XVIII.2.1. Lời dẫn

Trộm nghe, giới là thầy của loài người, đạo tục đều nên vâng giữ. Tâm là chủ của hành động, phàm thánh đều phải điều phục. Thật do tam bảo gia hộ mà bốn loài[66] đều được thấm nhuần. Cho nên, kinh chép: “Chính pháp trụ hay chính pháp diệt” ý tại chỗ này.

Vì thế, lấy việc trì giới làm công đức đã được hiển bày rõ ràng trong Đại kinh[67], tính thiện đáng tôn sùng đã được trình bày đầy đủ trong Đại luận[68]. Giới được ví như mặt trời, mặt trăng sáng chói, tợ như bảo châu, về nghĩa thì đồng với hương thoa, về sự thì đồng với nước quý. Giới có công năng vượt qua biển lớn, nên được gọi là “chiếc thuyền kiên cố”; lại có năng lực nuôi lớn mầm thiện, nên được gọi là “mảnh đất bằng phẳng”. Vì vậy, hàng bồ-tát vâng giữ, không thiếu sót mảy may như vi trần, bậc a-la-hán giữ gìn không phạm lỗi nhỏ như hạt cải. Các ngài thà chịu khát mà chết chứ không uống nước có trùng, thà bị trói mà mất mạng chứ không làm hại lá cỏ.

Kinh Thư chép: “Lập thân tu đạo, rạng danh ở đời sau, phải nên canh cánh bên lòng ngôn hạnh trung tín”, đâu thể để tâm buông lung như ngựa không cương roi, mặc ý dong ruỗi như vượn chuyền cành, không kiềm chế. Một khi phao nổi đã thủng thì đường trước mịt mờ, bình công đức đã vỡ thì duyên lành bặt dứt. Hoặc giao du với người xấu, kết bạn với kẻ hung tàn, cùng nhau làm loạn, tạo đủ điều tội lỗi mà không chút xấu hổ, không chút nhục nhã, ngày càng sa đọa, cứ mãi nổi trôi.

Người phạm giới tợ như rau đay, ngải cứu, cành lá đều đắng; lại như cây ha-lê[69], toàn thân không có vị ngọt. Người này từ sáng vào tối, không có ngày ra, nhiều kiếp trôi lăn, đau đớn vô cùng, thật khó nhẫn chịu.

Thế là, họ phải chịu cảnh vạc sắt nước sôi sùng sục, khí độc xông lên ngút trời; lò than lửa dữ hừng hực, thiêu nổ xé đất; nước đồng sôi rót vào miệng, ruột nát gan tan; cột đồng cháy đỏ đốt thân, xương thịt rã vụn, lăn lộn kêu gào, lời nào tả được!

Những nỗi khổ như thế đều là do hủy phạm giới cấm”.

XVIII.2.2. Khuyên giữ giới

Luận Đại trang nghiêm ghi: “Nếu người chí thành trì giới cho dù mất mạng vẫn được quả báo trong đời hiện tại. Xưa Ta từng nghe, trong thành Nan-đề-bạt-đề có hai anh em ưu-bà-tắc đều thụ trì năm giới. Bấy giờ, người em đột nhiên bị đau lưng sắp chết. Khi ấy, thầy thuốc bảo anh ta:

– Cậu phải ăn thịt chó mới giết và uống rượu thì bệnh sẽ khỏi.

Người bệnh trả lời:

– Thịt chó thì có thể ra chợ mua về ăn, nhưng việc uống rượu thì tôi thà chết chứ không phạm giới.

[94a] Thấy bệnh tình của em vô cùng nguy cấp, người anh bèn lấy rượu đưa cho em và nói:

– Em nên xả giới uống rượu để trị cho lành bệnh!

Người em trả lời:

– Em tuy bệnh nặng, nhưng nguyện xả bỏ thân này, quyết không phạm giới mà uống rượu.

Rồi người em lại nói kệ:

Lạ thay! Sắp mạng chung,
Phá giới báu của em,
Lấy giới trang nghiêm thân,
Không cần đồ mai táng.
Thân người đã khó được,
Gặp giới càng khó hơn,
Nguyện bỏ trăm nghìn mạng,
Không hủy phạm giới cấm.
Vô lượng trăm nghìn kiếp,
Nay mới gặp được giới,
Trong cõi Diêm-phù này,
Thân người rất khó được.
Tuy đã được thân người,
Gặp chính pháp càng khó,
Nay được gặp pháp bảo,
Kẻ ngu không giữ gìn,
Người khéo biết nhận thức,
Việc này càng khó hơn.
Giới báu đã thụ trì,
Sao có kẻ muốn đoạt,
Đó là kẻ oán thù,
Chẳng phải là người thân.

Nghe bài kệ xong, người anh nói với em rằng:

– Anh vì thương em, chứ không phải muốn em phá giới.

Người em trả lời:

– Đó chẳng phải thương em mà là làm hại em.

Người em lại nói kệ:

Em muốn về cõi lành,
Phá giới sẽ đọa lạc,
Xả giới cũng như thế,
Sao gọi là thương yêu?
Em giữ giới căn bản,
Anh lại bảo hủy phạm,
Trong năm giới đã thụ,
Giới rượu rất quan trọng,
Nay ép em phá giới,
Chẳng thể gọi là thương.

Người anh hỏi em:

– Vì sao nói rượu là giới căn bản?

Người em đáp lại bằng bài kệ:

Nếu đối với giới cấm,
Chẳng dốc lòng hộ trì,
Sẽ trái tâm đại bi,
Rượu bằng đầu ngọn cỏ,
Còn không dám nếm vào,
Vì thế nên em biết,
Rượu là nhân đường ác.
Kinh của hàng tại gia,
Nói ác báo của rượu,
Chỉ Phật mới biết rõ,
Ai có thể suy lường!
Phật nói về ác hạnh,
[94b] Ba nghiệp thân khẩu ý,
Nhưng rượu là căn bản,
Khiến rơi vào đường ác.
Ngày xưa ưu-bà-tắc[70],
Do nhân duyên uống rượu,
Bèn phá luôn bốn giới,
Đây là nhân ác hạnh.
Rượu chịu quả phóng dật,
Không uống, bít đường ác,
Có được tâm tin thích,
Dứt tham, hành bố thí.
Thủ-la nghe Phật dạy,
Được rất nhiều lợi ích,
Ý em cũng như vậy.
Còn muốn hủy phạm giới,
Nói sơ lược như vầy:
Thà bỏ nghìn mạng sống,
Không trái lời Phật dạy,
Thà để thân khô gầy,
Quyết không uống rượu này.
Giả sử hủy phạm giới,
Được sống trăm nghìn năm,
Chẳng bằng giữ giới cấm,
Mà thân liền hư hoại.
Biết chắc bệnh sẽ lành,
Em vẫn cố không uống,
Huống nay chưa biết rõ,
Là lành hay không lành.
Lòng quyết định như thế,
Tâm sinh đại hoan hỷ,
Liền được thấy chân đế,
Bệnh liền được tiêu trừ.

Luận Đại trang nghiêm ghi: “Xưa ta từng nghe, có các tì-kheo cùng với những người thương buôn vào biển tìm châu báu. Vừa ra giữa biển thì thuyền bị hỏng. Bấy giờ, có một tì-kheo tuổi trẻ vớ được một tấm ván, vị tì-kheo thượng tọa vì không nắm được tấm ván nên sắp chìm xuống nước. Lúc ấy, vị tì-kheo thượng tọa vô cùng hoảng hốt, sợ bị nước cuốn trôi bèn nói với vị tì-kheo tuổi trẻ:

– Con há không nhớ lời Phật dạy nên kính bậc thượng tọa sao? Tấm ván mà con vớ được nên đem đến cho thầy!

Bấy giờ, tì-kheo tuổi trẻ suy nghĩ: ‘Đức Phật thật có dạy lời này: những gì có lợi lạc, trước nên dâng cho vị thượng tọa’. Lại nghĩ như vầy: ‘Nếu mình nhường tấm ván này cho vị thượng tọa thì chắc chắn mình sẽ bị chìm, bị cuốn theo dòng nước xoáy. Biển lớn thật rộng sâu, nguy hiểm, mạng sống của mình rất khó bảo toàn. Hơn nữa, mình tuổi còn trẻ, vừa mới xuất gia, chưa đắc đạo quả. Đó là điều làm mình lo buồn. Nay mình liều bỏ thân này để cứu thượng tọa thì thật là đúng lúc’. Sau khi suy nghĩ như vậy, vị tì-kheo tuổi trẻ nói kệ:

Ta nên tự cứu mình,
Hay vâng lời Phật dạy,
[94c] Được vô lượng công đức,
Danh vang khắp mười phương.
Thân này rất hèn mọn,
Sao lại trái Thánh giáo,
Ta nay thụ Phật giới,
Dẫu chết vẫn vững trì.
Vì vâng lời Phật dạy,
Dâng ván, bỏ thân mạng,
Nếu chẳng làm việc khó,
Không thể được quả Phật.
Nếu trái lời Phật dạy,
Mất lợi ích trời, người,
Cho đến quả Niết-bàn,
Sự an lạc vô thượng.

Nói bài kệ xong, vị tì-kheo trẻ mang tấm ván dâng cho vị tì-kheo thượng tọa. Khi vị tì-kheo tuổi trẻ vừa rời tấm ván, cảm động trước lòng thành ấy, thần biển liền đưa vị ấy lên bờ. Sau đó, thần biển chắp tay thưa với vị tì-kheo:

– Con nay xin quy y người nghiêm trì tịnh giới. Thầy nay gặp việc nguy hiểm như vậy mà vẫn giữ được giới của Phật. Thần biển lại nói kệ:

Thầy đúng là tì-kheo,
Thật là người khổ hạnh,
Gọi thầy là sa-môn[71],
Thật xứng với tên này.
Lẽ gì ngay bây giờ,
Ta không ủng hộ thêm,
Bậc kiến đế trì giới,
Không có gì là khó.
Phàm phu chẳng hủy giới,
Mới là việc khó làm.
Tì-kheo sống an ổn,
Thanh tịnh tự giữ gìn,
Xả bỏ điều yêu thích,
Để hộ trì cấm giới,
Làm được việc khó làm,
Thật là điều hiếm có”.

Luận Đại trang nghiêm ghi: “Ta từng nghe, xưa kia có một vị tì-kheo theo thứ tự khất thực, đến nhà làm nghề xỏ châu thì đứng ngoài cửa. Bấy giờ, người thợ đang xỏ châu ma-ni cho quốc vương, sắc đỏ từ ca-sa của vị tì-kheo chiếu vào hạt châu, làm hạt châu cũng có màu đỏ. Người thợ xỏ châu liền vào nhà lấy cơm ra cúng dường vị tì-kheo. Lúc ấy, có một con ngỗng nhìn thấy hạt châu màu đỏ giống như cục thịt, liền đến nuốt mất. Người thợ xỏ châu mang cơm ra dâng cúng vị tì-kheo, rồi tìm hạt châu mà chẳng thấy đâu cả. Vì hạt châu này rất quý, nên người thợ xỏ châu nổi giận, và hỏi:

– Thầy lấy hạt châu của tôi ư?

Vị tì-kheo sợ người thợ sẽ giết con ngỗng để lấy hạt châu, nên tìm cách để nó được thoát khỏi họa này, liền nói kệ:

Ta nay hộ mạng ngỗng,
Thân mình chịu khổ đau,
Không còn cách nào khác,
Chỉ biết lấy mạng thay!
[95a] Nếu nói nó nuốt châu,
Điều này không thể được,
Nếu nói nó vô tội,
Thì thành kẻ vọng ngữ.
Ta nay xả thân mạng,
Để cứu con ngỗng này,
Nhờ duyên ta giữ giới,
Nên thành tựu giải thoát.

Tuy đã nghe bài kệ này, người thợ xỏ châu vẫn nói với vị tì-kheo:

– Nếu không chịu trả lại, thì ông đành phải chịu khổ, tôi không tha cho ông đâu!

Vị tì-kheo nhìn quanh, không biết trông cậy vào ai. Như con nai bị bao vây, chẳng còn lối thoát, vị tì-kheo không người cứu giúp cũng giống như vậy. Bấy giờ, vị tì-kheo bèn chỉnh thân ngay thẳng, sửa lại y phục, người thợ xỏ châu nói với tì-kheo:

– Bây giờ, ông và tôi đánh nhau nhé!

Vị tì-kheo trả lời:

-Tôi không đánh với ông đâu! Tôi tự đánh với các kết sử thôi!

Vị tì-kheo lại nói kệ:

Khi ta bỏ thân mạng,
Xuống đất như củi khô,
Đáng để người khen ngợi,
Vì ngỗng mà xả thân.

Khi ấy, người thợ xỏ châu trói chặt hai tay và đầu của vị tì-kheo, rồi lấy gậy đánh. Vị tì-kheo nhìn quanh bốn phía nhưng không biết nói gì, bèn suy nghĩ: ‘Những nỗi khổ trong đường sinh tử đều là như thế’!

Tì-kheo lại nói kệ:

Xả thân tạm bợ này,
Đổi lấy thân giải thoát,
Ta mặc y phấn tảo,
Khất thực làm sự nghiệp,
Dừng nghỉ nơi gốc cây,
Do vì nhân duyên gì,
Mà phải làm kẻ trộm,
Ông nên suy nghĩ kỹ.

Bấy giờ, người thợ xỏ châu nói với vị tì-kheo:

– Đâu cần phải nhiều lời!

Thế rồi, người ấy trói chặt và đánh đập nhiều hơn. Dây quấn chặt đến nỗi tai, mắt, mũi, miệng của vị tì-kheo đều chảy máu. Khi ấy, con ngỗng chạy đến liếm máu, người thợ tức giận đánh chết con ngỗng. Thấy thế, vị tì-kheo hỏi:

– Con ngỗng còn sống hay đã chết rồi?

Người thợ trả lời:

– Nó chết hay sống, mắc mớ gì đến ông mà hỏi!

Bấy giờ, nhìn sang con ngỗng, thấy nó đã chết, vị tì-kheo buồn bã, rơi lệ, rồi nói kệ:

Ta chịu mọi khổ đau,
Vì mong ngỗng được sống,
Nay mạng ta chưa hết,
Ngỗng đã chết trước ta.
Ta muốn cứu mạng ngươi,
Gánh chịu cực khổ này,
Vì sao ngươi chết trước,
Tâm nguyện ta không thành.

[95b] Người thợ xỏ châu hỏi vị tì-kheo:

– Rốt cuộc, con ngỗng đó có thân thích gì với ông mà ông buồn khổ đến thế?

Vị tì-kheo đáp:

– Vì không tròn tâm nguyện, nên tôi không vui.

Người thợ xỏ châu lại hỏi:

– Ông có ước nguyện gì?

Vị tì-kheo đáp lại bằng bài kệ:

Xưa bồ-tát đã từng,
Xả thân cứu bồ câu.
Ý tôi cũng như vậy,
Xả mạng thay ngỗng kia.
Muốn cho ngỗng được sống,
Lâu dài, thường an vui,
Do ông giết nó rồi,
Nên nguyện tôi chẳng toại.

Sau khi nghe vị tì-kheo trình bày đầy đủ, người thợ xỏ châu mổ bụng con ngỗng để lấy lại hạt châu. Vừa nhìn thấy hạt châu, ông ta òa khóc, nói với tì-kheo:

– Thầy bảo hộ mạng ngỗng mà không tiếc thân mình, đã khiến tôi làm điều sai trái này!

Người thợ xỏ châu lại nói kệ:

Thầy thầm tạo công đức,
Tợ như lửa vùi tro,
Bởi vì tôi ngu muội,
Chịu khổ trăm nghìn kiếp,
Thầy rất là tương xứng,
Với đức tính của Phật.
Do vì tôi ngu si,
Không thể quan sát kỹ,
Bị lửa si thiêu đốt,
Xin thầy lưu lại đây,
Cho tôi được sám hối,
Giống như người vấp ngã,
Nương đất để đứng lên,
Đỉnh lễ hạnh thanh tịnh,
Đỉnh lễ người trì giới,
Gặp phải nguy nan này,
Vẫn kiên trì giữ giới,
Vì ngỗng, thân chịu khổ,
Chẳng hề phạm giới cấm,
Việc này thật khó làm”.

Luận Đại trang nghiêm ghi: “Có các vị tì-kheo đang đi giữa đồng trống thì bị bọn cướp lột hết quần áo. Lúc ấy, bọn cướp sợ các tì-kheo chạy đến báo cho làng xóm biết, nên định giết tất cả. Trong số bọn họ, có một người trước đây đã từng xuất gia, nói với đồng bọn:

– Nay chúng ta đâu cần giết hại họ! Giới luật của tì-kheo là không được làm tổn thương cỏ cây. Bây giờ chỉ cần chúng ta lấy cỏ trói các tì-kheo, vì sợ làm tổn hại cây cỏ, nên họ sẽ không bứt ra để đi báo cho mọi người hay đâu!

Nghe nói vậy, bọn giặc liền lấy cỏ trói các tì-kheo lại, rồi bỏ đi. Các vị tì-kheo đã bị trói bằng cỏ, lại sợ phạm giới nên không dám bứt đi. Thân không có y phục, nên các tì-kheo bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt, muỗi mòng, ruồi kiến cắn chích… Họ bị trói từ sáng đến chiều, mãi đến lúc trời tối. Đêm đến, cầm thú rượt đuổi, thật là đáng sợ! Một vị tì-kheo lớn tuổi răn nhắc các tì-kheo trẻ bằng bài kệ:

[95c] Nếu người có trí tuệ,
Kiên trì giữ giới cấm,
Sẽ cảm báo như nguyện,
Trời, người và niết-bàn.
Long vương Y-la-bát,
Vì phá giới cấm này,
Làm tổn thương cây cỏ,

Mạng Các vị tì-kheo chịu nhiều đau khổ, lại sợ làm tổn thương cây cỏ, nên không dám co duỗi, cử động, một lòng giữ giới đến chết chẳng phạm. Vị tì-kheo lớn tuổi lại nói kệ:

Ta từ thuở xa xưa,
Từng tạo các nghiệp ác,
Hoặc được sinh làm người,
Trộm cắp và tà dâm.
Sống phải chịu quốc pháp,
Số nhiều không kể xiết,
Chết bị đọa địa ngục,
Cũng thật khó tính được.
Giả sử nắng mặt trời,
Thiêu thân ta khô cháy,
Ta vẫn giữ giới Phật,
Quyết không phạm giữa chừng.
Giả như gặp thú dữ,
Vồ xé thân thể ta,
Quyết không dám hủy phạm,
Giới của đấng Thích Tôn,
Thà giữ giới mà chết,
Không phạm giới mà sống.
Chết đọa làm loài rồng

Sau khi nghe vị tì-kheo lớn tuổi nói kệ, các tì-kheo đều đứng ngay thẳng, không dám cử động, như cây đại thụ lúc không có gió, cành lá đều không lay động. Gặp lúc vua nước ấy đi săn, lần hồi đi đến chỗ các vị tì-kheo bị trói. Từ xa nhìn thấy họ, vua khởi tâm nghi, cho đó là các vị thuộc phái Ni-kiền-tử lõa hình. Vua bèn sai người đến xem, mới biết đó là các tì-kheo. Nghe lời tâu lại, vua lấy làm quái lạ, liền đến chỗ các tì-kheo và nói kệ:

Dùng cỏ xanh trói tay,
Tợ cánh chim anh vũ,
Lại như dê tế trời,
Không động, không lay chuyển,
Tuy biết chốn nguy nan,
Đứng yên, không hại cỏ,
Như rừng bị lửa đốt,
Li ngưu [72]chết vì đuôi.

Nói kệ xong, vua đến hỏi các tì-kheo:

Thân thể không bệnh hoạn,
Khỏe mạnh như lực sĩ,
[96a] Do vì nhân duyên gì,
Cỏ buộc, không cử động,
Các vị há không biết,
Thân mình đang khỏe ư!
Bị chú làm mê hoặc,
Hay là tu khổ hạnh,
Hoặc nhàm chán thân này?
Hãy mau nói trẫm nghe.

Các tì-kheo liền trả lời vua bằng bài kệ:

Do giữ gìn giới cấm,
Không dám bứt cỏ cây.
Phật nói loài cây cỏ,
Là nơi quỷ thần nương,
Chúng tôi không dám trái,
Cho nên chẳng bứt phá.
Cũng như nơi tụng chú,
Vẽ ranh giới cho rắn,
Vì nhờ sức thần chú,
Rắn độc chẳng dám qua.
Mâu-ni phân phạm vi,
Chúng tôi không dám vượt,
Có phương tiện của Phật,
Được lợi ích bậc nhất,
Là người có trí tuệ,
Há phá bình giới đức?

Nghe kệ xong, vua vô cùng hoan hỷ, liền cởi trói cho các tỳ-kheo và nói kệ:

Lành thay vững lòng trì,
Giới pháp của Thích Tôn,
Thà xả bỏ thân mình,
Giữ giới, chẳng hủy phạm.
Tôi nay xin kính lễ,
Người xiển dương pháp mầu,
Quy y đấng Mâu-ni,
Giải thoát, lìa phiền não,
Tôi nay xin kính lễ,
Người giữ giới kiên trì”.
________________
[66] Bốn loài (tứ sinh 四生; S: catasro-yonayaḥ): bốn cách sinh sản khác nhau của loài hữu tình trong sáu đường thuộc ba cõi. Đó là noãn sinh; thai sinh; thấp sinh và hoá sinh.
 
[67] Đại kinh 大經: kinh trọng yếu chỉ về nghĩa cứu cánh. Nhưng mỗi tông phái nhìn nhận Đại kinh khác nhau, như tông Thiên Thai cho kinh Niết-bàn là Đại kinh, tông Tịnh Độ thì cho kinh Vô lượng thọ là Đại kinh.
 
[68] Đại luận 大論 (Cg: Đại trí độ luận): luận, một trăm quyển, do bồ-tát Long Thụ soạn, ngài Cưu-ma-la-thập dịch vào đời Hậu Tần, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 25.
 
[69] Cây ha-lê (ha-lê-lặc thụ 呵棃勒樹; S: haritakī): loại trái cây này là vị thuốc, có rất nhiều công dụng, bệnh gì cũng dùng được.
 
[70] Ưu-bà-tắc 優婆塞 (S: upāsaka): cư sĩ nam tại gia gần gũi phụng thờ tam bảo, thụ trì năm giới, là một trong hai chúng tại gia, một trong bốn chúng hoặc bảy chúng đệ tử Phật.
 
[71] Sa-môn 沙門 (S: śramaṇa): người xuất gia cạo bỏ râu tóc, dứt bỏ các điều ác, khéo điều hòa thân tâm, siêng năng làm các việc thiện để mong đạt đến Niết-bàn.
 
[72] Li ngưu 犛牛: loài trâu đuôi dài.

 

Trích từ: Thiện Ác Nghiệp Báo
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Kinh Chiêm Sát Nghiệp Báo Thiện Ác, Thích Thiện Thông Tải Về
2 Thiện Ác Nghiệp Báo, Thượng Tọa Thích Nguyên Chơn Tải Về

Khuyên Giữ Giới Sát Sanh
Đại Sư Linh Phong Ngẫu Ích Trí Húc

Khuyên Giữ Các Giới
Đại Sư Linh Phong Ngẫu Ích Trí Húc

Thọ Giới Học Giới Và Trì Giới
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm

Bát Quan Trai Giới
Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ