Khi học đạo, điều quan trọng là có tâm cung kính, người có tâm cung kính mới cảm ứng được đạo giao. Ý thâm sâu hai chữ “ trọng đạo” nghĩa là tôn sư trọng đạo, duy chỉ có tâm tôn kính thì người học mới khế nhập với ý đạo. Tổ Ấn Quang nói: “Một phần thành kính thì được một phần lợi ích, hai phần cung kính thì được hai phần lợi ích, mười phần cung kính thì được mười phần lợi ích ”, người được khai ngộ được lợi lạc lớn là ở chỗ này.
Người xưa nói “tâm không thành thì không ngộ” nghĩa là người không có tâm thành kính thì không bao giờ được giác ngộ, cho dù họ có nghe nhưng đó chẳng qua chỉ thu lượm kiến kiến thức mà thôi, họ không được lợi lạc chân thật, được lợi lạc chân thật theo nhà Nho nói là khí chất biến hóa, còn trong Phật pháp nói là chuyển thức thành trí, thật ra nói khí chất biến hóa chính là chuyển Phàm thành Thánh. Nếu chẳng lãnh hội thực sự mà chỉ ở nơi ngôn ngữ, lời nói, chữ nghĩa thì chẳng có khế hợp với Tâm tánh. Không có chút thành tâm thì những hiểu biết chỉ là bên ngoài mà thôi.
Có lẽ chính bạn nghĩ rằng “với sư phụ mình rất cung kính, với Phật pháp mình cũng cung kính và bản thân mình cũng hiểu sâu Phật pháp, vậy tại sao mình chẳng được lợi ích an lạc gì cả?”. Bạn nên suy nghĩ lại có phải đối với người xấu thì mình muốn tránh xa, lại còn oán ghét họ, lại còn tính toán hơn thua với họ. Bạn tự hỏi lại mình khi gặp những người như vậy có khi nào bạn khởi tâm giúp đỡ và cung kính họ chưa? Nếu bạn có tâm thành thì đâu có khởi niệm phân biệt, còn có phân biệt thì chẳng phải thành tâm, với người này mình cung kính, tâm như vậy là không thật, là tâm còn phân biệt đối đãi. Chính vì chỗ này mà phiền não phát sanh, là do không thật có tâm chân thành, tâm cung kính.
Khi bạn có được tâm chân thành, tâm cung kính thì ngay đây bạn sẽ được nhất tâm, nhất tâm th́ì tương ưng với tâm bình đẳng , tâm thanh tịnh. Nếu bạn không có tâm chân thành, tâm cung kính thì dù bạn có biểu hiện sự nhiệt thành đến thế nào đi nữa thì tâm bạn cũng còn đầy sự phân biệt, chấp trước thì đó chẳng phải nhất tâm. Khi bạn khởi niệm phân biệt, đó chẳng phải là tâm bình đẳng mà là tâm ô nhiễm thì làm sao thanh tịnh được, cho dù bạn có nghe pháp, đọc tụng kinh điển nhưng rốt cuộc chẳng đưa bạn đến lợi ích chân thật.