Thông thường con người nghĩ rằng Phật pháp yêu cầu chúng ta cái gì cũng không được mong cầu, thực ra đây là một hình thức giải thích sai lầm. Pháp của Phật tuy dạy chúng ta không được "tham cầu", nhưng dạy chúng ta nên "cầu nguyện", có như thế thì bản thân mới không đánh mất đi mục tiêu phấn đấu, xã hội mới có động lực để tiếp tục tiến bộ.

"Cầu nguyện" chính là ước nguyện, phát nguyện, nguyện bản thân sớm chiều đi mọi phương hướng, hoặc hoàn thành bất cứ điều gì. Ví dụ, trong "Tứ hoằng thệ nguyện", Phật dạy: "Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, pháp môn vô tận thệ nguyện học, Phật đạo vô tận thệ nguyện thành." Bất luận là độ chúng sanh số nhiều không bờ bến, cắt đứt phiền não vô cùng, hoặc là học tập vô lượng pháp môn đều là hình thức vì chúng sinh mà phát khởi nguyện lực hưng khởi tâm nguyện học tập. Do đó, cầu nguyện là sống đến già, học đến già, suốt cuộc đời kiên quyết không ngừng học tâp, thêm nữa yêu cầu bản thân còn cần trồng phước, bồi đắp phước cũng là để cho bản thân càng tiến bộ hơn.

Mà "tham cầu" tức là sự tham muốn không bờ bến, thấy người khác có mình cũng muốn có. Ví dụ, thấy người ta có một căn nhà, mình liền khởi ý niệm cũng phải có một căn nhà; nếu người ta có một chiếc xe nhập khẩu đời mới, tức thì chuyển ý niệm sang muốn có một chiếc xe nhập khẩu đời mới. Bất luận là nên muốn hay không nên muốn, có thể muốn hay không thể muốn, muốn hay không muốn, phàm khi bản thân đã muốn rồi thì muốn phải có cho được. Vì thế, "tham cầu" chẳng có cái gì là đạo lí, chỉ là thoả mãn tham muốn của bản thân mà cầu, chỉ là tham muốn không thiết thực.

Có người thấy lợi thì sinh tâm đen tối, chỉ vì tham cầu những thứ không thuộc về mình nên tìm đến với bàng môn tả đạo, kết cuộc chỉ rước họa vào thân. Ngoài ra có kẻ không cầu cứu người mà đi cầu cứu Phật, trời, như vào đền chùa cầu nguyện, bản thân cầu được rồi bèn trở lại báo đáp Thần minh bằng nhiều hình thức. Bất quá đây là một hình thức trao đổi, là thủ đoạn mua thánh bán thần không ngoa.

Như trong cuộc sống có người đưa của đút lót, có người nhận của hối lộ, trong thế giới quỷ thần cũng có quỷ thần nhận của hối lộ, nhưng Phật, Bồ tát và chư Thánh thần chánh phái không bao giờ nhận của hối lộ. Những quỷ thần nhận của đút lót cũng giống như những quan tham trong thế giới loài người, tham ô chẳng khác gì nhau. Tuy tạm thời yêu cầu được thoả mãn, hình như là cũng có hiệu quả, nhưng lợi ích nhất thời chẳng khác gì bọt xà phòng có đó rồi lại không, đổi lại là một tương lai không thể làm chủ chính mình. Cũng giống như pháp thuật "điểm thạch thành kim" (biến đá thành vàng), sự thật chỉ là hình thức che mắt, nếu như vật được "điểm" vốn là một viên đá thì mai sau nó cũng sẽ chỉ là viên đá mà thôi. Còn Phật, Bồ tát và chư Thánh thần chánh phái đã hứa khả nguyện vọng của bạn rồi, cũng chỉ là cái phước báo lĩnh trước của mình, ngày sau cũng phải trả lại mà thôi.

Chính vì điều đó, tham cầu mà không có phúc phận thì chỉ mang đến phiền não. Nếu có cầu được thì cũng chỉ là hình thức vay mượn, vay càng nhiều thì ngày sau trả càng nhiều, sung sướng trong hiện tại nhưng sẽ gặt quả khổ trong mai sau. Không nỗ lực vun bồi phước đức, không phụng hiến thì tội lỗi chất chồng, mai sau nhận lấy quả báo nặng nề không thể nghĩ tưởng được, cũng có thể kiếp sau làm trâu làm ngựa cũng khó mà trả xong.

Con người muốn cầu được phước báo thì trước tiên phải vun bồi ruộng phước, nếu không vun đắp mà chỉ ngồi hưởng thì phải mang nợ, cũng giống như người đi vay tiền vậy. Vì thế, một người vốn có bao nhiêu thì chỉ bấy nhiêu, không có ai tự nhiên kiếm được tiền, tự nhiên sinh ra giàu có. Nếu không đổ sức mà được, thì ngày sau cái giá phải bỏ ra càng nhiều gấp bội.

Đứng về mặt Phật pháp mà nói, bình thường người cầu học, cầu chức vụ, cầu giàu sang đều là đúng, nhưng truy cầu của chúng ta cần phải hợp lí và cần phải bỏ công sức để đổi lấy. Trong đó, chúng ta cần phải hiểu rõ cái giá của mối quan hệ giữa quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm, nếu chúng ta cầu phước, thì phải vun đắp ruộng phước; muốn hưởng thụ quyền lợi thì phải cần làm tròn nghĩa vụ, đây là nhân quả. Chỉ có truy cầu đạo lí nhân quả phù hợp mới là tốt nhất, chỗ dựa vững chắc nhất, nếu không như vậy mà chỉ có tham cầu không thôi, miễn cưỡng có thể đạt được nhưng họa cũng theo đó mà đến.

Vì vậy, chúng ta cần dùng phương pháp "cầu nguyện”, vì đạt đáo mục đích mà nỗ lực phụng hiến, chứ không nên dùng phương pháp mê tín để "tham cầu", nếu không thì chẳng những không được gì mà còn mất hết.



Trích từ: An Lạc Từ Tâm