Home > Khai Thị Phật Học
An Tâm Hay An Thân
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ


Hòa Thượng Phổ Quang (Thích Thiện Huệ).

Vào mỗi mùa hè, chư Tăng theo luật định thường an cư kiết hạ với hai lý do chính, an trụ một nơi để tư duy tu tập, và cũng để tránh đi lại dẵm đạp các loại côn trùng thường xuất hiện rất nhiều ở các vùng nhiệt đới như Ấn độ. Như vậy an cư kiết hạ nhằm trau dồi hai phương diện giải và hành, đó là học tập trí huệ và tu dưỡng từ bi.

Thân an cư.

Quan niệm phổ thông của thế nhân thường nghĩ ta là thân xác, bởi thân là hình hài dễ nhận hơn nữa nó trực tiếp cảm nhận được vui buồn khổ lạc, vì vậy ai ai cũng vắt tâm suy nghĩ cách hành động sao cho thân được thoải mái mà không hiểu rằng nếu tâm không như ý thân sẽ không thoải mái trong bất cứ hoàn cảnh nào, do mê muội ngộ nhận điều này đã dẫn đến biết bao sự thay đổi tâm tính ngay khi thân còn trong hoàn cảnh thoải mái do tâm bất như ý. Đại để như đã giàu có nhưng không thoải mái vì chưa như ý nên lao tâm khổ sức cầu tìm sự thoải mái như ý hơn, hoặc đang có gia đình tốt đẹp nhưng do chưa như ý nên không thấy thoải mái mà muốn một thứ như ý khác, tất cả những điều trên chứng minh vì tất cả cho thân mà bỏ bê tâm, thậm chí hành hạ tâm biến tâm thành gia nô của thân, khiến tâm trở nên suy sụp thoái hóa. Sự chấp ta là thân khiến một số người tu học cũng chỉ biết cầu xin cho thân được chùa to Phật lớn, đồ chúng đông đảo thay vì cầu cho tâm được tri túc thiểu dục cho đến tự tại giải thoát, vì vậy hai chữ an cư với họ có nghĩa thân ở yên một chỗ. Đây là hình thức thân an cư.

Nhưng nếu thân ở yên mà tâm không yên bởi lục dục lòng tham không đủ, hay ý mơ tưởng bao la vũ trụ thì an cư thân khác gì tù nhân bị nhốt trong lao ngục.

Tâm an cư.

Người trí huệ nhận rõ tâm là chủ, tâm tạo mọi pháp, và dẫn dắt các pháp, hễ tâm sao pháp vậy, vì thế khi dùng thân phục vụ cho chính tâm như hành thiện để tâm an, độ sinh để tâm thành tựu công đức giải thoát, thì thân là công cụ năng sinh công đức và thân ấy là báo thân công đức khác với thứ thân nghiệp làm tâm ô nhiễm được coi là nguồn sinh mọi nghiệp tội, như lời đức Phật dạy trong kinh Bát đại nhân giác "tâm là nguồn ác, thân là rừng tội".

Hơn nữa đức Phật nhắc nhở "sắc thân phi thị Phật" và Phật cùng tâm bất nhị, Thiền tông gọi là "tức tâm tức Phật". Nếu có cầu nguyện, người đệ tử chân chính của đức Phật chỉ cầu cho tâm giải thoát, tâm giải thoát là niết bàn, còn những kẻ vô trí nhận thân là ta và Phật cũng là sắc thân thì chỉ lo cầu xin cho thân có được mọi thứ cho dù phải hy sinh

tâm lực, những thứ cầu xin ấy tất nhiên đều là ngũ dục, vì ngũ dục là chốn hưởng thụ của thân, ngược lại tâm không hề hưởng những thứ dục này, thay vào đó sự hưởng của tâm là pháp hỉ, khinh an vô ưu lự và tịnh pháp, nói theo thiền tông là ư tâm vô sự và tột cùng cứu cánh là niết bàn. Do vậy kẻ lo cầu cho thân thường tham sân si và là chỗ nguy hại cho tha nhân, người cầu tâm tự tại giải thoát không bị tam độc quấy nhiễu, nên thường làm chỗ nương tựa cho muôn loài. Cũng có thể nói rằng vị kỷ là gốc ác, vị tha là nguồn thiện, kẻ vị kỷ mang nỗi khổ muôn niên vì không bao giờ thấy đủ để an, về lý do này Mặc tử nhận định "Phi vô an cư dã, ngã vô an tâm dã. Phi vô túc tài dã, ngã vô túc tâm dã." chẳng phải không có chỗ an, mà do tâm ta không an, chẳng phải do không đủ tài sản, mà tại do tâm ta không đủ. Điều này minh chứng lo thân và vật chất sẽ không bao giờ đủ, nếu lo tâm thì luôn luôn đủ.

An cư để tu tập cho tâm an, vì thế phải an tâm trước, thứ đến an thân, tâm có an mới tri túc thiểu dục được.

Thật an cư.

Đại thi hào Tố Như nói "thử tâm thường định bất ly thiền", Thiền tông nhấn mạnh "đi đứng nằm ngồi đều là thiền định", như vậy định là tâm định chẳng phải thân bất động như pho tượng mới là định. Chư Phật trụ trong định lực từ bi tam muội mà vào ra trong chốn sinh tử phiền não độ sinh nhưng vẫn như chưa từng lìa niết bàn, như kinh Tượng Đầu Sơn dạy "Bạch ngài Văn Thù, cái gì là động lực tới lui (trong sinh tử) của Bồ tát? Và đâu là nơi tới lui của Bồ tát?." Bồ tát Văn Thù đáp "tâm đại bi là động lực tới lui của Bồ tát, còn hữu tình là nơi tới lui của Bồ tát."

Chư Phật Bồ tát an cư nơi đại bi tâm tự tại thần biến hóa thân vô số khắp mọi cõi độ hóa chúng sinh vô ngại. Nếu chỉ thân an cư ắt không thể độ sinh, phải hiểu thành Phật do tâm, độ sinh cũng do tâm, nhưng tâm từ bi không đủ thành Phật độ sinh, cần phải có phương tiện tức thân mới hoàn thành hai đại sự trên. Kinh Tượng đầu sơn dạy "Bồ tát đạo có hai, thế nào là hai, đó là trí huệ và phương tiện". Trí huệ là quán sát nên hiện thân nào để độ hóa, phương tiện là thị hiện thân ấy để độ, nói theo tục đế thì trí huệ là tâm tức lý và phương tiện là thân tức sự, nếu mọi sự đều là phương tiện thiện xảo của trí huệ thì đó là sự lý vô ngại.

Do Phật tức tâm tức trí huệ và thân là phương tiện thiện xảo, nên đại thừa nói chân Phật lấy trí huệ tức pháp làm thân, còn thân phương tiện là hóa thân, tuy nhiên đa phần chúng sinh do mê muội từ bao kiếp đến nay quen chấp thân làm ngã nên cũng chấp hóa thân hay thân phương tiện của Phật là thật Phật, do đó họ dùng ngã thân vô thường của họ thờ phụng phương tiện Phật thân với mong cầu được thành vị Phật phương tiện, đó là họ muốn nghiệp thân bất tịnh của họ nhờ vào cầu nguyện trở thành sắc thân phương

tiện hóa hiện của Phật, điều này rất mực điên đảo, bởi như trên đã giải thích, Phật do tâm thành mà không do thân thành, tâm thành nên tâm hợp nhất với Phật, gọi là tức tâm tức Phật, thân không thể hợp nhất với Phật được, vì vậy muốn thành Phật cần phải phát tâm, như đức Phật dạy "thấy phát tâm biết có thành Phật, thấy không phát tâm biết không có sự thành Phật".

Như vậy đối với đại thừa, hành giả cần phải "an trụ kì tâm" và chỗ an trụ ấy chính là tâm bồ đề, khi đã an trụ tâm này thì không còn mùa an cư nữa mà bất cứ lúc nào, dù đi đứng hay ngồi nằm, cũng đều niệm niệm an trụ nơi tâm "đương nguyện chúng sinh", vì vậy tâm này không còn ngã và tham dục của ngã, do vô ngã và vô dục nên khổ tập cho đến cả đạo diệt cũng không còn, đó là niết bàn vô trụ xứ. Tâm bồ đề biến nhất thiết xứ nên niết bàn cũng biến khắp gọi là vô trụ xứ, đây là chỗ vi diệu của phát tâm mà hành giả tiểu thừa không đạt được vô trụ niết bàn do không phát tâm. Thế nên có thể nói rằng phát tâm là con đường tu duy nhất và nhanh nhất để chứng quả bồ đề.

Nếu có thể cúng dường các hành gỉa an cư nơi tâm bồ đề thì công đức vô lượng, vì đó là cúng dường đương lai Phật. Tín chúng tại gia tùng hạ không chỉ hộ trì chư Tăng tu tập an cư nơi tâm bồ đề mà còn học hỏi pháp đại thừa này mới có công đức, nếu người tu kẻ hộ chỉ lo cầu phúc cho thân, bỏ lơ bồ đề tâm thì cả hai đều tổn phúc vì tham cầu, nếu chẳng phải thế Đạt Ma tổ sư đã không khẳng định "chẳng có công đức gì cả.", khi đáp lời vua Lương Vũ đế.

VTA 25.6.2023