Home > Khai Thị Phật Học > Hieu-Dao-Rot-Rao-La-Con-Duong-Giai-Thoat
Hiếu Đạo Rốt Ráo Là Con Đường Giải Thoát
Thượng Tọa Thích Phổ Huân


Tất cả sự vật hiện hữu trên mặt đất này, từ thực vật cho đến sinh vật, từ loài ít hiểu biết cho đến loài hiểu biết phi thường như con người đều do nhân duyên sinh. Nhân duyên căn bản nhất là do cha mẹ sinh ra. Và trước cha mẹ là ông bà, trước ông bà là tổ tiển, là tiền nhân, là tất cả những nhân duyên thật sớm mà ta không thể nào kể hết được. Nhờ hết thảy nhân duyên như vậy ta mới có ngày hôm nay. Nhưng ngày hôm nay ta là gì? Đương nhiên ta phải là người; là người ta mới biết có cha mẹ, có ta được sinh ra.

Thế thì cái biết căn bản thực tế mà không cần phải triết lý biện minh chỉ cả, là phải hiện thực có cha mẹ sinh ta ra, đó chính là cái biết nhân duyên có mặt của ta hôm nay. Vậy ta phải suy nghĩ ngay đến sự quan trọng tuyệt đối là ta có cha mẹ; và phải suy nghĩ tiếp theo:

·     Có cha mẹ, có tất cả.
·     Không cha mẹ không tất cả.
·     Có tất cả, có giải thoát.

Có cha mẹ có tất cả:

Đứa bé mới sinh không thể nào hiểu được hoàn cảnh thế giới chung quanh; không hiểu rằng sự sống chết của chúng hoàn toàn phó thác cho mọi người mọi vật. Nhưng mọi thứ chung quanh không thứ nào quan trọng bằng cha mẹ; bởi vì nếu không có cha mẹ, chúng sẽ bị chết bị bỏ rơi. Trường hợp nếu cha mẹ vì lý do nào đó, từ chối giọt máu mình sinh ra, thì họ cũng không đến nổi bỏ thí con mình một nơi nguy hiểm gây hại tánh mạng cho nó.

Họ sẽ gởi nhờ người nuôi, bằng cách gọi là vứt bỏ ngay nhà người hay trước bệnh viện, hoặc chỗ đông người. Đương nhiên cũng có trường hợp cố tình giết hại con mình; nhưng chuyện này rất hiếm; và ta cũng đừng vội lên án, vì phải là người trong cuộc mới hiểu nổi sự tình này.

Vậy một đứa bé mới sinh, phần lớn tồn tại được là nhờ cha mẹ. Ngoài môi trường y tế bệnh viện chăm lo, còn lại tất cả là do cha mẹ chăm lo săn sóc. Sự hy sinh nuôi nấng, chịu đựng gian khổ chỉ có cha mẹ mới rõ, đứa con chẳng hiểu gì cả. Cho đến lớn lên tuổi năm, tuổi sáu, bấy giờ cha mẹ lo cho học hành; nếu không lo được cho con đi học, sự đau khổ càng tăng, vì không có cha mẹ nào muốn nhìn con mình lớn lên tương lai thấp hèn trong xã hội. Khi con trưởng thành, sự lo lắng vẫn tiếp tục; lo cho con lập nghiệp, lập gia đình; mối lo này không kém gì khi con còn bé.

Thế thì quan sát một đứa bé mới sinh cho đến trưởng thành, sự sống của chúng từ vật chất đến tinh thần đã gần một trăm phần trăm là nhờ cha mẹ. Nhất là tình thương, điều nầy chính là động lực thành tựu đời sống tương lai cho bất cứ đứa con nào.

Ta có thể nghĩ về những người thành tựu trong xã hội, có quá khứ là những cô nhi, hoặc mồ côi cha mẹ sớm; vấn đề nầy ở đâu cũng xảy ra, và họ cũng phải cần một cha mẹ nuôi để quân bình hài hòa đời sống vật chất và tinh thần, đây cũng là một hình thức tìm kiếm một tình thương cao hơn tình thương vợ chồng, huynh đệ bạn bè.

Vài điều nói trên ta thấy, tuyệt đối không một đứa bé nào vượt ra khỏi nguyên tắc đời sống nầy. Nhưng điều đó vẫn chưa khẳng định rằng, nếu không có cha mẹ sinh ra, thì tất cả có gì để nói! Tất cả đều vô nghĩa đều trống không, bởi vì ta không được sinh ra! Hay vì sinh ra không phải là người, thế là tất cả trở thành vô nghĩa!

Ta có bao giờ suy nghĩ, ngày hôm nay ta có tất cả: ta trưởng thành, ta thành tựu công danh sự nghiệp, hiểu biết nhiều, học vị cao, mái ấm gia đình hạnh phúc, vân vân và vân vân; tất cả những thứ đó là do ta có thân này! Nhưng thân này do đâu có? Chính do cha mẹ sinh ra; cho nên không có cha mẹ không có tất cả! Tóm lại không cần giải thích cho nhiều, vì điều cơ bản nhất phải có thân này, do đó ta không nên lý luận, không nên biện minh thêm, ngoài sự ghi ân tưởng niệm cha mẹ sinh thành.

Không cha mẹ không tất cả.

Như phần trên tìm hiểu, con người là sinh vật phi thường, vì hiểu biết thông minh tuyệt diệu; không như loài vật quá ngây dại ngu ngơ; chúng chỉ biết đấu tranh sống còn với thiên nhiên, với những gì làm hại đến chúng, ngoài ra không còn chi cả. Nhưng thử hỏi tại sao chúng phải là sinh vật ngu ngơ khờ dại vậy? Trả lời ngay rằng, vì chúng không phải là người. Không là người thì làm sao thông minh khôn ngoan được; dù có huấn luyện thuần hóa cỡ nào, chúng cũng là súc sanh động vật; là loài mà con người sai sử, thậm chí biến thành món ăn.

Nhưng lại hỏi, tại sao chúng ta không phải là chúng? Trả lời câu này thật khó, vì mang tính vô vi trừu tượng; nên dựa theo giáo lý giải thoát trả lời; đó là do liên hệ nhân quả đời sống luân hồi trong quá khứ. Chính do nhân nghiệp của mỗi chúng sinh khi tác nghiệp, nên biến hình đổi tướng khi sinh ra. Phật dạy dòng sống luân hồi đau khổ, có đến sáu đường mà chúng sanh thường ra vào khó ý thức được. Trời, Người, A Tu La, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh, chính là những mê lộ, chỉ có mê lộ làm người mới nửa tỉnh nửa say. Cao hơn cõi người là cõi trời hay Thần A Tu La thì Phật dạy phước đó lại làm chúng sanh mê mờ, khó thể nào hiểu được đạo giải thoát. Còn các mê lộ khác đều là vô minh mù mịt chưa bao giờ thức tỉnh. Cái khổ vì nghiệp quá nặng làm sao thức tỉnh được! Chỉ chờ trả nghiệp xong, rồi tái sanh vào mê lộ của người có thể thức tỉnh, nhưng cũng có thể tác nghiệp mê khác.

Vậy sinh ra với hình tướng chúng sinh không phải người, là một nghịch duyên khó thức tỉnh biết đạo giải thoát. Nếu là súc sanh phải đành chịu đến đời sau, chứ không bao giờ hiểu biết được. Những con vật nào may mắn được chủ nuôi là người tu Phật, chúng sẽ có nhân duyên chuyển hóa khá hơn ở đời sau. Nhất định chúng sẽ có duyên thành người, và người có duyên Phật pháp. Nhưng có được mấy con vật trong vô số loài vật ở thế gian này! Ngay như loài vật nuôi trong nhà: chó, mèo, chim, két, cá kiểng cũng đâu phải dễ  dàng gặp  được  nhân duyên  giải thoát. Duyên giải thoát là âm thanh trì tụng kinh Phật, hay hình ảnh chư Phật chư Bồ Tát, mà chúng được nghe hay được thấy dù là không hiểu biết gì.

Xét cho cùng, ngoài cảnh Trời và Thần A Tu La ra, nếu sinh thân không phải là người xem như mất tất cả. Mất hết cơ hội nhân duyên khi lâm vào cảnh địa ngục, ngạ quỷ, và mất hết không còn gì cả, khi sanh làm con thú; vì dù con thú có được người quý thương thế nào, chúng vẫn là con thú, chúng không có tiếng nói để bảo vệ chúng. Nếu chúng được chủ di chúc hưởng phần tài sản; thì vẫn do con người xử dụng ban ơn cho chúng; và vậy vẫn mãi là con vật chờ người đẩy miếng thịt miếng mồi bố thí cho.

Tóm lại phần này không khác phần trước, ta có cha mẹ là có tất cả, vì ta được cha mẹ sinh ra làm người; cũng vậy không cha mẹ, nghĩa là không phải cha mẹ là người, thì mất tất cả; cuối cùng tối quan trọng, ta sẽ mất hiểu biết gieo duyên Phật pháp.

Có tất cả, có giải thoát.

Đã sinh được làm người là có tất cả. Có tất cả, chính là hiểu biết ý thức về nhân duyên làm người. Hai phần trên đã nhận xét, tìm hiểu sự khó khăn của chúng sinh không phải là người, đủ cho ta hiểu việc làm người quan trọng thế nào! Quan trọng trước nhất là ta đền đáp được công ơn cha mẹ. Bởi chỉ có làm người mới đền đáp được hiếu đạo trọn vẹn, chứ loài động vật súc sanh không bao giờ biết được đền đáp công ơn cha mẹ là gì. Ta đền đáp ân nghĩa đó bằng cách xây dựng bản thân một nhân cách tốt, một con người thiện trong xã hội; ta làm tròn trách nhiệm lo lắng phụng dưỡng cha mẹ, như cha mẹ đã từng lo lắng nuôi nấng chúng ta.

Cơ bản vấn đề tình thương chăm lo vật chất cho cha mẹ như vậy; ta tiếp tục tiến lên học hỏi giáo lý giải thoát, hầu giúp cha mẹ nhận ra nguyên lý nhân quả, chuẩn bị cho cha mẹ học Phật cơ bản như: quy y Tam Bảo, thọ năm giới giải thoát, làm nền tảng siêu thoát tương lai.

Khi học hiểu Phật pháp, ta càng thấy rõ việc có tất cả là thế nào. Có tất cả không giống như thế gian đang có và đang giữ; những vật chất thế gian đương nhiên là cần thiết, nhưng chúng không thể đưa đến hạnh phúc kiên cố và giải thoát. Trừ khi ta biết học Phật thì vật chất thế gian mới trở thành phương tiện thực hành giải thoát, bằng không ta vẫn đau khổ dù vật chất có nhiều đến cở nào.

Học Phật ta sẽ thấy tất cả chúng sanh đau khổ, bởi sự thọ nhận thân mạng vô thường này. Và chính do thân mạng sinh diệt vô thường, nên không kể chúng sinh nào cũng đều đau khổ, đều lo sợ mất thân; mất sở hữu của thân như tiền tài danh vọng... Chỉ có học Phật ta mới nhận thấy được chân lý này. Ta thấy các pháp đều do nhân duyên sinh, cũng do nhân duyên diệt; ta thấy mọi thứ hiện hữu trên bề mặt trái đất, đã và đang thay đổi: cái mới bị hóa cũ đi, cái cũ biến thành tàn rụi; và người ta vẫn đang gia công đêm ngày làm nên những cái mới, để rồi nó sẽ trở thành cái cũ. Rồi người ta buồn phiền vì cái cũ mất đi, nhưng không biết rằng nếu không có cái mới bị hóa cũ, thì sẽ không có cái gì để làm cái mới. Hay nếu không có những cái làm mới, nghĩa là mọi vật sẽ không hư, như vậy càng vô lý, vì ngược lại với nhân quả vô thường, có sinh có diệt.

Học Phật chỉ là nhận ra vô thường của hết thảy pháp, nên không quá say đắm mê chấp cuộc đời, đến nỗi quên mất thân này cũng vô thường, cũng dần đi đến hoại diệt. Bồ Tát thành Phật là do thấy được vô thường; cho nên cảnh giới Bồ Tát, cảnh giới chư Phật là không sinh không diệt, vì tâm các Ngài không còn động khởi, không còn dính mắc với pháp trần, nên các Ngài trở thành an định giải thoát vượt lên sinh diệt thế gian. Đã vượt lên hết các pháp sinh diệt, nên còn gì để gọi là có hay không có, như thế tâm các Ngài thật sự là tâm an lạc tuyệt đối; còn chúng sanh như chúng ta, dù được mọi thứ các pháp hữu vi, nhưng luôn bị hữu vi làm khổ, cho nên không bao giờ có được hạnh phúc tuyệt đối, ngược lại chỉ là hạnh phúc nhất thời, hợp với vô thường sinh diệt.

Như vậy hưởng thụ cảnh trần gian, nhưng thật sự chưa bao giờ hạnh phúc, vì hạnh phúc trong sinh diệt sao gọi là hạnh phúc thật sự!

Nói cho cùng có tất cả, là có thân người, vì thân người là nhân sinh ra ý thức hiểu biết, và ý thức hiểu biết không gì hơn ở cuộc đời này, là hiểu biết nhân duyên làm người học đạo giải thoát.

Kết lại người con hiếu là người ý thức được cha mẹ sinh ra thân này, để từ thân người này, chúng ta sẽ có tất cả và trong tất cả không gì hơn Phật pháp; và từ Phật pháp ta mới đền đáp ân nghĩa cha mẹ trọn vẹn rốt ráo nhất; cuối cùng từ Phật pháp ta mới thành một vị Phật tương lai cứu độ vô số cha mẹ trong quá khứ.

Cầu nguyện tất cả chúng sanh đều là những người con hiếu, đều đáp đền ân đức cha mẹ trong tâm thành Phật pháp.

Nam Mô A Di Đà Phật