Home > Khai Thị Phật Học > Khai-Niem-Ve-Con-Nguoi
Khái Niệm Về Con Người
Hòa Thượng Thích Tâm Châu


PHẦN THỨ NHẤT

" Do sự lành, sự ác của mỗi người đã làm từ trước nên có quả báo về sau. Trong sự luân hồi của con người, duyên nghiệp quản trị mình, ban thưởng, trừng trị mình ".

Kinh Na Tiên Tỳ Khưu

Khái Niệm Về Con Người

"Con người là con người với tất cả ý nghĩa của nó " Tìm trong đạo " Con người " để hiểu rõ con người.

Con người là mục tiêu chính trong sự nghiên cứu của các học thuyết.

Con người cũng là nạn nhân trong những cuộc chiến tranh " nóng " hay " lạnh ". Con người đã, đang và còn bị bao trùm dưới sự bất an, khốn cùng, càng ngày càng tăng trưởng bởi sự tranh chấp tự con người tạo ra. Đã do con người tạo ra, tất nhiên cũng phải do con người mới giải quyết nổi.

Con người phải chịu lấy trách nhiệm đè nặng trên vai con người trong sự định đoạt lấy một đạo sống tích cực. Một đạo sống không trái với đời và không hại nhân cách.

Để bổ túc cho vấn đề cấp bách ấy chúng ta hãy nhìn sâu vào đạo Phật, một đạo được gọi là ĐẠO SỐNG, ĐẠO CỦA CON NGƯỜI, để tìm hiểu rõ ràng về danh nghĩa, sự cấu tạo cùng đặc tính và giá trị của nó.

Song, sự tìm hiểu ấy không thể có được nơi ngoài con người. Nó cần đòi hỏi tại bản thân con người muốn biết nó, theo quan niệm đạo Phật.

" Thắng lợi chỉ về phần những ai có sáng kiến và cương quyết theo đuổi sáng kiến "

I. Danh Nghĩa Con Người

"Con người là hơn cả..."  Kinh Hoa Nghiêm

Tất cả sự vật trong vũ trụ đều sẳn có đặc tính và hình thể của nó.

" CON NGƯỜI" là một danh từ, một danh từ bao hàm tất ca?hững sinh vật cùng một loại, mà danh từ ấy có thể chỉ định được, hay tất cả những đặc tính phân biệt loài người với các loài sinh vật khác ".

Thực tế cho chúng ta biết

Con người là một sinh vật, cũng như những sinh vật khác

Con người cùng trong công lệ cấu tạo, sinh trưởng, sinh hoạt, suy giảm và tiêu diệt như những loài sinh vật khác, nghĩa là, trước khi có một hình thể quyết định, đâu phải là kết quả của tự nhiên, mà phải do sự tất yếu của nhiều phần tử tổ hợp. Sự tổ hợp ấy, phải trải qua một thời gian không hạn định, tùy theo đặc tính và hình thể của từng sinh vật, cho tới khi cơ duyên đầy đủ sẽ phát sinh. Phát sinh là điểm bắt đầu có mặt trong thế giới hữu hình, hạn cục trong thời gian tương đối, nhịp nhàng giữa không gian vô biên và thời gian vô tận để hòa theo với lẽ sống của cuộc sống. " Sống " là cả một chương trình hoạt động đầy thử thách, làm nẩy nở thân mệnh, bảo vệ sự sống và truyền tiếp sự sống. Nhưng, sự sống ấy không phải là vật thể cố hữu, trường tồn, mà nó luôn luôn chuyển biến trong từng tích tắc, lệ thuộc vào hoàn cảnh, chi phối bởi từng tâm niệm mừng, giận, thương, vui, yêu, ghét, muốn... Do đó, sinh hóa, hóa sinh, bớt, thêm, thêm, bớt sẽ dần dần suy giảm và chấm dứt ở giờ phút cuối cùng trong thời gian nhất định là " tiêu diệt ".

" Cái gì đã sinh ra, cũng luôn luôn bị sự tiêu diệt hăm dọa. Bất cứ chiếc bình nào ra khỏi bàn tay người thợ làm đồ gốm rốt cục rồi cũng bị tan vỡ! Đời sống của chúng sinh cũng thế ". Đó là lời Phật nói để chứng minh cho định luật ấy, định luật " vô thường ".

Con người thuộc về loài động vật

Con người là một loài có đủ quan năng, dùng quan năng làm động cơ tranh đấu, bảo vệ, duy trì sự sinh tồn nhưng, đặt trên phương châm hoạt động. Nghĩa là, loài sinh vật có đủ các cơ quan như: mắt để trông, tai để nghe, mũi để ngửi, miệng để ăn, thân để cử động v.v..., các cơ quan ấy luôn luôn chuyển động, chuyển động để giành lấy sự sống còn cho tự thân, làm cho sự sống có ý nghĩa và biết giúp đỡ, bênh vực giòng giống hơn các loài thực vật và khoáng vật. Vì, " Con người là sinh vật đã từng trải qua trình độ của giống động vật " theo quan niệm của Bác sĩ Paul Carton đã nhận định.

Con người là loài động vật cao hơn cả

Con người có một dáng vóc uy nghiêm, ngay thẳng trong sự đi, đứng, nằm, ngồi. Con người có một tinh thần sáng suốt, không bị mù quáng trước những hiện tượng huyền ảo. Con người có một năng lực dồi dào, bền mạnh, trước những sự nên làm và phải làm. Con người có một hành động quả cảm, không lùi bước trước những trở ngại và nguy hiểm. Con người có một cảm tình thân mật, nồng hậu trong vòng luân lý đối với gia đình, quốc gia, xã hội... Như thế, cũng đủ chứng tỏ con người là loài động vật cao hơn loài động vật khác. Trong Khế kinh nói: " Con người là tối thắng, vì con người có thể thực hiện hết thảy mọi sự tốt đẹp ". Và, bà Hội trưởng hội Ái hữu Phật giáo Pháp cũng nhận định: " Trái đất không thống thuộc con người, chính con người thống thuộc trái đất ".

Tóm lại, danh nghĩa con người được đặt trên một địa vị đặc biệt. Địa vị ấy không phải là biệt lập, đơn độc hay cố định, mà nó có ở chổ chung cùng và đối tượng với danh nghĩa của những sinh vật khác. Nó có, do bao mối nhân duyên chuyển biến, tiếp nối và hổ trợ trên con đường chạy dài từ vô thủy tới vô chung. Nó có, do lý trí biết phân biệt nhận định và biết thể nhập với bản thể vũ trụ. Nó có, do hành động chân chính, hành động biết soi sáng cho mình và cho người, không bị nghiêng ngã theo chiều " si mê " hay " phóng dật " của thế giới gỗ đá và thú vật. Nghĩa là, nó có ở tất cả và trên tất cả, khả dĩ xứng đáng làm trung tâm điểm trong vũ trụ.

" Con người là kết tinh tất cả các nguyên tính sinh hoạt của loài khoáng vật, thực vật và động vật ".

II. SỰ CẤU TẠO CON NGƯỜI

" Ngã tướng từng cá nhân chẳng qua ở trong hợp tướng tạm thời và riêng biệt của những phần tử vật chất và tâm thần ".

Lời Phật dạy

Không một kết quả nào mà không có nguyên nhân

Với sự cấu tạo con người là cả một vấn đề, một vấn đề đã làm tiêu hao bao nhiêu tâm lực của các nhà lập giáo, lập thuyết, nghiên cứu với mục đích tìm hiểu và giải quyết.

Phàm công việc gì, sự vật gì, đã có kết quả là đều phải có nguyên nhân của nó.Vì, có nhân mới có quả, suy quả mới biết nhân. Nơi đây con người cũng thế, có phương thức cấu tạo con người, mới có hình thể con người. Song, muốn nhận định được lẻ phải, tìm một lối đi chân chính, tất nhiên chúng ta phải đứng trên tư cách vô tư, để ý thức vào những tôn chỉ, mục đích của các đạo giáo, các học thuyết đã trình bày về vấn đề ấy bằng một cách khái quát:

1. QUAN NIỆM VỀ NHẤT THẦN

" Hết thảy sự vật đều do quyền năng của một vị tối cao, duy nhất sáng tạo, duy trì và thưởng phạt ".

Tín ngưỡng tuyệt đối

Từ trước tới nay phần nhiều các đạo giáo hay một vài học thuyết đều lấy " Nhất thần " làm mục đích tín ngưỡng tuyệt đối. Nghĩa là, đều tôn thờ một vị Chúa tể, là vị có đủ tài năng, quyền phép sáng tạo ra vũ trụ và có quyền thưởng hay phạt.

Chủ trương ấy chúng ta có thể nhận xét trong một vài đạo giáo và học thuyết mà có lẻ chúng ta thường thường nghe biết:

A. Đạo giáo Bà La Môn.

Một đạo giáo cổ truyền của nước Ấn Độ, cách đây trên 4000 năm, do ông Krichna chủ trương.

Căn cứ trong Thánh Kinh Phệ Đà ( Ve’das ) thì sự tín ngưỡng duy nhất của đạo giáo ấy là thần Phạm Thiên ( Brahma ) Một vị thần có đủ năng lực, trí đức và phép tắc sáng tạo ra muôn vật. Phạm Thiên là căn bản của vũ trụ. Nhất thiết sự vật đều là hình thái của Phạm Thiên. Lúc trụ thì ở tại Phạm Thiên. Lúc diệt thì về ở Phạm Thiên.

Con người cũng là hình thái của Phạm Thiên. Sống đây là sống gởi. Chết sẽ về Phạm Thiên, đời đời sung sướng, nếu biết theo đúng chân lý.

B. Đạo giáo Da Tô

Một đạo giáo do Chúa Giê Su ( Je’sus ) cải cách một tôn giáo cổ ở Do Thái, cách đây gần 20 thế kỷ. Đạo giáo ấy tiêu biểu đức Chúa Trời là một vị duy nhất sinh ra Trời, đất, muôn vật.

Chiếu theo bộ Tân ước, Cựu ước, thì vũ trụ này trước đây chỉ là một khoảng mông mênh, mờ mịt. Song, nhờ trí tuệ, tài năng và quyền phép sẳn có của đức Chúa Trời, trong 7 ngày Ngài tạo thành mặt trời, mặt trăng, tinh tú, đất nước, núi, sông, cây cối, người và vật.

Riêng về việc cấu tạo con người, cũng một ngày trong 7 ngày ấy, nhưng Ngài lấy chút đất hà hơi vào thành ra ông A Đam ( Adam ), đồng thời, lấy chút đất cùng mấy dẻ xương cụt của ông A Đam, hà hơi vào thành ra bà E Vơ ( Eve ). Và, kết quả là hai người lấy nhau, sinh xuống cõi người, làm thủy tổ loài người, sau khi hai ông bà đã phạm vào trái cấm của Chúa. Rồi từ đó, con cháu loài người đều bị bó buộc trong tội tổ tông truyền. Nhưng, nếu ai biết tôn trọng, kính thờ Chúa, tin cậy vào Chúa, vâng lời Chúa sẽ được lên Thiên đường, hưởng khoái lạc đời đời, trái lại, sẽ phải đọa xuống hỏa ngục.

C. Học thuyết Pythagore

Một học thuyết do ông Pythagore chủ trương và đã được kiến lập trên nước Hy Lạp cách đây chừng 25 thế kỷ.

Học thuyết này dùng SỐ HỌC làm cơ sở. Nghĩa là, dùng " SỐ MỘT " làm đầu tiên. Số ấy là nguồn gốc, là cha sinh của muôn vật, là tiêu biểu cho Thượng đế, là bao hàm hết thảy và có quyền năng sáng tạo, duy trì sự trường tồn cho muôn vật. " SỐ HAI " tức là sức sinh hoạt của vũ trụ. Do sức sinh hoạt ấy nó đem lại cho muôn vật sự sinh tồn và tăng tiến. " SỐ BA " là vật chất tức là hình sắc. Còn " SỐ BỐN " là con số làm tiêu biểu cho cá nhân, nó bao gồm tất cả ba nguyên chất trên mà biệt lập thành cá thể, để tự do hành động... Và khi nào cá thể ấy thi hành được cách thức rèn luyện, gom góp được các sự kinh nghiệm, thâu hoạch được các sự kết quả hoàn toàn và thích hợp với lẽ duy nhất, thì lúc đó sẽ được hưởng sự vui vẻ.

Kim Thi nói: " ... Xin thề trước đấng mầu nhiệm Thượng đế, đã hoạch định trong trí ta cái hình " Tứ tượng " linh diệu ( tức 4 số trên ), là nguồn gốc, là tiêu biểu của muôn vật vô cùng... " " Ôi! Thượng đế là cha sinh ra của chúng ta... ", đủ chứng tỏ Thượng đế sáng tạo ra vũ trụ, con người là một bộ phận trong đó.

Trên đây là một vài nhận xét có thể làm nguyên tắc chung cho sự sáng tạo vũ trụ theo quan niệm của các đạo giáo và học thuyết " Nhất Thần ", mặc dầu các đạo giáo hay học thuyết ấy còn có nhiều biệt phái, nhiều hình thức và danh từ khác nhau.

2. QUAN NIỆM VỀ TIẾN HÓA

"... Các hình thể khác nhau, đều do ở các hình thể có trước đã biến đổi và luôn luôn có sự liên lạc với nhau ".

Chủ trương và nguyên nhân của học thuyết

Đây là một học thuyết lấy sự tiến hóa làm căn bản cho sự cấu tạo. Học thuyết ấy là một học thuyết đang được thực hiện khắp nơi, được khoa học thừa nhận, là học thuyết của ông Đácuynh ( Darwin ), biểu thị: " Con người là dòng dõi của loài vật, loài hầu nhân ".

Căn cứ vào những công cuộc tìm tòi về khoa học, ông đã phát biểu ý kiến: " Các chủng loại thảo mộc và động vật cũng đã phát triển từ từ theo luật tiến hóa. Các hình thể khác nhau, đều do ở các hình thể có trước, đã biến đổi theo thời gian và các chủng loại thảo mộc hay động vật, đều có những mối liên lạc về dòng dõi với nhau ".

Cấu tạo vũ trụ vạn vật

Thể theo luận pháp trên chứng tỏ con người cũng không ra ngoài luật tiến hóa chung của vũ trụ. Nghĩa là, " Vũ trụ này ở thời kỳ hỗn mang, trong vũ trụ chỉ có thuần tinh. Sau vì những nguyên nhân không rõ, thuần tinh ấy kết thành những phần tử nhỏ rải rác. Nhờ sức vận động và sức hấp dẫn dần dần của phần tử nhỏ ấy, lại kết tụ thành cồi và cồi nguyên tử. Nhanh lại càng nhanh. Với những năng lực chứa trong các nguyên tử nhiều quá phải phóng tản bớt đi thành những hơi nóng, ánh sáng và điện khí. sau khi sự phóng tản không ngừng, nhiệt độ dần dần giảm bớt, nguyên tố của các nguyên tử kết thành những thế quân bình mới và sinh ra những đơn chất khác nhau. Đơn chất càng ngày càng tăng, vì nhiệt độ càng ngày càng thấp, khiến cho sự sống có thể phát triển được ở trên mặt. Những năng lực súc tích lại thành vật chất đã tới một trình độ quân bình vững chắc và trở nên những nơi có thể ở được trong một thời kỳ khá lâu. Nhưng trong thời gian khá lâu ấy, các nguyên tử vẫn không ngừng phóng tản ít, nhiều, nên các nguyên tố, các nguyên tử mất dần thế vững chắc. Thế là bắt đầu một thời kỳ ly tán. Thế vững chắc của các nguyên tố nội nguyên tử càng giảm đi thì sự ly tán càng nhanh. Rồi đến một thời kỳ quá suy, các nguyên tử lại trở lại thế thuần tinh như trước ".

Thân thể con người

Thân thể con người cũng thế. Cũng do những tế bào hợp thành. Những tế bào lại do những phần tử. Những phần tử lại do những nguyên tử hợp thành. Giữa nguyên tử có một nguyên điểm chất chứa dương điện và nguyên điểm ấy được bao vòng bởi những điện tử chứa âm điện. Và cùng chung một định luật cấu tạo, sinh trưởng, sinh hoạt, suy giảm và ly tán trong vòng chuyển biến, tiếp nối không ngừng.

Như thế, lần theo sự tiến hóa thì con người cùng nhịp nhàng trong sự tiến hóa của vũ trụ. Nhưng, đứng trong tương đối mà nhận xét thì bắt đầu từ hạ đẳng động vật tiến lên và chiều theo luật " tự nhiên đào thải " hay " sinh tồn cạnh tranh ".

3. QUAN NIỆM VỀ NHÂN DUYÊN SINH

" Tất cả chúng sanh có sự sống, đều phải bỏ lại xác thân phức tạp là cái khối do vật chất, tinh thần phối hợp để tạo nên cá thể giả tạm này "

Kinh Đại Niết Bàn

Vũ trụ chỉ là một cuộc đại hoạt động tự thân nhưng liên tục...

Khi đức Giáo chủ Thích Ca Mưu Ni giác ngộ, Ngài đã nhận rõ hiện tượng vũ trụ chỉ là " nhân duyên sinh " mà thôi. Nghĩa là, không chủ trương có tạo vật chủ, không thừa nhận cái gì có trước tiên, cái gì có sau cùng, cái gì thường còn, cái gì đoạn tuyệt, cái gì đơn độc, mà tất cả sự vật chỉ là một cuộc tiếp nối, giả hợp, chuyển biến không ngừng của nhân quả và trợ duyên.

Vì, cái quả bây giờ là do cái nhân trước đây, cái nhân trước đây lại do cái quả trước nữa. Cứ thế, cứ thế mãi, lần theo ngược dòng của nó, chỉ thấy nhân này do quả nọ, quả nọ do nhân kia, không bao giờ cùng tận. Song nguyên nhân, kết quả ấy, không phải công cuộc, của ngẫu nhiên, mà phải nhờ mọi duyên, mọi mối quan hệ, những ảnh hưởng chung quanh giúp đỡ, sinh khởi và thành tựu, mặc dầu là nhân quả tương đối trong tuyệt đối.

Cho nên, với vấn đề cấu tạo vũ trụ theo quan niệm đạo Phật chỉ là một cuộc đại hoạt động tự thân liên tục trong sáu nguyên tố chính:

1/ Địa đại: đất, thuộc chất rắn.

2/ Thủy đại: nước, thuộc chất lỏng, ướt.

3/ Hỏa đại: lửa, thuộc chất nóng.

4/ Phong đại: gió, thuộc chất hơi, không khí.

5/ Không đại: tức không gian.

6/ Thức đại: tâm thức, năng lực hoạt động.

Tức là do năng lực hoạt động vô hình ( không, thức ) và hình tướng hữu hình ( địa, thủy, hỏa, phong ) luôn luôn nhịp nhàng, nương tựa nhau trong phạm vi hoạt động, phát hiện và chiều theo định luật: sinh, trụ, dị, diệt hay sinh, lão, bệnh, tử.

Con người cũng thế!

Kinh Trường A Hàm nói: " Đây là thân của ta, nó có một hình dáng do bốn chất: đất, nước, gió, lửa, tạo thành. Thân này do cha mẹ sinh ra. Nó được người nuôi dưỡng bằng sữa, bằng cơm và phải bị rã rời tiêu hoại. Còn đây là tâm của ta. Tâm này nương nơi xác thân tứ đại và phải chịu một số phận như nó ".

Phân tích rõ ràng

Cùng trong luận pháp ấy, nhưng muốn dễ dàng cho sự nhận thức, Phật học nêu ra 12 định lý 12 nhân duyên ( Paticca Samuppada ), để chỉ cho sự cấu tạo, nhất là sự cấu tạo con người:

1/ Vô minh: Mê lầm, tối tăm, không sáng suốt. Đối với hiện tượng giới và tâm thức giới không nhận chân được thực tướng của nó, vọng chấp là có, là thường. Và luôn luôn quay cuồng theo vọng niệm phân biệt .

2/ Hành: Hành nghiệp, tác động chỉ chung cho những nghiệp lực của phiền não. Vì nhân vô minh nên các phiền não vọng khởi những nghiệp sai lầm, tư tưởng, hành động xa chân lý và hiểu biết mê mờ.

So với nhân quả trong ba đời, vô minh và hành là nghiệp nhân quá khứ. Nghĩa là, do hai món này làm nhân, để kết sinh chịu quả trong hiện tại.

3/Thức: Nghiệp thức phân biệt. Nghĩa là do sự mê mờ và hành động ở trên kết thành nghiệp thức phân biệt sai lầm. Vì sự phân biệt ấy, nên chấp có năng có sở. Năng là mình, sở là người và vật. Vì sự phân biệt, chấp trược ấy nên sinh lòng bảo thủ thân mạng. Những tâm niệm vui, buồn, thương, tiếc do đó phát sinh . Thức này là động lực luân hồi sinh tử. Trong ba nguyên liệu tạo tác và kết thành thân người tức là noãn ( hơi nóng ) và thụ ( cảm thụ ) và, nhờ thức này nên mới thụ thai.

4/ Danh sắc: Danh sắc là tổng báo thân của loài hữu tình khi còn ở trong thai tạng. Nhờ có tâm thức ( danh ) và sắc ( tứ đại ) hòa hợp nương tựa với nhau, nên thai chất mới được dần dần sinh trưởng không bị tiêu diệt.

5/ Lục nhập: Nghĩa là 6 căn xúc nhập với 6 trần nên gọi là " nhập ". Tuy còn ở trong thai tạng nhưng vẫn đầy đủ 6 căn ( mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý ) xúc nhập với 6 trần ( sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp ). Tuy chưa được mạnh mẽ rõ ràng nhưng, nhờ sinh khí của 6 trần do người mẹ truyền vào để nuôi dưỡng, do đó thai chất mới được sống còn, sinh trưởng. Ấy gọi là " lục nhập "!

6/ Xúc: Xúc chạm, đối đãi. Nghĩa là, từ khi sinh ra trở về sau, trong thời gian còn nhỏ dại, tuy có các giác quan ( căn ) tiếp xúc với 6 trần ( cảnh ) nhưng chưa phân biệt, nhận lãnh, cảm thụ, một cách tự nhiên những cảnh vui, buồn, tốt, xấu v.v... chỉ có công năng xúc nhập nhưng, chưa phân tích rõ ràng nên gọi là " xúc ".

7/ Thụ: Nhận lãnh, cảm thụ. Đây bước qua một tầng bậc khác của sự sống. Khi xúc đối cảnh trần bên ngoài hiểu biết, phân biệt cảm thụ được vui, buồn, thương, ghét v.v... Như đứa bé con tuy cảnh đời còn mơ màng nhưng, nó đã biết khóc lóc trước cảnh đau, buồn, vui, cười trước cảnh may, sướng. Ấy là " thụ ".

Do nghiệp nhân quá khứ ( vô minh, hành ) chiêu cảm quả báo hiện tại ( thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thụ ). Phối với nhân quả trong ba đời, năm món này là quả báo hiện tại.

8/ Ái: Tham ái. Đã biết vui, buồn, thương, ghét nên sinh lòng tham ái, đắm trược những gì tốt đẹp hợp với sở thích, ruồng bỏ những gì xấu xa, buồn chán. Vì tâm tham ái nên phải nhọc lòng rong ruổi tìm cầu những điều sở thích. Tìm được thì vui, không tìm được thì buồn. Ấy gọi là " ái ".

9/ Thủ: Chấp thủ, gìn giữ. Nghĩa là, vì tâm đắm trược nên sinh lòng bảo thủ. Vật đã ưa thì đêm ngày mưu toan gìn giữ. Nếu vật thuộc của người thì tìm kế cướp đoạt. Do ái niệm sai xử nên tạo những ác nghiệp, ấy là " thủ ".

10/ Hữu: Tức là hữu lậu. Nghĩa là, do hai món ái, thủ xử làm những nghiệp nhân hữu lậu, nên phải kết sinh tương tục trong ba cõi, để chịu lấy khổ đau.

Ban ngày ta ái niệm vật gì, ban đêm ta mơ màng thấy như vật ấy đã thuộc về sở hữu của ta, cho đến lúc tỉnh dậy ảnh tượng ấy cũng còn luôn luôn chập chờn trước mắt. Ấy là công dụng của " ái ", tức là " hữu ".

Nhân ba món ái, thủ, hữu làm nguyên nhân, nên đời sau phải thọ quả báo sanh tử. Phối hợp với nhân quả trong ba đời, ba món này là nghiệp nhân hiện tại, để vời lấy quả báo sinh, lão, tử ở tương lai.

11/ Sinh: Sinh mạng. Chỉ chung cho tổng báo thân của loài hữu tình ( tâm và sắc). Trong ấy gồm cả sinh lực, thể chất lẫn tinh thần, sống còn trong một thời gian do hành nghiệp quyết định.

12/ Lão tử: Lão là sự già yếu của thân thể và tinh thần. Thân thể yếu đuối, da nhăn má hóp và tất cả tế bào đều suy yếu. Suy nghĩ, cảm giác chậm trễ lười biếng không còn lanh lợi như lúc niên thiếu. Năng lực trong người mòn mõi dần dần, đến một ngày kia, tinh thần vật chất đều kiệt quệ, sự sống ấy sẽ kết liễu ( chết ).

Hai món trên này là quả báo đời vị lai nếu đem so sánh với nhân quả trong ba đời.

Kinh Đại Trang Nghiêm nói: " Do nghiệp phiền não đời quá khứ nên có thân hiện tại. Trong đời hiện tại lại tạo nghiệp, nên được thân vị lai. Ví như hạt lúa do các duyên hòa hợp mới thành cây mạ. Nhưng, hạt lúa ấy thực sinh ra mạ, vì hạt giống tiêu diệt nên mạ mới lớn lên ", đủ làm toát yếu và chứng minh cho định lý này vậy.

Nói tóm lại

Với những tài liệu trên đã tả chân mọi luận pháp của sự cấu tạo qua các tư tưởng của đạo giáo và học thuyết, đem lại một nhận định tùy thuộc tư tưởng cá nhân phê phán và lựa chọn.

Nhưng, riêng về đạo Phật, chúng ta nhận thấy sự cấu tạo chỉ là một chuỗi dây nhân quả chạy dài từ vô thủy tới vô chung. Trong đó, nếu đứng về mặt tương đối, thì phát nguyên là " nhất niệm mê mờ " vọng khởi ra nghiệp lực. Nghiệp lực ấy luôn luôn chuyển biến, huân tập kết thành chủng tử. Chủng tử gặp cơ duyên lại phát khởi ra hiện hành. hiện hành lại tạo tác, tập thành chủng tử. Cứ thế, cứ thế mãi, nó tương quan, tương duyên mật thiết với nhau trong vòng chuyển biến, sinh diệt, chứ không phải là tự nhiên hay ai sáng tạo ra nó.

Khi nào con người biết đi ngược lại với dòng lưu chuyển ( luân hồi ) tức là phải đoạn trừ vô minh. Vô minh hết thì trí tuệ sáng tỏ, thể nhận được chân tướng của vũ trụ là giả hợp, là vô thường, là biến ảnh của tâm thức. Đã hiểu biết như thế, thì trong không có tâm, ngoài không có cảnh, tâm năng tri đã không, cảnh sở tri cũng tịch, còn do đâu mà có ra sự gây nhân chịu quả trong luân hồi. Khi vô minh đã diệt, tất cả những chi nhánh cũng phải diệt và sẽ được vui sống trong cảnh giới giải thoát.

" Tất cả sự vật dù hữu hình hay vô hình, tâm hoặc ảnh đều do nhân duyên cấu hợp và chỉ là những ảnh tượng mê lầm của tâm thức biến hiện ".

III. ĐẶC TÍNH CON NGƯỜI

" Hết thảy kết quả giác ngộ đều được bởi thân con người "

Luận Di Tôn Luân

Con người sẳn có cá tính đặc biệt hơn sinh vật khác

" Con người luôn luôn đối diện với mình và đứng trước sự cố gắng tìm hiểu, thực hành để tiến tới chổ hoàn thiện, đem lại sự thăng bằng và sự giải thoát ".

Con người thường được đề cao hơn hết trong các cuộc thuyết pháp hồi dương thời đức Giáo chủ Thích Ca Mâu Ni.

Con người được thừa hưởng vinh dự ấy, không phải là thiên vị mà do đặc tính của nó, mặc dầu nó cũng có những thú tính: dục vọng, lầm lỡ và các tội ác như các loài động vật khác.

Căn cứ vào luận Đại Bà Sa nói thì đặc tính ấy nơi đây có thể tóm tắt làm ba thứ:

1. TƯ TƯỞNG LINH LỢI

" Tất cả phẩm giá con người đều do nơi tư tưởng "

Pascal

Ý nghĩa

Trước vũ trụ bao la và huyền bí, trước những tác động vô hình nhưng linh hoạt, trước những công thức cần thiết của sự sinh hoạt, đã làm cho con người phải ghi vào đấy rất nhiều thắc mắc. Đã thắc mắc tất nhiên không thể để cho dòng sông mặc sức trôi chảy, nên phải có ra nhiều ý nghĩa, suy tưởng, sáng kiến hầu mong vén màn bí mật, đem lại nguồn sống hợp lý cho con người về tinh thần cũng như về vật chất, sau khi đã trải qua những kinh nghiệm đặt trên cơ sở vững chắc mới đầy đủ ý nghĩa của " tư tưởng ".

Với những sự kiện ấy, dưới con mắt giác ngộ của đức Phật, Ngài đã công nhận con người có nhiều tư tưởng hơn muôn loài. Song, tùy theo trình độ hay hoàn cảnh của cá nhân, nên cũng có nhiều loại, hoặc đúng hay không đúng:

Mấy thứ nhận xét

Nhận xét về vũ trụ. Có người phát sinh ra tư tưởng thần tạo, nguyên tử, nhân duyên v.vv...

Nhận xét về hình thể trái đất. Có người phát sinh ra tư tưởng hình vuông, hình dẹp, hay hình tròn v.vv...

Nhận xét về chủ nghĩa. Có người đề xướng ra chủ nghĩa duy tâm, duy vật, duy thức, tư bản, vô sản, đế quốc, thực dân, phát xít, quốc gia, quốc tế v.v... Nhận xét về sự nghiệp. Có người có tư tưởng làm vua, làm quan, làm ruộng, đi buôn, chài lưới, công nghệ, kỹ nghệ, ẩn dật hay tu dưỡng v.v... Nhận xét về luân lý. Có người có tư tưởng trọng về hiếu, đễ, trung, tín. Có người thích về tự do phóng khoáng v.v...

Nhận xét về hiến pháp. Có người có tư tưởng về hiến pháp quân chủ, quân chủ lập hiến, dân chủ v.vv...

Nghĩa là, tư tưởng tập trung nơi con người rất nhiều. Nhưng chúng ta chỉ biết: " Tư tưởng là hiện tượng về ý thức, do kinh nghiệm và tư lự phát sinh. Chỉ khi nào nó là kết quả của sự nhận xét đầy đủ, đúng đắn, có bằng cớ về một ý kiến nào, thì lúc đó mới là tư tưởng chính đáng ".

Một kết quả mỹ mãn không thể thiếu tư tưởng chân chính làm chỉ đạo.

2. NĂNG LỰC DỒI DÀO

" Muốn thành công và hưởng hạnh phúc trên đường đời cần phải có nhiều năng lực thực tiễn "

Victor Paucher

Ý nghĩa

Đã có một hình thể rõ rệt, tất nhiên trong đó phải có một sức lực tiềm tàng để giúp đỡ cho sự sinh trưởng, tồn tại... của lẻ sống còn của sinh vật. Nghĩa là sức lực ấy, luôn luôn chuyển vận theo với sự sẳn có và huân tập của hiện tại rồi chi phối cho sự hành động dưới bất cứ tác dụng nào. Cho nên nhà vật lý học gọi chung những sức lực ấy bằng hai chữ " năng lực ". Năng lực ấy, theo sự nhận xét của đức Phật thì con người có một số lượng tương đối dồi dào hơn.

Để chứng minh cho sự nhận xét ấy, trong sự sinh hoạt hằng ngày của xã hội loài người đã cho chúng ta thấy:

Những năng lực trong thực tế

Nhà chính trị có những năng lực điều khiển guồng máy hành chính, lãnh đạo quần chúng, giao tiếp nước ngoài, để đem lại sự an cư lạc nghiệp cho nhân dân.

Nhà quân sự có những năng lực chỉ huy, tổ chức và điều khiển quân đội, khiến sự an ninh được thường thường, quốc giới không bị xâm phạm.

Nhà văn hóa có những năng lực xuất phát ra những chính ngôn, những văn phẩm do nơi tài ba của mình để cung cấp cho quần chúng những món ăn tinh thần tùy theo nhu cầu của quần chúng và, để hấp dẫn quần chúng theo đà tiến hóa của quốc gia, nhân loại.

Nhà kinh tế học có những năng lực nghiên cứu, tìm tòi, sản xuất và phân phối nền kinh tế cho hợp với sự cung cầu của quần chúng.

Nhà xã hội học có những năng lực nghiên cứu và thực hiện một xã hội đầy đủ, tiến bộ khiến không còn những thành tích lạc hậu, bất bình, bất công và thiếu thốn.

Như thế, chúng ta đã thấy ở nơi con người không quá thiếu thốn về năng lực. Nhưng, chúng ta cũng phải nhận nó là một sức mạnh được phát minh bởi sự dự trữ, tích tập và phát hiện cho cuộc sống chung cùng. Và, nó chỉ có giá trị khi nào năng lực ấy biết phụng sự lẽ phải.

Sự thật chân chính là phản ảnh trung thành của năng lực thuần túy.

3. HÀNH ĐỘNG QUẢ CẢM

" Mục đích tối cao trong đời người là sự hành động, không phải là sự hiểu biết suông "

Huxley

Do tư tưởng, năng lực phát hiện ra hành động.

Nếu chỉ có tư tưởng linh lợi, năng lực dồi dào mà không có hành động quả cảm, thì tư tưởng ấy chỉ là tư tưởng trống không, năng lực ấy cũng chỉ là năng lực tiêu hoại.

Hành động quả cảm là một cử động quyết tín, hình dung của tư tưởng linh lợi, năng lực dồi dào và hướng về công việc làm chân chính. " Có trí óc minh mẫn chưa đủ, nguyên tắc chính là phải biết áp dụng bằng cách khôn khéo ".

Giá trị hiện thực

Chỉ có hành động quả cảm mới có giá trị. Giá trị ấy trên thực tế và lịch sử đã đem lại cho chúng ta một bài học rất rõ rệt:

Công chức trong các ngành được hưởng vinh danh và số lương xứng đáng không phải kết quả của may rủi, trái lại là sự cố gắng của họ trong thời gian khá lâu, nếu là những công chức biết làm đúng chức vụ của mình.

Một người được xưng hô là Đại tướng, phải chăng đã trải bao công lao vào sinh ra tử mới được cái danh nghĩa ấy

Được kho thóc đầy, được nhiều hàng tốt là đã tốn bao sinh lực của người nông phu và người làm thợ.

Bà Trưng Trắc, bà Trưng Nhị, Ngài Trần Hưng Đạo, vua Lê Lợi, vua Quang Trung được nêu cao tên tuổi trong trang sử bất diệt của Việt Nam, là do các Ngài đã quên mình, hướng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, quyết chiến với những bạo quân của nhà Hán, nhà Nguyên, nhà Minh, nhà Thanh bên Tàu để giữ vững giang sơn, gấm vóc.

Ông Kha luân bố ( Christophe Colomb ) nước Ý được tiếng tăm trên hoàn cầu là do ông cương quyết đi vòng quanh thế giới, để tìm hình thể trái đất.

Ông Démosthène nước Hy Lạp trở nên một nhà hùng biện nhất, là nhờ ở nghị lực của ông, ngày ngày ra bãi biển ngậm sỏi, tập diễn thuyết trong tiếng sóng ầm ầm, mặc dầu hồi nhỏ ông chỉ là một đứa bé ngọng nghịu, vụng về.

Đạo hữu Tensing Hội trưởng Hội Phật giáo Sherpa ( Népal, Ấn Độ ) trong đoàn thám hiểm nước Anh được hoan nghênh đặc biệt, phải chăng do hành động quả cảm của đạo hữu đã tới ngọn núi Everest, giữa ngày " Đăng Quang " ( 02 06 1953) của Nữ hoàng Anh. Không những thế, hành động quả cảm ấy lại còn được thốt ra bằng những lời nói hoan hỉ và đượm bao ý nghĩa sâu sa của đạo Phật: " Chiến công vĩ đại ấy thuộc cả đoàn thể, chứ không phải của riêng mình... Chỉ có chiến công oanh liệt nhất là tự chiến thắng mình ".

Như thế, cũng đủ đem lại một bằng chứng cụ thể cho hành động quả cảm của con người là rất sung túc. Nếu con người biết hành động chân chính, nghĩa là biết hướng về lợi ích chung cho toàn thể, không theo tiếng gọi của dục vọng, ích kỷ, thì một hành động quả cảm và hợp lý là sự thành công rực rỡ.

Tóm lại, con người là hiện thân của ý thức, tiềm lực và việc làm. Con người sẳn có những cá tính đặc biệt hơn tất cả các loài sinh vật khác, cố nhiên đặc tính ấy sẳn sàng giúp đỡ con người tạo lập và duy trì một nhịp sống cho thuận với danh nghĩa của nó, làm vẻ vang cho trang sử nhân loại, làm tăng tiến trong sự sinh hoạt và bất diệt trong bản thể vô biên của của vũ trụ. Chỉ có con người tự tạo ra con người ngày nay và ngày mai trong sự vui vẻ hay đau khổ.

Chúng ta hãy thể nhận những đặc tính ấy. Chúng ta hãy quán tưởng thân tâm chúng ta. Chúng ta hãy ngoảnh mặt, quay lưng lại dục vọng và thẳng tiến trên đường về giải thoát.

" Đời sống giải thoát không đòi hỏi sự cố gắng gì ngoài những sự cố gắng về tư tưởng, năng lực và hành động chân chính để tạo lấy một đời sống trong sạch đầy ý nghĩa ".

IV. GIÁ TRỊ CON NGƯỜI

" Chân giá trị của ta làm cho ta thành vĩ nhân, chứ không phải là địa vị do ta tình cờ chiếm được ". Conwell

Giá trị con người một phản ảnh trung thành của địa vị con người, sau khi địa vị ấy đã biến thành sự thật.

Đối với đạo Phật, từ trước tới nay vẫn thừa nhận giá trị đặc biệt của con người, một giá trị kèm theo với hình thể và đặc tính của nó. Nhưng, chỉ khi nào con người biết thực hiện đúng với chân nghĩa của con người.

Ngược lại dòng nhận xét tổng quát về vấn đề con người, chúng ta đã ý thức được rằng con người có một địa vị đặc biệt trong vũ trụ, cũng như trong đạo Phật. Đã có một địa vị đặc biệt tất nhiên phải có một giá trị đặc biệt. Mà giá trị ấy không phải tìm tòi xa xăm, chỉ tìm ngay trên lời nói, ý nghĩ và việc làm của con người.

Căn cứ vào Khế Kinh nói, giá trị ấy có thể khái quát trong những đề mục dưới đây:

1. GIÁ TRỊ HƠN MUÔN LOÀI

" Không có gì giá trị bằng giá trị của sự biết xứng đáng với địa vị của mình ".

Kinh Ưu Bà Tắc nói: " Trong tất cả các loài, con người đủ điều kiện hơn, như về trí khôn chẳng hạn. Nhất là hoàn cảnh con người không quá khổ như địa ngục, không quá vui như thiên đường và không ngu si như thú vật ".

Thật thế, giáo lý mầu nhiệm ấy là một chứng tích làm cho chúng ta nhận được chân giá trị của con người:

Trí khôn con người hơn muôn loài

Nhờ có trí khôn, con người mới tạo thành xã hội ngày nay. một xã hội được tổ chức về mọi mặt, biết dùng sức lực người hoặc sáng chế ra máy móc, khai khẩn đất đai, trồng trọt hoa mầu, đem lại nguồn kinh tế dồi dào, để cung dưỡng cho con người; biết dệt may quần áo, chế hóa thuốc men, để cho thân khỏi rét và khỏi đau yếu; biết làm nhà cao ráo để trú ẩn khi nắng mưa; biết chế tạo xe tàu để đi lại tiện lợi; biết dựng đặt pháp luật để bảo vệ sự sống, đem lại an ninh cho xã hội. Và, còn nhiều vật dụng cần thiết cho xã hội đều do trí khôn con người phát xuất. Cho nên cổ nhân đã nói: " Nhân linh ư vạn vật ", phải chăng từ cổ nhân cũng đã trực tiếp công nhận giá trị ấy.

Hoàn cảnh con người là hoàn cảnh trung bình

Theo giáo lý đạo Phật, thế giới này chỉ là một trong muôn vàn thế giới khác và cùng trong định luật: thành, trụ, hoại, không, cùng nhịp nhàng trong bản thể vô biên.

Chiếu theo nghiệp lực nhân quả dưới con mắt giác ngộ của đức Phật, những thế giới ấy, thế giới phàm tục, có thể phân làm 6 loại:

1/ Trời: ( Deva, Sura ): Thế giới tương đối có một hình thế tốt đẹp, khí hậu thanh khiết, phẩm vật thiên nhiên, con người đẹp đẽ, sống lâu hơn loài người và có nhiều sự khoái lạc.

2/ A Tu La ( Asura ): Thế giới có một hình thế, một thân thể, một đời sống và sự nhu cầu gần như cõi trời, nhưng hay giận, hiếu chiến và đam dâm.

3/ Người ( Manusya ): Thế giới trung bình, không đẹp lắm, không xấu lắm, không sướng lắm, không khổ lắm và cũng không thọ lắm, không yểu lắm.

4/ Địa ngục ( Narska, Niraya ): Thế giới chịu sự đau khổ nhiều nhất. Tất cả hình thể, nhu dụng và khí cụ đều chứa bằng đau khổ

5/ Ngạ quỷ ( Preta ): Thế giới có những vật thể xấu xa, tiều tụy, luôn luôn bị thiếu đói, không được hưởng chút no nê, vui vẻ.

6/ Bàng sinh hay súc sinh ( Tiryagyoni ): Thế gới có những sinh vật chịu thân hình đi ngang, ăn uống vất vả, mang chở nặng nề, ngu si, mê muội và đôi khi phải hiến thân mệnh cho những động vật khác.

Do đó, chúng ta nhìn về đại thể của xã hội loài người, nếu đem so sánh với muôn loài thì chứng tỏ con người có một giá trị trung bình, tuy rằng trong hoàn cảnh ấy cũng có khi nó lấn sang địa hạt của các loài khác do tâm niệm và hành vi của cá nhân.

Chúng ta hãy tạo lấy hoàn cảnh và cải tiến hoàn cảnh của chúng ta.

Có thân con người là do nghiệp nhân tác thành

Đức Phật dạy: " Nay được thân con người là do trước đây đã thực hành năm điều răn:

1/ Không sát sinh: Tất cả các sinh vật có thân mệnh do sắc, tâm giả hợp đều có thức tính, biết ăn uống, biết vui sống, sợ chết, nên từ loài cao đẳng động vật cho đến loài côn trùng nhỏ bé chúng ta đều không nên sát hại. Không sát hại nhưng còn phải đem lòng nhân từ giúp chúng sinh.

2/ Không trộm cắp: Đã có thân mệnh quyết nhiên phải hoạt động lấy những vật dụng để nuôi dưỡng và gìn giữ sự sống là nguyên tắc chung của tất cả mọi người. Đã là nguyên tắc chung thì của người nào thuộc người ấy chúng ta không nên đem tâm trộm cắp. Và có khi còn tùy hoàn cảnh của mình bố thí cho người khác.

3/ Không tà dâm: Đã là sinh vật thoát thai từ lòng tham ái, tất nhiên nó lại tiếp nối, sinh khởi ra lòng tham ái, nên phải có gia đình, trừ những ai cương quyết thoát ly nó. Có gia đình là để phân biệt với gia đình trên vấn đề sinh lý và hạnh phúc, cho nên không ai nên làm hạnh tà dâm. Nghĩa là không nên có hành vi ngoại tình mà phải giữ hạnh thanh tịnh.

4/ Không nói dối: Cùng chung một xã hội, cùng sống trong hoàn cảnh cần sống và phải sống, vì vậy không ai nên dùng những lời nói dối trá, thêu dệt, lật lường và ác độc. Trái lại, chỉ dùng những lời nói thật thà, ngay thẳng, thành tín vàhoà dịu.

5/ Không uống rượu: Rượu là một chất kích thích mạnh, nó làm tiêu hao cơ thể, não loạn tâm thần, mê mờ trí tuệ, hay sinh ra những việc bất lương, cho nên chúng ta không nên uống rượu. Không uống rượu thì trí tuệ được minh mẫn đủ nghị lực kiềm chế thân tâm và làm những việc phải đạo.

Đó là những nghiệp nhân tác thành để sinh vào thế giới con người. Đó là một giá trị trong hành vi của con người đủ bảo đảm cho hình thể và đặc tính của con người tương đối hơn muôn loài. Vì, nếu không có nghiệp nhân, tất nhiên không có con người. không có con người còn đâu có trí khôn hơn muôn vật và được ở trong hoàn cảnh trung bình, cho nên " nghiệp nhân là động cơ tác thành cho tất cả ".

Như thế giá trị con người ở ngay trong địa vị con người. Con người là trung tâm điểm đối với muôn loài do nghiệp nhân, hoàn cảnh và trí khôn kết thành. Chúng ta là một phần tử trong xã hội loài người, chúng ta phải mặc nhận giá trị đặc biệt ấy và chúng ta sẽ chứng tỏ trên việc làm hàng ngày của chúng ta là " trên và hơn tất cả ". Vậy, hàng ngày chúng ta nên nhớ câu: " Bạn hãy lại đây và nhìn thẳng vào con đường của bạn ".

2. GIÁ TRỊ TRONG XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI

" Thân ta là một phần tử trong xã hội, vậy mỗi việc của ta làm cũng phải giúp được cho sự sinh hoạt của xã hội "

Marc Aurèle

"Đem thâm tâm phụng sự chúng sinh, là báo đáp hồng ân chư Phật "

Con người không thể sống đơn độc mà phải sống chung cùng với xã hội và phải đem năng lực của mình hướng vào việc xây dựng xã hội. Vì, xã hội là một khối kết hợp do nhiều cá nhân, nên sự sinh hoạt của cá nhân đều có quan hệ với đoàn thể. Tất cả tổ chức xã hội đều do con người phát sinh và đều phát sinh vì con người. Năng lực con người chi phối toàn diện xã hội. Ông Hồ Thích viết: " Sinh mệnh của xã hội không kể xét về chiều ngang hay chiều dọc đều giống một cái máy có tổ chức. Xét về chiều dọc thì lịch sử xã hội không ngừng. Người trước ảnh hưởng đến người sau, người sau ảnh hưởng đến người sau nữa. Không có cổ nhân ta và vô số cổ nhân thì làm sao có bạn và tôi ngày nay, thì làm sao có người đời sau. Không có cá nhân vô lượng số đó thì không có lịch sử. Nhưng, không có lịch sử thì vô lượng số cá nhân đó cũng không có hình dáng ấy. Xét về chiều ngang thì sự sinh hoạt của xã hội ảnh hưởng lẫn nhau. Cá nhân tạo thành xã hội, xã hội tạo thành cá nhân. Sự sinh hoạt của xã hội toàn là nhờ sự sinh hoạt của cá nhân không kể là khác nhau ra sao, đều không thoát khỏi ảnh hưởng xã hội. Nếu không có xã hội như thế thì quyết là không có bạn và tôi như thế. Nếu không có vô số bạn và tôi thì xã hội quyết không như thế ".

Do đó, chúng ta nhận thấy trên lý thuyết cũng như trên sự thực, dù là thời gian hưũ hạn hay vô hạn, con người vẫn có một giá trị đặc biệt trong xã hội loài người. Một người không có thể thiếu cơm ăn, áo mặc, nhà ở, thuốc men, học vấn và vật dụng. Một người cũng không tự làm đủ để cung cấp cho riêng mình. Nhưng, cũng không thể có được ở ngoài sức lực con người. cho nên Bà Hội trưởng hội Ái hữu Phật giáo Pháp cũng viết: " đời sống của kẻ khác luôn luôn có liên lạc với đời sống riêng của mình ".

Mỗi hành động là một lợi khí

Thật thế, mỗi hành động của con người là một lợi khí có quan hệ đến xã hội loài người hoặc hay hay dở. Con người có thể làm cho xã hội trở thành một xã hội hưng thịnh, nhân loại sung sướng và cũng có thể biến tạo thành xã hội suy đồi, nhân dân đau khổ.

" Một nhà làm điều nhân, điều nhân ấy có ảnh hưởng hưng thịnh cho cả nước " thực là lời khuyên của Thánh nhân có đầy đủ ý nghiã lợi ích cho xã hội loài người tưởng không phải nho.

Vậy, với giá trị và điạ vị con người trong xã hội loài người là giá trị trung tâm điểm, giá trị chủ nhân ông. Khi nào con người hiểu biết giá trị con người, tôn trọng giá trị con người, lấy chủ nghiã con người làm chủ, thì năng lực tác động của con người sẽ là năng lực tiến hoá giúp cho xã hội loài người tiến đến văn minh, hòa bình chân thật.

Được thế, trước khi cảm nhận giá trị ấy, chúng ta hãy bắt chước lời nói sau này của một Phật tử Tây phương, để làm châm ngôn cho chúng ta: " Con người tự đổi mới, hay đúng hơn con người luôn luôn tự mình đổi mới lại mình trong tất cả thời ".

3. GIÁ TRỊ TRONG SỰ TIẾN HÓA

" Trí tuệ là sự nghiệp "

Kinh Bát Đại Nhân Giác

Tiến hóa là một công dụng?luôn luôn thay đổi và tăng tiến, do trí tuệ làm động cơ.

Khế Kinh nói: " Loài người mau tiến bộ và tiến hoá hơn cả.Thực tế cho chúng ta thấy con người rất dồi dào về tư tưởng tiến bộ và tiến hoá. Mới thời nào con người còn sống trong thời đại nguyên thủy dã man ăn lông ở lỗ, gài lá che thân, thời đại này, trải bao kinh nghiệm trong các từng lớp thời gian, đã đem lại cho xã hội một nền văn minh vật chất cực thịnh, tuy rằng trong đó vẫn còn nhiều khuyết điểm. Chính do sự tiến hóa ấy, đã giúp cho con người được hưởng một đời sống sung sướng hơn, hình thức mới mẻ hơn, sống gần nhau hơn...

Nhưng, sự tiến hóa ấy vẫn chưa tránh khỏi được sự thiếu chân thật, khiến tự nó lại trở thành sự thoái hóa trá hình, hiện thân của dục vọng, trở thành một sức phá sản ghê gớm trong sự sống, quyền sống của con người, mà sự thật đã chứng minh và đã đem lại nhiều lời than tiếc tự đáy lòng các Bác sĩ, triết học Tây phương:

" Nếu các nhà Bác học của thế kỷ trước chịu khó nghiên cứu tâm hồn người thì văn minh không có một cục diện khủng hoảng như ngày nay ".

" Hết thảy cơn khủng hoảng trong thời cận đại đều do tinh thần không đuổi kịp vật chất trên con đường tiến bộ của nhân loại "

" Nguồn gốc thảm họa của chiến tranh là sự tham danh lợi quá nặng nề của nhân loại ".

Vì thế, đạo Phật luôn luôn tôn trọng giá trị tiến bộ và tiến hóa của con người nhưng, phải là một giá trị tiến hóa được đặt trên cơ sở hiểu biết chân chính, chính tri kiến. Có hiểu biết chân chính mới hướng dẫn hành động chân chính, có hành động chân chính mới có kết quả của sự tiến hóa chân chính vĩnh viễn được.

Ta là người

Nếu con người từ trước tới nay đều hiểu rằng: Ta là người . Ta là một phần tử trong xã hội loài người, cùng sinh sống trên trái đất con người, cùng có một giá trị như nhau và có sự quan hệ mật thiết với nhau về mọi mặt. Ta phải dạy bảo nhau, giúp đỡ nhau tiến bộ. Ta đem những tư tưởng, sáng kiến của ta tạo thành những khí cụ phá rừng núi khai khẩn hầm mỏ, điền địa đem lại nền kinh tế sung túc cho xã hội. Ta chế tạo nhiều thứ tối tân để thay thế cho sức lực con người bớt sự nặng nhọc, được hưởng sự sung sướng tự do...thì, đâu còn nạn giai cấp đấu tranh, đâu còn lao tù khổ sở, đâu còn khí giới nguyên tử, khinh khí để giết hại, khiến cho sự chết chóc, điêu linh quá sức tưởng tượng như ngày nay, mà vẫn được khoác những màu áo " dân chủ, hòa bình, tự do, hạnh phúc? "

" Muốn bình thiên hạ hãy bình tâm địa trước đã! "

Đó là lời cảnh cáo sâu sa cho những ai có tham vọng bất chính mà Đức Phật đã nói trong Khế kinh.

Như thế, chúng ta đã nhận chân giá trị tiến hóa của con người trong đạo Phật. Giá trị ấy không phải là viễn vông, nó có trên hành động của con người biết hướng về đoàn thể bằng sự lợi ích chân thật. Vậy, nơi đây chúng ta có thể nói: " Con người nào đã lìa bỏ được lòng ố nhân và giải đãi là người đó đã giải thoát và tiến bộ ".

Tóm lại, chỉ có con người mới đủ những giá trị đặc biệt như trên. Giá trị ấy căn cứ trên hành vi tạo tác tiếp nối của con người, nhưng nó không nghiêng về dục lạc hay đau khổ mà nó phải được như lời ông A.Huxley nói: " Người ta xin chúng ta một điều là " trở nên người "...

Một người mà anh nên hiểu là không phải thần minh cũng không phải quỷ sứ. "

Cũng giá trị ấy, nó sẽ đem lại cho xã hội một trạng huống vui vẻ, hạnh phúc chân thật, do năng lực của con người, đã được chứng tỏ trong lời khuyên: " Thiên hạ cũng như một tấm gương phản chiếu hình ảnh của anh... thiên hạ sẽ tươi cười với anh, nếu anh tươi cười...". Và, được thế mới nêu tỏ được địa vị đạo Phật đối với con người như ông Sinett người Anh đã viết: " Đạo Phật tôn trọng tự do ý chí với tất cả chân giá trị của nó trong phạm vi hoạt động rất rộng rãi và với giới hạn chủ quyền hoàn toàn ".