốn mươi tuổi là mùa Hạ của đời người, bạn đã trưởng thành. Bốn mươi đến sáu mươi tuổi là mùa Thu của đời người. Sáu mươi đến tám mươi tuổi là mùa Đông của đời người. Sau tám mươi tuổi thì không có nữa, sống được một năm nào là được thêm một năm, bạn đáng phải đi rồi. Đây là Lão sư thường hay nói với chúng tôi, cho nên chúng tôi nghe nhiều, chúng tôi đã nghĩ đến trước năm bốn mươi tuổi, nói đúng ra là trước năm hai mươi tuổi thì mê hoặc điên đảo, không có ai dạy nên tôi vẫn chưa nghe đến Phật pháp. Tôi nghe được Phật pháp là năm hai mươi sáu tuổi, gặp được Lão sư Phương, cho nên hai mươi tuổi đến bốn mươi tuổi phải hoàn thành đạo nghiệp của chính mình, tôi phải nghiêm túc nỗ lực học tập. Bốn mươi đến sáu mươi tuổi thì cần phải làm ra cống hiến cụ thể cho Phật pháp, cho đạo tràng, vì đại chúng mà phục vụ. Sáu mươi tuổi về sau thì không nên tham gia bất kỳ công việc chấp sự nào nữa, chuyên tâm dạy học, bởi vì bạn phải nghỉ hưu, kinh nghiệm của bạn phong phú, bồi dưỡng thế hệ sau có người kế thừa thì chánh Pháp mới có thể trụ lâu dài.

Cho nên đối với hàng Hậu học, tôi toàn tâm toàn lực chăm sóc, hi vọng muôn đời sau đều có Nhân tài, hơn nữa hi vọng mỗi người đều phải hơn tôi. Nếu lại như tôi thì việc dạy học của tôi thất bại rồi; Phải giỏi hơn tôi, từng bước nâng lên cao thì xã hội này mới tiến bộ, mới phát triển. Không thể nói đời sau không bằng đời trước, đó là hiện tượng diệt vong; đời sau giỏi hơn đời trước, đó là hiện tượng hưng vượng. Cho nên mọi người từ nền tảng này mà nâng lên trên thì sẽ vượt qua thôi, cơ hội này không phải là không có, duyên hiện nay vô cùng thù thắng, có nhiều Bồ tát Hộ Pháp chân thật phát tâm như vậy là không dễ. Có thể ở nơi này an tâm học mười năm, vậy thì sẽ có thành tựu lớn, chánh Pháp đúng là có thể hưng vượng, chúng tôi có niềm tin này. Đối với cá nhân thì nhất định cầu sanh Tịnh Độ, vĩnh hằng bất biến. Đối với chánh Pháp Cửu trụ thì hiện nay chúng tôi xem thấy Nho Thích Đạo đều suy, cho nên tôi hi vọng các đồng học phát tâm, chúng ta phải chú ý đến Tam Giáo, nhưng vẫn là phải nhất môn thâm nhập. Chúng ta có thể thông hiểu Nho Thích Đạo, bởi vì chúng ta cùng nhau học tập ở trong một phòng học, cho nên Tam Giáo chúng ta đều có thể nghe thấy. Chúng ta chỉ nghe thôi, chính mình chuyên công vào một môn của mình, những thứ nghe được thì hội tập vào một môn của mình để phát huy, đây cũng là duyên phận vô cùng thù thắng, không dễ gì gặp được.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Thẻ
Bố Thí        Cúng Dường       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật