Kinh Phó pháp tạng ghi: “Lúc bấy giờ có một vị vua tên là Kế-ni-trá tham lam, bạo ngược, vô đạo, thường đem quân đi chinh phạt các nước, bắt dân chúng sai dịch khổ sở mà không biết dừng. Nhà vua muốn thống nhất thiên hạ, nên đem quân đóng ngoài biên ải, khiến cho thân thích bị chia lìa, nỗi khổ ấy không biết khi nào mới hết. Do đó, quan dân đồng tâm trừ diệt vị vua này để được an vui. [192a] Nhân lúc nhà vua bị bệnh nặng, họ liền lấy mền trùm vua lại, rồi ngồi đè lên, lát sau vua tắt thở. Nhờ lúc trước vua đã từng nghe tì-kheo Mã Minh[50] thuyết pháp, nên tái sinh vào trong biển lớn làm thân cá nghìn đầu. Cá này luôn bị kiếm chém đứt đầu, đứt rồi lại mọc ra, rồi lại bị chém đứt, phải chịu vô số lần sinh ra rồi bị chém như thế, trong bỗng chốc thì đầu đầy cả biển lớn.

Một hôm, cá thưa với một vị a-la-hán[51] làm duy-na[52] trong chùa :

– Con nghe tiếng kiền chùy thì vòng kiếm chém còn liền dừng lại, ngay lúc đó nỗi đau khổ tạm ngừng. Cúi mong đại đức lòng thương xót, nếu đánh kiền chùy thì ngài hãy đánh cho thật dài.

Vị a-la-hán từ bi, nên đã đánh kiền chùy rất dài, trải qua bảy ngày cá liền thoát khỏi tội khổ, tái sinh vào chùa. Do câu chuyện của vị vua này, mà tương truyền về sau, đánh kiền chùy thì phải đánh cho thật dài, cho đến ngày nay vẫn còn như vậy”.

Lời bàn: Theo như ý kinh, đánh chuông để cứu khổ cho chúng sinh, lại còn dùng để nhóm họp chúng tăng. Vị duy-na đánh chuông, chắp tay trang nghiêm phát nguyện lợi ích chúng sinh. Chúng sinh nhờ nghe tiếng chuông liền nghĩ nhớ đến điều thiện, dứt hết các khổ đau.

Kinh Tăng nhất A-hàm ghi: “Lúc đánh chuông, nên nguyện cho tất cả những đau khổ trong đường ác đều dứt. Nếu khi nghe tiếng chuông và bài kệ thì trừ được tội nặng sinh tử trong năm trăm ức kiếp.

Diệt trừ sức ma oán,
Dứt sạch mọi não phiền,
Đất trống đánh kiền chùy,
Tì-kheo nghe, vân tập.
Người được nghe pháp này,
Vượt ra khỏi sinh tử,
Nghe âm vi diệu này,
Hãy mau đến vân tập”.
Trong kinh Tạp có bài kệ:
Nghe chuông, nằm không dậy,
Hộ pháp thiện thần giận,
Hiện đời duyên phúc mỏng,
Đời sau đọa làm rắn.
Ngay lúc nghe tiếng chuông,
Đang nằm phải ngồi dậy,
Chắp tay khởi tâm lành,
Hiền thánh đều hoan hỷ.
Hồng chung vang vọng khắp muôn nơi,
Thức tỉnh chúng sinh thoát cõi đời,
Sinh tử đêm dài bao tội khổ,
Nghe chuông phiền não thảy đều vơi.
Sáu thức[53] mê mờ vô cùng khổ,
Vô minh che lấp vạn mê đồ,
Đêm ngày nghe chuông bừng giác ngộ,
Lòng vui cõi tịnh đắc thần thông.
________________

[51] A-la-hán 阿羅漢 (S: Arhat): bậc thánh đã đoạn hết kiến hoặc, tư hoặc trong ba cõi, chứng được Tận trí, xứng đáng được nhận tất cả sự cúng dường của thế gian; một trong bốn quả Thanh văn; một trong mười đức hiệu của Như Lai.
 
[52] Duy-na: 維那 (S: karma-dāna): chức vụ quản lý, điều hành và lo liệu các việc của đại chúng trong chùa.

[53] Sáu thức (lục thức 六識; S: Saḍvijñāna): nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức.
 
Trích từ: Thiện Ác Nghiệp Báo
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Kinh Chiêm Sát Nghiệp Báo Thiện Ác, Thích Thiện Thông Tải Về
2 Thiện Ác Nghiệp Báo, Thượng Tọa Thích Nguyên Chơn Tải Về

Nhân Qủa
Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám

Lý Luận và Sự Thật Của Nhân Qủa
Hòa Thượng Thích Tịnh Không