Home > Khai Thị Phật Học
Tu Học
Cư Sĩ Tịnh Mặc


Hơn chín mươi phần trăm dân chúng Việt Nam sùng bái Đạo Phật. Nhưng một số rất lớn chỉ biết lễ Phật, chớ chưa hiểu sơ qua giáo lý của đức Phật.

Những người ấy chưa đúng hẳn là Phật tử. Họ mới là những người có nhiều thiện căn, sẵn sàng thành những Phật tử chân chánh, nhưng hiện còn thiếu trợ duyên, thiếu sự chỉ dạy, dẫn dắt.

Trong gia đình, chẳng phải vì ông bà, cha mẹ theo Đạo Phật mà các con, cháu tự nhiên thành Phật tử.

Cũng chẳng phải vì hàng ngày ở nhà thắp hương lễ Phật, hoặc thỉnh thoảng đi lễ chùa mà thành Phật tử.

Muốn thành Phật tử, phải có “chí muốn thành Phật”“tự nguyện sẽ thành Phật”, “tự tin mình sẽ thành Phật”, vì biết mình có sẵn đủ Phật tính.

Như vậy, trước hết phải hiểu biết Phật là ai, và đức Phật Thích Ca đã làm những gì, đã dạy những gì, để rồi suy nghĩ mà làm theo, nghĩa là phải tu học.

Nghĩa chữ tu: Chúng ta đừng nghe thấy nói TU mà vội vàng hoảng sợ.

Tu chẳng phải là bó buộc lìa bỏ gia đình, đi ở chùa, để ngày đêm chuyên tâm tụng kinh, gõ mõ. Tu chẳng phải là xa lánh xã hội, tìm nơi vắng vẻ để ẩn nấp.

Không phải thế. Chúng ta vẫn nghe nói: “Thứ nhứt là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa.”

Như vậy ở nhà, ngoài xã hội, ở am, ở chùa, chỗ nào cũng là hoàn cảnh để tu. Và chúng ta cũng nhớ lại rằng pháp Lục Độ, để tu thành Bồ Tát và Phật là chúng cho cả hai phái xuất gia và tại gia tu tập.

Tu là gì? TU có nghĩa là sửa đổi.

Sửa đổi xấu thành đẹp, ác thành hiền, cong queo thành ngay thẳng, tà thành chánh, tối tăm thành sáng suốt, giả dối thành chân thật, si mê thành giác ngộ, phàm phu thành Thánh Hiền, chúng sinh thành Phật, Sinh tử thành Niết Bàn.

Ai ai cũng tu được cả: Như vậy, bất cứ tại chỗ nào, địa vị nào, làm nghề gì, già hay trẻ, ai ai cũng đều tu được và càng tu sớm càng hay.

Người làm chánh trị, cai trị, làm công việc kỹ nghệ, buôn bán, canh nông, lao động, các thanh thiếu niên còn đang đi học, kẻ giàu sang hoặc nghèo hèn, người thông minh, kẻ dốt nát, đều tu đước tất cả y như nhau.

Muốn tu đạo Phật, phải làm những gì?

Trước hết phải qui y đã đành. Rồi sau, “trong mọi sự và mọi hoàn cảnh, hễ ăn ở, hành động đúng với giáo pháp của đức Phật là Phật tử” (dịch lời của bác sỹ Andre Migol).

Giáo pháp của Phật dạy gì?

Đức Phật dạy: hãy sống đúng với Chân lý, đúng với Chân Tâm, Thật Tánh sáng suốt, rộng lớn, tự do và bình đẳng của mình.

Chỉ vì con người phàm phu, trải qua bao nhiêu nghìn kiếp, vẫn còn mê tối, không nhận thấy Chân Tâm, Thật Tánh, nên vẫn cứ triền miên đau khổ mãi, chẳng hưởng được hạnh phúc chân thật.

Con người phàm phu không khác gì kẻ đi trong bãi sa mạc, cứ cố chạy theo một hình bóng tương tự suối nước ở đằng xa, mà không nhận thấy rằng đấy chỉ là một ảo ảnh. Ảo ảnh ấy đã chẳng giải khát được cho mình, mà lại còn đưa đến chỗ chết sau khi đốt cháy ruột gan.

Kẻ lầm đường lạc lối ấy nay may mắn được người sáng suốt chỉ cho con đường đi đến chỗ có hồ nước thật, có cây cối mát mẻ thật, để giải khát và nghỉ chân.

Vậy người ấy nên đổi hướng và quay đầu trở lại ngay, hay còn nên tiếc rẻ sự mê lầm mà cố lạc lõng đi thêm một quãng đường nữa?

Đi thêm ngày nào tức là đi sâu thêm vào đau khổ ngày ấy.

Cho nên chúng ta hãy tự xét từ trước đến bây giờ, chúng ta đã hưởng được hạnh phúc thật và yên vui thật chưa, hay đã lầm đường, sai hướng, như người bộ hành trong bãi sa mạc.

Nếu chúng ta nhận thấy đã lầm đường thì phải đổi hướng ngay, quay đầu trở lại ngay mà nương theo Phật, theo giáo lý của Đức Phật.

Có người nghĩ rằng bây giờ đang bận học, làm ăn, buôn bán, hoặc bận lập công danh sự nghiệp và đang thành công, tiến phát, vậy chưa cần phải tu học.

Nghĩ như thế là một sự lầm to. Chính vì ta đang thành công trong mọi công việc, nên ta càng cần phải tu tập ngay để rồi có thể được hưởng yên vui những kết quả tốt đẹp, tránh được những kiêu mạn, ích kỷ và ác nghiệp nó phá hạnh phúc mà chúng ta đang xây dựng.

Vả lại, điều trọng yếu và thực tế trong giáo lý của Đức Phật là dạy con người diệt trừ ba nguồn độc phát sinh ra đau khổ, là tham, giận và ngu tối. Chúng ta ai có thể tự hào rằng không bao giờ khởi một tí lòng tham hay một chút giận hờn? Ai có thể tự phục rằng đã sáng suốt hoàn toàn, không một mảy may mê muội?

Sở dĩ một số đông người, mãi đến khi sầy đầu, sứt trán vào đời, ruột gan tê tái vì thất vọng, hoặc đã nhàm chán với giàu sang, quyền quí, mới quay về theo Đạo Phật, là vì trước kia họ bị nhiều si mê che lấp, chưa nhận được sự thật, chưa gặp duyên may để nghe hiểu được lời Phật.

Chúng ta nay may mắn được nghe Phật pháp, vậy không còn gì ngăn ngại chúng ta tu học để thành Phật, để hưởng hành phúc chân thật của Niết Bàn nữa.

1. Học thế nào?

Chúng ta học ở đâu? Học trong Kinh sách Phật. Học với Thầy (Sư, Tăng), chân chánh, học với bạn tốt (Thiện tri thức).

Học như thế nào?

Muốn học, trước hết cần phải thực hành hai việc: một là nghe (văn), hai là suy nghĩ (tư).

Nghe tức là nghe lời giảng của Thầy, của Bạn, nghe lời nói chứa trong Kinh sách của Phật, Bồ Tát và Thánh Hiền.

Đọc Kinh, sách Phật và nghe thuyết pháp là công việc đầu tiên để gom góp, tích trữ lương thực.

Khi đã gom góp, tích trữ được ít nhiều tài liệu rồi, thỉnh thoảng ta ngồi nghỉ và thong thả, yên lặng, ta nghiền ngẫm, suy nghĩ, chọn lọc lấy những món cần thiết, rút lấy những tinh túy bổ ích.

Một nhà hiền triết Âu Tây đã viết rất chí lý như sau: “Chúng ta đọc sách, lượm nhặt những chân lý lẻ tẻ và tản mác khắp đó đây, chẳng khác gì con bò ăn cỏ ngoài đồng. Trong lúc đói lòng, bỏ chỉ có một việc: gặp cỏ là nhai và nuốt cho đầy dạ dầy đã.

Nhưng trưa đến, trở về chuồng hay dưới cội cây, bóng mát, bò nằm nghỉ, bò biết ọc trở ra miệng những nắm cỏ đã hấp tấp nuốt trong buổi mai và chậm rãi dùng hai hàm rằng nghiền cho nhừ, rồi mới nuốt trở lại, đôi mắt đứng tròng, như dồn hết tâm ý vào trong để tận hưởng cái hương vị của cỏ.

Tại sao kẻ học giả chúng ta không biết hay không chịu làm cái công việc nghiền ngẫm ấy?” (Tạp chí Từ Quang năm 1953, số 17, Chánh Trí dịch).

Có nghiền ngẫm mới hiểu thâm sâu những lời dạy của chư Phật và Thánh Hiền mới đạt được những ý ẩn nấp trong Kinh sách. Có thế mới thấu hiểu được giáo lý cao siêu của đức Phật.

2. Học phải tu (hành).

Khi đã hiểu giáo lý rồi, cần phải đem những điều hiểu ra thực hành. Ấy là giai đoạn thứ ba trong việc tu học, giai đoạn tu (văn, tư, tu).

Giai đoạn này mới là giai đoạn quan trọng, khó khăn nhưng vô cùng thiết thực và ích lợi vì nó đưa chúng ra đến chúng ta đến chỗ giải thoát.

Đức Phật dạy chúng ta cần phải siêng năng, kiên nhẫn. Mỗi giờ, mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm, chúng ta tu sửa một ít những mê lầm, đen tối trong tâm chúng ta. Dần dần kết quả sẽ sáng sủa đẹp đẽ chẳng khác nào như lau gương vậy. Không lau thì gương sẽ nhơ bẩn và mỗi ngày lại nhơ bẩn thêm. Nếu mỗi giờ, mỗi buổi, chúng ta chịu khó lau thì sẽ có lúc gương hét bụi và trong sạch hoàn toàn.

3. Các Kinh điển.

Kinh là những sách ghi chép lời giảng dạy của đức Phật Thích Ca hoặc của chư Bồ Tát và Sư Tổ.

Khi tại thế, đức Phật giảng dạy bằng lời nói chớ không viết sách. Khi Ngài tịch diệt được vài tháng, các đệ tử nhóm họp lần đầu tiên để đọc lại những giáo pháp của Ngài.

Sau đấy một trăm năm, có cuộc hội họp thứ nhì để đọc lại một lần nữa những giới luật và vào khoảng 241/245 trước dương lịch có một cuộc hội họp thứ ba. Lần này chư Tăng chép giáo lý của đức Phật thành Kinh điển để truyền lại về sau cho khỏi thất lạc.

Những Kinh sách ấy chia làm ba loại, gọi là ba Tạng (Tạng là kho chứa đựng).

Tạng Kinh, ghi chép những lời giảng dạy về Đạo, về Chân lý.

Tạng Luật, ghi chép những nghi thức và giới luật mà Đức Phật đã đặt ra để truyền bá và giữ gìn Đạo.

Tạng Luận, chép những luận bàn về giáo lý của đức Phật, phần nhiều do các đại đệ tử viết.

Đạo Phật là Đạo giảng dạy Chân lý, mà Chân lý cao siêu, mầu nhiệm vô cùng cho nên khi tại thế đức Phật tùy trường hợp, tùy trình độ cao thấp của mỗi hạng người mà giảng, để họ có đủ sức hiểu được phần nào Đạo lý và thực hành cho có ích lợi thiết thực.

Vì thế đức Phật dùng rất nhiều phương pháp và rất nhiều thí dụ cụ thể, có khi mới đọc tưởng như mâu thuẫn với nhau. Nhưng khi suy nghĩ kỹ thì thấy trong những vỏ chữ khác nhau, trong những chiếc áo khoác mầu sắc trái nhau, chỉ chứa một cái gì không sai khác là Chân lý mà thôi. Bởi vậy, bất cứ đọc Kinh nào cũng đều ít nhiều hiểu được một phần Chân lý.

Đại cương, người ta thường chia những Kinh Phật ra làm Quyền giáo và Thật giáo.

Quyền nghĩa là tạm dùng, trái với thật.

Để những người trình độ chưa được cao dễ hiểu Chân lý, đức Phật dùng quyền giáo.

Lối giảng này giống như lối kể chuyện cổ tích, ngụ ngôn hoặc dạy bảo những việc phải làm mà không giảng lý ẩn sâu xa. Người Phật tử nghe mãi những truyện ấy, hoặc làm mãi những việc ấy, tự nhiên lâu dần sẽ nhận ra được Lý. Chẳng khác một người, tuy không biết vàng là gì, nhưng chịu khó đãi cát có vàng, cứ đãi mãi rồi một ngày kia sẽ chỉ còn trông thấy trong rổ một chất sáng ngời và đẹp là vàng mà thôi.

Thật giáo giảng rõ Đạo lý cao siêu, phân tách tinh vi đời sống giả tạm của vũ trụ và giảng dạy phương pháp mầu nhiệm đạt tới Thật thể, Niết Bàn.

Tuy nhiên, trong lối giảng này, Phật vẫn theo căn cơ cao, thấp của chúng sinh mà dạy. Bởi thế coskhi giảng tuần tự, theo thứ lớp, đưa Phật tử dần dần đến chỗ ngộ nhập Chân lý. Ấy là Tiệm giáo (tiệm là từ từ, thong thả).

Có khi Phật giảng cấp tốc, đi nhanh chóng ngay tới Đích ấy là Đốn giáo (đốn là cắt ngắn).

Quyền giáo và thật giáo chỉ là hai phương pháp giảng dạy Chân lý. Đức Phật có khi đồng thời dùng cả hai phương pháp ấy. Bởi vậy trong một quyển Kinh có khi có cả quyền giáo và thật giáo.

4. Cách đọc Kinh cho có ích.

Dù là Kinh Quyền giáo hay Kinh Thật giáo, muốn hiểu rõ ý nghĩa để rồi tu hành cho đúng, cần phải nhớ rằng Kinh nào cũng dạy cho ta một phương pháp để đạt tới Chân lý. Mà Chân lý thì tuyệt đối về đủ mọi phương diện, nên không thể nói và bàn, hoặc tả ra hết được.

Những chữ, những lời nói và ngay đến cả những phương pháp của đức Phật dạy, chỉ là những phương tiện, những khí cụ thô sơ, nhỏ hẹp, tạm dùng để giúp chúng ta tự mình tìm hiểu và đạt đến Chân lý mà thôi.

Bởi vậy trí tuệ chúng ta phải vượt lên cao, đi xa những chữ trong Kinh và moi móc cho thật sâu, chớ có đứng dừng lại ở chữ nông cạn và nhỏ hẹp. Những chữ ấy chỉ là những mốc chỉ đường để cho chúng ta khỏi lạc hướng, chớ không phải là Chân lý mà chúng ta tìm để đạt đến.

Một Tổ sư đã nói:

“Cứ theo chặt nơi chữ trong Kinh mà giải nghĩa thì oan gia cho chư Phật ba đời (đời trước, đời này và đời sau). Nhưng bỏ một chữ trong Kinh mà giảng thì chẳng khác gì ma nói.” (Y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan, ly kinh nhứt tự tức đồng ma thuyết).

Chính đức Phật Thích Ca đã dạy các Phật tử cách nghe giảng pháp và cách đọc Kinh.

Đức Phật dạy rằng: “Chân lý thí dụ như mặt trăng. Giáo lý của ta là ngón tay chỉ mặt trăng. Vậy đừng lầm ngón tay là mặt trăng.”

Nếu Phật tử chỉ ngón tay mà không ngước mắt lên tít tận cao thì làm sao trông thấy mặt trăng?

Không trông thấy trăng mà lại còn dại dột nghĩ rằng ngón tay (Kinh giáo pháp) là mặt trăng, thì thật là mê lầm, đen tối vậy.

5. Sự cần thiết của ý chí và tự lực.

Trong công việc tu học để đạt đến Chân lý, đức Phật Thích Ca luôn luôn nhắc rằng Ngài chỉ là một người hướng dẫn.

Công trình tu tập và kết quả đạt được hoàn toàn do người Phật tử. Đừng bao giờ ỷ lại vào người khác và cũng đừng bao giờ ỷ lại vào sức gia bị của chư Phật và Bồ Tát mà chẳng chịu tu hành.

Đức Phật dạy các đệ tử: “Các người phải cố gắng tu hành để tự giải thoát; ta chỉ là người hướng dẫn mà thôi. Trong công việc chiến thắng mọi trở lực trên đường tiến triển để đi đến Đích, chỉ có các ngươi là người có công hơn cả.”

Chư Phật là Ánh sáng. Chúng ta là hai con mắt. Nhờ Ánh sáng mắt mới nhìn thấy được vũ trụ, vạn vật. Nhưng có Ánh sáng mà không chịu mở mắt để nhìn thì cũng chẳng trông thấy gì.

Việc mở mắt, ý muốn mở mắt và ý chí muốn nhìn khi đã mở mắt rồi là việc của chúng ta, không Phật, Bồ Tát hay người nào khác làm hộ chúng ta được.

Đức Phật dạy: “Ta như thấy thuốc hay, biết bệnh chỉ thuốc, uống hay không uống, lỗi ấy không phải tại thầy.

Ta như vị chỉ đường, dạy con đường phải, nghe mà không đi, lỗi ấy không phải tại người chỉ đường.” (Kinh Di Giáo)

Vậy động cơ phát tâm tu học là do tự nơi ta có quyết chí muốn đạt đến hạnh phúc chân thật hay không, có muốn được giải thoát khỏi đau khổ luân hồi và có muốn thành Phật hay không.

Nếu chúng ta quyết chí muốn được giải thoát thì chúng ta hãy bắt đầu tu học ngay, đọc Kinh, sách Phật và nghe giảng pháp ngay. Và hằng ngày chúng ta hãy cố gắng yên lặng tâm trí một lúc, nhất tâm niệm Phật, cầu vãng sinh Tịnh Độ.

Ánh sáng của Phật bao giờ cũng đồng đều chiếu khắp mọi nơi, cho tất cả mọi người. Chúng ta chỉ cứ việc mở mắt và chịu khó nhìn để tiến bước mà đi.

Niết Bàn yên vui, tươi sáng, đang chờ chúng ta…..

Chúng ta mỗi ngày cố gắng đi một ít, chắc chắn thế nào chúng ta cũng sẽ tới Đích, chúng ta sẽ THÀNH CÔNG.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.