Có ba : Lời dẫn, Biếng nhác, Chuyên tu.

XVIII.4.1. Lời dẫn

Chỉ tu hạnh nhẫn nhục thôi thì chưa đủ, vì ý chỉ rốt ráo chưa được hiển bày, thế nên phải tinh tiến để tâm không biếng nhác.

Kinh ghi: “Tì-kheo các ông phải dõng mãnh tinh tiến, mặt trời trí tuệ của đấng Thập Lực[95] đã lặn, các ông sẽ bị vô minh che phủ”.

Lại nói: “Người xiển-đề[96] suốt ngày nằm dài như thây chết, mà nói họ thành tựu đạo nghiệp, thật không có lý này”.

Thích luận[97] ghi: “Người tại gia biếng nhác thì mất quyền lợi ở đời. Người xuất gia biếng nhác thì mất pháp bảo. Thế nên, Tư-na dõng mãnh được chư Phật ngợi khen, Ca-diếp[98]tinh tiến được Như Lai ấn chứng”.

[98b] Sách Nho ghi: “Thức khuya dậy sớm, dốc sức quên thân mới được gọi là bề tôi trung, mới xứng đáng người con hiếu”. Nên biết, người buông lung biếng nhác thì không được mọi người tôn trọng, người siêng năng chịu khó thì lúc nào cũng được thành tựu. Sao cứ mãi buông lung, ngu mê phóng túng kiêu mạn, để đến nỗi hạt giống thiện căn không thể nảy mầm, cành nhánh bồ-đề ngày càng khô héo. Huống hồ thân này rồi cũng ra đi, Diêm vương gọi tên, lôi vào âm phủ, mãi mãi đánh mất tư lương, quan ngục tra hỏi, lấy gì đối đáp, đến lúc này hối hận sao kịp!”.

Vì thế, ngày nay khuyên các hành giả nhân lúc còn mạnh khỏe, hãy chuẩn bị tư lương, trong sáu thời thường kiểm soát ba nghiệp, chớ để trái phạm. Sớm tối mỗi ngày, từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, từ chiều đến tối, từ tối đến sáng, cho đến một giờ một khắc, một niệm một sát-na, hành giả phải kiểm soát ba nghiệp, biết rõ: có bao nhiêu tâm làm thiện, bao nhiêu tâm làm ác, bao nhiêu tâm hiếu thuận, bao nhiêu tâm ngỗ nghịch, bao nhiêu tâm xa lìa tài sắc, bao nhiêu tâm tham đắm tài sắc, bao nhiêu tâm gieo nghiệp thiện của cõi trời, người; bao nhiêu tâm tạo nghiệp bất thiện của ba đường ác[99], bao nhiêu tâm xa lìa danh lợi chấp ngã, bao nhiêu tâm tham cầu danh tiếng chấp ngã, bao nhiêu tâm thích tu pháp xuất thế của ba thừa[100], bao nhiêu tâm khinh chê ba thừa, tham đắm thế gian.

Các tâm thiện ác ngày đêm trái nhau như thế, nên hành giả thường phải kiểm soát chớ để buông lung, rơi vào lưới tà, hằng tỉnh thức ba nghiệp, luôn răn nhắc, cảnh tỉnh cho nhau. Tâm và miệng luôn nhắc nhở nhau. Tâm nhắc nhở miệng : “Anh nên nói điều thiện, đừng nói điều phi pháp”. Miệng lại dặn dò tâm: “Anh nên nghĩ đến chính pháp, đừng nghĩ điều phi pháp”. Tâm lại nói với thân: “Anh nên tinh tiến chớ biếng nhác”.

Như thế, tâm ta tự điều phục, miệng ta tự thận trọng, thân ta tự cấm ngăn. Tự cảnh tỉnh như vậy, mới xứng đáng là người hoàn thiện, đâu phiền đến người khác nhắc nhở, gây thêm sự oán ghét nhau.

Cho nên, kinh ghi: “ Thân làm việc thiện, miệng nói lời hay, ý nghĩ điều tốt, nhất định sẽ sinh vào đường lành. Ngược lại, thân làm việc ác, miệng nói lời hung dữ, ý nghĩ điều tà vạy chắc chắn, sẽ sinh vào nẻo ác. Ví như ngựa hay vừa thấy bóng roi liền chạy, không như ngựa hèn phải đợi roi vọt mới đi. Con người cũng như vậy, nếu không tự răn nhắc, để người khác quở trách, thì trái lại chỉ tăng thêm phiền não, tội càng nặng hơn.

XVIII.4. 2. Biếng nhác

Kinh Bồ-tát bản hạnh ghi: “Đức Phật bảo A Nan:

– Biếng nhác sẽ làm chướng ngại mọi điều. Như người tại gia biếng nhác thì cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, tài sản thiếu hụt. [98c] Người xuất gia biếng nhác thì không thể thoát khỏi cái khổ sinh tử. Nên biết, tất cả mọi việc đều nhờ siêng năng mà được hưng thịnh.

Bấy giờ, Đế Thích liền nói kệ:

Muốn cầu đạo giải thoát,
Đừng tiếc thân mạng mình,
Xả thân như đất bẩn,
Thấu rõ không thật ngã.
Dùng của báu bố thí,
Không có gì là khó,
Người tinh tiến dõng mãnh,
Mới chóng được thành Phật”.

Kinh Tăng nhất a-hàm[101] ghi: “Nếu người biếng nhác, gieo nghiệp bất thiện sẽ làm tổn hại đến sự nghiệp. Nếu siêng năng mới là điều tốt đẹp hơn cả. Cho nên, bồ-tát Di-lặc trải qua ba mươi kiếp mới thành Phật. Ta nhờ sức tinh tiến và tâm dõng mãnh, nên thành Phật trước ngài Di Lặc. Vì vậy, các ông phải luôn tinh tiến, chớ có biếng nhác”.

Kinh Thí dụ ghi: “Vào thời đức Phật Ca-diếp, có hai anh em nọ đều làm sa-môn. Người anh luôn giữ giới, tu tập thiền định, một lòng cầu đạo, nhưng không bố thí. Người em bố thí tu phúc, nhưng hay phá giới. Người anh xuất gia theo Phật Thích-ca đắc quả A-la-hán, nhưng áo không đủ mặc, cơm không đủ no. Còn người em tái sinh vào loài voi, làm voi có sức mạnh, có khả năng đánh thắng kẻ địch nên được vua yêu quý, phong cho mấy trăm ấp và cung cấp cho vàng bạc, châu báu, anh lạc.., voi muốn gì đều được đầy đủ. Bấy giờ, gặp lúc mất mùa, người anh là tì-kheo đi khắp nơi khất thực suốt bảy ngày vẫn không được thức ăn, cuối cùng mới được chút ít đồ ăn dở, tạm giữ được mạng sống. Vị tì-kheo quán biết voi kia đời trước là em mình nên đi đến bên cạnh, kề tai voi nói: ‘Trước kia ta và ngươi đều mắc tội’. Voi suy gẫm lời của vị tì-kheo, nhớ lại nhân duyên kiếp trước của mình nên buồn bã, không chịu ăn uống. Người giữ voi lo sợ, đi đến tâu việc ấy với vua. Vua hỏi ông ta:

– Trước đây có người nào xúc phạm voi không?

Người giữ voi thưa:

– Không có người nào khác chỉ có một vị sa-môn đi đến bên voi chốc lát rồi đi.

Vua liền sai người đi tìm vị sa-môn, hỏi xem đến bên voi nói điều gì. Vị sa-môn đáp:

– Tôi nói với voi ‘Ta và ngươi đều mắc tội’.

Vị Sa-môn kể lại cho nhà vua nghe đầy đủ sự việc đời trước. Vua hiểu ra, liền cho thả vị sa-môn”.

Kinh Phật thuyết mã hữu bát thái thí nhân ghi[102]:

– Phật bảo các tì-kheo: “Loài ngựa có tám thói xấu. Đó là:

1. Khi tháo dây cương liền muốn kéo xe chạy

2. Khi đóng xe vào thì nó nhảy cỡn lên, muốn đá người

3. Cất hai chân trước lúc kéo xe chạy

4. Đạp vào bánh xe

5. Khi người mang ách vào thân nó, thì nó giật xe lùi lại

6. Đi càn chạy bừa

7. Kéo xe ruổi chạy, nhưng khi gặp bùn lầy thì đứng lì, không chịu đi

8. Treo máng cho ăn, thì nhìn hoài không chịu ăn, nhưng khi chủ dắt đi sắp đóng vào xe, bắt ngậm hàm thiết, thì muốn ăn cũng không được”.

Đức Phật dạy:

– Con người cũng có tám tật xấu. Đó là:

1. Nghe giảng kinh Phật, liền bỏ đi không thích nghe, như khi ngựa được mở dây cương, thì kéo xe chạy.

2. Nghe giảng nghĩa kinh, không hiểu, không biết yếu chỉ của kinh điển thì nổi giận, nhảy dựng lên, không muốn lắng nghe, như ngựa khi đóng xe vào thì nó nhảy cỡn lên, muốn đá người.

3. Nghe giảng kinh, liền chống đối, không chấp nhận, như khi ngựa cất hai chân trước, kéo xe chạy.

[99a] 4. Khi nghe giảng kinh, lại mắng chửi, như ngựa đạp bánh xe.

5. Nghe giảng kinh, liền đứng dậy, bỏ đi, như ngựa khi người mang ách vào thân nó, thì nó giật xe lùi lại.

6. Khi giảng kinh, không chịu lắng nghe, ngoái đầu nhìn quanh, rồi nói chuyện riêng, như khi ngựa đi càn, chạy bừa.

7. Nghe giảng kinh, liền muốn bắt bẻ đến cùng, hỏi vặn để đối phương không thể đáp được, lại cắt ngang, nói càn, như ngựa gặp bùn lầy thì đứng lì, không chịu đi.

8. Nghe giảng kinh, không chịu lắng nghe, lại nghĩ đến sự dâm dục, mong cầu đủ thứ, không muốn tiếp nhận, sau khi chết bị rơi vào đường ác, dù muốn học hỏi, hành đạo cũng không thể được. Người này giống như ngựa khi treo máng cho ăn, thì nhìn hoài không chịu ăn, nhưng khi chủ dắt đi sắp đóng vào xe, bắt ngậm hàm thiết, thì muốn ăn cũng không được.

Đức Phật dạy:

– Ta nói ngựa có tám thói hư, con người cũng có tám tật xấu như vậy. Sau khi nghe Phật dạy, các tì-kheo vui vẻ lễ Phật, rồi lui ra.

XVIII.4.3. Sách tấn tu tập

Kinh Thí dụ ghi: “Có vị sa-môn nước La-duyệt-kỳ tọa thiền, tự lập thệ rằng: ‘Nếu ta không đắc đạo thì không bao

giờ đứng lên’. Vì thế, vị ấy đẽo cây dùi dài tám tấc, khi sắp buồn ngủ thì chích vào hai bắp vế làm cho đau để khỏi ngủ, nên một năm sau thì đắc đạo”.

Kinh Bạc-câu-la ghi: “Bạc-câu-la[103] nói:

– Từ khi xuất gia đến nay đã tám mươi năm, ta chưa từng nằm nghỉ, hông không dính chiếu, lưng không tựa giường”.

Kinh Di giáo ghi: “Các thầy tì-kheo! Nếu tinh tiến dõng mãnh thì không việc gì là khó, thế nên các thầy phải luôn tinh tiến. [99b] Thí như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì đá cũng mòn. Nếu hành giả tâm luôn biếng trễ thì cũng giống như dùi lửa, lửa chưa có mà đã dừng, dẫu muốn có lửa cũng không thể được”.

Luận Trí độ ghi: “Thân tinh tiến là việc nhỏ, tâm tinh tiến mới là việc lớn. Tinh tiến làm những việc bên ngoài là việc nhỏ, tinh tiến quán sát tự thân mới là việc lớn”.

Lại nữa, Phật dạy, sức của ý nghiệp rất mạnh, như khi tiên nhân sân giận đã khiến cho nước lớn bị diệt vong. Lại nữa, thân miệng tạo năm tội nghịch, chịu quả báo một kiếp ở địa ngục A-tì[104], nhưng nhờ sức của ý nghiệp mà sinh vào cõi Phi hữu tưởng phi vô tưởng, thọ tám mươi nghìn đại kiếp, lại sinh về cõi nước Phật trong mười phương, thọ mạng vô lượng. Vì thế, thân miệng tinh tiến là việc nhỏ, ý tinh tiến mới là việc lớn. Tất cả các kinh đều tán thán hạnh tinh tiến, nếu nhất tâm chính niệm thì sớm đắc đạo quả, không nhất định phải học rộng nghe nhiều.

Luận Tỳ-bà-sa ghi: “con ngựa chạy chậm. Tuy cưỡi con ngựa chạy chậm, nhưng nhờ xuất phát trước nên người ấy đến đích trước. Cũng vậy, người có đức tin giải thoát, tinh tiến tu hành sẽ đến Niết-bàn trước. Như vậy, cả hai đều đạt kết quả viên mãn như nhau”.
Kinh Lục độ ghi: “Có bốn trường hợp tinh tiến để có đầy đủ trí tuệ. Đó là:

1. Siêng năng đa văn[105]
2. Siêng năng tổng trì[106]
3. Siêng năng nhạo thuyết[107]
4. Siêng năng chính hạnh[108]”.

Trong Lục độ tập kinh ghi: “Phật bảo các đệ tử phải tinh tiến dõng mãnh lắng nghe, đọc tụng, không được biếng nhác mà bị năm ấm[109], năm cái[110] ngăn che. Ta nhớ cách đây vô số kiếp về quá khứ, có vị Phật hiệu là Nhất Thiết Độ Vương. Bấy giờ, trong chúng có hai vị tì-kheo, một vị tên là Tinh Tiến Biện, một vị tên Đức Lạc Chỉ cùng nghe pháp. Tinh Tiến Biện nghe kinh, sinh tâm hoan hỷ, ngay khi ấy đắc quả A-duy-việt-trí[111], đầy đủ thần thông. Còn Đức Lạc Chỉ vì mê ngủ không tỉnh giác nên không đạt được gì cả. Bấy giờ, Tinh Tiến Biện nói với Đức Lạc Chỉ: ‘Huynh phải siêng năng lên chứ, sao cứ ngủ hoài vậy?’. Đức Lạc Chỉ nghe lời nhắc nhở này liền kinh hành, nhưng lại đứng ngủ, không thể định tâm, sau đến bên bờ suối ngồi thiền, cũng lại buồn ngủ. Bấy giờ, vì muốn dùng phương tiện khéo léo đến độ anh ta, Tinh Tiến Biện hóa thành con ong chúa bay đến đậu trên mắt như muốn chích. Vì sợ ong chúa này chích, Chỉ ngồi tỉnh táo, nhưng được chốc lát lại ngủ. Khi ấy, con ong bay vào nách, chích vô ngực và bụng, Lạc Chỉ hoảng sợ không dám ngủ nữa. [99c] Lúc này, quanh suối có nhiều loài hoa tươi đẹp, ong chúa bay đến đậu trên hoa hút mật, Lạc Chỉ ngồi ngay thẳng nhìn ong chúa, sợ nó bay đến chích nên không dám ngủ. Ong chúa ham hút mật hoa không chịu bay. Một lát sau, ong chúa ngủ gục, rơi xuống bùn. Tắm gội thân thể xong, nó lại bay về đậu trên hoa. Bấy giờ, Lạc Chỉ nói kệ cho ong chúa nghe:

Thân mày được no đủ,
Là nhờ hút mật hoa,
Chẳng phải nên mang về,
Cho cả vợ con ư?
Cớ sao rơi xuống bùn,
Tự làm nhơ thân thể,
Vì thế nếu sáng suốt,
Bỏ đi mật hoa này,
Cũng không nên ở lâu,
Bên trong đóa hoa ấy,
Mặt trời lặn, hoa khép,
Muốn ra cũng không được,
Phải đợi sáng hôm sau,
Mày mới bay ra khỏi,
Suốt đêm dài tăm tối,
Như thế thật khổ nhọc.

Bấy giờ, ong chúa nói kệ đáp lại Lạc Chỉ:

Phật pháp như cam lộ,
Nghe hoài không biết chán,
Chớ nên sinh biếng lười,
Không ích lợi cho ai.
Biển sinh tử năm đường,
Như rơi vào bùn nhơ,
Người ngu si mê lầm,
Bị ái dục trói buộc.
Mặt trời mọc, hoa nở,
Ví cho sắc thân Phật,
Mặt trời lặn, hoa khép,
Như Thế Tôn niết-bàn.
Gặp thời Phật ra đời,
Nên tinh tiến tu hành,
Bỏ ngủ nghỉ ngăn che,
Đừng nghĩ Phật còn mãi.
Yếu chỉ của pháp mầu,
Không phải nơi hình tướng,
Tôi hiện ra tham đắm,
Nên biết là phương tiện,
Khéo léo để độ ông,
Được lợi ích thật sự,
Nay biến hóa như vậy,
Cũng là vì tất cả.

Bấy giờ, Đức Lạc Chỉ nghe bài kệ này liền đắc Bất khởi pháp nhẫn[112], và nhân đó đắc Đà-la-ni”.

Đức Phật bảo tôn giả A-nan:

– Tinh Tiến Biện thuở ấy là Ta, Đức Lạc Chỉ chính là bồ-tát Di-lặc. [100a] Thuở ấy Ta và Di-lặc cùng nghe pháp, nhưng vì Di-lặc mê ngủ nên không chứng đạo. Nếu Ta không dùng phương tiện khéo léo để giúp đỡ thì bồ-tát Di-lặc đến nay vẫn còn ở trong sinh tử, chưa được giải thoát.

Kinh Pháp cú thí dụ ghi: “Thuở xưa, ở nước ngoài, có một thanh tín sĩ[113] hết lòng cúng dường tam bảo. Bấy giờ, có vị sa-môn cùng với các bạn đồng đạo đều đã đắc thần thông, sinh tử đã dứt. Khi ấy, vị thanh tín sĩ này lâm bệnh nặng, trị đủ thuốc men vẫn không khỏi. Bấy giờ, người vợ đứng bên cạnh khóc lóc sầu khổ, nói: ‘Cùng là vợ chồng, sao một mình anh phải chịu khổ như thế. Nếu anh chết đi, em biết nương tựa vào đâu, phận gái cô đơn biết cậy nhờ ai!’. Nghe vậy, người chồng xót xa, ngay đó mạng chung. Thần thức tái sinh làm con dòi ở trong lỗ mũi người vợ, người vợ khóc mãi không ngớt.

Bấy giờ, vị sa-môn ấy đến thăm bà ta, biết người chồng mới chết hóa làm con dòi ở trong lỗ mũi, nên muốn khuyên bảo để bà vơi bớt nỗi buồn. Thấy vị sa-môn đến, bà ta càng thêm sầu khổ, thưa:

– Bạch hòa thượng, làm sao đây! Chồng con chết mất rồi!

Bấy giờ, người vợ nước mắt nước mũi chảy dài, con sâu trong mũi bèn rơi xuống đất, người vợ xấu hổ định lấy chân chà chết nó, vị sa-môn liền can:

– Đừng, đừng! Chớ giết nó! Người chồng của con hóa sinh làm con dòi này.

Người vợ thưa với Sa-môn:

– Chồng con siêng năng tụng kinh, giữ giới không ai bì kịp, vì sao mạng chung lại đọa làm con dòi này?

Vị sa-môn đáp:

– Bởi vì con thương yêu, khóc lóc, than thở, nên chồng con lưu luyến. Vì vậy sau khi chết, chồng con đọa làm dòi.

Vị sa-môn thuyết pháp cho dòi nghe: ‘Lẽ ra ông được sinh lên trời hay sinh ở trước chư Phật, nhưng vì ân ái nên ông bị đọa làm dòi, thật đáng hổ thẹn!’. Dòi nghe lời này, tâm ý bừng tỉnh, bèn tự trách mình, ngay khi ấy mạng chung, sinh lên cõi trời”.

Cho nên, chúng ta phải tự cảnh tỉnh! Làm người thì không được biếng trễ mà tổn hại đến đời sau.

______________________

[95] Thập Lực 十力 (S:daśa balāni): ở đây chỉ Đức Phật.
 
[96] Xiển-đề 闡提: người mất hết căn lành, không có điều kiện thành Phật.
 
[97] Thích luận 釋論: luận giải thích kinh điển, ở đây chỉ cho luận Đại trí độ của ngài Long Thụ giải thích kinh Đại phẩm bát-nhã.
 
[98] Ca-diếp 迦葉 (Hd: Ẩm Quang; S: Mahā-kāśyapa): một vị đệ tử xuất sắc, nổi tiếng có hạnh đầu đà nghiêm túc nhất trong hàng đệ tử Phật.
 
[99] Tam đồ 三塗: đồng nghĩa với ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Đó là hỏa đồ, đao đồ và huyết đồ, là nơi do ác nghiệp của thân, khẩu, ý dẫn sinh.
 
[100] Tam thừa 三乘 (S: trīṇi yānāni): ba xe, dụ cho ba pháp môn chuyên chở chúng sinh vượt qua sinh tử đến bờ Niết-bàn. Đó là Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ tát thừa.
 
[101] Kinh Tăng nhất a-hàm (Tăng nhất a-hàm kinh 增壹阿含經; S: Ekottarikāgama): kinh, năm mươi mốt quyển, do ngài Cù-đàm Tăng-già-đề-bà dịch vào đời Đông Tấn, Trung quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 2, là một trong bốn bộ A-hàm thuộc Bắc truyền.
 
[102] Kinh Phật thuyết mã hữu bát thái thí nhân (Phật thuyết mã hữu bát thái thí nhân kinh 馬有八態譬人經): kinh, một quyển, do ngài Chi Diệu dịch vào đời Hậu Hán. Nội dung nói về ngựa chứng có tám tính xấu để chỉ cho hàng tì-kheo có thói xấu.
 
[103] Bạc-câu-la 薄拘羅 (S: Vakkula, Bakkula, Bakula, Vakula): một vị đệ tử của Đức Phật. Thuở nhỏ, Bạc-câu-la bị kế mẫu sát hại năm lần mà không chết. Từ khi xuất gia cho đến khi viên tịch, ngài luôn khỏe mạnh không hề đau ốm, hưởng thọ một trăm sáu mươi tuổi, được người đời tôn xưng là trường thọ bậc nhất.
 
[104] Địa ngục A-tì (A-tì địa ngục 阿鼻地獄; S: Avīci): địa ngục vô gián, một trong tám địa ngục nóng.
 
[105] Đa văn 多聞 (S: bahu-sruta): học rộng nghe nhiều những kinh giáo của Đức Phật.
 
[106] Tổng trì 總持 (S: dharani): pháp môn tổng trì, là sức niệm tuệ có công năng tổng nhiếp ghi nhớ vô lượng Phật pháp, không cho quên mất.
 
[107] Nhạo thuyết 樂說: ưa thích thuyết pháp và thuyết pháp thuận theo sự ưa muốn của chúng sinh.
 
[108] Chính hạnh 正行 (S: Samyak-pratipatti): hành vi chân chính, mực thước do Phật dạy hoặc chính nhân vãng sinh Tịnh Độ.
 
[109] Năm ấm (ngũ ấm 五陰; S: pañca-skandha; Cg: ngũ uẩn): năm sự tích tụ theo từng loại tất cả pháp hữu vi. Đó là sắc, thụ, tưởng, hành, thức.
 
[110] Năm cái (ngũ cái 五蓋; S: pañca āvaraṇāni): năm thứ phiền não che lấp tâm tính, làm cho pháp lành không phát sinh được. Đó là tham dục, sân khuể, hôn miên, trạo cử ố tác, nghi.
 
[111] A-duy-việt-trí 阿維越致 (Cg: A-bệ-bạt-trí): quả vị bất thoái chuyển.
 
[112] Bất khởi pháp nhẫn 不起法忍 (Cg: Vô sinh pháp nhẫn; S: anutpattika-dharma-ksanti): pháp nhẫn vô sinh, một trong ba nhẫn, tức quán lý không sinh không diệt của các pháp, nhận kĩ lý ấy, an trụ tâm bất động.
 
[113] Thanh tín sĩ 清信士 (Cg: thanh tín nam; S: Upāsaka): người nam thụ tam qui, ngũ giới, có lòng tin trong sạch đối với Phật pháp.
 
Trích từ: Thiện Ác Nghiệp Báo
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Thiện Ác Nghiệp Báo, Thượng Tọa Thích Nguyên Chơn Tải Về
2 Kinh Chiêm Sát Nghiệp Báo Thiện Ác, Thích Thiện Thông Tải Về

Khuyên Nỗ Lực Tinh Tấn
Đại Sư Linh Phong Ngẫu Ích Trí Húc