1. Nói tổng quát về thân và cõi.
Hỏi: Thân Phật có mấy loại? Cõi có mấy loại? (1)
Đáp: Thân Phật có ba loại. Cõi cũng có ba loại. Ba loại thân Phật là thân pháp tánh, thân thọ dụng, và thân biến hóa. Ba loại cõi là cõi pháp tánh, cõi thọ dụng, và cõi biến hóa. Thân pháp tánh ở cõi pháp tánh, thân thọ dụng ở cõi thọ dụng, và thân biến hóa ở cõi biến hóa.
a. Thân và cõi pháp tánh:
Thân và cõi pháp tánh đều dùng pháp giới thanh tịnh chân như làm thể tánh. Kinh Bát Nhã nói: “Diệu thể của đức Như Lai tức là pháp thân chư Phật.” Pháp thể không hình tướng, không thể nhìn thấy được. Trong Kinh Pháp Giới Thể Tánh, ngài Văn Thù Sư Lợi nói kệ:
Không sắc không hình tướng
Không gốc, không xứ sở
Không sanh cũng không diệt
Kính lễ vô sở quán….
Kinh Duy Ma Cật nói:
Như tự quán thân mình
Quán chư Phật cũng vậy.
Cõi pháp tánh, như Kinh Bát Nhã nói: “Trang nghiêm cõi Phật tức là không trang nghiêm cõi Phật.” Lại như Kinh Duy Ma Cật nói: “Tuy biết các cõi Phật cùng chúng sanh đều là không.” Lại nói: “Các cõi Phật đều như hư không.” Lại nói: “Tuy biết thân và cõi đều là một chân như.” Như, có nghĩa là không phải một, không phải khác. Hiện nay nói: “Thân pháp tánh ở cõi pháp tánh”, đây là dùng “giác chiếu tánh nghĩa” để chỉ cho thân, dùng “pháp chân lý thể” để chỉ cho cõi.
b. Thân và cõi thọ dụng:
Có hai loại:
(i) Thân và cõi tự thọ dụng: dùng hạnh Bồ tát nhập vào tám vạn bốn ngàn hạnh Ba la mật, tu tập đầy đủ hằng hà sa quả đức, lợi mình lợi người, bốn trí tròn đầy, năm uẩn thanh tịnh, v.v…, làm thể của thân tự thọ dụng; còn thể của cõi tự thọ dụng tức là bốn trần vi tế thanh tịnh rộng lớn trùm khắp ảnh hiện trong trí tuệ, chỉ có chư Phật mới có thể thấy được.
(ii) Thân và cõi tha thọ dụng: Các vị Đại Bồ tát từ Sơ địa trở lên dùng Bình đẳng tánh trí kích phát công đức lợi tha của Đại viên kính trí, tùy sự cảm ứng, hiển hiện một phần cảnh tướng vi tế làm thể tánh cho cõi tha thọ dụng.
c. Thân và cõi biến hóa:
Các bậc Bồ tát địa tiền và các bậc Nhị thừa dùng Thành sở tác trí kích phát công đức lợi tha của Bình đẳng tánh trí, tùy sự cảm ứng, hiển hiện một phần cảnh tướng thô phù làm thể tánh cho cõi biến hóa.
Thể tánh của cõi thọ dụng và cõi biến hóa có ba loại:
(i) Nhiếp sự quy về chân như: Tất cả chúng sanh đều dùng chân như làm thể. Cõi báo (tự thọ dụng, tha thọ dụng) và cõi hóa (biến hóa) đều dùng chân như làm thể.
(ii) Nhiếp tướng quy về tâm: Cõi báo (thọ dụng) và cõi hóa (biến hóa) đều do tâm thanh tịnh bình đẳng của Đức Như Lai hiện ra. Kinh Duy Ma Cật nói: “Nếu tâm thanh tịnh thì cõi Phật cũng thanh tịnh.” Duy thức học và Luận Nhiếp Đại Thừa cũng đều cho rằng tất cả các pháp không rời tự tâm.
(iii) Nêu rõ bổn (gốc), mạt (ngọn) riêng biệt: Hai cõi báo (thọ dụng) và hóa (biến hóa) đều dùng báu vật trang nghiêm làm thể tánh.
2. Nói về thân và cõi Cực Lạc
a. Nói về cõi Cực Lạc
Hỏi: Trong ba loại cõi, thế giới Tây Phương Cực Lạc thuộc vào cõi nào? (2)
Đáp: Có ba loại giải thích:
(1) Cực Lạc là cõi tha thọ dụng: Bởi vì thân Phật cao sáu mươi vạn ức na do tha hằng hà sa do tuần. Cõi đó phần lớn là các bậc Nhất sanh bổ xứ, không có sự khổ, chỉ hưởng thọ khoái lạc, v.v…, cho nên phải là cõi tha thọ dụng.
(2) Cực Lạc là cõi biến hóa: Có kinh điển nào cho rằng hễ thân Phật cao sáu mươi vạn ức na do tha hằng hà sa do tuần, v.v…, thì phải là cõi báo (thọ dụng) hay không? Nếu như thân Phật ở cõi biến hóa cao sáu mươi vạn ức na do tha hằng hà sa do tuần thì có gì không thỏa? Như Kinh Quán Vô Lượng Thọ, v.v…, đều nói phàm phu vãng sanh Tịnh độ, cho nên biết rằng Cực Lạc là cõi biến hóa.
(3) Cực Lạc vừa là cõi thọ dụng vừa là cõi biến hóa: Các vị Bồ tát Tam hiền trở xuống nhìn thấy Cực Lạc là cõi biến hóa, các vị Bồ tát Sơ địa trở lên nhìn thấy Cực Lạc là cõi thọ dụng. Cùng một trụ xứ, mỗi người tùy tâm mình mà thấy cõi Phật khác nhau, cho nên Cực Lạc bao gồm cả hai cõi. Như Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói thân Phật A Di Đà không phải là cảnh tướng phàm phu thấy được nên bảo hành giả phải quán tưởng thân Phật cao một trượng sáu thước.
b. Giải thích về cõi thọ dụng và cõi biến hóa
Hỏi: Y theo giải đáp của câu hỏi (1), nếu Cực Lạc là cõi tha thọ dụng thì tại sao phàm phu được vãng sanh về đó? Còn nếu Cực Lạc là cõi biến hóa thì tại sao Bồ tát Sơ địa trở lên (thánh nhân) lại sanh về đó? (3)
Đáp: Các vị Bồ tát Tam hiền, Thanh văn, phàm phu chưa chứng được biến mãn chân như [1], chưa đoạn trừ được ngã chấp pháp chấp, tâm thức còn thô lậu, cõi Tịnh độ biến hiện không thể nào giống như cõi Tịnh độ vi diệu biến hiện từ tâm thức của các vị Bồ tát từ Sơ địa trở lên. Thế nhưng, nhờ vào duyên lực tăng thượng của Bổn nguyện thù thắng của Đức Phật A Di Đà mà các Bồ tát Tam hiền, v.v…, tâm thức tuy thô liệt, vẫn có thể nhìn thấy cõi giới Tịnh độ vi diệu rộng lớn trang nghiêm giống như các Bồ tát Sơ địa trở lên nhìn thấy. Luận Phật Địa, v.v…, cho rằng các Bồ tát Sơ địa trở lên sanh về cõi tha thọ dụng, còn các Bồ tát Tam hiền trở xuống sanh về cõi biến hóa, là căn cứ vào phương diện tự lực để phân phán sự vãng sanh của các vị Bồ tát có sự khác biệt, chứ không căn cứ vào duyên lực thù thắng của Bổn nguyện.
Chẳng hạn như mắt phàm chỉ có thể nhìn thấy “chướng nội sắc”, chỉ nhìn thấy cõi Dục chứ không nhìn thấy cõi Sắc, chỉ có thể nhìn thấy vật ở cách khoảng (ly trung tri), chứ không nhìn thấy vật ở sát mắt (hợp trung tri), thế nhưng, phẩm Pháp Sư Công Đức trong Kinh Pháp Hoa nói rằng cặp mắt do cha mẹ sanh ra có thể nhìn thấy núi Tu di, cho đến thấy cả cõi trời A ca nị trá. Đây chẳng phải là mắt thường có thể nhìn thấy “chướng ngoại sắc”, và cõi trời A ca nị trá, v.v…, hay sao?
Kinh Giải Thâm Mật, Luận Nhiếp Đại Thừa, v.v…, nói: “Giống như người soi gương tự thấy mặt mình, nhân vì trong gương không có hình tượng, cho nên thấy được tỏ rõ nét mặt của mình. Đây là do phù trần căn [2] hợp với nhãn căn cho nên thấy được nét mặt trong gương.” Đây chẳng phải là “hợp trung tri” (thấy vật ở sát mắt) hay sao?
Hiện nay, nếu nói nhìn thấy “chướng ngoại sắc” (cõi Sắc) thì đi ngược lại ý của luận, còn nếu nói không thấy thì lại đi ngược với ý của kinh. Cho nên biết rằng các luận sư phái Địa Luận phần lớn chỉ căn cứ vào “nhân duyên tự lực”, chứ không căn cứ vào “nhân duyên nguyện lực” thù thắng của chư Phật mà nói.
Sắc chất do “định tự tại” sanh ra không phải là sắc trần, nên mắt phàm phu không nhìn thấy được, nhưng sắc chất sanh ra bởi định tự tại phát xuất từ định lực của những bậc Đại uy đức thì mắt phàm có thể thấy được!
Trường hợp ở đây cũng tương tự như vậy. Do bổn nguyện lực của Đức Phật A Di Đà khiến cho các bậc Bồ tát Tam hiền trở xuống được vãng sanh về cõi tha thọ dụng, không thể cho rằng không được vãng sanh. Lại như quán thứ chín trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Thân chân kim sắc của Phật A Di Đà cao sáu mươi vạn ức na do tha hằng hà sa do tuần, có tám vạn bốn ngàn tướng hảo.” Đây là thân thọ dụng của Phật A Di Đà mà các Bồ tát Tam hiền trở xuống không thể nhìn thấy được. Thế nhưng, đoạn kinh văn phía dưới lại nói: “Do nguyện lực của Đức Phật A Di Đà, những hành giả quán tưởng đều sẽ được thấy.” Do đây biết rằng hành giả nhờ nguyện lực của Phật A Di Đà mà được thấy thân thọ dụng, và cũng nhờ nguyện lực của ngài mà được sanh về cõi thọ dụng.
Trong Luận Phật Địa cũng có câu hỏi tương tự: “Tịnh độ được đề cập ở phần trên dùng tịnh thức tối cực thanh tịnh làm thể tướng, tại sao trong pháp hội ở cõi đó lại có các bậc Thanh văn mà không mâu thuẫn ý nghĩa Tịnh độ? Mâu thuẫn chỗ nào? Các bậc Thanh văn cùng thấy cảnh giới mà Bồ tát thấy, vì thấy cùng cảnh giới nên nghe được diệu pháp.”
Một vị luận sư trả lời: “Có thể là nhờ thần lực của Đức Như Lai gia bị làm cho họ tạm thời được thấy nghe diệu pháp. Đây là do uy lực bất khả tư nghị của Đức Như Lai. Không thể cật vấn các vấn đề căn cơ, giai vị, trình độ, v.v…, được.”
Ý của vị luận sư này muốn nói rằng Đức Phật giảng Kinh Phật Địa ở cõi thọ dụng, các hàng Thanh văn, v.v…, được thấy cõi Tịnh độ đó, được nghe Kinh Phật Địa, đều là nhờ vào uy lực bất khả tư nghị của Đức Như Lai.
Hiện nay, Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói về việc nương vào Bổn nguyện bất khả tư nghị của Phật A Di Đà để được vãng sanh Cực Lạc thì đâu có gì lầm lỗi mà phải bắt bẻ?
Hỏi: Lập luận vừa rồi cũng không ổn. Nếu các bậc Bồ tát Tam hiền trở xuống nương vào Bổn nguyện được sanh về cõi tha thọ dụng, thì các Bồ tát Sơ địa trở lên cũng có nương vào Bổn nguyện mà được sanh về cõi tự thọ dụng? (4)
Đáp: Cõi tự thọ dụng là “tự” (cho chính mình), không thể nương vào nguyện lực mà cho người khác thọ dụng. Cõi tha thọ dụng là “tha” (cho người khác), cho nên có thể nương vào nhân duyên thù thắng mà được vãng sanh về đó. Hơn nữa, cõi tự thọ dụng cực kỳ vi diệu, không thể nương vào nguyện lực mà được vãng sanh, còn cõi tha thọ dụng là vì kẻ khác mà biến hiện cho nên mặc dù cũng rất vi diệu nhưng những Bồ tát bậc thấp cũng vẫn có thể thấy được. Lại nữa, cõi tha thọ dụng là do bổn nguyện lực mà hiện, cho nên phàm phu có thể nương vào bổn nguyện lực đó mà được vãng sanh. Còn cõi tự thọ dụng thì không do bổn nguyện lực, cho nên các vị Bồ tát không thể thấy được.
Hỏi: Cõi tự thọ dụng là “tự”, nếu có sự vãng sanh về đó thì ý nghĩa “tự” sẽ không thành, thế nhưng, chư Phật đều nhìn thấy cõi tự thọ dụng của nhau, như vậy nghĩa “tự” này cũng không thành. (5)
Đáp: Chư Phật là thân giải thoát cứu cánh, chứng đắc viên mãn, tự tha đồng nhất. Còn các vị Bồ tát chưa trừ diệt hết hoặc chướng, không thể sanh vào các cõi tự thọ dụng của chư Phật. Những loại vấn đáp như vậy rất nhiều, không thể giải thích hết được. Các bậc trí giả nên tự mình suy ngẫm nghĩa lý cho thấu đáo.
Giả như các vị Bồ tát Tam hiền trở xuống hiện tướng phần của tự thức, thấy được một phần tướng thô mà không thể thấy phần vi diệu của cõi Tịnh độ, thế nhưng các vị Bồ tát này thọ dụng pháp lạc, không có bất cứ một sự khổ não nào của thân tâm, chỉ có vô lượng sự hỷ lạc thanh tịnh, không bị dao động bởi sự sợ hãi, hoặc vui sướng, không sanh tâm nhàm chán, hoặc nghi ngờ, thì đây cũng gọi là sanh về cõi tha thọ dụng. Luận Đại Thừa Khởi Tín cũng nói: “Các vị Bồ tát từ sơ phát tâm cho đến quả vị cứu cánh đều thấy được báo thân.” Đoạn văn này tương đồng với ý nghĩa Bồ tát Sơ địa trở xuống thấy được báo thân.
Nếu thấy được thân tha thọ dụng (báo thân), thì đâu ngại gì việc vãng sanh vào cõi tha thọ dụng (báo độ). Nghĩa lý này cũng tương đồng với sự giải thích của một luận sư phái Địa Luận. Hoặc giả, Luận Đại Thừa Khởi Tín căn cứ vào các vị Bồ tát Sơ địa trở lên đã chứng “phát tâm” mà nói thấy được báo thân Phật. Còn nói các vị Bồ tát sơ địa trở lên sanh về cõi biến hóa, là nói thân Bồ tát thông cả hai cõi tha thọ dụng (báo độ) và cõi biến hóa (hóa độ). Tùy vào nhân duyên mà thấy được báo độ hay hóa độ, nhưng hai hạng phàm và thánh vẫn có sự cách biệt.
Có người cho rằng Bồ tát bậc hạ không thể vãng sanh về cõi thọ dụng của các Bồ tát bậc thượng bởi vì Bồ tát bậc hạ không thể thấy được những cõi thù thắng vi diệu của các bậc trên, vả lại, vì phước nghiệp yếu ớt nên cũng không thể vãng sanh về đó, ngược lại, những Bồ tát bậc trên nhìn thấy được các Bồ tát bậc dưới, và vì muốn tiếp dẫn các Bồ tát Sơ địa trở xuống, nên thị hiện vãng sanh vào các cõi biến hóa, hơn nữa, các vị Bồ tát bậc trên, khi sanh vào cõi biến hóa đều là hóa thân. Những lập luận như vậy cũng không có gì sai lầm.
3. Cõi hữu lậu và cõi vô lậu
Hỏi: Phàm phu được vãng sanh về cõi Cực Lạc, như
vậy Cực Lạc là cõi hữu lậu hay vô lậu? (6)
Đáp: Cõi Cực Lạc là do tâm Phật biến hiện (tha thọ dụng), tâm Phật vô lậu thì cõi ấy cũng phải vô lậu. Tâm phàm phu chưa được vô lậu, nhưng nương vào cõi vô lậu của Phật A Di Đà, mà tự tâm phàm phu biến hiện cõi hữu lậu để vãng sanh về đó. Nếu căn cứ vào cõi gốc của Phật A Di Đà, có thể nói rằng phàm phu vãng sanh về cõi vô lậu, nhưng nếu căn cứ vào cõi thọ dụng do tự tâm biến hiện, thì cũng có thể cho rằng phàm phu vãng sanh về cõi hữu lậu. Tuy rằng hữu lậu, nhưng vì nương vào cõi vô lậu của Phật A Di Đà mà biến hiện, cho nên cõi ấy cực kỳ tương tự với cõi vô lậu của Phật, và do đó cũng không có các sự kiện xấu xa khổ não.
4. Tam giới nhiếp hay không nhiếp. b. Hai nghĩa về sự không nhiếp.
Hỏi: Nếu đã là cõi hữu lậu, thì cõi ấy thuộc vào cõi nào trong ba cõi? (7)
Đáp: Có hai cách giải thích:
(i) Cõi Tịnh độ hữu lậu thuộc về hai cõi Dục và cõi Sắc, bởi vì tâm hữu lậu không rời khỏi ba cõi. Ba cõi tức là hữu lậu, hữu lậu tức là ba cõi. Cho nên hễ nói hữu lậu, ắt phải thuộc về ba cõi. Nếu hành giả chưa đoạn trừ được lòng dục, dùng “sanh đắc thiện” và “phương tiện thiện” của cõi Dục, tu tập mười sáu pháp quán, v.v…, dùng thiện căn này vãng sanh cõi Tịnh độ trong cõi Dục (chẳng hạn như Đâu suất nội viện của ngài Di Lặc). Nếu hành giả đoạn trừ được lòng dục, được tâm cõi Sắc, tu tập mười sáu pháp quán vãng sanh cõi Tịnh độ trong cõi Sắc. Cho nên Tịnh độ thông cả hai cõi Dục và cõi Sắc. Chúng sanh cõi Vô sắc không có thân thể sắc chất để vãng sanh, vả lại, cõi Tịnh độ là do các báu vật (sắc) trang nghiêm, cho nên không thuộc về cõi Vô sắc.
Cõi Tịnh độ Cực Lạc, đất báu thuộc về cõi Dục, còn không trung là cõi trời Dục giới và Sắc giới. Trong Kinh Vô Lượng Thọ, A Nan bạch Phật: “Cõi Phật đó nếu không có núi Tu Di thì các vị trời Tứ thiên vương và Đao lợi nương vào đâu mà trụ?” Phật bảo A Nan: “Ở cõi Ta Bà này, các vị trời Dạ ma cho đến trời Sắc cứu cánh nương vào đâu mà trụ?” A Nan bạch Phật: “Hành nghiệp quả báo không thể nghĩ bàn, cảnh giới của chư Phật không thể nghĩ bàn, những công đức thiện nghiệp của chúng sanh cũng không thể nghĩ bàn cho nên chiêu cảm những cảnh giới như vậy.” Kinh Vô Lượng Thọ, quyển hạ, nói: “Lúc ấy Phật bảo A Nan: Cõi Phật ấy, từ mặt đất lên đến cõi trời Tịnh cư, khoảng giữa có bao nhiêu báu vật nghiêm tịnh tự nhiên, ông đã thấy rõ hết chưa?” Cõi Tịnh độ Cực Lạc là do tâm hữu lậu biến hiện, do đó thuộc về hai cõi Dục và cõi Sắc.
(ii) Tuy Cực Lạc do tâm hữu lậu biến hiện, nhưng không thể cho rằng cõi đó thuộc về ba cõi.
b. Vấn đáp về sự không nhiếp.
Hỏi: Cõi Cực Lạc do tâm thức biến hiện. Tâm hữu lậu thuộc về ba cõi. Tâm đã thuộc về ba cõi, chả lẽ cõi ấy không thuộc về ba cõi hay sao? (8)
Đáp: Tuy biết rằng thể tánh hữu lậu không ra khỏi ba cõi, nhưng có cách giải thích khác, cho rằng chỉ có thể gọi là hữu lậu nhưng không thuộc về ba cõi! Nên biết “ba cõi” có ý nghĩa hẹp, còn “hữu lậu” có ý nghĩa rộng. Hơn nữa, phàm phu vãng sanh Tây Phương không thuộc về năm nẻo [3]. Như Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Vượt khỏi năm đường ác, năm nẻo ác không còn.” Kinh A Di Đà nói: “Cõi Phật A Di Đà không có ba đường ác…” Lại như Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Chúng sanh cõi đó không phải trời, không phải người. Nhân vì tùy thuận cõi Phật khác, cho nên mới gọi là trời người.” Do đây biết rằng cõi Cực Lạc không có năm nẻo. Nếu đã đồng ý chúng sanh cõi đó là phàm phu nhưng không thuộc năm nẻo thì đâu có lỗi lầm gì khi cho rằng cõi đó là hữu lậu nhưng không thuộc về ba cõi.
c. Vấn đáp so sánh.
Hỏi: Phàm phu cõi Cực Lạc là trời hay người cũng không sao. Trong kinh chỉ nói không có ba đường ác, chứ đâu có nói không có trời người. Còn như kinh nói không phải trời không phải người là ám chỉ các vị đại Bồ tát không phải là trời người, nhân vì tùy thuận cõi Phật khác nên gọi là trời người, chứ không phải căn cứ vào hàng trời người vãng sanh về đó mà gọi tên. Phàm phu cõi đó được gọi là trời người, điều này đâu có gì không ổn? (9)
Đáp: Hàng phàm phu vãng sanh về cõi Tịnh độ, nếu sanh làm người, thì người đó là người của châu Nam diêm phù đề, hay là người của châu Đông thắng thần, châu Tây ngưu hóa, hay châu Bắc cu lô (Uất đan việt)? Còn nếu sanh làm trời, thì là trời Tứ thiên vương, cho đến trời A ca nị trá. Nếu là người của bốn châu, thì người Uất đan việt đáng lẽ bị nạn Uất đan việt (một trong tám nạn). Nếu là trời cõi Sắc, đáng lẽ bị nạn của trời trường thọ. Đây là nạn xứ, tại sao lại khuyên người khác vãng sanh về đó? Nếu nói là cõi người nhưng không phải là người của bốn châu, chả lẽ lại có loại người sống ngoài bốn châu hay sao? Nếu nói là cõi trời nhưng không thuộc về các cõi trời Tứ thiên vương, v.v…, chả lẽ còn có cõi trời khác nữa sao? Nếu nói chúng sanh trời người ở cõi Tịnh độ không phải chúng sanh trời người thuộc về bốn châu, v.v…, thì cũng có thể nói rằng cõi Tịnh độ hữu lậu không phải là ba cõi hữu lậu. Ý nghĩa này đâu có gì mâu thuẫn. Còn nếu chấp nhận rằng “không có cõi người ở ngoài bốn châu, không có cõi trời ở ngoài các cõi Tứ thiên vương, v.v…, phàm phu cõi Tịnh độ không thuộc về cõi trời người”, thì ý nghĩa Tịnh độ hữu lậu nhưng không thuộc về ba cõi đâu có gì là phi lý.
Hơn nữa, ý nghĩa của các pháp tướng có rộng, có hẹp. Chẳng hạn, thế gian nghĩa rộng, hữu lậu nghĩa hẹp; hoặc hữu lậu nghĩa rộng, ba cõi nghĩa hẹp; hoặc ba cõi nghĩa rộng, tứ sanh nghĩa hẹp; hoặc tứ sanh nghĩa rộng, năm nẻo nghĩa hẹp. Vì sao? Chẳng hạn như đức Như Lai biến hiện cõi nước cấu trược, tuy tương tợ như ba cõi nhưng không phải là ba cõi. Tuy là vô lậu nhưng gọi là thế gian. Đây là trường hợp thế gian nghĩa rộng, hữu lậu nghĩa hẹp.
“Hữu lậu nghĩa rộng, ba cõi nghĩa hẹp” là trường hợp nào? Như tâm thức hữu lậu của phàm phu, v.v…, biến hiện cõi Tịnh độ, cõi này tuy hữu lậu, nhưng không thể gọi là ba cõi. Luận Đại Trí Độ nói: “Cõi Tịnh độ không phải ba cõi. Vì không còn lòng dục nên không phải là Dục giới. Vì sống trên mặt đất nên không phải là Sắc giới. Vì có hình sắc nên không phải là Vô sắc giới.” Ý của luận muốn nói “cõi Tịnh độ không phải do tâm thức vô lậu biến hiện mới gọi là vượt ba cõi, mà tâm thức hữu lậu biến hiện hình tướng cõi Tịnh độ, có đủ công năng Phật pháp làm cho hữu tình được lợi lạc, cũng gọi là vượt ba cõi.”
“Ba cõi nghĩa rộng, tứ sanh nghĩa hẹp” là trường hợp nào? Tứ sanh hạn cục vào những hữu tình ngũ uẩn dị thục thế gian, còn ba cõi hội thông cả ba tánh và khí thế gian, cho nên ba cõi nghĩa rộng, tứ sanh nghĩa hẹp.
“Tứ sanh nghĩa rộng, năm nẻo nghĩa hẹp” là trường hợp nào? Thân trung hữu là hóa sanh nhưng không thuộc về năm nẻo. Hơn nữa, chúng sanh cõi Tịnh độ, v.v…, là hóa sanh mà cũng không thuộc về năm nẻo, cho nên tứ sanh nghĩa rộng, năm nẻo nghĩa hẹp.
Những danh tự như vậy, ý nghĩa rộng hẹp, thể tánh sai khác, kinh luận có những ý nghĩa khác nhau như vậy, lẽ nào cõi Tịnh độ do tâm thức hữu lậu biến hiện nhất định phải thuộc vào ba cõi.
Lại nữa, thức thứ tám có ba tên: (a) thức a lại da, (b) thức a đà na, (c) thức dị thục. Nếu chứng đắc quả A la hán, Bích chi phật, cùng các vị Bồ tát Bát địa trở lên, thức thứ tám được gọi là thức a đà na và thức dị thục, không còn được gọi là thức a lại da nữa. Chả lẽ khi nghe “không còn tên a lại da” bèn cho rằng A la hán không còn thức thứ tám để chấp trì chủng tử của các pháp hay sao? Chả lẽ khi nghe “không còn tên ba cõi” bèn cho rằng những chúng sanh vãng sanh về Tịnh độ, tâm thức hữu lậu của họ không thể biến hiện ra cõi Tịnh độ để hưởng thọ pháp lạc Đại thừa hay sao?
Hơn nữa, nương vào cõi Tịnh độ vô lậu của Phật, tâm hữu lậu biến hiện cõi Tịnh độ. Cõi Tịnh độ này từ bổn tánh phát sanh, không làm tăng trưởng phiền não, giống như tâm hữu lậu duyên vào diệt đế đạo đế thì phiền não không tăng, cho nên cõi Tịnh độ này không phải là ba cõi, không làm tăng trưởng phiền não hữu lậu.
d. Hội thông giáo lý.
Hỏi: Nếu cho rằng Tịnh độ không thuộc về cõi Dục và cõi Sắc, tại sao Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Cho đến trời Tịnh cư, v.v…” (10)
Đáp: Đây là giả thiết gọi là trời, không thể cho rằng có thật thân trời cõi Dục, cõi Sắc. Nếu cho rằng quả thật có thân trời, chả lẽ cảnh giới do tâm thanh tịnh của Phật biến hiện lại thuộc về cõi Dục, cõi Sắc? Hơn nữa, giả như Tịnh độ thuộc về cõi Sắc, thì so với trời cõi Dục là hơn hay kém? Nếu nói kém, tại sao cõi Sắc lại kém hơn cõi Dục? Còn nói hơn, thì giống như cõi Ta bà, hai cõi Dục và cõi Sắc hơn kém không đồng. Hữu tình hai cõi này có sự hơn kém khác biệt. Cõi Cực Lạc cũng thế, vãng sanh về cõi Sắc thù thắng hơn vãng sanh về cõi Dục. Nếu vậy, tại sao phần Bốn mươi tám nguyện nói: “Nếu trời người ở cõi Cực Lạc có hình tướng không đồng, kẻ xấu người đẹp, thì tôi sẽ không thành Phật.” Hiện nay cho rằng hình tướng cõi Sắc thù thắng hơn hình tướng cõi Dục, như vậy tại sao phát nguyện “hình tướng tương đồng.” Nên biết rằng đây là sự giả lập cho rằng cõi Cực Lạc có trời Tịnh cư, v.v…, thực sự không có cõi Dục, cõi Sắc nào cả.
e. Giải thích thêm về sự không nhiếp.
Hỏi: Cõi Tịnh độ do tâm thức phàm phu biến hiện là cõi hữu lậu nhưng không phải là ba cõi. Những chúng sanh vãng sanh về đó không giống những hàng trời người tạo ác thọ khổ, nên nói họ không phải là trời người. Như Kinh Thắng Man nói: “Biến dịch sanh tử không thuộc về ba cõi, không phải là quả báo sanh tử chân thật.” Đó là hóa sanh, không thuộc vào hàng trời người. Không biết có phải các phàm phu hóa sanh Tịnh độ không thuộc về ba cõi hay không? Kinh An Lạc nói: “Nếu nói ngoài ba cõi có chúng sanh thì đây là kiến giải của pháp sư An Đa Kệ nước Ma Kiệt Đề, không phải là lời dạy của Phật.” Thân trong ba cõi không phải là thân của ba cõi hay sao? (11)
Đáp: Tại sao vẫn còn mê mờ mà hỏi những câu như vậy? Cõi Tịnh độ tuy do tâm thức hữu lậu biến hiện, nhưng không thể gọi là ba cõi. Đây là trường hợp hữu lậu nghĩa rộng, ba cõi nghĩa hẹp. Phàm phu ở Tịnh độ chỉ có thể gọi là hữu tình hóa sanh, không thể gọi là trời người. Đây là trường hợp tứ sanh nghĩa rộng, năm nẻo nghĩa hẹp. Ở đây cũng vậy, tuy là thân phàm phu hữu lậu nhưng không thể gọi là thân của ba cõi.
f. Tiếp tục vấn đáp.
Hỏi: Ý nghĩa này càng khó hiểu. Nếu vậy, ứng thân không phải là thân của ba cõi, nghiệp cũng không phải là nghiệp của ba cõi. Hiện nay chúng sanh cõi Ta bà hiếu dưỡng cha mẹ, tu hành ba phước, tu tập mười sáu pháp quán, niệm Phật, v.v…, lúc các nghiệp này đang hiện khởi, nếu hành giả chưa đắc được tâm cõi Sắc, thì đây là văn tuệ, tư tuệ phát sanh do thiện nghiệp cõi Dục, còn nếu đã đắc được định Sắc giới, thì đây là tu tuệ phát sanh do thiện nghiệp cõi Sắc. Sau khi sanh về cõi Sắc, nếu nguyện sanh Tây Phương, thì đây là văn tuệ, tu tuệ phát sanh do thiện nghiệp cõi Sắc. Tâm vô lậu không thể chiêu cảm quả báo. Hiện nay nghiệp đang tạo tác là nghiệp của ba cõi. Dùng nghiệp này để chiêu cảm quả báo, thì quả báo cũng thuộc về ba cõi. Nhân quả quyết định. Hiện nay nói thân vãng sanh Tịnh độ không phải là thân ba cõi, chả lẽ muốn nói ngược ý nghĩa vừa nêu trên? (12)
Đáp: Ý nghĩa “hữu lậu nhưng không thuộc ba cõi” đã được xác định rõ ràng ở phần trên. Đây chỉ có nghĩa là “mất tên”, nhưng không mất thể tánh. Điều này có gì phi lý mà vẫn còn cật vấn?
Tuy biết rằng nghiệp là do tâm thiện hữu lậu của hai cõi Dục và cõi Sắc, nhưng tâm này chiêu cảm quả báo Tịnh độ, không thuộc vào hai cõi Dục và cõi Sắc. Vả lại, quả báo này, nếu dùng quả nhiếp nhân, không thể gọi là nghiệp của cõi Dục và cõi Sắc, mà là nghiệp Tịnh độ.
Nếu cho rằng thân cõi Dục cõi Sắc phát khởi tâm cõi Dục cõi Sắc, chả lẽ đây không phải là nghiệp cõi Dục cõi Sắc? Nghiệp cõi Dục chiêu cảm quả báo trời người, thọ quả báo dài lắm là mười sáu ngàn năm (của cõi trời Tha hoá tự tại). Nếu chiêu cảm quả báo Tịnh độ thì được quả báo dài vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp. Lẽ nào nghiệp cõi Dục có thể chiêu cảm quả báo dài vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp? Đây là do nương vào nguyện lực rộng lớn không thể nghĩ bàn của Đức Phật A Di Đà, khiến cho nghiệp lực chiêu cảm quả báo dài vô hạn, không phải là cảnh giới mà phàm phu có thể suy lường được. Lời kinh chỉ dạy rõ ràng, không thể không tin. Ý nghĩa đạo lý Đại thừa khó hiểu khó dò. Phàm phu không thể suy lường được cảnh giới chư Phật, chỉ có thể ngưỡng mộ tin tưởng, chuyên tâm thành kính tu học, chứ không thể chấp chặt vào pháp tướng phán đoán thị phi, mà bàn luận Cực Lạc là ba cõi, hoặc không là ba cõi.
5. Hữu lậu cũng thanh tịnh.
a. Thể uế tướng tịnh.
Hỏi: Các phàm phu vãng sanh Tịnh độ vẫn chưa đắc được tâm thanh tịnh vô lậu. Cảnh tùy tâm hiện thì cảnh đó vẫn là hữu lậu. Cõi hữu lậu vẫn còn là cõi trược uế, như vậy làm sao gọi là vãng sanh Tịnh độ? (13)
Đáp: Thanh tịnh có nhiều loại: thanh tịnh chân thực, thanh tịnh tương tự, thanh tịnh cứu cánh và thanh tịnh chưa cứu cánh. Thanh tịnh chân thực tức là tâm thiện vô lậu, thanh tịnh tương tự tức là tâm thiện hữu lậu, thanh tịnh cứu cánh tức là chư Phật Thế tôn, còn thanh tịnh chưa cứu cánh tức là các Bồ tát Thập địa trở xuống cho đến phàm phu.
Lại nữa, có thể tịnh tướng uế, thể uế tướng tịnh, thể tướng đều tịnh và thể tướng đều uế.
“Thể tịnh tướng uế”, nghĩa là tâm Phật vô lậu thanh tịnh, cõi Tịnh độ biến hiện ắt cũng thanh tịnh, thế nhưng các ngài lại biến hiện cõi nước có tướng uế trược. Như Kinh Duy Ma Cật nói: “Vì muốn độ những chúng sanh căn cơ hạ liệt, cho nên Đức Phật biến hiện ra cõi trược uế bất tịnh.” “Thể uế tướng tịnh”, nghĩa là thức a lại da cùng thức thứ sáu (ý thức) thứ bảy (mạt na) hữu lậu của các bậc Bồ tát đăng địa, cùng tâm hữu lậu của tất cả phàm phu, biến hiện cõi Tịnh độ, thì cõi này có thể tánh uế trược. Thế nhưng cõi này nương vào cõi nước thanh tịnh của Đức Phật, cho nên biến thành cảnh tướng thanh tịnh. “Thể tướng đều tịnh”, nghĩa là tâm vô lậu của chư Phật và Bồ tát đăng địa biến hiện cõi Tịnh độ, cõi Tịnh độ này thể tánh và cảnh tướng đều thanh tịnh. “Thể tướng đều uế”, nghĩa là tâm hữu lậu biến hiện cõi uế trược.
Hiện nay cõi Tây Phương Tịnh độ mà phàm phu vãng sanh thuộc vào loại thứ hai, thể uế tướng tịnh.
b. Hội thông Kinh Duy Ma Cật.
Hỏi: Kinh Duy Ma Cật nói: “Nếu Bồ tát muốn vãng sanh Tịnh độ, hãy làm cho tâm thanh tịnh. Nếu tâm thanh tịnh thì cõi Phật cũng thanh tịnh.” Đoạn kinh này muốn nói rằng các Bồ tát Thập địa mới được gọi là tâm thanh tịnh, phàm phu làm sao có thể cầu mong vãng sanh về cõi Tịnh độ! Nếu được sanh Tịnh độ thì tâm ắt đã thanh tịnh; thế nhưng, các phàm phu hiện đang tu tập, phiền não đầy dẫy, hiện khởi không ngừng. Tâm đã bất tịnh thì làm sao vãng sanh Tịnh độ? (14)
Đáp: Tịnh độ có nhiều loại, chứ không phải chỉ có một. Chẳng hạn như tâm thanh tịnh rốt ráo, tâm thanh tịnh chưa rốt ráo, tâm thanh tịnh hữu lậu, tâm thanh tịnh vô lậu, tâm thanh tịnh hữu tướng, tâm thanh tịnh vô tướng, tâm thanh tịnh chế phục hiện hành, tâm thanh tịnh đoạn trừ chủng tử, tâm thanh tịnh tự lực, tâm thanh tịnh tha lực, v.v… Ý nghĩa rất nhiều, không thể cật vấn. Chư Phật Như lai tùy căn cơ chúng sanh mà giảng pháp, hoặc nói lời thật, hoặc nói lời phương tiện. Những sự giảng pháp như vậy, ý nghĩa không nhất định. Không thể chỉ căn cứ vào Kinh Duy Ma Cật nói về tâm tịnh cõi tịnh của chư vị Bồ tát Thập địa tâm thanh tịnh rốt ráo mà không tin vào Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói về sự chế phục chủng tử hiện hành, nương vào nguyện lực Đức Phật A Di Đà vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, rồi lại cho rằng vì tâm bất tịnh nên không thể vãng sanh Tịnh độ! Ví như người được thần thông có thể tự bay lượn trên không, thì người chưa được thần thông nương vào người được thần thông cũng có thể bay lượn trên không. Hơn nữa, Kinh Duy Ma Cật nói về tâm thanh tịnh rốt ráo biến hiện cõi Tịnh độ vô lậu, còn hiện nay nói về sự vãng sanh Tịnh độ là nương vào tướng thanh tịnh của Phật mà biến hiện cõi Tịnh độ. Kinh Duy Ma Cật nói “gốc”, còn Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói “ngọn.” Kinh Duy Ma Cật nói “cao”, còn Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói “thấp.” Không có gì đáng tranh cãi.
6. Cõi Tịnh có cõi uế.
Hỏi: Tây Phương Cực Lạc có cõi trược uế hay không? Nếu có thì làm sao gọi là Tịnh độ? Nếu không thì giống như hoa sen ngàn cánh của Phật Lô Xá Na, trên mỗi cánh có trăm ức cõi nước, mỗi cõi nước đều là trược uế. Tại sao Đức Lô Xá Na của thế giới Hoa tạng ngồi trên toà sen chúa mà trên mỗi cánh hoa lại có cõi nước trược uế? Lại như trong Kinh Duy Ma Cật, ngài Xá Lợi Phất thấy cõi Phật Thích Ca là trược uế, còn trời Đại Phạm lại thấy cõi Phật là thanh tịnh. Cõi Phật Thích Ca cùng lúc có cả hai tướng thanh tịnh và trược uế, tại sao cõi Cực Lạc chỉ có tướng thanh tịnh mà không có tướng trược uế? (15)
Đáp: Có hai cách giải thích:
(1) Thế giới Cực Lạc chỉ có Tịnh độ, không có cảnh tướng trược uế, bởi vì cõi đó cực kỳ vi diệu thanh tịnh. Nếu có cảnh tướng trược uế tức là mắc vào lỗi vừa tịnh vừa uế. Hơn nữa, sắc chất ngăn ngại nhau, thành thử hai tướng tịnh uế không thể đồng thời hiển hiện cùng một chỗ. Nếu hai tướng tịnh uế đồng thời hiển hiện sẽ mắc vào lỗi “sắc chất dung chứa nhau”, cảnh giới sẽ tạp loạn. Vả lại, Kinh Quán Vô Lượng Thọ không nói đến hiện trạng này, mà bốn mươi tám nguyện cũng không đề cập đến. Nếu cõi Cực Lạc có cả hai tướng thì những chúng sanh vãng sanh về đó cũng phải đồng thời sanh vào hai cõi. Vì chúng sanh không sanh vào hai cõi mà cũng không thấy cõi trược uế, cho nên biết rằng Cực Lạc không có cõi trược uế.
(2) Có người cho rằng Cực Lạc cũng có cõi trược uế, cùng chỗ cùng thời, không hề chướng ngại nhau. Nếu nói hai sắc chất không dung chứa nhau, đó là pháp Tiểu thừa không liễu nghĩa. Hai cõi thanh tịnh và trược uế biến hiện khắp mười phương không có giới hạn. Như cõi Ta bà trược uế cũng có Tịnh độ, chẳng hạn như tòa sen chúa thanh tịnh của Đức Lô Xá Na có trăm ức cõi nước trược uế. Đây là cõi tịnh có cõi uế, cõi uế có cõi tịnh, không hề chướng ngại nhau. Tùy theo cái nhìn mà thấy tịnh uế khác nhau. Câu hỏi vừa đặt ra là kiến giải Tiểu thừa, chứ không phải Đại thừa. Cách giải thích vừa nêu trên đã được giảng rộng trong các bộ luận Nhiếp Đại Thừa, v.v…, và trong các kinh điển Đại thừa. Ở đây sẽ không nói chi tiết.
Các cõi tịnh uế tuy có thể hiện hữu đồng thời, thế nhưng Tây Phương Cực Lạc là cõi thanh tịnh, không phải cõi trược uế. Chúng sanh tâm uế trược không được vãng sanh về đó. Trong kinh chỉ nói tướng tịnh, không nói tướng uế là vì muốn chúng sanh các cõi nguyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.
7. Ba nghĩa của Pháp sư Đạo An.
a. Giải thích ba nghĩa.
Hỏi: Luận Tịnh Độ của Pháp sư [Đạo] An nói: “Hai cõi tịnh uế, hoặc là một chất không thành, hoặc là khác chất không thành, hoặc là không chất không thành.” Ngài Đạo An tự giải thích: “Một chất không thành, tịnh uế có doanh có khuy, khác chất không thành, tìm chỗ thâm sâu thấy có sự phù hợp, không chất không thành, duyên khởi thành muôn hình vạn trạng.” Tuy đã có sự giải thích như vậy, nhưng ý nghĩa thâm thúy khó dò, kính mong khai thị để làm sáng tỏ ý nghĩa của đoạn văn này. (16)
Đáp: Ngài Pháp sư [Đạo] An trí tuệ khai minh, học thức uyên bác. Ngài tạo quyển luận này ý nghĩa sâu xa. Lúc đó kinh điển Đại thừa vẫn còn ít ỏi mà ngài đã có thể suy luận sâu sắc, quả đúng là Bồ tát Ấn Thủ. Có thể nói rằng ngài là người mở đường cho Phật pháp Trung Hoa, và đã làm sáng tỏ ý nghĩa Tánh Không. Thế nhưng, ý nghĩa của bộ luận thâm thúy làm cho người đọc khó hiểu rõ ý chỉ mà ngài muốn nói. Nay tôi sẽ giải thích ý nghĩa này cho rõ ràng.
Hai cõi tịnh uế là do hai nghiệp thiện ác khiến cho tự tâm biến hiện thành cõi nước tịnh uế. Hình tướng tịnh uế này là do tâm tịnh uế hiện khởi. Tâm tịnh thì cõi nước thanh tịnh, tâm uế thì cõi nước trược uế. Tất cả đều do tự tâm. Tâm đã khác nhau thì cõi nước cũng phải khác nhau. Cho nên nói: “Một chất không thành, tịnh uế có doanh (hiện hữu) có khuy (không hiện hữu).” Trong Kinh Duy Ma Cật, lúc Đức Phật chưa đưa ngón chân chạm đất, thì uế doanh (trược uế đầy dẫy) mà tịnh khuy (không có sự thanh tịnh), nhưng khi Đức Phật vừa đưa ngón chân chạm đất, thì tịnh doanh (cõi nước trở thành thanh tịnh), mà uế khuy (sự trược uế ẩn mất). Bởi vì tâm của ngài Xá Lợi Phất và tâm của Phạm Thiên khác nhau, nên mới thấy cõi nước khác nhau.
Hai tâm tịnh uế biến hiện hai cõi tịnh uế. Tâm có hai thể khác nhau, biến hiện hai cõi khác biệt. Thế nhưng hai cõi này cùng xứ cùng thời, không hề chướng ngại nhau. Không thể nói trong cõi tịnh không có cõi uế, hoặc trong cõi uế không có cõi tịnh, hoặc nói hai sự tịnh uế khác biệt nhau, chướng ngại nhau. Bởi vì hai cõi tịnh uế cùng chỗ cùng thời hiển hiện cho nên nói: “Khác chất không thành, tìm chỗ thâm sâu thấy có sự phù hợp.” Hoặc có thể giải thích là hai tướng tịnh uế khác biệt, nhưng thể tánh là một. Suy cứu thể tánh chân thật thì chỉ là một thể. Cho nên nói: “Tìm chỗ thâm sâu thấy có sự phù hợp.”
Hai cõi tịnh uế tuy đồng hiện một chỗ, nhưng hai tướng vẫn khác biệt, đều do nhân duyên sai khác của hai nghiệp thiện ác biến hiện thành đủ loại lùm rừng, cây báu, sỏi đá, trân châu. Tùy nhân duyên sanh khởi (y tha khởi tánh) hiện thành hình tướng cõi nước, không giống như hoa đốm hư không, hoặc lông rùa sừng thỏ (biến kế sở chấp tánh) không có hình thể. Cho nên nói: “Không chất không thành, duyên khởi thành muôn hình vạn trạng.”
b. Sắc chất vô ngại.
Hỏi: Hai cõi tịnh uế tuy có sự khác biệt, nhưng đều do bốn trần [4], bốn đại [5] hợp thành, đều có tánh chất ngăn ngại; nếu đã ngăn ngại, làm thế nào có thể hiện hữu cùng chỗ, cùng thời mà không chướng ngại. Hai pháp trái nghịch nhau, làm sao giảng cho thông. Xin giải thích rõ sự mâu thuẫn này. (17)
Đáp: Nếu cho rằng cực vi có tánh chất chướng ngại, đây là kiến giải của bộ phái Tát Bà Đa (Thuyết Nhất Thiết Hữu), đâu phải là ý chỉ vi diệu về sắc tướng tương thông của Đại thừa. Trong giáo pháp Đại thừa, thời gian dài ngắn, thế giới lớn nhỏ, tất cả đều không nhất định. Về thời gian, có thể kéo dài bảy ngày thành một đại kiếp, rút ngắn ngàn năm vào trong khoảnh khắc; về dung tích, có thể đem núi Tu Di để vào hạt cải, đem biển lớn để vào lỗ chân lông. Chả lẽ lại còn chấp vào sự lớn nhỏ dài ngắn hay sao? Sự chướng ngại của sắc chất cũng vậy. Chướng ngại chưa hẳn là chướng ngại. Chướng ngại, chẳng hạn như dùng gỗ để chướng ngại gỗ, dùng đá để chướng ngại đá. Không chướng ngại, chẳng hạn như nước, loài người thấy là nước, loài ngạ quỷ thấy là lửa, loài trời thấy là lưu ly, loài cá thấy là nhà ở. Chung quy, nước vẫn ở cùng nơi, đâu phải ở nơi khác biệt. Dùng đây để suy luận về hai cõi tịnh uế, có thể biết được ý nghĩa của chúng. Cho nên ngài Xá Lợi Phất nhìn thấy cõi uế, Phạm Vương nhìn thấy cõi tịnh, đâu phải hai nơi khác nhau? Đây là do vạn cảnh duy tâm, tùy tâm mà có tịnh uế. Diệu chỉ của Duy thức lẽ nào lại bị hạn cục vào sự chướng ngại của sắc chất hay sao!
c. Thể uế hiện tịnh.
Hỏi: Thể tánh của tâm thức hữu lậu vốn trược uế, dùng tâm trược uế để biến hiện cảnh giới, thì chỉ có thể biến hiện cảnh tướng trược uế, làm sao có thể biến hiện cảnh tướng Tịnh độ, giống như tâm thanh tịnh vô lậu biến hiện cảnh tướng Tịnh độ siêu xuất Ta bà được? Nếu tâm trược uế có thể biến hiện cảnh tướng thanh tịnh, tại sao Kinh Duy Ma Cật lại nói chúng sanh vì tội chướng nên không thể thấy được sự nghiêm tịnh của cõi Phật? (18)
Đáp: Nếu thể tánh thanh tịnh có thể biến hiện cảnh tướng trược uế, thì tại sao thể tướng trược uế không thể biến hiện cảnh tướng thanh tịnh? Nên biết trong một tâm có thể biến hiện đủ các cảnh tướng tịnh uế. Tâm có nhiều công năng, biến hiện nhiều cảnh tướng. Lại nữa, do Đức Phật dùng bổn nguyện độ chúng sanh, làm cho biến hiện cõi nước thanh tịnh. Chúng sanh nhiều đời đã từng đối với Đức Phật phát nguyện xa lìa tâm uế trược, tu hành hạnh thanh tịnh. Nương vào cảnh tướng thanh tịnh của cõi Phật, tuy tâm thức chúng sanh vẫn còn hữu lậu, nhưng vẫn có thể biến hiện cảnh giới thanh tịnh, giống như Đức Phật tự biến hiện ra cõi Phật vô lậu thanh tịnh. Đây là dùng nguyện lực của Phật làm duyên tăng thượng, khiến cho tâm hữu lậu biến hiện cảnh tướng Tịnh độ.
Lại nữa, Đức Phật cũng có thần lực làm cho các bậc Đại Bồ tát chỉ thấy cõi uế mà không thấy cõi tịnh, giống như trường hợp chín trăm vạn Bồ tát của cõi Hương Tích đến thế giới Ta Bà chỉ thấy cõi nước trược uế mà không thấy cảnh tướng thanh tịnh; hoặc thần lực của Phật có thể làm cho người tu hành bậc hạ chỉ thấy cảnh tướng thanh tịnh mà không thấy cảnh tướng trược uế, như trường hợp Đức Phật dùng ngón chân ấn trên mặt đất làm cho ngài Xá Lợi Phất, v.v…, thấy cõi Ta Bà toàn là trân báu trang nghiêm; hoặc khiến cho hai cõi tịnh uế hiển hiện đồng thời, như trường hợp trong bảo cái cùng lúc hiện cõi Tịnh độ mười phương và cõi Ta Bà uế trược.
Hiện nay, sự vãng sanh Tịnh độ là do oai lực của chư Phật, không thể dùng trí tuệ hạn hẹp của phàm phu suy lường mà khởi lên sự nghi ngờ đối với các bậc Đại Thánh. Hành giả chỉ nên y theo lời dạy mà phụng hành.