Ngài Mãn Nguyệt (Purnasoma)
| Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch


Ngài là người ở Tây Vực, sang Chấn Đán, nhận trọng trách phiên dịch kinh điển. Ngài quán thông thấu triệt pháp môn Du Già, cùng có thần lực kỳ dị. Đời Đường Văn Tông, niên hiệu Khai Thành (836 840), Ngài mang kinh điển bằng tiếng Phạn đến Trung Thổ, và cùng với sa môn Kim Cang Tất Địa, v.v... dịch bốn quyển Đà La Ni Tập và một quyển Thú Đà Thiên Tử Thuyết Tôn Thắng Kinh. Bấy giờ ngài Tri Huyền, tức quốc sư Ngộ Đạt, tôn ngài Mãn Nguyệt làm thầy.

Ngoài ra, từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ mười, có rất nhiều nhà dịch giả từ Thiên Trúc, Đại Nhục Chi, Tây Vực, v.v... sang Trường An, Lạc Dương, Kiến Nghiệp, v.v... phiên dịch kinh điển như sau:

Ngài An Pháp Khâm, người nước An Tức, tại Lạc Dương từ năm 281 đến năm 306, dịch kinh Đạo Thần Túc Vô Cực Biến Hóa, kinh Văn Thù Sư Lợi Hiện Bảo Tạng, kinh A Xà Thế Vương, truyện A Dục Vương.

Ngài Chi Pháp Độ, người nước Đại Nhục Chi, dịch kinh Thệ Đồng Tử, v.v... tại Lạc Dương vào năm 301.

Ngài Nhã La Nghiêm, người Thiên Trúc, dịch kinh tại Lạc Dương vào khoảng năm 316.

Ngài Chi Đạo Căn, người nước Đại Nhục Chi, đến Kiến Nghiệp vào năm 335, dịch kinh Phương Đẳng, Pháp Hoa, v.v...

Ngài Trúc Đàm Vô Lan (Dharmaranya, dịch là Pháp Chánh), người nước Thiên Trúc, dịch kinh tại Kiến Nghiệp từ năm 381 đén năm 395.

Ngài Chi Thi Lôn, người nước Đại Nhục Chi, dịch hai quyển kinh Như Huyễn Tam Muội, Thượng Kim Quang Thủ, và hai quyển kinh Thủ Lăng Nghiêm vào đời Tiền Lương, năm 373.

Ngài Cưu Ma La Bồ Đề (Kumarabodhi, dịch là Đồng Giác), là người nước Thiên Trúc, dịch kinh tại Trường An từ năm 369 đến năm 371.

Ngài Đàm Ma (Dharmapriya, dịch là Pháp Ái), dịch kinh tại Trường An vào năm 382.

Ngài Ca Lưu Đà Gia (Kalodaka, dịch là Thời Thủy), là người nước Thiên Trúc, dịch kinh tại Kiến Nghiệp vào năm 392.

Ngài Khương Đạo Hòa, người nước Khương Cư, dịch kinh tại Kiến Nghiệp vào năm 396.

Ngài Tăng Già Đà (Sanghata, dịch là Nhiêu Thiện) là người Tây Vức, dịch kinh tại Bắc Kinh từ năm 402 đến 412.

Trúc Nan Đề (Nandi, dịch là Vân Hỷ) cư sĩ người Thiên Trúc, dịch kinh tại Kiến Nghiệp vào năm 419.

Ngài Chi Đa Mật (Gitamita, dịch là Ca Hữu) người Tây Vực, dịch kinh tại Kiến Nghiệp vào năm 420.

Ngài Công Đức Trực (Gunaila) là người ở Tây Vực, đến Kinh Châu dịch kinh vào năm 462.

Ngài Phật Đà Bạt Di (Sanghavarman) người nước Sư Tử, dịch kinh tại Kiến Nghiệp vào năm 478.

Ngài Vật Đề Đề Sạn Ngư (dịch là Liên Hoa Thanh Tịnh) người nước Quy Từ. Ngộ Không từ Thiên Trúc đi ngang qua nước Quy Từ, gặp ngài Vật Đề Đề Sạn Ngư tại chùa Liên Hoa, nên cung thỉnh dịch kinh Thập Lực.

Ngài Bát Nhã là người nước Kế Tân. Năm 795 dịch ra mười quyển thuộc phần cuối của kinh Hoa Nghiêm là Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện, do Ngài mang từ nước Ô Trà sang Đông Độ.

Ngài Vô Năng Thắng là người A Chất Đạt Tản ở Thiên Trúc, cũng phiên dịch kinh điển vào cuối đời Đường.

Y cứ theo quyển ‘Khai Nguyên Thích Giáo Lục Tải’, thì từ đời Hậu Hán đến đời Đường niên hiệu Khai Nguyên, các nhà dịch giả, gồm chư tăng lẫn cư sĩ, có khoảng 171 vị, dịch được 2278 bộ và 7046 quyển kinh. Những kinh điển này bao gồm những bộ kinh chân chánh và ngụy tạo. Theo quyển ‘Khai Nguyên Thích Giáo Lục Tải’ thì những bản kinh chân thật, hiện còn tồn tại là 968 bộ và 4507 quyển. Vào đời Tống dịch thêm được hơn năm trăm quyển. Tổng cộng khoảng năm ngàn quyển kinh luật luận. Từ năm 67 đến năm 789 là thời gian mà đại đa số các kinh điển đã được phiên dịch. Trước và sau thời gian đó, đều là những phần phụ.

Y cứ theo quyển ‘Khai Nguyên Thích Giáo Lục Tải’, thì từ đời Hậu Hán đến đời Đường niên hiệu Khai Nguyên, các nhà dịch giả, gồm chư tăng lẫn cư sĩ, có khoảng 171 vị, dịch được 2278 bộ và 7046 quyển kinh. Những kinh điển này bao gồm những bộ kinh chân chánh và ngụy tạo. Theo quyển ‘Khai Nguyên Thích Giáo Lục Tải’ thì những bản kinh chân thật, hiện còn tồn tại là 968 bộ và 4507 quyển. Vào đời Tống dịch thêm được hơn năm trăm quyển. Tổng cộng khoảng năm ngàn quyển kinh luật luận. Từ năm 67 đến năm 789 là thời gian mà đại đa số các kinh điển đã được phiên dịch. Trước và sau thời gian đó, đều là những phần phụ.