Mùa Xuân Của Chân Tâm Giải Thoát.
Thượng Tọa Thích Phổ Huân

Xuân Hạ Thu Đông, bốn mùa thời tiết theo quy trình chuyển động của hành tinh xanh, đã và đang lập đi lập lại hàng triệu triệu năm; để rồi con người suy tư đặc định tạo thành quan niệm triết sống tác động vào ý thức nhân sinh. Như thế hoàn cảnh địa dư, cảnh trí ngoại vi đã làm tâm con người hài hòa dung thông, trở thành chất liệu xúc tác vô cùng quan trọng trong đời sống.

Cảm xúc như thế mà thời gian thời tiết dù vô tình vô ngại, đã được nhân cách hóa trở thành hình ảnh hữu tình giác tri. Nhưng việc này đối với nhà Phật không phải là sai. Giáo lý Đức Phật chẳng những nói rõ việc liên hệ người và cảnh, lại giúp con người có được cái nhìn phóng khoáng sâu nhiệm hơn.

Ta thử nghĩ về cảnh và người với cách nhìn của thế gian, qua đó nhận định tìm hiểu giáo lý giải thoát Như Lai. Và sau hết tìm hiểu ý nghĩa mùa xuân theo cách nhìn giải thoát của nhà Phật.

Liên hệ cảnh và người theo thế gian:

Từ sơ khai khi con người chưa ý thức được đời sống tinh thần cao, nên cuộc sống chỉ dừng lại việc thỏa mãn nhu cầu vật chất liên hệ đến sự sống còn. Bấy giờ cảnh trí đối với con người chưa được quan niệm suy tư cho lắm, ngoại trừ thật ít một vài ý niệm cạn cợt về không gian rộng lớn vô ngần, vĩ đại đến khiếp sợ.

Đến khi đời sống đã tạm ổn định dừng lại, không phải thường xuyên di chuyển rày đây mai đó, nói rõ hơn con người đã biết xây dựng nơi ăn chốn ở, phòng chống mưa nắng, biết dự trữ thức ăn, biết thố lộ tình cảm, hay biểu hiện niềm vui nỗi buồn với hiện tượng chung quanh, chính đó là lúc cảnh và người đã gần hài hòa trong tâm tưởng ý thức cao.

Cho đến thế kỷ hôm nay, đời sống nhân loại đã đạt tới mức văn minh cực kỳ tuyệt xảo, giúp con người tiếp cận hiểu biết trọn vẹn cả một không gian hành tinh, nơi con người cư ngụ; và còn vượt khỏi phạm vi thế giới, thám hiểm những vùng không gian hành tinh khác. Về phần tư tưởng tinh thần cũng theo nền văn minh vượt lên tới nền triết học tư duy cao điểm.

Như thế cảnh trí ngoại vi, hiện tượng xúc tác của bất cứ đối tượng trong đời sống con người, đã được nhận thức triệt để; nhằm tô bồi thành những món ăn tinh thần vừa giải trí vừa nuôi dưỡng nguồn tâm cảm bên trong.

Như vậy bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông mặc nhiên là chủ đề, là đối tượng trở thành đề tài trí thức, văn hóa nghệ thuật mang lại thú vui thanh tao trong đời sống tâm linh con người. Và hôm nay mùa xuân lại đến, khơi lại một chu kỳ hoa mai nở, như đón vòng chu kỳ tiết trời đã qua rồi trở lại.

Mùa Xuân theo cách nhìn nhà Phật.

Giáo lý đạo Phật lấy tâm làm trung điểm tư duy, lấy cảnh làm đối tượng tiếp xúc; cuối cùng lấy tâm cảnh hòa hợp làm nhất quán đi vào giải thoát tuyệt đối.

Cảnh vật theo cách nhìn của thế gian là vô tình, hay được nhân cách hóa làm vật hữu hình, thì đối với nhà Phật được gọi là Y báo; có nghĩa bên ngoài con người, bên ngoài ý thức, ngoài tri giác liễu đạo.

Chính nhân con người, thế gian cho là trung tâm, nhân vật chính hưởng thụ tìm vui sinh sống, thì nhà Phật gọi là Chánh báo; nghĩa là tự thân con người, hình hài ngũ uẩn đang lãnh thọ, đang ý thức mọi sự mọi việc xảy ra từ trong ra ngoài.

Thế gian có thể cho cảnh và người là hai vì gắn bó quan trọng; nhà Phật cũng gọi là hai, nhưng lại khẳng định chỉ là một, vì tất cả đều do tâm tạo. Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng, vạn pháp do tâm tạo là câu trả lời chính xác nhất. Biết vạn pháp do tâm tạo, nên sơn hà đại địa cái gì mà chẳng phải pháp! Thế thì Xuân Hạ Thu Đông bốn mùa, hay tám mùa gì cũng do tâm mà thôi. Có phải vậy không?

Chúng ta chỉ đặt ra, đặt ra để vui để sống, để lạc quan hướng thiện nhằm bảo vệ con người và môi trường chung quanh được tồn tại lâu dài hơn.

Đại thi hào Nguyễn Du có viết … người buồn cảnh có vui đâu bao giờ! Điều đó nói lên tất cả cũng do tâm tạo, và ý nghĩa như vậy nơi đây xuân hay không xuân chẳng có ý nghĩa gì! Như thế mà cuộc chiến thế giới thứ hai kéo dài gần mười năm trời, bấy giờ chỉ có các nước gây chiến mới có mùa xuân, chứ làm gì có xuân ở quốc gia bị xâm chiếm, cho dù nơi đó hoa mai, hoa đào đang nở rộ.

Thật ra chỉ có xuân tâm, và xuân có cả bốn mùa chứ không phải chỉ có một mùa ba tháng. Danh từ Xuân chỉ là một âm ngữ chọn đặt gọi tên, chứ tự nó chẳng có nghĩa chi. Có nghĩa hay không là tâm và cảnh, cảnh và tâm, hay tâm cảnh nhứt như không dao động.

Người chưa giác ngộ giáo lý vô thường, giáo lý chỉ rõ vạn pháp vạn vật không có thật thể, chúng luôn thay đổi, nên mới sống với cảnh với tâm, chẳng hạn như phần đông con người chúng ta đây ngược lại chư Thánh Bồ Tát chẳng thấy đâu là tâm đâu là cảnh, đó chỉ là giả pháp đặt ra mà thôi. Chư vị chỉ nhìn thực tại, thấy thực thể, vạn pháp sinh diệt vô thường nên an nhiên tự tại; do đó xuân luôn nở trong lòng chư vị, còn chúng ta, thì Xuân Hạ Thu Đông quá rõ ràng. Vì thấy rõ ràng nên phân biệt xuân đi xuân đến, xuân nở xuân tàn; nhưng thấy sinh diệt mà chẳng biết vô thường, để vô thường không giúp được mình lại còn tự mình sinh khổ.

Nhưng cách nhìn nhà Phật vẫn là của thế gian, chỉ có khác là dùng chân tâm đối đãi vạn pháp. Xuân đến nhà Phật vẫn đón, xuân đi nhà Phật vẫn cười; đón và đưa bằng chân tâm vô ngại nên không lưu luyến cũng chẳng bận lòng. Như thế là cách nhìn xuân của nhà Phật.

Thế thì có thể kết luận, xuân là xuân của lòng người, xuân là niềm hoan hỷ sống an lạc khắp nơi. Và xuân là của tất cả chứ không phải của anh của tôi, của dân tộc Việt Nam, của người Trung Hoa, mà là của nhân loại của những người đang yêu chuộng hòa bình an lạc. Cuối cùng xuân vẫn nở ở khắp không gian trên quả địa cầu này.

Cầu nguyện nhân loại mãi mãi thật hưởng mùa xuân an lạc.

Nam Mô A Di Đà Phật

2006 –



Trích từ: Ý Thức Giải Thoát