Tam Cương là gì? Minh minh đức, Thân dân, Chỉ ư chí thiện. Trong Phật pháp, Minh minh đức chính là Tự Giác, Thân dân là Giác Tha, Chỉ ư chí thiện là Giác Hạnh viên mãn, là học những điều này! Nói tóm lại tức là học ‘Minh tâm kiến tánh’. Nho và Phật đều giống nhau, Minh đức chính là Kiến tánh. Trên ‘Minh đức’ lại thêm vào một chữ ‘Minh’ nữa, có thể nói là Minh đức đã chẳng ‘minh’ rồi. Thế nên mục đích chúng ta Học tức là làm cho ‘Minh đức’ khôi phục lại ánh sáng, là cầu việc này, đây là ‘Tự Giác’, tự thọ dụng. Sau khi mình thành tựu xong mới dạy người khác, đây là việc ‘Giác tha’, là ‘Thân dân’. ‘Chỉ ư chí thiện’ là gì? Tức là hai thứ này chẳng hai, Tự giác chính là Giác tha, Giác tha chính là Tự giác, chẳng phải hai việc mà là một việc, như vậy mới chí thiện. Chia nó thành hai thì chẳng chí thiện. Bạn xem, người Tiểu Thừa tự giác, chẳng giác tha, họ chia thành hai sự việc; Quyền Giáo Bồ Tát giác tha, chẳng biết tự giác, như vậy cũng chia thành hai sự việc; thế nên cả hai đều chẳng chí thiện. Chỉ ư chí thiện là những đại Bồ Tát, Thật Giáo Bồ Tát, minh tâm kiến tánh, họ là ‘chỉ ư chí thiện’.
Chúng ta dùng cách nói của ‘Tịch và Chiếu’ để giải thích Tự giác. ‘Tịch mà thường chiếu’ là tự giác. ‘Chiếu’ nghĩa là hiểu rõ hết thảy cảnh giới, tâm định. Tự Giác chú trọng trên ‘Thể’, từ Thể khởi Dụng, đây là Tự Giác. Giác Tha nghĩa là ‘Chiếu mà thường tịch’, đây là nhiếp Dụng quy về Thể, tự mình được thọ dụng. Bạn xem, từ Thể khởi Dụng, cũng nghĩa là Tự, Tha đều được lợi ích. Lúc Giác tha, từ Dụng quy đến Thể, vẫn là Tự, Tha đều được lợi ích, Tự, Tha là một chứ chẳng phải hai. Nếu phân Tự, Tha thành hai thì là mê, chẳng giác, có Tự có Tha thì chẳng thể nói đến việc Học; đến khi nào Tự và Tha chẳng hai, Giác Chiếu đồng thời thì đây chính là Chỉ ư chí thiện. Ðây là dùng ‘Tam Giác’ để giảng.
Trong pháp Ðại Thừa nếu dùng ‘Tam Bồ Ðề tâm’ để giải thích thì cũng thỏa đáng. ‘Minh minh đức’ chính là tâm thanh tịnh, đức của tâm là thanh tịnh, ‘Vốn là chẳng có một vật, chỗ nào có nhuốm bụi trần’; ‘Thân dân’ là Từ bi, ‘Chỉ ư chí thiện’ là Bình Ðẳng. Tâm Bình đẳng là ‘Trực tâm’, … ‘Tâm đại bi’ là ‘Thân dân’.
Ðây là nói Học Phật phải biết cương lãnh, tôi học những gì? Nói từ ba Tâm Bồ Ðề thì càng rõ ràng, đạo lý của sự học vấn chẳng có gì khác, đó chính là ‘tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm từ bi’, đây tức là học vấn.
Tam Cương là mục tiêu, dùng phương pháp gì để hoàn thành? Phía sau là Bát Mục, dùng Bát Mục để đạt đến Tam Cương này. Thứ nhất là ‘Cách Vật’, vật là vật dục. Trong ‘Tứ Thập Hoa Nghiêm’ chúng ta đọc đến một đoạn nói rõ tai hại của vật dục. Không những vật dục là thất tình ngũ dục trong thế gian, ngay cả Phật pháp xuất thế gian cũng bao gồm trong ấy; chỉ cần bạn có tham, có ái, đều gọi là Dục. Trong chữ Cách Vật, ‘Cách’ nghĩa là ‘cách trừ’, là ‘cách sát’. Trong ba nghĩa của danh từ ‘A La Hán’, có một nghĩa là ‘Sát Tặc’, ‘cách vật’ chính là ‘sát tặc’. ‘Cách’ là chiến đấu, vật dục chính là giặc cướp, giặc cướp hại bổn tánh của chúng ta.
Nếu bạn muốn minh tâm kiến tánh, muốn tu ba tâm Bồ Ðề, việc thứ nhất phải làm chính là đoạn phiền não, tức là phải làm công việc ‘cách vật’. Cách vật tức là chúng ta thường nói đến ‘buông xuống’. Mạnh Tử nói: ‘Ðạo Học vấn chẳng có chi khác, mong cầu buông tâm mà thôi’ (Học vấn chi đạo vô tha, cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ). Chữ ‘phóng tâm’ này chính là công việc ‘cách vật’. Buông xuống những gì? Buông xuống vật dục, buông xuống phiền não. Khi chúng ta niệm Phật, đả Phật thất thường nhắc đến ‘buông xuống vạn duyên’ tức là cách vật, ‘buông xuống thân tâm thế giới’ cũng nghĩa là ‘cách vật’, được vậy tâm mới có thể thanh tịnh, có thể chuyên nhất.
Thứ hai là ‘Trí Tri’, Trí Tri tức là học pháp môn. Ðọc Tụng giảng phía trước tức là cầu Căn Bản Trí, đây là ‘chủ tu’. Thế thì vạn pháp còn lại có cần phải học hay không? Phải học, đó là ‘trợ tu’, phải tu cả chánh lẫn phụ (chủ tu và trợ tu). Chư vị phải ghi nhớ điều này. Khóa tụng mỗi ngày, tụng kinh luận là khóa chính, hết thảy pháp môn đều phải học, đó là công khóa. Những pháp môn này còn phải học rõ ràng, nhưng chẳng phải chỉ học trên kinh điển. Hãy nói mỗi ngày tôi tụng kinh Hoa Nghiêm, kinh Hoa Nghiêm là khóa tụng chính của tôi, mỗi ngày tôi đọc tụng, còn những kinh Pháp Hoa, kinh Lăng Nghiêm, kinh Phương Ðẳng, kinh A Hàm, kinh Bát Nhã mỗi ngày tôi đều xem thoáng qua, ‘pháp môn vô lượng thệ nguyện học’ có nghĩa là như vậy phải không? Nếu bạn xem như vậy thì quá hạn hẹp rồi.
Học pháp môn là gì? Là Trí Tri. Nói cho các bạn biết, những gì nói trong Trí Tri khi sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần, cả ngày từ sáng đến tối những gì mắt thấy, tai nghe đều là học vấn, đều là trí huệ, đó gọi là Trí Tri, lớn hơn phạm vi của kinh bổn quá nhiều, quá nhiều. Pháp môn vô lượng vô biên! Học là học như vậy, chẳng phải giới hạn trên những kinh sách này thôi.
Lúc học cách này cần phải dụng tâm để học không? Chẳng cần dụng tâm, nhưng phải dùng ‘Chiếu’! Cách vật có thể đạt đến mục đích tịch định, còn Trí Tri là ‘từ Ðịnh khởi Chiếu’, tác dụng của khởi chiếu mới có thể thành tựu trí huệ, đây đúng như lời Lục Tổ nói: ‘Sanh tám vạn bốn ngàn pháp môn’, đó là Trí Tri.
Thứ ba là ‘Thành Ý’. Cho các bạn biết tôi lấy những gì nói trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện phối hợp với điều này thì sẽ thành Phật đạo. Phật là gì? Chỉ là Thành mà thôi! Kinh Vô Lượng Thọ nói đến ‘Tam Bồ Ðề Tâm’, thứ nhất là Chí Thành Tâm. Nhà Nho nói ‘Thành Ý’ tức là Chí Thành Tâm, Chí Thành Tâm tức là Bình Ðẳng Tâm, tức là Trực Tâm, tức là Phật Tâm. Thế nên chư vị muốn thành Phật phải tu gì? Tu Bình Ðẳng tâm, nhà Nho gọi công phu của Thành Ý.
Sau khi Thành Ý, thì nói đến ‘Chánh Tâm’, ‘Cách Vật, Trí Tri, Thành Ý, Chánh Tâm’. Tâm như thế nào mới gọi là Chánh? Thế nào gọi là chẳng Chánh? Có thể biết vạn vật cùng một thể, Tự Tha chẳng hai, tâm như vậy là Chánh Tâm. Chia Ta và Người, chia Tự và Tha, ly gián thị phi, tâm như vậy là Tà tâm, chẳng chánh. ‘Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ’, tâm này là Chánh Tâm, Dụng của Chánh Tâm.
Nhưng tự mình phải biết, độ chúng sanh cũng như trong kinh Kim Cang có nói: ‘Diệt độ vô lượng vô số vô biên chúng sanh, thật chẳng có chúng sanh được diệt độ’ . Tại sao vậy? Chúng sanh và mình là một, chẳng phải hai. Trong cái ‘một’ này chẳng có ‘năng độ’ và ‘sở độ’. Trong ‘hai’ thì có ‘năng độ’, có ‘sở độ’; Nhị pháp chẳng là Phật pháp, nhị pháp chẳng là pháp giác ngộ. Thế nên ‘năng’ và ‘sở’ là một, chẳng phải hai; Tam Cương Bát Mục là một, chẳng phải ba, cũng chẳng phải tám. Nếu bạn chia nó thành ba, thành tám thì sai mất, vậy thì mê rồi, chẳng giác nữa.
Bốn điều này là Nội Học, Thật Trí, Tự Giác; nói cách khác, đọc tụng chú trọng tại bốn điều này, hạnh giải tương ứng! Bốn điều phía sau: Tu Thân, Tề Gia, Trị Quốc, Bình Thiên Hạ là Ngoại Học, Quyền Trí, Giác Tha. Bát Mục này giống như tám tầng bảo tháp vậy, tầng dưới là cơ sở cho tầng trên, từ đó có thể thấy công phu phải bắt đầu làm từ ‘Cách Vật, Trí Tri, Thành Ý, Chánh Tâm’, xong rồi mới có thể nói đến ‘Tu Thân’.
Lại nói với các bạn, [tu thân] tức là ‘tu hành’ trong Phật pháp, nhưng nghĩa của ‘hành’ rộng hơn ‘thân’. Vì ý nghĩa của ‘hành’ là hành vi, thân thể đạo đức là hành vi, ngôn ngữ cũng có thể bao gồm trên thân thể, khẩu cũng là một bộ phận của thân; nhưng ngoài thân và khẩu còn hành vi của ý nghiệp. Hành vi của ý nghiệp tức là ‘Cách Vật, Trí Tri, Thành Ý, Chánh Tâm’, có thể gọi như vậy, hành vi của Tu Tâm; từ Tu Thân đến Bình Thiên Hạ đều là hành vi của Tu Thân, cả hai hợp lại tức là Tu Hành.
Sau khi Tu Thân thì mới có thể Tề Gia, gia đã tề nghĩa là cả gia tộc đều chỉnh tề, ngay ngắn. Tề Gia dùng tiêu chuẩn gì để ‘tề’? Là dùng Ngũ Luân, Thập Nghĩa để chỉnh tề. Khổng Tử nói đến ‘Phụ phụ tử tử’, đây là gia tề.
Cha giống một người cha, con giống một người con, ở đây chỉ nêu lên một điều để nói. Từ xưa ‘Quân quân, thần thần’, người quan lãnh đạo giống như một người quan lãnh đạo, thuộc hạ giống như một người thuộc hạ, như vậy thì quốc được trị vậy!
Bình Thiên Hạ nghĩa là gì? Bình là công bình, hết thảy chúng sanh trong thiên hạ đều đạt được công bình. Làm sao mới đạt được công bình? Mỗi người đều giữ bổn phận của mình thì thiên hạ sẽ bình. Thế nên pháp thế gian và xuất thế gian đều vô cùng coi trọng bổn phận. Chẳng giữ bổn phận thì thiên hạ sẽ đại loạn! Những gì mình đáng làm lại không làm, chuyện của người ta thì mình làm, ai cũng làm vậy thì làm sao thiên hạ chẳng loạn được? Xã hội là một đoàn thể sanh hoạt, mỗi người có cương vị làm việc của mình, bạn giữ tại cương vị này thì gọi là giữ bổn phận. Nói thật ra người hiện đại đều chẳng giữ bổn phận, điểm này vô cùng quan trọng…