Home > Khai Thị Phật Học > Giai-Thoat-Thuc
Giải Thoát Thực
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ


Trong nhật thường sinh hoạt của tín đồ Phật giáo có sự bất đồng giữa vấn đề ăn chay của đại thừa hiển giáo và Phật giáo nguyên thủy quen gọi là tiểu thừa.

Ăn mặn.

Khi đức Phật còn tại thế ngài không đặt ra vấn đề ăn chay mà dạy chư tăng chỉ được ăn các thứ do thí chủ cúng, dù đó là thịt cá, tuy nhiên khi thọ nhận cũng có những điều kiện như nếu nghe tiếng con vật kêu la khi bị giết hay biết nó bị giết để cúng cho mình thì không được phép thọ nhận, và tuyệt đối không được đòi hỏi. Ban sơ do các thí chủ lần đầu tiếp xúc với các tu sĩ mà họ chưa biết về sự tu hành của những vị này nên chỉ đáp ứng việc khất thực bằng chia sẻ những thứ thực phẩm họ có, vì vậy có gì cho nấy và vị tu sĩ cũng nhận mọi thứ đó không phân biệt tốt xấu ngon dở và dùng sự thọ nhận bình đẳng đó hồi hướng kết duyên thanh tịnh với các thí chủ, điều này luôn được duy trì có lẽ để tiện cho việc khất thực cũng như dễ dàng cho thí chủ cúng dường hơn, khi họ cúng thứ gì cũng được. Đây là lý do tạm gọi là cho phép ăn thịt của bên Phật giáo nguyên thủy.

Ăn chay.

Sau này khi đại thừa xuất hiện mới bắt đầu có vấn đề ăn chay, dù vậy các xứ theo Mật giáo vẫn có truyền thống ăn mặn, các nước theo Hiển giáo đều ăn chay trừ Nhật bản. Khác với tinh thần tu tập thoát khổ của bên nguyên thủy, đại thừa chủ trương giác ngộ thành Phật, song điều kiện để thành Phật là thành tựu vô thượng công đức, và con đường độ tận chúng sinh là công đức vượt mọi công đức gọi là vô thượng công đức. Phật là bậc giác ngộ giải thoát, sự giác ngộ giải thoát này cũng vô thượng nên vô giới hạn, pháp giác ngộ đã vô hạn tất nhiên không giới hạn ở Phật mà bao quát mọi hữu tình, vì vậy giác ngộ nhất thiết chúng sinh là thành tựu sự giác ngộ vô hạn gọi là viên giác.

Do đó sự tu tập thành tựu viên giác là con đường độ tận chúng sinh, và con đường độ tận đó chính là quả viên giác, hành độ tận được gọi là Bồ tát đạo. Viên giác là trí huệ, độ sinh là từ bi, muốn được huệ phải tu bi, muốn có bi phải học huệ, không hành bi không sinh huệ, không học huệ không sinh bi, bi huệ là hai diệu dụng của tâm bản giác, vì vậy trước phải phát khởi tâm bản giác mà kinh gọi là vô thượng tâm hay bồ đề tâm làm động lực cho việc tu huệ thượng cầu và hành bi hạ hóa. Do tâm bi lân mẫn nhất thiết hữu tình nên người hành Bồ tát đạo không những không giết hại hay ăn thịt chúng sinh còn mở lòng cứu khổ nạn mà phóng sinh, đây là lý do đại thừa Bồ tát đạo không ăn thịt chúng sinh lại còn thường phải phóng sinh. Tín chúng đại thừa tin ăn chay có phúc, nhưng đây chỉ là phúc tiêu cực, nếu phóng sinh sẽ là phúc tích cực, nói chung là phóng sinh có phúc báo vượt trội ăn chay, vì vậy trong 48 giới khinh của Bồ tát giới, giới thứ 3 cấm ăn thịt và giới thứ 20 dạy phải thường phóng sinh và khuyên bảo người khác thực hành.

Lý do vì sao không ăn thịt.

Việc làm tức pháp hành của Bồ tát đã là độ nhất thiết chúng sinh tất nhiên chẳng những không thể làm tổn hại chúng sinh nên đoạn nhất thiết ác, mà còn phải lợi lạc chúng sinh nên tu nhất thiết thiện, đoạn ác hành thiện vì chúng sinh gọi là độ sinh, vì lý lẽ này mà không ăn thịt chúng sinh. Hơn nữa hết thảy chúng sinh đều có Phật tính, bản thể vốn là Phật, nếu gặp duyên đắc độ sẽ thành Phật tương lai, thế nên thay vì gây nghiệp ăn thịt chúng sinh khác gì ăn thịt Phật tương lai thì gieo duyên đắc độ cho mọi chúng sinh thành Phật tương lai, nhờ vậy mà diệt tội được công đức thù thắng, đó là lý do đại thừa Bồ tát không ăn thịt chúng sinh.

Tuy nhiên những người không thọ giới Bồ tát hay không tu Bồ tát đạo cũng vẫn ăn mặn như trường hợp của nhiều giáo phái bên Nhật bản, hoặc ở những nơi có địa hình hiểm trở thời tiết khắc nghiệt gây trở ngại cho việc trồng trọt như ở các xứ theo đại thừa Mật giáo như Tibet, Nepal, Mông cổ…đều ăn mặn.

Như vậy xem ra tuyệt đại Phật giáo đồ ở các nước theo Phật giáo ăn mặn, chỉ có thiểu số ăn chay gồm Phật giáo ở các nước Trung quốc, Đại hàn và Việt nam. Cả hai vấn đề chay mặn đều được phép từ đức Phật, như vậy đối với đức Phật thực sự ăn thứ nào là đúng?. Ăn chay hay mặn chỉ là phương tiện để sống, đức Phật chỉ dạy cách ăn không chỉ để sống mà còn dạy sống như thế nào cho ta và người đều cùng được an lạc giải thoát, vì thế cách ăn này có công đức lớn, tạm gọi là giải thoát thực tức món ăn giải thoát. Vậy giải thoát thực là gì?.

Giải thoát thực.

Vào mùa an cư chư tăng cũng như tín chúng khi thọ tám trai giới đều thọ trai theo cách ăn giải thoát thực, qua hình thức cúng quá đường, dùng tam đề và ngũ quán là chất liệu biến mọi thức ăn trở thành công đức giải thoát.

Tam đề Ngũ quán.

Tam đề là ba ý niệm thường xuyên ghi nhớ, đặc biệt là trước khi ăn để tự nhắc nhở ăn để sống bằng đời sống thanh tịnh bao quát mọi sinh hoạt vứt bỏ mọi việc ác, làm mọi điều thiện dù lớn hay nhỏ chỉ để độ nhất thiết chúng sinh.

Ngũ quán là năm điều quán tưởng trước khi ăn. Thứ nhất quán biết bao công sức của bao người từ người trồng lúa, chăn nuôi, người mua bán, người nấu nướng mới có bữa ăn này, quán như vậy để tri ân những ai góp phần làm nên món ăn cho ta dùng.

Thứ hai đã biết công phu có được bữa ăn không phải là nhỏ nên quán tự thân có xứng đáng được biết bao người phục vụ như vậy không? Quán như vậy để biết tri ân, có biết tri ân tha nhân và tìm cách báo ân mới đủ đức hạnh để thọ thực.

Thứ ba do tri ân báo ân nên sinh lòng trân trọng khi ăn, nếu chỉ biết ăn nuốt cho nhiều vì ngon mà không bận tâm gì đến lòng tri ân công sức của mọi người làm nên bữa ăn, để báo đáp, thì đó là tâm tham, đã tham ăn tất cũng tham sắc, tham tiền, nói chung là tham dục, vì vậy quán tham là gốc của mọi tội nên tâm phải lìa tham.

Thứ tư đã không ăn vì tham hưởng thụ nên quán thức ăn như thuốc chữa bệnh yếu mòn thân thể, quán như vậy để không ăn vì tham vị.

Thứ năm quán vì thành đạo nghiệp nên mới thọ thực, vì thành đạo nghiệp mới báo bổ được bốn trọng ân.

Vấn đề về ăn.

Ngoài vấn đề chính yếu để sống, ăn còn là một sự hưởng thụ hạnh phúc, nên ăn là một trong năm món dục gồm tiền tài, sắc đẹp, danh lợi, ăn và ngủ, ông bà ta cũng cũng chả nói "ăn được ngủ được là tiên" để xác nhận ăn ngủ là một thứ hạnh phúc đó sao, vì vậy thế nhân chịu tốn kém rất nhiều tiền của và thời gian cho việc hưởng vị ngon. Ai cũng quan niệm ăn ngon là một thứ hạnh phúc của cuộc sống, nên tìm cầu nhiều hương vị qua việc sát sinh hại mạng, gây nên biết bao nghiệp oan trái với chúng sinh. Thế nhân sống để mưu cầu hạnh phúc cho bản thân, đến đổi họ không có lấy giây phút nào sống cho tha nhân qua việc suy nghĩ đến những ân nghĩa trong đời sống hầu tri ân báo ân, cuộc sống của tập thể vị kỷ và bội bạc đó là yếu tố chính tạo thành một thế giới oán nhiều hơn ân, đó là lý do khiến thế gian là nhà lửa và cuộc sống của muôn loài là khổ.

Đệ tử Phật may mắn được chỉ dạy về tri ân báo ân, nên biết sống một đời sống hạnh phúc độc lập không cần dựa vào ăn ngon cùng bốn dục kia mà hoàn toàn hạnh phúc do việc đem lại an vui cho muôn loài bằng tinh thần báo ân. Một đời sống hạnh phúc giải thoát không làm nô lệ cho ngũ dục như mọi tục nhân, nhờ vậy mới có thể thật sự là nơi nương tựa an lành cho muôn loài. Song để được sống giải thoát như vậy cần duy trì sự sống qua việc thọ dụng giải thoát thực. Ăn bằng tinh thần tri ân báo ân, không để tâm vào vị gọi là ư tâm vô sự, nơi vị không sinh tâm khen chê gọi là ư sự vô tâm, bình đẳng nơi mọi vị, chỉ lưu tâm đến sự tri ân thí chủ và nguyện báo ân, đó là giải thoát thực, ăn như vậy sẽ sinh công đức giác ngộ giải thoát, nào đâu cứ chỉ có ngồi thiền hay niệm Phật mới là tu.

Tri ân báo ân

Ăn để sống và sống để thành đạo nghiệp. Tâm tri ân báo ân là nguyên tố chính để thành tựu đạo nghiệp, không có tâm này sẽ không có bất kì đạo nghiệp nào. Tất cả mọi ân được đạo Phật nhiếp vào bốn ân lớn bao gồm phụ mẫu ân, sư trưởng ân, chúng sinh ân và quốc gia ân. Muốn tri ân và báo đáp bốn ân lớn này tất phải phát đại tâm mới thực hiện được, do thường tri ân báo ân nên đại tâm này thường hành thiện tránh ác để nhiêu ích hữu tình, đó là tam đề ngay trong mỗi nhật thường sinh hoạt mà không chỉ dùng trong các buổi thọ thực. Hơn nữa bốn ân này không chỉ diễn ra trong một đời hiện tại mà luôn cùng ta hiện hữu khắp ba đời, thế nên đại tâm tri ân báo ân này cũng không tận cùng vì vậy việc hành thiện đoạn ác lợi lạc hữu tình hẳn cũng sẽ không tận cùng. Do đó cần hiểu ân nào cũng vô lượng và vô cùng, dụ như ân phụ mẫu không chỉ giới hạn cha mẹ hiện đời mà bao quát nhất thiết cha mẹ trong bao đời, đó là ân vô lượng cha mẹ, các ân này trải qua ba đời nên vô cùng vô tận theo thời gian. Đức Phậy dạy "Như lai trải qua vô lượng kiếp có vô lượng cha mẹ, nhất thiết chúng sinh từng làm cha mẹ con cái quyến thuộc của Như lai", chúng ta cũng vậy, nhất thiết chúng sinh bao quát muôn loài đều từng là thân quyến của ta, cũng từ đây mà tinh thần tri ân báo ân chúng sinh càng được thúc đẩy không chỉ vì sự đóng góp tương trợ của chúng sinh cho sự sống của chúng ta. Nhưng nếu không được chỉ dạy thì làm thế nào nhận ra các ân lớn này để báo đền, và như vậy một trong những căn bản ngu ác của chúng sinh là nghiệp bội ân và gieo oán cho muôn loài mình từng chịu ân, khiến ta và chúng sinh trở thành oan gia trái chủ của nhau, thế nên cần phải tri ân các bậc sư trưởng đã chỉ dạy về tâm tri ân và cách báo đền các ân nặng này. Và cuối cùng là tri ân báo ân cho xứ sở đã cưu mang và bảo vệ cho ta được sống để hoàn thành mục tiêu tri ân và báo ân.

Nếu hỏi đâu là nhân cách cao thượng nhất của con người thì câu đáp sẽ là tâm tri ân. Nếu lại hỏi đâu là việc làm cao thượng nhất trong đời, câu trả lời sẽ là mọi hành động báo ân. Vì sao? Do tri ân muôn loài nên không sinh tâm thù hận mà thường sinh tâm thương xót, do báo ân muôn loài nên không gieo rắc khổ đau mà chăm làm các việc cứu giúp đem an vui đến muôn loài. Vì vậy đức Phật tuyên thuyết "người phát tâm bồ đề là người biết tri ân, người chứng quả bồ đề là người biết báo ân", do tri ân nhất thiết chúng sinh nên đức Phật nguyện độ nhất thiết chúng sinh.

Thành đạo nghiệp.

Những người tri ân và báo ân bốn ân nặng là những người phát tâm cầu giác ngộ được gọi là Bồ tát và mọi sự đoạn ác hành thiện, nhiêu ích hữu tình để báo ân gọi là hành Bồ tát đạo. Bồ tát đạo là con đường duy nhất dẫn đến thành đạo nghiệp. Thực vậy làm gì có đạo nghiệp cao thượng nào mà không bận lòng đến ân huệ của cha mẹ, sư trưởng và mọi người cũng như xã hội đang sống, nếu phủ phui bốn ân này mọi sự tu hành đều là tà đạo, mọi sự hiểu biết đều là tà trí, và mọi việc làm đều là tà hành. Vì thế tri ân báo ân là chính nhân của đạo nghiệp được gọi là thanh tịnh nghiệp hay giải thoát nghiệp.

Do vậy ăn để thành tựu đạo nghiệp biết tri ân và báo đáp mọi ân nặng gọi là giải thoát thực. Tâm tri ân báo ân của đạo Phật là tâm đại đạo vì tâm này nhiếp ba đời mười phương sự tri và báo ân bốn trọng ân, bởi bất luận lúc nào, bất cứ nơi đâu ta và bốn ân đều cùng hiện hữu, vì vậy tâm ấy không phải là thứ tâm hẹp hòi chỉ biết tri ân người giúp và oán ghét kẻ không giúp của đời sống hiện tại. Do đó cả bốn trọng ân này là đối tượng cho Bồ tát tu tập đạo quả bồ đề. Tục nhân không được thiện tri thức chỉ dạy bốn ân nên ân oán lẫn lộn, thiện ác hỗn độn dẫn đến mọi quả báo phiền não khổ. Người tu học Phật cần phải hiểu rõ sự lợi ích của tâm tri ân báo ân tứ trọng ân nhờ vậy mới dẫn dắt chúng sinh cùng ta đồng đến thành niết bàn.

GK 27.4.2023

.

Ăn thịt hay ăn mặn

Mã tổ nhân quan nhân vấn nhục, khế tức thị, bất khế tức thị? Tổ vân: khế thị trung hàm lộc. Bất khế thị trung hàm phúc.

(nhân quan viên hỏi Mã tổ, ăn hay không ăn thịt là đúng, Tổ đáp, ăn thì được lộc, không ăn được phúc).