Kính thưa quý vị,
Lần đầu tiên tôi đến Chicago, trên đường hoằng pháp. Bờ hồ Michigan bao la, mà tình con người Phật ở đây chưa thật sự chan hòa, tâm Bồ đề thật sự chưa mở rộng. Do đó, ngôi chùa còn thiếu nhiều tiện nghi cho quý vị tu tập. Tôi hy vọng quý vị mở rộng tâm Bồ đề để nhìn rõ kiếp sống của mình.
Đời sống con ngưòi nối tiếp bằng chuỗi thời gian, sau đó để lại hoặc ta những kỷ niệm vui buồn thấm thía. Từ đó con người nhận ra chân được ý nghĩa cuộc sống nhơn sanh. Khi con người trực diện với cuộc đời, thực sống với cuộc đời và sống đích thực với hoàn cảnh của kiếp người bằng đầy đủ ý thức về cuộc đời trong mọi trạng huống, thì lúc đó con người mới thể nghiểm được tính chất của cuộc đời là vô thường mộng huyễn, chuyển biến không ngừng, có rồi không! Thế mà con người vẫn giong ruổi, vẫn đuổi đeo để tiến lên chụp bắt bóng hình hư ảo, kéo dài cho trong kiếp người.
Trong dòng sinh thức đó, được thể hiện qua trạng thái có không, thăng trầm, để vương lên và tiến tới với hy vọng có lấy một tương lai sáng sủa, một kết quả tốt đẹp, trong nụ cười sau bao phấn đấu cực nhọc và nước mắt. Chùa Quang Minh Chicago này cũng được hình thành trong quá trình tiến triển cùng với chuỗi thời gian liên tục đó.
Sau ngày 30 4 1975, quốc gia đại nạn, đưa toàn dân Việt Nam vốn có đặc tánh hiền hòa vào cảnh nồi da xáo thịt lầm than! Không cách nào hơn, người dân Việt đành phải ngẹn ngào tức tưởi bỏ nước ra đi trong cảnh sinh ly tử biệt bất ngờ gấp rút! Người dân hoảng hốt kinh hoàng không còn kịp thời gian quay lại nhìn lại quê hương đất mẹ, nơi chôn nhau cắt rún lần chót. Bằng mọi ngã và trôi dạt khắp nơi, thì nơi Chicago này là một trong trăm ngàn chốn đất lạ quê người, mà người Việt nam tỵ nạn chọn lấy để định cư hầu lập lại cuộc sống.
Nơi xứ lạ quê người này, vật chất dẫy đầy, lầu đài tráng lệ nguy nga, đường sá thênh thang dày như mắc cửi, xe cộ, máy bay dập dìu. Nhưng trong cái phồn hoa văn minh vật chất đó, người tỵ nạn cảm thấy một điều thiếu vắng, mà điều đó đối với người Việt Nam không thể thiếu được trong đời sống. Đó là tình người và nơi gởi gấm niềm tin. Thiếu nơi gởi gấm niềm tin là thiếu tất cả hương vị cuộc sống, khiến cho người tha hương phải sống trong nỗi nhớ niềm thương, sống trong bất ổn tinh thần, sống trong quẫn bách tâm lý, lúc nào cũng thấy bơ vơ.
Quê hương Việt Nam tuy nghèo, tuy chiến tranh triền miên kéo dài suốt hơn ba mươi năm đổ nát lầm than, nhưng nhìn đâu đâu cũng thấy dạt dào tình người đùm bọc ấm cúng, nơi nào cũng thấy mái chùa hiền hòa, tiếng hát câu hò, đồng lúa xanh tươi, có người trao gởi tâm tình. Dù cho đất nước Việt Nam vật chất có thiếu thốn, nhưng tinh thần có nơi nương tựa, niềm tin có nơi gởi gấm, tình người có cơ phát triển. Vì vầy đất mẹ Việt Nam dù cho có đói nghèo manh cơn tấm áo, nhưng mái chùa cô đọng tình thương Phật đài vẫn làm cho tinh thần người dân Việt cảm thấy đầy đủ thoải mái.
Nhờ cái giá trị tinh thần được nuôi dưỡng bởi niềm tin truyền thống đạt dào đó, cho nên người dân Việt Nam dù có khó nghèo vật chất mà vẫn cảm thấy tâm hồn thoải mái với ngôi chùa khiêm tốn, với tiếng chùa hôm sớm nhẹ ngân, với ánh trăng rằm thanh thoát. Nếu phải ra đi vì kế sinh nhai, hay vì tai nạn quốc biến, thì cũng vẫn mãi mãi thương nhớ quê hương với bao kỷ niệm êm đềm, với mái chùa ánh trăng, với nỗi lòng bâng khuâng lưu luyến:
Mai này tôi bỏ quê tôi,
Bỏ trăng bỏ gió chao ôi bỏ chùa.
Quê tôi có gió bốn mùa,
Có trăng giữa tháng có chùa quanh năm.
Chuông chùa gió sớm trăng rằm,
Chỉ thanh đạm ấy âm thầm thế thôi.
Với tinh thần yêu quê hương tha thiết, yêu đạo truyền thống nhiệm mầu, với niềm tin sâu sắc, với cõi lòng chất phác nhưng keo sơn với quê hương mái chùa, nhưng vẫn giữ vững nếp sống hiền hòa luân lý với đạo từ bi. Thế cho nên khi phải làm kẻ tha hương, dù trước mắt và chung quanh trực diện với hào quang của nền văn minh vật chất có sức hấp dẫn lôi cuốn, thì những hào nhoáng đó chẳng làm cho người Việt vốn nặng tình tha thiết với quê hương giống nòi và niềm tin đạo truyền thống của dân tộc chẳng những không lay chuyển đổi thay, mà trái lại nhờ có niềm tin kiên cố nền đạo tổ tiên truyền thống, nên vẫn có được nguồn sống an lành với sắc thái Việt Nam. Ngoại trừ những kẻ vong bản đem thân phục vụ cho ngoại bang để kiếm danh vọng, để được sống trên sự chết của đồng loại. Và ngoại trừ những kẻ đã bán đứng lương tâm để được sung sướng bạc tiền hưởng thụ trên sự nghèo đói của chiến sĩ và đồng bào ruột thịt, tiếp tay làm rách nát quê hương.
Vì thiếu vắng hình bóng quê hương, vì thiếu thốn tình người, vì nhu cầu bù đắp khỏa lấp chỗ trống của tinh thần, vì vắng bóng mái chùa hiền hòa, vì để niềm tin có nơi nương tựa, nên người Việt yêu nước thương nòi, dù với hai bàn tay trắng với thân phận tỵ nạn, nhưng với cõi lòng chân thành tha thiết, ngàn người như một, chung sức chung lòng, nên vào năm 1980, tìm mua được căn nhà cũ mục, sau bao tháng ngày ra công, đồng sức sửa sang chỉnh trang lại làm thành nơi thờ phượng mà kẻ Tỳ kheo Quê Mùa này có thiện duyên được mời đến làm chủ lễ an vị Phật và đặt tên cho chùa là Quang Minh.
Từ đấy người dân Việt tỵ nạn Chicago cảm thấy lòng được an ổn, có nơi nương tựa tinh thần, nhứt là vào những ngày rằm, ngày vía, Phật Đản, Vu Lan v.v… có nơi về chiêm bái, có cơ duyên gặp lại người đồng hương với tâm hồn hướng thượng, trong tiếng chào tình tự dân tộc, quê hương, chan hòa trong tiếng niệm Phật, bắt tay nhau xiết chặt sưởi ấm niềm tin và tình người ly hương.
Từ ngày có ngôi chùa Quang Minh đến nay, mọi người dân tỵ nạn ở Chicago cảm thấy mình tuy sống tha hương, nhưng còn giữ được gốc nguồn văn hóa đạo đức của ông cha, duy trì đời sống tinh thần như những ngày còn ở quê nhà, nên mọi cõi lòng áy náy cũng cảm thấy bớt đi nỗi thiếu thốn bơ vơ, không như những ngày chưa có chùa trước đây.
Cũng từ ngày có chùa mà nguồn sống của niềm tin truyền thống dân tộc dạt dào thấm sâu vào khắp mọi cõi lòng người dận Việt Chicago. Ngôi chùa đối với dân Việt như quê hương đất mẹ. Đất mẹ thì che chở con mẹ. Ngôi chùa thì bao dung chan chứa tình người, nuôi dưỡng niềm tin, phát triển văn hóa đạo đức, giữ gìn giềng mối kỷ cương luân lý đạo đức truyền thống của ông cha. Còn đạo đức văn hóa và niềm tin truyền thống là còn tình tự dân tộc, còn có ngày quang phục tổ quốc nhìn lại quê hương:
Dù cho giông tố bão bùng,
Quê hương còn vững tượng đồng Thích Ca,
À ơi bến cũ cây đa,
Ngôi chùa còn đó, thì ta còn mình.
Tinh tự dân tộc được nuôi sống bằng niềm tin truyền thống và nhờ chất liệu của niềm tin mà dân tộc được kết hợp để tạo thành sức mạnh cho ngày về quê hương, đem tình thương xây dựng xứ sở. Chính sự phát triền lớn mạnh của niềm tin mà hình thành sự đoàn kết keo sơn. Ngôi chùa Quang Minh ọp ẹp chật hẹp cũng theo đó không còn chỗ dung chứa những người Phật tử và đồng hương nữa.
Đề đáp ứng nhu cầu, nên vào ngày 12 11 1986 toàn thể Phật tử Chicago chung lòng góp sức mua được một nhà mới khác, khang trang hơn, ở vào khu phố thanh tịnh hơn, để làm ngôi chùa Quang Minh mới, thay cho ngôi chùa cũ ọp ẹp xiêu vẹo. Chính do niềm tin truyền thống của dòng máu tổ tiên truyền lại, nên dù ở đâu, hễ có người Việt là có chùa. Chùa là nơi gửi gấm tâm hồn, là nơi chan chứa tình người, là nơi nung đúc tinh thần yêu đạo, yêu quê hương. Nên bất cứ người Việt còn mang dòng máu chính thống của ông cha thì không thể xa lìa chùa. Dù ngôi chùa không có nguy nga đồ sộ, nhưng vẫn tượng trưng tinh thần bao dung của đất mẹ quê hương, của tình thương đồng bào dân tộc ruột thịt, của sức sống tự chủ mãnh liệt của giống nòi Lạc Việt Hùng Vương.
Như vậy, từ hai bàn tay trắng của người Phật tử Việt Nam tỵ nạn Chicago này, với sự hướng dẫn của tôi, tức tỳ kheo quê mùa Thích Đức Niệm này, đã liên tục suốt bao năm, ai nấy đều đã cố gắng công chung lòng góp sức không ngừng, từ sự tạo dựng được ngôi cùa cũ chật hẹp để quy tụ lòng người, nuôi dưỡng niềm tin, bắt nhịp cầu thông cảm tình đồng hương, để rồi chưa đầy sáu năm săm sau, đưa đến ngày hôm nay lại tạo được ngôi chùa mới khang trang về trang trí, diện tích rộng rãi và thích nghi về cảnh trí thanh tịnh của một ngôi chùa, để cùng nhau trưởng dưỡng tinh thần và niềm dân tộc vững mạnh.
Ánh sáng của đất mẹ quê hương, khí thiêng hiền hòa của đạo tình thương từ Đức Phật đã sưởi ấm và nung nấu tình thân yêu nước đạo của người Việt tự do. Nguyện cầu mặt trời chân lý tự do của ngày hồi hương sớm ló dạng.
Tiếng chùa chùa lại ngân. Dân tộc được sống hiền hòa ấm no hạnh phúc.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.