Một dòng sống tiếp theo một dòng sống Một con người nhưng mang vạn lớp hình Một là nhiều nhưng chỉ một tánh linh
Một là một trong sáu đường sinh tử
Thế giới mênh mông trong vũ trụ, bằng cái nhìn của chư đại Bồ Tát chỉ là ảnh chớp chập chờn nửa hiện nửa ẩn trong dòng thức sinh diệt của chúng sanh. Thế giới loài vật vô minh ngây dại chẳng hiểu biết nên sống mà như chết. Cái chết đến với chúng thật mau mà cũng thật dài; thật dài vì cứ mãi sanh ra để mà chết, chẳng ý thức kinh sợ ngừng lại.
Thế giới loài người cũng vô minh ngờ ngạc tạo gây ân oán kết chặt thương yêu, bám vào sự sống tưởng như bất tử, rồi tử sinh tiếp nối, sống chết chập chùng nay sanh ở đây mai sanh ở kia ý thức rối loạn dệt thành vọng tưởng thế giới luân hồi, trở vào cảnh vật trở ra cảnh người chu kỳ tiếp mãi.
Thật ra thế giới loài người không đến nổi quá lu mờ ô nhiễm. Thế giới trong vũ trụ muôn hình muôn ảnh, hiện đủ hình tướng chúng sanh, hiện đủ cảnh tượng lạ lùng sai biệt, nhưng thế giới trung hòa định hướng đến tương lai giải thoát vẫn là thế giới loài người. Do thế giới loài người dung chứa hai mặt, chịu đựng và hưởng thụ chịu đựng khắc nghiệt của môi trường thiên nhiên vật chất khi tiếp xúc với thể xác vật chất. Hưởng thụ vật chất từ thể chất con người và thiên nhiên. Trong việc chịu đựng phản kháng với ý thức tìm vui hưởng thụ, con người đã tư duy được con người là chánh nhân khắc chế cưỡng lại được những gì bất an, những gì khó chịu đựng. Nhưng con người đôi khi mâu thuẫn, tạo nên những bất an cho con người trong khi tìm vui lánh khổ bằng những phương tiện sinh ra nỗi khổ khác cho muôn loài, trong đó có loài người. Một thí dụ nhỏ: Muốn giữ hoa màu thực vật tốt tươi, bao nhiêu chất hóa học được thải ra để giết côn trùng (pesticides), nhưng côn trùng là chúng sanh tự nhiên hài hòa môi sinh thiên nhiên (natural environment) thực vật và sinh vật nên khi côn trùng bị diệt, đất đai cũng khó mà chuyển động tự nhiên trở thành phì nhiêu cho cây cỏ nẩy nở. Thêm nữa thực vật được tẩy sạch nuôi nấng bằng chất thuốc hóa học thì con người tiêu dùng sẽ chẳng thể tự nhiên, nên sanh ra bệnh hoạn. Vậy cả ba thành phần: con người, thực vật, côn trùng (nói chung sinh vật) tất cả ba thành phần chúng sinh hữu tình, vô tình này (có tình thức và không có tình thức) đều bị tổn thương.
Thế giới loài người tuy vẫn đầy vô minh vây bủa, sống trong mâu thuẫn tìm vui rồi tạo khổ, nhưng thế giới loài người vẫn còn tốt hơn nhiều thế giới khác. Trước mắt chúng ta dễ thấy nhất là thế giới loài vật; loài vật chẳng có ý thức chi, chúng chỉ tuân thủ theo sức mạnh của bất cứ sự việc gì áp chế lên chúng. Con người không như vậy, dù con người biết rằng mình đang bị áp chế bởi vô minh nhưng biết được mình đang bị áp chế là lối thoát cho tương lai. Thế nên thế giới con người là thế giới tương lai giải thoát. Nhưng thời kỳ nhận thức giải thoát chỉ xuất hiện khi có cuộc cách mạng của một siêu nhân, khai phóng được ý thức, và thành tựu ý thức giải thoát cụ thể, làm mô hình cho người đi theo. Thời kỳ như vậy không thể dễ gặp, dễ nhận thức và dễ thực hành.
Hiện thế giới loài người đang sống trong ý thức tương lai giải thoát, quả thật may mắn cho chúng ta. Là vì cách đây hơn 2500 năm tại xứ Ấn Ðộ, xuất hiện một con người. Người ấy dù mang địa vị cao trọng trong Hoàng gia, nhưng từ chối tất cả để đi tìm ánh sáng giải thoát hạnh phúc chân thật, mà không phải là hạnh phúc có rồi mất đó như thế gian. Cuối cùng người đã toại nguyện, từ đó người được gọi là Phật nghĩa là một con người được mến mộ nhất trong ý nghĩa giải thoát hoàn toàn. Người được thế gian ca tụng là cao đẹp tuyệt vời, không có gì trên thế gian này có thể diễn nói được. Thậm chí súc sanh cũng cảm nhận được cái đẹp cao thượng ấy, nên chúng hay thích thú tìm cách gần gũi Ngài. Nếu giả như Ngài dành nhiều thời gian lưu sống trong rừng thì loài vật sẽ được giải thoát nhiều lắm. Ðó là nguyên nhân chúng ta có được nhận thức giải thoát này.
Phật là kết quả của ý thức thoát khổ hướng đến giải thoát, chúng ta hiện cũng ý thức thoát khổ hướng đến giải thoát, tuy nhiên chúng ta chỉ là nhân vì chưa giải thoát, cho nên chúng ta được xem, đang trong một thế giới ý thức tương lai giải thoát. Nhưng loài người chúng ta đã có bao nhiêu người ý thức điều này?
Ngay như thời Phật tại thế đã có nhiều người không biết đến Ngài, cả đến chưa từng nghe tên. Vậy số người đó dù sống trong thời Ngài vẫn còn là vô minh. Vô minh chỉ cho sự không may mắn nhận hiểu sự vật vô thường, các pháp (sự việc, sự vật) vô ngã (giả tạm, không có thật thể), để từ đó không hiểu đời là một vở kịch giả mà tưởng thiệt, biến thành chấp trước đảo điên (Ðây là đơn giản một phần nghĩa của vô minh).
Người sống trong thời Phật mà vô minh, thật là tiếc uổng, thật thương cho họ (có thể chúng ta đã là người trong họ) riêng người đời nay vô minh thì chẳng gì lạ, bởi cách Phật đã hơn 2500 năm. Ngược lại người đời nay mà ý thức giải thoát được thì quả là một điều hiếm quý (chúng ta đang là người ý thức, thật mừng cho chúng ta). Nhưng ý thức giải thoát phải là cụ thể mới có kết quả.
Nhìn lại thế giới loài vật, làm sao chúng có được ý thức giải thoát? Thấy đó mà sợ! Nhìn thêm nữa, kể cả loài người cũng đâu có bao nhiêu người hướng đến ý thức giải thoát! Rồi hướng đến thì có mấy người thực hành?
Có ý thức hướng đến đã là tốt rồi! Việc thực hành nói lên kết quả ý thức thấm nhuần sâu đậm. Chúng ta cần nên tư duy quán xét thế giới chung quanh rõ nét hơn để mong được thấm nhuần.
Trước hết là sự may mắn được làm người. Làm người không phải việc đơn giản, không phải vì thấy hằng ngày có cả vạn em bé được sanh ra, không phải thấy thế giới đang báo động nạn nhân mãn... tất cả sự việc thấy như vậy, vẫn không thể biện hộ bác bỏ sự thật hiếm quý được sanh ra làm người. Chúng ta thử nhìn các loại chúng sinh không phải là người xem sao!
Tất cả chúng sinh đó đều có tánh linh, đều có hiểu biết (hiểu biết giới hạn của từng loài) và đặc tính chung nhất là biết khổ và vui (ham sống sợ chết). Nhưng dù hiểu biết khổ vui, chúng không thể nào ý thức được chúng đang khổ đang vui, nghĩa là cuộc đời bản thân của chúng. Ðây là vấn đề quan trọng khác biệt với loài người. Nếu loài vật ý thức được khổ vui thì chúng đã như loài người không khác. Chúng không thể tư duy suy niệm cuộc đời. Làm gì chúng được như thế! Nếu chúng được vậy, chắc chúng cũng đã có việc xuất gia tu niệm. Nhưng chúng ta cũng nghe qua những chuyện, súc sanh biết tu niệm và chết vãng sanh. Dù thật như vậy nhưng đây là cảm nhận được ân điển, từ lực bi tâm của các vị chân tu cũng như gieo duyên vào cảnh Già lam thanh tịnh, nên khi bỏ xác đã được sức gia bị của chư vị Bồ Tát Thiện thần mà hiện tướng nhẹ nhàng ra đi, điều này không phải ý thức giải thoát để chuyển thức tu hành. Tuy nhiên sự kiện như thế cảnh tỉnh giúp chúng ta là loài hiếm quý, ý thức lo tu niệm hơn. Thế giới súc sanh với những chuyện như trên quả là không tưởng.
Về số lượng loài vật thì không thể nghĩ bàn Có ai lại biết trong một giây, một phút, một giờ một ngày có bao nhiêu loài vật súc sanh lớn nhỏ ra đời? Có ai bỏ công quan sát thống kê! Mà có muốn cũng làm không nỗi. Các loài sống trên đất, dưới nước, trên cây, và dưới mặt đất nữa. Trong đó bao gồm thai sanh, thấp sanh, noản sanh và khó mà nhận biết là loài hóa sanh. Vậy làm sao biết được số lượng của chúng sanh? như thế mà ta thường nghe kinh Phật nói, chúng sanh số nhiều đến vô lượng không thể nghĩ bàn (tính cả loài người).
Ðó là việc quan sát thế giới chúng sanh vô cùng, và trong đó con người là thế giới chúng sanh cao quý nhất. Chúng sanh nhiều vô lượng vậy mà ta nay đã ở vào thế giới người, tất nhiên ta hẳn vượt xa chúng sanh khác nhiều lắm; tuy vậy con người vẫn còn nằm trong sáu cõi (Trời, người, A tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh), vẫn luôn luôn bị quay chuyển trong vòng phước báo nghiệp lực. Theo lời kinh dạy, con người còn đủ nhân duyên thù thắng hơn cả cõi trời, nếu con người sống trong thời còn Phật pháp biết tu niệm. Và vậy điều chúng ta suy niệm về ý thức giải thoát hiện nay quả là đúng; đó cũng là phần nhận định tiếp theo, sau khi nhìn nhận sự may mắn làm người.
Từ đây suy niệm, cho rằng quả địa cầu đây là thế giới loài người thì không hẳn đúng, vì trong đó có không biết bao nhiêu thế giới chúng sanh khác. Ngày xưa Phật thường cân nhắc, việc cẩn thận tránh gây thương tổn đến các chúng sanh nhỏ nhít sống gần gũi chung quanh con người. Ðiều này chỉ có bậc Ðại giác mới từ bi dạy rõ như vậy; và cho đến nay lời dạy của Phật càng thấy rõ ràng hơn.
Hiện thời hoạt động sinh hoạt của con người thật quả vô tình tác động rất nhiều đến thế giới loài vật, do đó chúng ta phải dùng mọi cách sám hối việc làm của mình để có thể giảm nhẹ tội nghiệp sát sanh mà mình, vô tình hay cố ý gây ra.
Nhận rõ thế giới loài người dễ tạo tội lại càng ý thức hướng đến giải thoát, và chỉ có ý thức hướng đến giải thoát mới là sám hối rốt ráo. Thử nghĩ một khu rừng nhỏ chỉ một ngàn thước vuông được khai phá, như vậy trong đó ai biết có bao nhiêu loài chúng sanh đang sống. Con người vì không có thiên nhãn nên tự nhiên hành động, do đó không thấy chúng sanh khác
đang đau khổ. Nhưng nếu con người không biết sám hối tìm cách làm thiện, giảm chế việc có thể làm, để quân bình môi sinh đời sống, thì thế giới vật chất càng ngày tưởng phát triển, nhưng thật sự khó thể sống được, vì môi trường thiên nhiên càng ngày càng mất đi cũng như tinh thần tâm linh phải suy giảm theo, một khi vật chất quá cường thịnh sung mãn.
Tất nhiên chúng ta nên tri ân chư vị tiền nhân, đã có công tạo lập mọi phương tiện cho người sau. Nhưng tiền nhân chúng ta cũng không thể tránh được việc tạo tội, thì chúng ta vừa biết ơn, vừa ý thức giải thoát để hồi hướng công đức của mình đến các bậc tiền nhân.
Thực tế của đền ơn, là sống không phung phí, không tiêu pha khí lực vào các việc tổn thương đến môi trường nhân sinh và ảnh hưởng đến loài vật chung quanh. Vượt xa hơn nữa bằng ý thức hướng đến giải thoát quay ra khỏi chu kỳ sinh tử của người và vật, của chúng sinh hữu tình và vô tình.
Sống ý thức hướng đến giải thoát, giúp ta thấy rõ khoảng cách giữa các chúng sanh hữu tình qua hình thù người và vật thật sát gần nhau. Và từ muôn kiếp trong luân hồi lục đạo, tình thức của một chúng sanh chưa giác tỉnh hẳn phải lên xuống ra vào nhiều cảnh tối tăm. Duy chỉ có các bậc giác ngộ mới ngưng lại được mê thức vọng tình quay ra khỏi vòng sinh tử. Và vậy hướng đến giải thoát là chuyển vọng thức ra chân thức (trí giác) bằng cái nhìn từ bi quán chiếu đến muôn loài muôn vật đang cộng sinh cộng hưởng trên cõi sống này. Từ đây xây dựng được đời sống trên căn bản của giới (precept) mà người Phật tử đã lãnh thọ. Như thế đời sống của con người sẽ an lạc hơn và tương lai y báo tươi đẹp sẽ hiện ra ngay cõi Ta Bà, để tương lai hướng về Phật độ, vậy đó là cụ thể, thế giới con người là thế giới hướng về giải thoát.
Nam Mô A Di Ðà Phật
2002 –