Đàm vô sấm còn gọi là Đàm ma sấm. Sư người Thiên Trúc, lên sáu đã mồ côi cha, sống với mẹ, được sa môn Đạt ma da xá thâu nhận làm đệ tử, cho học pháp Tiểu thừa. Sau, sư gặp được thiền sư Bạch Đầu mới học Đại thừa. Năm hai mươi tuổi, sư thông thuộc hơn hai trăm vạn lời kinh Đại thừa và Tiểu thừa. Anh họ của sư có tài điều phục voi, nhưng làm chết con đại tượng tai trắng của vua cưỡi. Vua tức giận sai người giết và ra lệnh:
– Ai đến dám đến nhận thân nhân, sẽ bị tru di tam tộc.
Quyến thuộc chẳng ai dám đến, chỉ có sư khóc lóc chôn cất. Vua tức giận định giết sư, sư nói:
– Bệ hạ vì luật pháp giết người này, tôi cũng lấy tình thân mà chôn cất người này, chẳng ai trái đại nghĩa, cớ sao lại giận tôi?
Những người xung quanh đều khiếp sợ, riêng sư vẫn thản nhiên. Vua kính phục trước chí khí của sư, bèn giữ lại để cúng dường. Sư rất giỏi chú thuật, cầu nguyện điều gì cũng được linh nghiệm, vì thế người Tây Vực gọi là Đại Chú Sư.
Một hôm, cùng vua lên núi, vua khát mà không có nước uống, sư thầm đọc chú thì trong đá tuôn ra một dòng nước. Nhân đó sư nói:
– Ân đức của đại vương cảm đến đá cũng sinh nước.
Dân nước lân cận nghe vậy đều ca ngợi đức độ vua. Bấy giờ, mưa thuận gió hòa, bá tánh an vui.
Sau khi biết được việc ấy là do đạo thuật của sư, vua càng thêm quý trọng. Nhưng không bao lâu, sự ân sủng giảm dần, sư cho rằng nếu ở lại đây lâu vua sẽ chán ghét, bèn từ giả đến nước Kế tân. Sư muốn truyền bá Đại thừa tại nước này, nhưng không thích hợp, nên lên đường đến Qui tư, rồi sang Cô Tang. Vào nghỉ trọ tại một lữ quán, vì sợ mất nên sư gối đầu lên kinh ngủ. Đêm đó có người kéo sư xuống đất, thức giấc cứ nghĩ là kẻ trộm. Trải qua ba đêm như thế, sư bỗng nghe trên không trung có tiếng nói vọng xuống: “Đây là tạng giải thoát của Như Lai, cớ sao lại đem gối đầu!”. Sư mới hiểu ra, liền đem kinh an trí ở trên cao. Tối hôm đó có kẻ đến trộm, nhưng hắn nhấc mãi mà kinh không hề lay động. Đến khi trời sáng, sư cầm kinh lên một cách nhẹ nhàng, kẻ trộm thấy vậy cho sư là thánh nhơn, liền đến lễ lạy sám hối.
Bấy giờ, Hà Tây vương Thư Cừ Mông Tốn chiếm đất Lương. Có lần sư bảo Mông Tốn rằng:
– Ta thấy ma quỷ vào làng xóm, ắt sẽ xảy ra nhiều nạn dịch bệnh.
Mông Tốn không tin muốn đích thân chứng nghiệm. Sư liền dùng chú thuật giúp Mông Tốn nhìn thấy, Mông Tốn thấy được, vô cùng kinh hải. Sư nói:
– Phải chí thành trai giới, rôi dùng thần chú xua đuổi.
Sư tụng chú suốt ba ngày rồi nói với Mông Tốn:
– Ma quỷ đã đi rồi.
Trong vùng có người có khả năng thấy được quỷ ông ta cho biết:
– Tôi thấy mấy trăm quỷ dịch bệnh tranh nhau bỏ chạy.
Nhờ đó, nhân dân vùng này được yên ổn.
Bấy giờ, vương nước Ngụy là Thác Bạt Đảo, nghe sư có đạo thuật bèn sai sứ giả sang nghinh đón. Mông Tốn phụng sự sư đã lâu nên không nỡ xa. Sau đó, sứ giả nước Nguỵ lại dùng lời lẽ ôn hòa xin được thỉnh đón sư, Mông Tốn luyến tiếc không cho, nhưng lại sợ sự hùng mạnh của nước Ngụy.
Đến tháng 9 niên hiệu Nghĩa Hòa thứ ba, sư xin sang Tây Vực để tìm thỉnh phần sau của bộ kinh Niết bàn kinh Hậu phần. Mông Tốn tức giận muốn giết sư, nên ngầm lập mưu để hại, giả vờ đến đưa tiển và tặng sư nhiều của cải quí báu. Ngày lên đường, sư rơi lệ nói với mọi người:
– Nghiệp phải trả nay đã đến rồi, các vị thánh cũng không thể nào cứu được. Nhưng ta đã lập thệ, quyết không bỏ cuộc!
Đến ngày sư lên đường, quả thật Mông Tốn đã cho thích khách chặn đường giết. Sư mất lúc mới 49 tuổi, bấy giờ nhằm niên hiệu Nguyên Gia thứ mười (433) đời Tống. Mọi người xa gần đều thương tiếc.
Sau đó, ngay giữa ban ngày các cận thần của Mông Tốn thường thấy quỷ thần lấy kiếm đâm Mông Tốn. Đến tháng tư năm sau, Mông Tốn mắc bệnh trầm trọng rồi qua đời.