Home > Khai Thị Niệm Phật > Tong-Tinh-Do
Tông Tịnh Độ
Cư Sĩ Hạnh Cơ


Tông Tịnh Độ (Tịnh Độ tông): là một tông phái lớn của Phật giáo Trung-quốc, lấy sự vãng sinh về cõi Cực-lạc của đức Phật A Di Đà làm mục đích. Nguyên thỉ, từ “tịnh độ” chỉ có nghĩa là Phật độ, là các cõi nước thanh tịnh của chư Phật, do thành tựu đạo quả giác ngộ mà có; trái lại với “uế độ” là các cõi nước dơ bẩn, xấu ác, nơi cư trú của các loài chúng sinh đầy phiền não, nghiệp chướng nặng nề. Từ “tịnh độ” được nói tới nhiều trong kinh điển đại thừa, vì nó mang một ý nghĩa tích cực, là tuy an trụ trong cảnh giới niết bàn mà chư Phật ở đó đều không ngừng hóa độ chúng sinh. Tịnh độ cũng là nơi hàng Bồ-tát tu tập để thành tựu quả vị Bồ đề Vô thượng; hay nói cách khác, đó là nơi chư Phật ở thời kì nhân địa tu Bồ-tát đạo, thệ nguyện thành Phật, trang nghiêm Phật độ và hóa độ chúng sinh thành tựu Phật đạo. Bởi vậy, bất cứ nơi nào có chư Phật và Bồ-tát cư trú, thì nơi ấy tức là tịnh độ; chúng sinh ở nơi nào mà diệt trừ hết phiền não, không còn khởi tội ác, thân tâm thanh tịnh, không còn cấu nhiễm, trí tuệ sáng tỏ, thì nơi đó là tịnh độ. Cho nên trong khắp mười phương đều có tịnh độ.

Riêng tông Tịnh Độ thì gọi thế giới Cực-lạc của đức Phật A Di Đà là cõi Tịnh-độ, vì mục đích tu trì của tông phái này là vãng sinh về thế giới Cực-lạc. Tín đồ của tông Tịnh Độ đều chuyên trì niệm danh hiệu A Di Đà Phật và cầu nguyện sẽ được vãng sinh về thế giới ấy. Lối gọi này đã quá phổ thông trải qua bao thế kỉ, cho nên, từ trước đến nay, hễ nói tới “Tịnh-độ” là người ta nghĩ ngay đó là thế giới Cực-lạc. Tông Tịnh Độ cho rằng, cõi Tịnh-độ là một quốc độ có thật ở phương Tây, hoàn toàn thanh tịnh, chúng sinh được vãng sinh về đó thì chỉ hưởng toàn sự an vui, không hề có sự đau khổ, âu lo, phiền muộn nào như ở thế giới Ta-bà uế trược này. Giáo chủ của cõi ấy, sự trang nghiêm của cõi ấy, chúng sinh và đời sống ở cõi ấy, sự tồn tại vĩnh cửu của cõi ấy v.v..., đều được thuật rõ trong Kinh A Di Đà.

Tư tưởng về cõi Tịnh-độ ở phương Tây là y cứ vào các kinh Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ (đều do Phật nói tại núi Kì-xà-quật, gần thành Vương-xá, nước Ma-kiệt-đà), và A Di Đà (Phật nói tại tu viện Kì-viên, thành Xá-vệ, nước Kiều-tát-la). Sau khi Phật diệt độ khoảng 900 năm, ở Ấn-độ, Bồ Tát Thế Thân đã biên soạn tác phẩm Vãng Sinh Tịnh Độ Luận, để nối tiếp hai vị Bồ Tát Mã Minh và Long Thọ ở các thế kỉ trước đó, cùng xưng tán cảnh giới trang nghiêm thanh tịnh của cõi Tịnh-độ, và khuyến khích mọi người nên cầu nguyện vãng sinh về thế giới ấy.

Ở Trung-quốc, từ những thế kỉ đầu Tây lịch, các kinh căn bản của tông Tịnh Độ đã được truyền vào. Năm 179 (đời Hậu-Hán), tại kinh đô Lạc-dương, hai ngài Chi Lâu Ca Sấm và Trúc Phật Sóc đã dịch Kinh Bát Chu Tam Muội ra Hán văn; và tư tưởng “cầu vãng sinh Tịnh-độ” ở Trung-quốc được coi là bắt nguồn từ đó. Tuy nhiên, Kinh Bát Chu Tam Muội mới chỉ nói tới pháp môn tinh chuyên niệm Phật để được thấy Phật A Di Đà ở cõi Tây-phương, chứ chưa trình bày về cảnh trang nghiêm của cõi Tịnh-độ. Vào khoảng giữa thế kỉ thứ 3 (thời đại Tam-quốc), cư sĩ Chi Khiêm (ở kinh đô Kiến-nghiệp của nước Ngô) đã dịch bộ Đại A Di Đà Kinh (2 quyển), đồng thời, ngài Khương Tăng Khải (ở kinh đô Lạc-dương của nước Tào-Ngụy) cũng dịch Kinh Vô Lượng Thọ (2 quyển), trình bày các lời thệ nguyện của Phật A Di Đà trong thời kì nhân địa. Đó là kinh điển trọng yếu của tông Tịnh-độ. Trong khoảng nửa sau thế kỉ thứ 3 (thời Tây-Tấn), ngài Trúc Pháp Hộ dịch Kinh Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác (2 quyển), nội dung tương tợ như Kinh Đại A Di Đà ở trên. Ngoài ra, các kinh Tuệ Ấn Tam Muội và Vô Lượng Môn Vi Mật Trì (do Chi Khiêm dịch), Đức Quang Thái Tử, Quyết Định Tổng Trì, A Di Đà Phật Kệ (do Trúc Pháp Hộ dịch), cũng có nội dung liên quan đến đức Phật A Di Đà và thế giới Cực-lạc.

Vào nửa đầu thế kỉ thứ 5, ngài Cưu Ma La Thập (ở kinh đô Trường-an, nước Diêu-Tần) đã dịch Kinh A Di Đà và Luận Thập Trụ Tì Bà Sa, ngài Đàm Vô Sấm (ở nước Bắc-Lương) dịch Kinh Bi Hoa, ngài Bảo Vân (nước Lưu-Tống) dịch Kinh Tân Vô Lượng Thọ, ngài Cương Lương Da Xá (nước Lưu-Tống) dịch Kinh Quán Vô Lượng Thọ, đều có nội dung liên quan đến đức Phật A Di Đà và cảnh giới Cực-lạc, cùng cách thức tu tập để được vãng sinh về cõi ấy. Đến đó thì các kinh điển liên quan đến tông Tịnh Độ được coi là đã được phiên dịch đầy đủ, và ba bộ kinh Quán Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Thọ, A Di Đà, được coi là ba kinh căn bản của tông Tịnh Độ (Tịnh Độ tam bộ kinh).

Nguyên thỉ, tín ngưỡng về Tịnh-độ ở Trung-quốc gồm hai loại: Di Lặc Tịnh-độ và Di Đà Tịnh-độ. Tín ngưỡng về Di Lặc Tịnh-độ khởi nguồn từ ngài Đạo An (314-385) ở thời đại Đông-Tấn. Ngài đã viết bộ Tịnh Độ Luận (6 quyển) để xiển dương pháp môn cầu vãng sinh về cõi Tịnh-độ của đức Di Lặc ở cõi trời Đâu-suất. Hai ngài Huyền Trang và Khuy Cơ ở thời đại nhà Đường cũng chuyên hành trì pháp môn này; nhưng từ sau đó thì số người tu tập theo ngày càng ít dần, mà người hoằng hóa cũng không có, nên tín ngưỡng về Di Lặc Tịnh-độ trở nên suy tàn; trong khi đó thì tín ngưỡng về Di Đà Tịnh-độ ngày càng hưng thịnh, trở thành đại biểu cho tất cả cõi Tịnh-độ của chư Phật.

Tuy kinh điển liên quan đến tín ngưỡng Di Đà Tịnh-độ đã xuất hiện ở Trung-quốc từ những thế kỉ đầu Tây lịch, nhưng phải đến khoảng cuối thế kỉ thứ 4 đầu thế kỉ thứ 5 (thời đại Đông-Tấn), tín ngưỡng này mới thực sự được hoằng dương mạnh mẽ. Vào thời đó, đại sư Tuệ Viễn (334-416) ở chùa Đông-lâm, núi Lô-sơn (tỉnh Giang-tây) đã thành lập hội Niệm Phật, gọi là Bạch Liên Xã, qui tụ 123 hội viên đầu tiên, gồm cả tăng sĩ lẫn cư sĩ có cùng một chí nguyện, tinh chuyên lễ bái và niệm hồng danh đức Phật A Di Đà, cầu vãng sinh về cõi Cực-lạc. Đó là hội Niệm Phật đầu tiên, cũng là bước đầu trong tiến trình hình thành tông Tịnh Độ ở Trung-quốc; và ngài Tuệ Viễn đã được coi là thỉ tổ của tông này. Đầu thế kỉ thứ 6 (đời Bắc Ngụy, thời đại Nam-bắc-triều) ngài Bồ Đề Lưu Chi đến Trung-quốc, dịch tác phẩm Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá Nguyện Sinh Kệ (tức Vãng Sinh Tịnh Độ Luận) của Bồ Tát Thế Thân, rồi trao bộ Kinh Quán Vô Lượng Thọ và bộ luận này cho đại sư Đàm Loan (476-542?). Đại sư Đàm Loan đã soạn quyển Vãng Sinh Luận Chú để chú giải bộ luận trên, rồi y cứ vào bộ Thập Trụ Tì Bà Sa Luận của Bồ Tát Long Thọ mà nêu rõ hai con đường khó đi (tức tự lực) và dễ đi (tức tha lực) khác nhau, chủ trương nương tựa vào bản nguyện của đức Phật A Di Đà, chuyên tinh trì danh niệm Phật để cầu nguyện vãng sinh về Tịnh-độ; chính đó là con đường phương tiện, dễ đi trong đời năm trược xấu ác này. Do đó, ngài Đàm Loan đã được coi là người xác lập giáo nghĩa căn bản cho tông Tịnh Độ.

Đến thế kỉ thứ 7 (triều đại nhà Đường), ngài Đạo Xước (562-645) kế thừa giáo chỉ của ngài Đàm Loan, cực lực đề cao nguyện lực của Phật, chủ xướng tư tưởng mạt pháp để nhấn mạnh thuyết “thời giáo tương ưng” (giáo học phải phù hợp với thời đại), tu tập pháp môn Tịnh Độ chính là “yếu lộ” của thời đại. Ngài đã viết tác phẩm An Lạc Tập để giải tỏa những ý nghĩ sai lầm của nhiều người, và khai thị cái “yếu lộ” ấy cho chúng sinh trong thời mạt pháp. Ngài cũng đã y cứ vào thuyết “hai đường khó và dễ” (nan, dị nhị đạo) của ngài Đàm Loan mà đề xướng cách phán giáo “hai cửa Thánh-đạo và Tịnh-độ” (Thánh-đạo, Tịnh-độ nhị môn). Kế tiếp, ngài Thiện Đạo (613-681) kế thừa tư tưởng của hai ngài Đàm Loan và Đạo Xước, chú sớ Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, giải trừ những ngộ nhận xưa nay, xác lập hai hạnh tu tập là chánh hạnh (Phật A Di Đà là đối tượng chuyên nhất) và tạp hạnh (ngoài Phật A Di Đà còn có chư Phật và Bồ-tát khác), kiện toàn giáo nghĩa cũng như giáo tướng, đặt định cơ sở và hệ thống giáo lý độc lập cho tông Tịnh Độ. Tiếp đó, ngài Hoài Cảm (?-?) soạn tập Tịnh Độ Quần Nghi Luận; sau nữa lại có ngài Thiếu Khang (?-805), cũng tận lực hoằng dương pháp môn Tịnh Độ. Trước sau 5 vị đại sư Đàm Loan, Đạo Xước, Thiện Đạo, Hoài Cảm, và Thiếu Khang, được tôn xưng là “Năm vị tổ đầu tiên” (chấn đán ngũ tổ) của tông Tịnh-độ.

Năm 719, ngài Tuệ Nhật (680-748) từ Ấn-độ trở về Trường-an, thấy các vị bên tông Thiền coi nhẹ pháp môn Tịnh Độ, cho đó chỉ là pháp phương tiện để dẫn dắt hạng ngu si, bèn cực lực phản đối. Ngài đề xướng con đường tất yếu phải là niệm Phật cầu vãng sinh Tịnh-độ, chủ trương “Giới Tịnh tịnh hành, Thiền Tịnh song tu, Giáo Thiền nhất trí”, đem tất cả công đức tu hành đều hồi hướng về mục đích vãng sinh Tịnh-độ. Tư tưởng này sau đó đã được các ngài Thừa Viễn (712-802), Pháp Chiếu (?-?, đệ tử ngài Thừa Viễn), Phi Tích (?-?), v.v... kế thừa, lấy pháp môn Niệm Phật Tam Muội làm thiền môn thâm diệu, bài xích các đệ tử tông Thiền “bụng trống rỗng mà tâm cao ngạo” (không phúc cao tâm).

Như vậy, cho đến thời đại nhà Đường, tông Tịnh Độ ở Trung-quốc được phân thành ba hệ thống giáo học: 1) Hệ thống Tuệ Viễn (gọi là Tuệ Viễn lưu), chú trọng pháp môn “quán tưởng niệm Phật”; 2) Hệ thống Thiện Đạo (gọi là Thiện Đạo lưu), chú trọng pháp môn “khẩu xưng niệm Phật”; 3) Hệ thống Tuệ Nhật (gọi là Từ Mẫn lưu), chú trọng pháp môn “thiện căn niệm Phật”, muôn hạnh đều tu tập. Chủ trương “Thiền Tịnh song tu” của ngài Tuệ Nhật, về sau cũng được đông đảo đệ tử Thiền môn hưởng ứng hành trì; vào thời Ngũ-đại (907-960) và Tống (960-1279), lại càng hưng thịnh, mà nổi tiếng hơn cả là ngài Vĩnh Minh Diên Thọ (904-975). Trong thời kì này, pháp môn Tịnh Độ cũng được hành trì cả ở tông Thiên Thai.

Ở các triều đại Nguyên (1260-1368) và Minh (1368-1644), tư tưởng “Thiền Tịnh song tu” lại càng được lưu hành rộng rãi, do công đức hoằng dương của các vị danh tăng như Trung Phong Minh Bản (1263-1323), Thiên Như Duy Tắc (1286-1354), Sở Sơn Thiệu Kì, Không Cốc Cảnh Long (?-?), Nhất Nguyên Tông Bản (?-?), Vân Thê Châu Hoằng (1535-1615), Ham Sơn Đức Thanh (1546-1623), Cổ Sơn Nguyên Hiền (1578-1657), v.v... Tông Thiên Thai, các ngài Liên Am Đại Hựu (1334-1407), U Khê Truyền Đăng (?-?), Linh Phong Trí Húc (1599-1655), v.v... cũng đều soạn sách để hiển dương giáo nghĩa Tịnh Độ; trong đó, nổi tiếng hơn cả là ngài Trí Húc (tức Ngẫu Ích), đã đem ba pháp học Thiền, Giáo và Luật qui về một pháp môn Tịnh Độ, đề xướng tư tưởng “Tam học nhất nguyên”.

Vào triều đại nhà Thanh (1644-1911), tín ngưỡng Tịnh Độ phần nhiều do giới cư sĩ đề xướng. Trong khoảng các vua Khang Hi và Càn Long, có ngài Tư Tề Thật Hiền (tức Tỉnh Am, 1686-1734), thừa kế đạo phong của ngài Châu Hoằng, lập Liên Xã ở Hàng-châu, giáo hóa quần chúng xa gần, rất được mọi người khâm ngưỡng. Vào buổi đầu thời Dân-quốc, đại sư Ấn Quang (1860-1940) chủ trương rằng, pháp môn Tịnh Độ chính là bản hoài của đức Phật ra đời. Ngài tận lực đối với sự nghiệp cứu tế xã hội, khiến cho hưng khởi phong trào lập hội Niệm Phật trong các giới tăng tục ở các địa phương. Sau khi chính phủ Dân-quốc dời ra đảo Đài-loan, tín ngưỡng về Tịnh Độ vẫn tiếp tục phát triển.

Trích từ: Trích Lục Từ Ngữ Phật Học