Home > Khai Thị Phật Học > Khi-Nao-Moi-Duoc-Giai-Thoat-Thanh-Phat
Khi Nào Mới Được Giải Thoát Thành Phật
Thích Hậu Quán | Thích Vạn Lợi, Việt Dịch


Trong các luận điển “Đại Tỳ Bà Sa Luận”, “Đại Trí Độ Luận” và “Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận”, nhắc đến vấn đề “người hàng Thanh văn thừa, Bích chi Phật thừa phải trải qua thời gian bao lâu mới đắc cứu cánh giải thoát, người tu Phật thừa phải trải qua bao lâu mới thành Phật đạo”.

I. Người hành Thanh văn thừa, Bích chi Phật thừa, khi nào được độ qua biển lớn sanh tử?

1. “Đại Tỳ Bà Sa Luận” quyển 101

Theo con đường nhỏ hẹp mà đạt được giải thoát, gọi là thời giải thoát. Người tu theo con đường nhỏ hẹp đó, nhanh nhất là một đời trồng thiện căn, trong đời thứ hai thành thục, trong đời thứ ba đạt được giải thoát; ngoài ra không quyết định.

Theo con đường rộng lớn mà đạt được giải thoát, gọi là bất thời giải thoát. Người tu theo con đường rộng lớn đó, Thanh văn thừa nếu chậm nhất, thì trải qua sáu mươi kiếp đạt được giải thoát, như Ngài Xá lợi tử.

Độc giác thừa, trải qua trăm kiếp đạt được giải thoát, như Lân giác dụ.

“Đại Tỳ Bà Sa Luận” là luận thư thuộc Thuyết Nhất Thiết hữu bộ, ở đây nói đến: “Theo con đường nhỏ hẹp mà đạt được giải thoát, gọi là thời giải thoát”. “Thời giải thoát” là đợi khi gặp được thiện tri thức, nhân duyên khế hợp đầy đủ, họ mới được giải thoát, A la hán này đốn căn hơn. Ngoài ra một loại gọi là “bất thời giải thoát”, là lợi căn A la hán, có khả năng tự lực, nhân duyên bên ngoài ít tác động đến, đây gọi là “bất thời giải thoát”. Người tu theo con đường nhỏ hẹp đó, nhanh nhất là một đời trồng thiện căn, trong đời thứ hai khiến nó thành thục, trong đời thứ ba đạt được giải thoát; đây là điều mà trong tác phẩm “Con đường Thành Phật” của pháp sư Ấn Thuận nói đến “gieo trồng, thành thục, giải thoát”. Ngoài ra, “theo con đường rộng lớn mà đạt được giải thoát, gọi là bất thời giải thoát”, hoặc gọi là “phi thời giải thoát”. Thanh văn thừa tu theo con đường rộng lớn này, chậm nhất là trải qua sáu mươi kiếp đạt được giải thoát, nhân vật đại biểu là Ngài Xá lợi phất.

Bích chi Phật thừa cũng là Độc giác thừa, độc giác phân thành hai loại: một loại là “lân giác dụ độc giác”, còn loại kia là “bộ hành độc giác”. Lân giác dụ độc giác chính là một mình tự tới tự đi, còn bộ hành độc giác có khi còn bạn đồng hành. Lân giác dụ độc giác là trải qua trăm kiếp mới được giải thoát.

2. “Đại Trí Độ Luận” quyển 28

Có Bích chi Phật, nhanh nhất là bốn đời, chậm cho đến một trăm kiếp; Thanh văn nhanh nhất ba đời, chậm nhất sáu mươi kiếp.

“Đại Trí Độ Luận” chủ trương: người hành Thanh văn thừa, mau thì ba đời được giải thoát, chậm thì sáu mươi kiếp. Người hành Bích chi Phật thừa, mau nhất phải cần bốn đời, chậm nhất một trăm kiếp. Cách nói của “Đại Trí Độ Luận” và “Đại Tỳ Bà Sa Luận” giống nhau, cũng là Thanh văn tu theo con đường nhỏ hẹp, mau nhất là ba đời; nhưng trong Thanh văn cũng có tu theo con đường rộng lớn, như ngài Xá lợi phất, qua sáu mươi kiếp mới được giải thoát.

3.“Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận” quyển 1

Hỏi: Người hành Thanh văn, Bích chi Phật thừa, khi nào mới vượt qua sanh tử đại hải?

Đáp: Người hành Thanh văn, hoặc là một đời đạt được, hoặc là hai đời, hoặc là hơn thế nữa, tùy theo căn cơ lợi hay đốn. Và do nhân duyên tu hành đời trước. Người hành Bích chi Phật, hoặc là bảy đời đạt được, hoặc là tám đời.

“Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận” nói: Người hành Thanh văn thừa hoặc một đời, hoặc hai đời, hoặc nhiều hơn mới đạt được giải thoát, nhanh chậm không nhất định, đây là tùy theo căn cơ lợi đốn và nhân duyên tu hành đời trước mà có khác nhau. Nếu như đời quá khứ trồng nhân duyên rất sâu, thì giải thoát càng mau. Người hành Bích chi Phật thừa, cần bảy đời hay tám đời đắc độ, cách nói của “Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận” và “Đại Trí Độ Luận” có chút khác nhau.

II. Người hành Đại thừa khi nào đắc thành Phật đạo?

1. “Đại Tỳ Bà Sa Luận” quyển 101

Phật thừa, trải qua ba vô số kiếp mới đạt được giải thoát.

“Đại Tỳ Bà Sa Luận” nói: người tu Phật thừa, trải qua vô số kiếp đạt được giải thoát. Nói nghiêm túc, theo cách của Nhất Thiết Hữu Bộ, là ba đại A tăng kỳ kiếp tu phước huệ, trăm kiếp tu tướng hảo, sau cùng mới ở dưới cội bồ đề đoạn tận phiền não chứng thành Phật đạo.

2. “Đại Trí Độ Luận” quyển 4

Phật nói vô lượng A tăng kỳ kiếp làm công đức, vì

độ chúng sanh, sao lại chỉ nói ba A tăng kỳ kiếp? Ba A tăng kỳ kiếp có giới hạn có số lượng.

3. “Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận” quyển 1

Nếu người hành Đại thừa: hoặc một Hằng hà sa đại kiếp, hoặc hai, ba, bốn cho đến mười, trăm, ngàn, vạn, ức, hoặc hơn số này, tu hành sau đó mới đạt được đầy đủ Thập địa thành tựu Phật đạo, cũng tùy theo căn cơ lợi đốn, và do nhân duyên tu hành đời trước.59

Theo cách nói của “Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận” Đại thừa Bồ tát hoặc một, hoặc hai, ba, bốn, trăm, ngàn, vạn, ức “hằng hà sa đại kiếp”, hoặc hơn số đó mới thành Phật đạo. Câu nói “hoặc hơn số đó”, là con số không thể tính được, cũng có thể nói là vô lượng A tăng kỳ kiếp. “Đại Trí Độ Luận” nói đến: “Phật nói vô lượng A tăng kỳ kiếp làm công đức, vì độ chúng sanh, … Ba A tăng kỳ kiếp có giới hạn có số lượng”. Cũng là nói, Bồ tát nên phát tâm độ chúng sanh vô lượng A tăng kỳ kiếp. Trong “Kinh Đại Phẩm Bát Nhã” cũng có cách nói tương tự như vậy, như “Kinh Đại Phẩm Bát Nhã” quyển 4, ‘phẩm Kim Cang (phẩm Ma ha tát) thứ 13’ nói:

Tu bồ đề thưa Đức Phật: “Thế Tôn! Bồ tát ma ha tát sanh khởi đại tâm như thế nào, mà không thể hư hoại như kim cang?”

Đức Phật dạy Tu bồ đề: “Bồ tát ma ha tát nên sanh khởi tâm như thế này: ta nên vì trong vô lượng sanh tử đại thệ trang nghiêm; ta nên xả hết tất cả những gì có, tâm ta nên bình đẳng với tất cả chúng sanh; ta nên dùng ba thừa độ thoát tất cả chúng sanh, khiến nhập vào vô dư Niết bàn. Ta độ tất cả chúng sanh xong, không có cho đến một người nhập vào vô dư Niết bàn; ta nên hiểu tướng bất sanh của tất cả pháp; ta nên thuần đem tâm tát bà nhã hành lục ba la mật; ta nên học trí huệ hiểu rõ tất cả pháp, ta nên hiểu rõ nhất tướng trí môn các pháp; ta nên hiểu rõ cho đến vô lượng tướng trí môn”.

Tu bồ đề! Đó là Bồ tát ma ha tát sanh khởi đại tâm, không hư hoại như kim cang. Bồ tát ma ha tát trụ trong tâm như vậy, ở trong chúng sanh nhất định đứng đầu trong chúng sanh, là pháp dụng không có sở đắc.

Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát nên sanh khởi tâm như vậy: Ta nên thay vì tất cả chúng sanh trong mười phương, nếu có chúng sanh trong cõi địa ngục, chúng sanh trong cõi súc sanh, chúng sanh trong cõi ngạ quỷ chịu các loại khổ đau; ta thay thế mỗi một chúng sanh chịu khổ địa ngục trong vô lượng trăm ngàn ức kiếp, cho đến khi chúng sanh nhập vào vô dư Niết bàn. Thực hiện như vậy, vì các chúng sanh chịu sự cần lao khổ cực; khi chúng sanh nhập vào vô dư Niết bàn, sau đó tự trồng thiện căn, vô lượng trăm ngàn vạn ức A tăng kỳ kiếp chứng được Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát đại tâm không thể hoại như kim cang. Trụ ở trong tâm đó nhất định đứng đầu trong chúng sanh” .

Ở đây “Kinh Đại Phẩm Bát Nhã” nói về Bồ tát, đem tâm đại bi, đại trí huệ trong vô lượng A tăng kỳ kiếp trước độ chúng sanh nhập vào vô dư Niết bàn, sau đó tự mình mới thành Phật. “Đại Trí Độ Luận” đã nói “Phật nói vô lượng A tăng kỳ kiếp độ chúng sanh”, có thể là dẫn dụng từ “Kinh Đại Phẩm Bát Nhã”.

III. Vì sao người càng lợi căn lại càng chậm chứng đắc giải thoát?

Ở đây có hai vấn đề:

1. Xá lợi phất vì sao phải trải qua sáu mươi kiếp mới chứng đắc giải thoát?

Phần trên nói qua “người hành Thanh văn thừa, sớm là ba đời; chậm thì sáu mươi kiếp, như Xá lợi tử”. Xá lợi phất là “trí huệ đệ nhất” trong hàng Thanh văn, vì sao mà chậm giải thoát như vậy?

Liên quan đến Xá lợi phất, có một câu chuyện rất nổi tiếng, đó là sự tích móc tròng mắt. Như trong “Đại Trí Độ Luận” quyển 12 kể:

Như khi ngài Xá lợi phất, trong sáu mươi kiếp hành đạo Bồ tát, muốn vượt qua sông bố thí, bấy giờ có kẻ ăn xin đến xin con mắt. Ngài nói: “Con mắt không dùng được chi, xin nó làm gì? Nếu cần thân tôi và tài vật, thời tôi sẽ đem cho!” Người kia đáp: “Không cần thân ông và tài vật, chỉ muốn được con mắt thôi. Nếu ông thực hành bố thí, hãy lấy con mắt cho tôi”. Bấy giờ, Ngài móc một con mắt cho, người ăn xin được mắt, liền ở trước mặt Ngài, ngửi rồi chê thối, nhổ nước miếng xong quăng xuống đất; lại lấy chân chà đạp. Xá lợi phất suy nghĩ rằng: “Hạng người tệ như vậy, khó có thể độ được. Con mắt thật vô dụng, mà cố xin cho được, được rồi quăng đi, lại lấy chân chà đạp, sao tệ lắm thế. Hạng người như vậy, không thể độ được; chẳng bằng tự điều phục, sớm thoát vòng sanh tử”. Suy nghĩ thế xong, thối lui đạo Bồ tát đổi hướng về Tiểu thừa.

Xá lợi phất trước đó vốn phát tâm tu hành Đại thừa quảng đại hạnh, sau đó thối tâm chứng quả Thanh văn, do đó Ngài chứng đắc giải thoát chậm hơn, cần phải sáu mươi kiếp.

2. Thanh văn thừa, Bích chi Phật thừa, Phật thừa ai lợi căn nhất?

Mọi người đều biết, Phật thừa là lợi căn nhất, trung căn là Bích chi Phật, hạ căn là Thanh văn. Nhưng vì sao Đại thừa Bồ tát càng lợi căn, càng thượng căn, ngược lại chậm đắc giải thoát như vậy? Thật ra “Đại Tỳ Bà Sa Luận” quyển 101 đã cho chúng ta lời giải đáp:

Người tu theo con đường nhỏ hẹp đó, nhanh nhất là một đời trồng thiện căn, trong đời thứ hai khiến nó thành thục, trong đời thứ ba đạt được giải thoát; ngoài ra không quyết định…

Người tu theo con đường rộng lớn đó, Thanh văn thừa nếu chậm nhất, thì trải qua sáu mươi kiếp đạt được giải thoát, như Ngài Xá lợi tử.

Độc giác thừa, trải qua trăm kiếp đạt được giải thoát, như Lân giác dụ. Phật thừa, trải qua ba vô số kiếp mới đạt được giải thoát.

Lại như “Đại Tỳ Bà Sa Luận” quyển 83 nói:

Đạt được đại gia hành nên gọi là đại bi, chẳng phải như Thanh văn bồ đề chỉ trải qua sáu mươi kiếp tu gia hành đạt được, Độc giác bồ đề chỉ trải qua trăm kiếp tu gia hành đạt được. Như Lai đại bi ba vô số kiếp, tu tập trăm ngàn nan hành khổ hạnh mới đạt được, nên gọi là đại bi.

Cũng là nói hàng Thanh văn tu theo con đường nhỏ hẹp, chỉ chú trọng giải thoát của mình, vì vậy mau chứng đắc giải thoát; mà Đại thừa Bồ tát tu theo con đường rộng lớn, họ không chỉ tự mình chứng đắc giải thoát mà còn lấy tâm đại bi hóa độ chúng sanh. Tuy nhiên hàng Thanh văn cũng có tu theo con đường rộng lớn như Xá lợi phất, trong sáu mươi kiếp tu gia hành, có “bi” tâm, nhưng không thể so với Như Lai trong ba đại A tăng kỳ kiếp tu tập trăm ngàn nan hành khổ hạnh mà đạt được “đại bi”. Tuy nhiên cuối cùng đều là đắc giải thoát, nhưng “bi” và “đại bi” không đồng, thời kiếp tu hành cũng có những chỗ khác nhau.

Chúng ta nêu một ví dụ, một căn phòng, phía trong có rất nhiều người, đột nhiên căn phòng bị cháy, có người rất nhanh chạy ra ngoài, sau khi chạy ra ngoài rồi không còn trở lại nữa. Có người sau khi căn phòng bị cháy, họ dẫn theo hai người cùng chạy. Có người chỉ dẫn mọi người thoát thân, sau khi dẫn người thoát thân xong rồi lại quay trở lại, ra lại vào, vào lại ra, cho đến cuối cùng, khi bất đắc dĩ mới từ bỏ. Ví dụ này, tôi nghĩ mọi người có thể hiểu, tuy cuối cùng mọi người đều có thể ra ngoài, đều được giải thoát, nhưng Bồ tát vì làm nhiều lợi ích cho chúng sanh, họ bỏ thời gian ra rất dài, họ để mình ở sau cùng. Sẽ có người nói, cuối cùng đều được giải thoát, vì sao họ phải bỏ ra thời gian dài như vậy? Trên sự thật họ không phải lo bản thân mà vì chúng sanh.

IV. Có phải nhất định trải qua ba đại A tăng kỳ kiếp mới thành Phật đạo?

Phần trên nói đến: “Đại Tỳ Bà Sa Luận” chủ trương người tu Phật thừa, trải ba vô số kiếp mới được giải thoát; “Đại Trí Độ Luận” thì nói Bồ tát phải trải qua vô lượng

A tăng kỳ kiếp mới thành Phật. Nhưng “Kinh Đại Phẩm Bát Nhã”, “Đại Trí Độ Luận” cũng nhắc đến chúng sanh lợi căn, như Bồ tát thừa thần thông hành, họ rất mau đạt thành tựu.

1. “Kinh Đại Phẩm Bát Nhã”: Bồ tát lợi căn có ba loại “Kinh Đại Phẩm Bát Nhã” quyển 2 ‘Vãng Sanh phẩm thứ 4’ (Đại Chánh tập 8, trang 226a6~15) nói:

Xá lợi phất! Khi Bồ tát ma ha tát mới phát ý, hành lục ba la mật, đạt được Bồ tát vị, chứng đắc Bất thối địa.

Xá lợi phất! Khi Bồ tát ma ha tát mới phát tâm, liền được vô thượng chánh đẳng chánh giác, chuyển pháp luân, với vô lượng A tăng kỳ chúng sanh làm lợi ích sâu dày xong, nhập vào vô dư Niết bàn; là Phật sau khi nhập Niết bàn, giáo pháp còn lại trụ một kiếp, hoặc gần một kiếp.

Xá lợi phất! Khi Bồ tát ma ha tát mới phát ý, tương ưng với Bát nhã ba la mật, với vô số trăm ngàn ức Bồ tát từ quốc độ Phật này đến quốc độ Phật kia, vì tịnh Phật quốc độ.

“Vãng Sanh phẩm” trong “Kinh Đại Phẩm Bát Nhã” nói đến hơn bốn mươi loại Bồ tát, trong đó có ba loại Bồ tát này rất lợi căn.

A. Loại Bồ tát lợi căn thứ nhất

“Bồ tát ma ha tát” đó là Bồ tát đại sĩ. Có một loại Bồ tát “khi mới phát ý”, thì có thể “hành lục ba la mật, đạt được Bồ tát vị”. “Bồ tát vị” và “Bồ tát địa” ở đây không giống nhau, chỗ này ngài Cưu ma la thập dịch “Bồ tát vị” là “Bồ tát chánh tánh ly sanh”, “Đại Trí Độ Luận” đối với “Bồ tát vị” có nhiều cách giải thích, trong đó một loại tương đương với kiến đạo vị của Đại thừa, giai đoạn chứng đắc vô sanh pháp nhẫn. Bồ tát chánh tánh ly sanh, “chứng đắc bất thối địa”. Vì vậy loại Bồ tát này rất lợi căn, họ không phát tâm thì thôi, một khi phát tâm thì có thể hành lục ba la mật, chứng đắc đến Bất thối chuyển địa, họ cũng không lo sợ thối chuyển xuống Nhị thừa.

B. Loại Bồ tát lợi căn thứ hai

“Khi Bồ tát ma ha tát mới phát tâm, liền được vô thượng chánh đẳng chánh giác”, Bồ tát này rất lợi căn, một khi phát tâm liền đắc vô thượng bồ đề, “chuyển pháp luân, với vô lượng A tăng kỳ chúng sanh làm lợi ích sâu dày xong, nhập vào vô dư Niết bàn”; khi họ còn ở đời chuyển pháp luân, sau mới nhập vô dư Niết bàn. Mà sau khi nhập vô dư Niết bàn, “giáo pháp còn lại trụ một kiếp, hoặc gần một kiếp”. Bổn Tôn sau khi nhập diệt, còn lưu lại hóa Phật độ hóa chúng sanh khoảng một kiếp. Đây trong Kinh Luận thường nói như vậy.

C. Loại Bồ tát lợi căn thứ ba

“Khi Bồ tát ma ha tát mới phát ý, tương ưng với Bát nhã ba la mật, với vô số trăm ngàn ức Bồ tát từ quốc độ Phật này đến quốc độ Phật kia, vì tịnh Phật quốc độ”.

Những vị Bồ tát này là có thần thông, từ một Phật quốc này đến từ một Phật quốc khác, họ dùng thần thông bay tới lui, không phải bên đây ăn, bên kia uống lo du ngoạn thôi, mà vì cúng dường chư Phật, tịnh thế giới Phật, đi học hỏi các tướng tốt đẹp ở các nơi, lựa chọn các thứ tịnh diệu trang nghiêm thế giới khác, trang nghiêm quốc độ của mình.

2. Năm loại Bồ tát trong “Đại Trí Độ Luận”

“Đại Trí Độ Luận” quyển 38 đối với lợi căn Bồ tát trong “Kinh Đại Phẩm Bát Nhã, phẩm Vãng Sanh” giải thích như sau:

Có ba loại Bồ tát, lợi căn tâm kiên cố, trước khi chưa phát tâm, từ lâu đã tích tập vô lượng phước đức trí huệ; người này gặp Phật, nghe pháp Đại thừa, phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác, tức thời hành lục độ ba la mật, nhập vào Bồ tát vị, chứng đắc Bất thối địa. Tại vì sao vậy? Trước tích tập vô lượng phước đức, lợi căn tâm kiên cố, từ Phật nghe giáo Pháp. Ví như đi xa, 1. Hoặc cỡi dê để đi, 2. Hoặc cỡi ngựa để đi, 3. Hoặc dùng thần thông đi.

Người cỡi dê đi lâu mới đến; người cỡi ngựa đến nhanh hơn; người dùng thần thông, trong thời gian một ý niệm đã đến nơi. Như vậy không thể nói trong thời gian một ý niệm đã đến nơi? Vì sử dụng thần thông, không nên sanh tâm nghi ngờ! Bồ tát cũng như vậy, khi phát vô thượng chánh đẳng chánh giác, tức nhập vào Bồ tát địa.

“Đại Trí Độ Luận” nói: Bồ tát có lợi căn tâm kiên cố, trước khi chưa phát tâm có thể chưa nghe đến pháp Đại thừa, chưa có chân chánh phát tâm đại bồ đề, nhưng những việc làm của họ, đã tích lũy phước đức trí huệ tư lương. Lúc trước khi gặp Phật, họ còn không biết pháp Đại thừa chân chánh là gì, nhưng sau khi gặp Phật, lắng nghe pháp Đại thừa, lập tức liền phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, hành lục ba la mật, còn rất nhanh nhập Bồ tát chánh tánh ly sanh, chứng đắc đến bất thối chuyển. Giống như có người trước khi bước vào cửa Phật, ở thế gian họ đã làm các việc thiện, phục vụ nhân quần, những người này đã tích lũy rất nhiều phước đức trí huệ, sau khi bước vào cửa Phật liền tiến bộ rất nhanh.

Có người cảm thấy kỳ lạ, vì sao Bồ tát mau chứng đắc bất thối chuyển? “Đại Trí Độ Luận” đã dẫn một bộ Kinh, đời Nguyên Ngụy Cù đàm Bát nhã lưu chi đã dịch “Kinh Nhập Định Bất Định Ấn”, phù hợp cùng với đây, bộ Kinh nói về “bất tất định nhập” và “định nhập”. Ý nghĩa của “định nhập” là nhất định thành Phật, “bất tấ định nhập” là không nhất định thành Phật, khi nào thành Phật còn chưa biết rõ.

Dưới đây “Đại Trí Độ Luận” nói về đi xe dê, đi xe ngựa, dùng thần thông đi, dẫn dụng từ bộ kinh này. Ở đây nói: người đi xe dê rất lâu mới tới, người đi xe ngựa nhanh hơn một chút, người đi bằng thần thông một khi khởi tâm động niệm rất nhanh là tới rồi. Lợi căn Bồ tát cũng giống như thần thông, một khi phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, tức nhập vào Bồ tát vị. Tiếp theo thuận theo đó nói đến đi xe dê và đi xe ngựa.

“Đại Trí Độ Luận” quyển 38 nói:

A. Có Bồ tát khi mới phát ý, ban đầu tâm tốt, sau đó lẫn tạp các điều không tốt, lúc nào cũng nghĩ, ta cầu Phật đạo, đem công đức này hồi hướng về vô thượng chánh đẳng chánh giác; người này trong vô lượng A tăng kỳ kiếp rất lâu, hoặc đến hoặc không đến. Đời trước phước đức nhân duyên ít, mà lại đốn căn, tâm không kiên cố, như người đi bằng xe dê.

B. Có người đời trước, có chút phước đức lợi căn, phát tâm từ từ hành lục ba la mật, trải qua hoặc ba, hoặc mười, hoặc trăm A tăng kỳ kiếp, chứng đắc vô thượng chánh đẳng chánh giác; như đi bằng xe ngựa nhất định đến nơi.

C. Có người dùng thần thông để đi, như trên đã nói qua.

Là ba loại phát tâm: một là tội nhiều phước ít, hai là phước nhiều tội ít, ba là chỉ hành thanh tịnh phước đức.

1. Loại Bồ tát thứ nhất: như Bồ tát đi bằng xe dê

Loại Bồ tát này, lúc mới phát tâm đương nhiên là tốt, nhưng không phải niệm niệm đều thuần là thiện, có khi thiện, có khi không tốt, vì vậy nói “sau đó lẫn tạp các điều không tốt”. Loại Bồ tát này, nhân vì đời trước phước đức nhân duyên mỏng, căn tánh lại chậm lụt, tâm không kiên cố, trải qua rất lâu vô lượng A tăng kỳ kiếp tu hành, có thể đạt được vô thượng chánh đẳng chánh giác, có thể không được, trong kinh ví dụ là “như người đi bằng xe dê”. Bồ tát đi xe dê này là “bất tất định nhập”, cũng không nhất định là thành Phật.

2. Loại Bồ tát thứ hai: như Bồ tát đi bằng xe ngựa

Loại Bồ tát này căn tánh lanh lợi hơn, phước đức cũng tốt hơn, “phát tâm từ từ hành lục ba la mật, trải qua hoặc ba, hoặc mười, hoặc trăm A tăng kỳ kiếp, chứng đắc vô thượng chánh đẳng chánh giác; như đi bằng xe ngựa nhất định đến nơi”. Bồ tát đi bằng xe ngựa này là “định nhập”, tuy nhiên là chậm một chút, nhưng họ nhấ định sẽ thành Phật.

3. Loại Bồ tát thứ ba: Bồ tát lợi căn nhật nguyệt thần thông hành (hạ phẩm)

Bồ tát đi bằng thần thông, đã hành phước đức thanh tịnh, một khi phát đại bồ đề tâm, rất nhanh chứng đắc bất thối chuyển. Cũng là thần thông hành, lại có phân hạ, trung, thượng không đồng, “Kinh Nhập Định Bất Định Ấn” phân biệt đặt thêm tên gọi: Nhật nguyệt thần thông hành, Thanh văn thần thông hành, Như lai thần thông hành. Như “Đại Trí Độ Luận” quyển 38 nói:

“Thanh tịnh có hai loại: một là khi sơ phát tâm, tức chứng đắc Bồ tát đạo, hai là Tiểu trụ; cúng dường mười phương chư Phật, thông đạt Bồ tát đạo, nhập vào Bồ tát vị, tức là Bất thối địa. Ý nghĩa Bồ tát Bất thối địa, phần trên đã nói qua”.

Bồ tát này tương đương với lợi căn Bồ tát thứ nhất trong “Kinh Đại Phẩm Bát Nhã”, “Đại Trí Độ Luận” lại phân thành hai loại: một loại là khi phát tâm lập tức liền chứng đắc Bất thối chuyển, loại thứ hai là chậm hơn một chút. Vì vậy gọi là “Tiểu trụ”, phải cúng dường mười phương Phật, sau khi thông đạt Bồ tát đạo, mới nhập vào Bồ tát vị.

4. Loại Bồ tát thứ tư: Lợi căn Bồ tát Thanh văn thần thông hành (trung phẩm)

“Đại Trí Độ Luận” quyển 38 nói:

Có Bồ tát, rất chán thế gian, đời đời đến nay, thường thích chơn thật, ghét sự giả dối. Bồ tát này cũng lợi căn, tâm kiên cố, tích tập lâu dài phước đức trí huệ, khi sơ phát tâm, liền chứng đắc vô thượng chánh đẳng chánh giác, tức thời chuyển pháp luân, độ vô lượng chúng sanh, nhập vô dư Niết bàn; pháp trụ một kiếp, hoặc gần một kiếp, lưu lại hóa thân Phật để độ chúng sanh. Phật có hai loại thần thông lực: một là khi còn ở đời; hai là sau khi nhập diệt. Ý nghĩa của kiếp, phần trên đã nói qua. Trong thời gian kiếp đó, hóa độ chúng sanh rất nhiều.

Loại Bồ tát này cũng là lợi căn tâm kiên cố, tích tập rất lâu vô lượng phước đức trí huệ, khi ban đầu mới phát tâm, liền chứng đắc vô thượng chánh đẳng chánh giác, tức chuyển pháp luân độ chúng sanh; sau khi nhập vào vô dư Niết bàn, thần thông lực vẫn còn lưu lại hóa thân Phật để độ chúng sanh, khiến cho Phật pháp còn trụ thế một kiếp, hoặc gần một kiếp. “Kiếp” là đơn vị tính toán thời gian của Phật giáo, một đơn vị thời gian rấ dài.

5. Loại Bồ tát thứ năm: Lợi căn Bồ tát Như lai thần thông hành (thượng phẩm)

“Đại Trí Độ Luận” quyển 38 nói:

Có Bồ tát lợi căn tâm kiên cố, tích tập phước đức lâu dài, phát tâm liền tương ưng với Bát nhã ba la mật, đạt được sáu loại thần thông; với vô lượng chúng sanh, cùng xem mười phương thế giới thanh tịnh, để trang nghiêm quốc độ mình. Như Đức Phật A Di Đà, đời trước là Tỳ kheo Pháp Tạng, đi đến khắp mười phương, xem quốc độ thanh tịnh, chọn lựa quốc độ thanh tịnh vi diệu, để trang nghiêm quốc độ mình.

“Đại Trí Độ Luận” nêu lên một ví dụ thực tế, “Như Đức Phật A Di Đà” là thuộc về Bồ tát lợi căn này. “Đời trước là Tỳ kheo Pháp Tạng, đi đến khắp mười phương, xem quốc độ thanh tịnh, chọn lựa quốc độ thanh tịnh vi diệu, để trang nghiêm quốc độ mình”. Bồ tát khi phát tâm, liền cùng với rất nhiều vị Bồ tát từ Phật độ này đến Phật độ khác, không phải vì du ngoạn, trên thực tế là họ đến các nơi Phật quốc thanh tịnh, tuyển chọn các thứ tịnh diệu đến trang nghiêm thế giới cực lạc, đây không phải là trang sức thôi, trên thực tế muốn cho chúng sanh có một hoàn cảnh tu học tốt đẹp.

Chúng ta từ “Đại Trí Độ Luận” đã nêu đi bằng xe dê, đi bằng xe ngựa và loại thứ ba là đi bằng thần thông, tất cả có năm loại Bồ tát, trong đó loại Bồ tát thứ ba Nhật nguyệt thần thông hành, loại Bồ tát thứ tư Thanh văn thần thông hành, loại Bồ tát thứ năm Như lai thần thông hành, tức là “Kinh Đại Phẩm Bát Nhã” đã nói ba loại lợi căn Bồ tát. Liên quan đến ba loại lợi căn Bồ tát này, Ngài Ấn Thuận trong “Con Đường Thành Phật (bản thêm phần chú thích)” từ trang thứ 414 đến 415 giải thích cụ thể. Ngài đem Nhật nguyệt thần thông hành xếp ở “Bồ tát Đảnh vị”, đem Thanh văn thần thông hành xếp ở

“Bồ tát Sơ địa”, đem Như lai thần thông hành xếp ở “Bồ tát Sơ địa trở lên”, các vị có thể tham khảo. V. Cách nhìn của “Đại thừa Khởi Tín Luận” đối với thời gian kiếp số để thành Phật

“Đại Tỳ Bà Sa Luận” của Nhất thiết hữu bộ chủ trương ba A tăng kỳ kiếp thành Phật; “Đại Trí Độ Luận” tuy nói đến vô lượng A tăng kỳ kiếp thành Phật đạo, cũng có nói tới lợi căn Bồ tát có thể mau chóng thành Phật; Chân Đế dịch “Nhiếp Đại Thừa Luận”, cũng nói là ba

A tăng kỳ kiếp, nhưng cũng có người chủ trương bảy A tăng kỳ kiếp hoặc ba mươi ba A tăng kỳ kiếp. “Đại thừa Khởi Tín luận” quyển 11 nêu lên cách nói khác:

Vị Bồ tát ấy trong khoảng một niệm, có thể đến khắp thập phương thế giới không có thiếu sót, cúng dường chư Phật, thỉnh chuyển pháp luân, chỉ vì để khai thị dẫn dắt làm lợi ích cho chúng sanh, chứ không nương với văn tự. Hoặc khi vì các chúng sanh khiếp nhược, thị hiện siêu việt tất cả địa mà sớm thành chánh giác. Hoặc khi vì những chúng sanh giải đãi, ngã mạn, mà nói rằng vô lượng A tăng kỳ kiếp về sau, mới thành Phật đạo. Lại có thể thị hiện vô số phương tiện, như thế không thể nghĩ bàn. Nhưng sự thật thì các vị Bồ tát chủng tánh và căn cơ đều bình đẳng, phát tâm cũng bình đẳng, chứng được cũng bình đẳng, không có cái pháp vượt bậc. Do tất cả Bồ tát đều trải qua ba A tăng kỳ kiếp, chỉ do tuỳ thuận chúng sanh thế gian không đồng, chỗ thấy chỗ nghe, căn dục tánh khác nhau, nên Bồ tát thị hiện việc làm cũng có khác nhau.

“Đại Thừa Khởi Tín Luận” nói: “Vị Bồ tát ấy trong khoảng một niệm, có thể đến khắp thập phương thế giới không có thiếu sót, cúng dường chư Phật, thỉnh chuyển pháp luân, chỉ vì để khai thị dẫn dắt làm lợi ích cho chúng sanh, chứ không nương với văn tự. Hoặc khi vì các chúng sanh khiếp nhược, thị hiện siêu việt tất cả địa mà sớm thành chánh giác”. Đây là vì có chúng sanh khiếp nhược, một khi nghe đến tu hành phải qua vô lượng A tăng kỳ kiếp, họ liền thối chí nản lòng, nói không có hy vọng gì! Để vì chỉ dạy chúng sanh này, nói rất nhanh là có thể thành chánh giác, để cho họ có một chút tín tâm.

Ngoài ra, có một loại chúng sanh giải đãi, kiêu ngạo một chút, họ thấy có Bồ tát mau thành Phật, vậy thì ta cũng nhất định rất mau, nên giải đãi. Họ nghĩ thành Phật đã nhanh như vậy, ta làm biếng một chút, đợi khi nào muốn thành Phật, ta cũng rất mau có thể thành tựu. Nhưng trên sự thật làm gì mà dễ dàng như vậy, nếu như hiện tại chúng ta không cất bước, đợi mười năm, hai mươi năm sau, tức khiến trăm, kiếp ngàn kiếp sau đều không thấy đến thành tích! Vì vậy đối với loại chúng sanh giải đãi, kiêu ngạo này, Phật mới nói vô lượng A tăng kỳ kiếp mới có thể thành Phật đạo.

Đây là đứng trên lập trường của chúng sanh mà hiển thị những cách không đồng, có khi hiển thị mau thành Phật, có khi hiển thị chậm một chút, nên nói “có thể thị hiện vô số phương tiện, như thế không thể nghĩ bàn”. Sự hiện thị đối với chúng sanh như thế.

Dưới đây là nói đến bản thân Bồ tát tu hành.

“Nhưng sự thật thì các vị Bồ tát chủng tánh và căn cơ đều bình đẳng, phát tâm cũng bình đẳng, chứng được cũng bình đẳng”, căn là thiện căn, chủng tánh và thiện căn bình đẳng, mà phát tâm cũng giống nhau, chứng đắc cũng giống nhau. “Không có cái pháp vượt bậc”, là nói mỗi người phiền não nhiều, phải trải qua lộ trình dài, cần phải tích lũy phước đức trí huệ tư lương đều giống nhau, không có nói người nào đó có thể tu ít hơn chút, không có chuyện đó! Mọi người đều giống nhau, vì vậy không có pháp nào vượt bậc.

Do tất cả Bồ tát đều trải qua ba a tăng kỳ kiếp, chỉ do tùy thuận chúng sanh thế gian không đồng, chỗ thấy chỗ nghe, căn dục tánh khác nhau, nên Bồ tát thị hiện việc làm cũng có khác nhau.

Tóm lại, “Đại thừa Khởi Tín Luận” có một cách nhìn đặc biệt: không quản là cách thuyết pháp của Kinh Luận có nhiều bất đồng, thì thật mà nói, nhất định là ba A tăng kỳ kiếp thành Phật đạo; nhưng tùy theo căn tánh của chúng sanh, các sự ham thích không đồng, sự thị hiện về thời gian thành Phật đạo cũng dài ngắn không giống nhau, có khi chậm một chút, có khi nhanh một chút.

Lời giải thích trích ở trang 334 trong “Đại Thừa Khởi Tín Luận Giảng Ký” của đạo sư Ấn Thuận, để cho đại chúng tham khảo.

Bởi vì “tất cả Bồ tát đều trải qua ba A tăng kỳ kiếp” mới thành Phật, đây là điều mà tất cả Bồ tát đều như thế. Từ Sơ trụ cho đến viên mãn Thập hồi hướng, là A tăng kỳ kiếp thứ nhất; từ Sơ địa cho đến Thất địa mãn tâm, là A tăng kỳ kiếp thứ hai; từ Bát địa cho đến Thập địa viên mãn, là A tăng kỳ kiếp thứ ba. Chủng tánh, thiện căn, phát tâm, chứng ngộ, đều là giống nhau; đến khi viên mãn thành Phật, thì chư Phật bình đẳng với chư Phật. “Chỉ do tuỳ thuận chúng sanh thế gian không đồng, chỗ thấy chỗ nghe, căn dục tánh khác nhau, nên Bồ tát thị hiện việc làm cũng có khác nhau”. Căn khác nhau, là căn cơ lợi đốn (thượng, trung và hạ) có khác; dục khác nhau, tức sự yêu thích và đam mê có khác; tánh khác nhau, tức tập quán huân nhiễm có khác. Trong mười năng lực giám sát căn cơ của Như Lai, thì có Căn thắng liệt trí lực (căn), Chủng chủng thắng giải trí lực (dục), Chủng chủng giới trí lực (tánh). Nhân vì chúng sanh ở các thế giới khác nhau, do đó thấy nghe không đồng, căn, dục và tánh cũng bất nhất, nên chẳng thể không thị hiện các loại hành khác nhau; nhưng trên thực tế thì hành trình của Bồ tát là giống nhau.

Đạo sư Ấn Thuận trong “Con Đường Thành Phật (bản thêm phần chú thích)” trang 413 cũng nói đến: “Đại thừa Khởi Tín Luận” phần quyết trạch: Kinh nói không nhất định, là cách nói phương tiện; từ thành tựu tín tâm cho đến thành Phật, thì thực chất phải trải qua ba đại A tăng kỳ kiếp”. Đây là quan điểm của “Đại thừa Khởi Tín Luận”.

VI. Hai cách giải thích về từ A tăng kỳ kiếp

Đạo sư Ấn Thuận trong “Con Đường Thành Phật (bản thêm phần chú thích)” trang 413~414 đưa ra một quan niệm, tôi (tác giả) cho rằng quan niệm này rất tốt, hai cách giải thích về từ A tăng kỳ kiếp, một là “Thời gian kiếp”, hai là “Đức hạnh kiếp”.

“Thời gian kiếp” là tiêu chuẩn khách quan được đặt ra của mọi người, ví dụ nói, chúng ta bảy giờ tối bắt đầu học, đây là thời gian mọi người cùng đồng ý. Nhưng trên sự thật, đối với thời gian mỗi người đều có cảm giác không giống nhau, có khi cảm giác thời gian trôi qua rất nhanh, có khi thời gian trôi đi rất chậm! Thời gian theo “Trung Luận” nó là tánh Không. Thời gian kiếp là thời gian mọi người cùng chấp nhận, từ lúc nào bắt đầu, trải qua bao lâu thời gian, thì đạt đến mục đích.

Ngoài ra “Đức hạnh kiếp” là từ đức hạnh, tính bằng công đức.

Ví dụ muốn hoàn thành một công việc, tốn bao nhiêu thời gian hoàn thành và hiệu suất cao thấp có quan hệ rất lớn. Giả thiết cần xây một ngôi nhà phải cần sáu tháng, nhưng nếu hiệu suất cao, kỹ thuật khéo, có khi xây xong nhanh hơn. Nhưng, nếu thiếu vật liệu lại lười biếng, thời tiết xấu v.v.. các nhân tố ảnh hưởng, ngày công tất kéo dài, khi nào hoàn thành công việc cũng không quyết định được. Vì vậy nếu nói hiệu suất cao, chuyên tâm thật lòng, phương tiện thiện xảo các phương diện đều đầy đủ, tu hành đương nhiên sẽ rất nhanh.

Phần trên có nhắc đến các bộ Kinh Luận cách giảng giải không giống nhau, có khi nói ba A tăng kỳ kiếp, hoặc nói vô lượng A tăng kỳ kiếp thành Phật đạo v.v.., nhưng trong “Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận” quyển 1 nói: “Cũng tùy căn tánh lợi đốn, và nhân duyên tu hành đời trước”, vì vậy tu hành nhanh chậm trừ căn tánh lợi độn ra, trong đời quá khứ có quảng tích phước đức trí huệ tư lương, còn phải xem cá nhân có dụng tâm, thời gian chỉ là một đại khái, Đạo sư Ấn Thuận đưa ra Thời gian kiếp, Đức hạnh kiếp, có thể lấy đó làm tham khảo.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Khi Nào Mới Được Giải Thoát Thành Phật