Home > Khai Thị Phật Học > Chong-Lung
Chống Lưng
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ


Hỏi.

Ôn thường xuyên bố thí, phóng sinh, cúng dường mà không kêu gọi hay quyên góp, vậy thì có đại gia nào chống lưng cho ôn không?

Đáp.

Như nền móng, cột kèo chống đỡ cho tòa nhà đứng vững, mọi vật đều cần được chống đỡ, con người thì cần được chống lưng, như cha mẹ con cái, vợ chồng thân bằng chống lưng cho nhau, nhưng dĩ nhiên người có phúc báo mạnh mẽ sẽ là chỗ chống lưng cho mọi người. Đại gia là người phú quý, phúc báo là nền tảng của phú quý, vậy có thể nói phúc là chỗ chống lưng cho đại gia, nếu mất phúc thì đại gia sụp đổ thành kẻ bần cùng, như thế xem ra lấy phúc làm chỗ dựa chống lưng sẽ vững chắc hơn là dựa vào đại gia.

Dựa vào đại gia, đại gia tính khí thay đổi bất thường, phúc của họ cũng vô thường, nếu dựa vào họ khác nào dựa vào chỗ vô thường, rất không ổn định và vững bền. Mạnh tử nói "cái gì của người cho thì họ cũng lấy đi được".

Dựa vào phúc do chính mình tạo thì sẽ chẳng sợ ai lấy đi được nên mới vững bền. Mạnh tử nói "cái gì do mình tự có thì không ai đoạt được cả". Thế thì tại sao phải dựa vào phúc kẻ khác mà không tự tạo phúc để dựa vào sẽ tự tại và vững tâm hơn. Đừng quên phúc không độc quyền cho ai, mà bất cứ ai cũng tự tạo phúc được, giàu nghèo sướng khổ đều tùy thuộc vào phúc, đừng cầu xin phúc của người khác, mà cầu xin chính mình cho mình bằng cách tự tạo phúc không dễ hơn sao? không có ai cấm ai tạo phúc cả, chỉ có tâm bỏn xẻn cấm cản thôi.

Nếu có dựa vào bên ngoài thì cần ghi nhớ chỉ có bậc vô dục mới là chỗ dựa vững chắc, dựa vào những kẻ tham dục sẽ bị tham dục của họ áp lực chèn ép theo dòng trôi của ý dục hoen ố, mất hết tự tại công đức, thế nên muốn độ sinh cần phải chống lưng bằng các bậc vô dục giải thoát, song tốt nhất chỗ chống lưng vững chắc trên hết vẫn chính là tâm từ bi vô dục của bản thân, ngẫm xem ai chống lưng cho Bồ tát Quan Âm cứu khổ nạn, và ai chống lưng cho ngài Địa Tạng vào địa ngục độ sinh, không phải là tâm đại bi lợi lạc chúng sinh, thanh tịnh vô dục đó sao?

Tu tập cũng giống như làm kinh doanh, khác chăng chỉ ở chỗ ngược nhau. Vì là đời nên doanh nhân kiếm cách thu tiền, tạo dựng của cải thông qua sự kinh doanh. Vì là đạo nên người tu tìm cách đem tiền bạc của cải cho đi thông qua sự hành bố thí. Doanh nhân nỗ lực kinh tài qua việc không ngừng phát triển công ty, người tu cũng miệt mài tạo công đức bằng việc tinh tiến tăng trưởng bố thí. Doanh nhân dựa vào tiền của tức phúc báo thế gian, người tu dựa vào công đức xuất thế gian. Tiền của là thứ vô thường, mà cổ

nhân gọi là "của đồng lần thiên hạ tiêu chung", nó là thứ của thiên trả địa, một đời tích góp phải vứt lại hết trong giây phút cuối đời. Tiền bạc thấy được nhưng tiêu sẽ hết, công đức là thứ của cải vô hình tiêu mãi không hết, lại luôn theo ta như hình với bóng chưa hề rời trong giây lát. Để có tiền phải gom góp về cho bản thân, càng góp càng có, càng có càng không hài lòng vì chưa thấy đủ, nên vẫn vất vả tích góp đến hết đời, cho tới giây phút cuối, khi lìa đời vẫn chưa thấy đủ để hạnh phúc, ra đi trong bất an. Song để có công đức phải ban phát mọi thứ đến cho muôn loài, càng cho càng có, càng có càng cho, càng cho càng hạnh phúc, hạnh phúc ngay trong mỗi lần cho, cứ thế quá khứ hạnh phúc, hiện tại hạnh phúc cho đến cuối đời, đến đi trong hạnh phúc và hạnh phúc vẫn tiếp nối đến tận vị lai.

Thế nhân cho giàu có là có nhiều tài sản của cải, nên thích tích chứa hơn chia sẻ. Người tu cho giàu có là sự chia sẻ được mọi thứ cho muôn loài, nên thích cho hơn cất chứa. Vì vậy thế nhân giàu của cải nhưng nghèo bố thí, đạo nhân giàu bố thí tuy nghèo của cải. Đại sư Huyền Giác nói "cùng Thích tử khẩu xưng bần, thật thị thân bần tâm bất bần, bần tắc thân thường phi lũ hạt, đạo tắc tâm tàng vô giá trân", tăng nhân xưng mình là cùng tử, do bần cùng của cải nên trên thân có mỗi chiếc áo cà sa, tuy nhiên nơi tâm lại chứa trân bảo vô giá, và thế nào là vô giá trân? Ngài giải thích "vô giá trân, dụng bất tận, lợi vật ứng cơ chung bất lận" trân bảo vô giá ấy sử dụng mãi không hết, dù dốc hết mọi thứ tận tình hành lợi lạc theo căn tính muôn loài, đó là vô giá trân, chỉ có tâm vì lợi ích chúng sinh mà bố thí từ của cải, thân thể đến trí huệ mới thực sự là vô giá trân trong tâm Thích tử. Do vậy mới bảo người tu giàu bố thí tuy nghèo của cải, khác với thế nhân giàu của cải nhưng nghèo bố thí, xét cho cùng thì người giàu bố thí mới thực sự là người giàu vì luôn dư giả để chia sẻ, những người giàu của cải nhưng vẫn rớt mồng tơi vì nào có dư thứ gì để san sẻ cho ai được đâu.

Bậc trí hiểu rõ muốn giác ngộ giải thoát cho ta và người cần được công đức chống lưng, và phải là công đức của chính mình thì việc độ sinh mới vững bền, bất thối chuyển, nếu chỉ cầu nguyện sự gia trì của Phật và Bồ tát giúp mình thì mọi công đức độ sinh nếu có vẫn không phải do chính mình thành tựu, và thực sự chư Phật cần mọi chúng sinh tự thành tựu công đức giác ngộ hơn là chỉ làm sứ giả đến cầu ngài cứu giúp chúng sinh, một việc mà nhất thiết chư Phật với từ bi tam muội đã tự làm như một vị cứu chủ không cần đến sự cầu của chúng sinh. Công đức không ngoài việc nhiêu ích hữu tình, như ban phát cho muôn loài mọi thứ, từ đời như bố thí vật chất cho đến đạo là bố thí pháp, khai mở trí tuệ, sự hiểu biết về công đức. Có thể bảo rằng bố thí là nhân của quả công đức, vì vậy muốn có công đức chống lưng tất phải tu tập bố thí ba la mật đa, càng hành bố thí càng sinh công đức, càng có công đức càng làm nhiều công đức hơn tức càng tinh tiến bố thí, đó chính là hành thâm bố thí ba la mật. Nhất thiết chư Phật Bồ tát đều chống lưng bằng công đức, ngài giàu có sự bố thí độ sinh mà chưa hề là những người giàu tiền nhất thế gian hay có uy quyền thưởng phạt toàn thiên hạ.

Ngẫm xem xưa nay sự tu học của mọi người thường rơi vào bế tắc không biết làm gì với những thứ học được, tôi từng thấy nhiều người chăm chỉ nghiên cứu giáo lý, khi thì qua tận các xứ tiểu thừa tu học thiền minh sát, lúc lại qua Nepal vào Tibet học giáo lý mật thừa, dự pháp hội quán đảnh, khi thì học hỏi bát nhã tính không, toàn là những thứ thượng thừa giác ngộ, thế nhưng nào thấy thượng thừa hay giác ngộ, chỉ thấy chung cục tất cả những người này cho đến kẻ không hề học qua giáo lý đều thực hành theo một điều không cần phải học là cầu xin, vì đâu nên nỗi này, chẳng qua là bơ vơ trong sự học rất nhiều nhưng không có hiểu biết phải làm gì, hay nói đúng hơn là trong sinh hoạt đạo không có chỗ chống lưng nào khác ngoài cầu nguyện nên sự thờ phụng cầu xin trở thành pháp tu chống lưng cho cả tăng lẫn tục, một thứ chống lưng lỏng lẻo lệ thuộc đến muôn đời, như người khuyết tật lệ thuộc vào xe lăn. Họ học rộng biết nhiều, song đáng tiếc điều hiểu biết quan trọng hơn cả là pháp hành công đức để tự chống lưng mà nhất thiết chư Phật đã từng tu tập trong quá khứ để thành Phật quả, gọi là Bồ tát đạo thì họ mù lòa, họ vẫn không hiểu chỉ có công đức nhiêu ích hữu tình của Bồ tát đạo do chính mình tạo như chư Phật đã làm trong quá khứ mới thật sự là chỗ chống lưng vững bền và kiên cố nhất, đừng ngây ngô cho rằng công phu lạy lục trì chú cầu Phật gia hộ là chỗ chống lưng hay nhất của chúng sinh, hãy hiểu rằng chư Phật luôn là bậc chống lưng cho tất cả những ai muốn học pháp tự chống lưng, và chỉ có người tự chống lưng bằng vâng lời Phật dạy thực hành pháp bố thí nhiêu ích hữu tình mới độ sinh và thành tựu Phật quả.

VTA 25.8.2023