Home > Khai Thị Phật Học
Ẩn Ngữ
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ


Đức Phật tuyên thuyết "thuyết pháp giả, vô pháp khả thuyết thị danh thuyết pháp" thuyết pháp là chẳng có pháp nào có thể thuyết, gọi là thuyết pháp. Lão tử nói "đạo khả đạo phi thường đạo", đạo mà nói được tất không phải là thường đạo. Hương Nghiêm thiền sư nói "đạo do ngộ đạt, bất tại ngữ ngôn", đạo do ngộ được, không do ngôn từ, tất cả những lời nói trên đều hiển bày mọi lời lẽ chỉ là ngón tay để chỉ trăng vì vậy đạo hay pháp không phải là ngôn từ mà là thứ không nói được ẩn dụ bên trong lời lẽ.

Thiền sư nào cũng ăn nói trực chỉ, nên rất có đạo lý, nhưng thế nhân điên đảo lại thường cho những ngôn từ trực chỉ đó là "ẩn ngữ" hay "ngụ ngôn", để phải nhức đầu tư duy xét đoán may ra hiểu được nghĩa. Hỡi ôi! Người điên thường thấy cái tỉnh là điên, cần phải suy luận để hiểu. Hành gỉa tu huệ thấy mọi pháp thế gian đều là "ẩn ngữ" hay "ngụ ngôn" như chúng ta đang học cách nhận ra cái nghĩa "ẩn" và "ngụ" chân thật bên trong các ý tưởng và lời nói của đám ngu nhân qua các mẩu chuyện ngu. Bậc trí gỉa tất thấy các ngôn từ trực chỉ cho đến điên đảo đều không ra ngoài chân lý, nên đều bình đẳng hiển bầy chân lý, do vậy chẳng còn thứ gì gọi là "ẩn" hay "ngụ" trong mọi lời lẽ. Đó là phong cách của nhà Thiền, mà từ Thiền sư đến lão bà bán hàng rong đều tự tại hành xử, thế nhưng nếu không nhận ra ánh trăng ẩn và ngụ kia mà chỉ mải miết phân tích phán đoán ngón tay hiển bày ngay trước mắt thì đến ngay cả đại pháp sư kiến thức cao siêu giảng kinh trước tác Thanh Long sớ sao nơi đời cũng đành ngậm miệng.

Commented [1]: Thanh long sớ sao là bộ chú giải kinh Kim Cương của ngài Tuyên giám thiền sư. Sau khi không trả lời được câu hỏi của bà hàng rong "tôi nghe kinh Kim cương nói cả ba tâm quá khứ, hiện tại và vị lai đều bất khả đắc, vậy pháp sư muốn điểm tâm nào?". Ngài đốt bộ sớ này nên không còn lưu truyền nữa.

Phải nói thêm ngài Đức Sơn Tuyên Giám là một thiền sư vĩ đại sau này, nổi tiếng với pháp gậy đập. Đối với Thiền sư không những ngôn từ nào cũng trực chỉ mà ngay đến cả những hành động vô ngôn cũng trực chỉ, không một pháp nào không phải chân lý (Phật pháp), nên đâu đâu cũng trực chỉ hiển lộ chân pháp, như hét của Lâm Tế, gậy của Đức Sơn cũng đều trực chỉ chân lý, bất luận là ai nếu nghe nổi được hét, hứng nổi được gậy, tất đều "trực chỉ nhân tâm", hễ được trực chỉ ắt sẽ thấy tính, tự tính xưa nay vốn không một vật (bổn lai vô nhất vật), như mặt hồ trong phẳng thấy rõ tinh tú vân nguyệt, thế nhưng nó thật không một vật, tính chất "vô nhất vật" đó là "đại viên kính trí", nếu chấp các cảnh trong mặt hồ cho đó là cảnh thật được chứa trong mặt hồ, và mặt hồ có chứa mọi cảnh xấu đẹp, thì sẽ từ Đại viên kính trí trở thành A lại da thức. Thấy không một vật là thấy chân, thấy đủ mọi vật thật có là thấy gỉa (cho bóng huyễn là thật). Chư Phật có đủ ngũ nhãn nên thấy mọi cái thấy từ phàm đến Thánh như trong kinh Kim Cương đã diễn bầy. Thấy được thật tính là Phật, vì tỉnh được giấc mộng "chấp thật mọi huyễn" của một gã mộng, biết đời sống chỉ là một trường ảo mộng. Chỉ thấy huyễn tính nên say sưa vùi sâu trong mộng ảo, chịu đủ biến động khổ lạc của cơn mơ, mà vẫn đinh ninh mộng là đời sống chân thật. Biết bao giờ mới chịu tỉnh mộng, khi cứ mãi ôm giữ A lại da thức làm môi

trường sinh diệt cho các vọng nghiệp mà không chuyển đổi chính ngay "thức" này thành trí Đại viên kính để nghiệp chỉ còn là dư âm của giấc mộng tàn.

Giác ngộ không phải là được một thứ vật chất hay tinh thần nào thuộc về thế gian, mà là được sự thật. Sự thật đó là chẳng có thế gian nào để cần ra khỏi như Đạt Ma sư tổ dạy "Mê thời hữu thế gian khả xuất, ngộ thời vô thế gian khả xuất.". Khi mê có thế gian để ra, ngộ thì không có thế gian để thoát. Bởi mọi pháp ở thế gian đều là hư huyễn không thật, nên bất động chẳng vui buồn trước sự được mất của các pháp huyễn đó, mà ngay cái được mất ấy cũng hư dối không thật, trạng thái bất động tịch diệt này gọi là niết bàn. Chính xác thì giác ngộ chính là vô sở đắc, do vì hết thảy đều huyễn nên không chỗ đắc, hay nói khác hơn là đắc vô nhất vật. Do tính vô nhất vật của bản tâm nên ngài Triệu Châu gọi bản tâm là vô tâm, ngài nói "Ngã kiến thiên bách ức cá, tận thị mịch tác Phật hán tử, ư trung mịch cá vô tâm để, nan đắc." Ta thấy ngàn trăm gã, đều là kẻ cầu thành Phật, trong đó tìm một người vô tâm thực khó. Nói về sự liễu ngộ của vô tâm Ngài Huệ Tịch diễn bày "nhược yếu liễu tâm, vô tâm khả liễu, vô liễu chi tâm, tài thị chân liễu", nếu muốn rõ tâm, không tâm để rõ, cùng tâm không rõ, mới là thực rõ.

Tâm đã bình đẳng bất động lìa huyễn rồi, tất nhiên chẳng còn nhọc mệt ra sức đoạn ác hay hành thiện, mà rất tự tại nơi hành thiện đoạn ác, Lục tổ Huệ Năng dạy "Tâm bình hà lao trì giới, hành trực hà dụng tu thiền" tâm bình đẳng bất động thì cần gì mệt mỏi trì giới, thường hành bình đẳng không nhiễm nhị biên tất chẳng cần tọa thiền. Gia phong của bậc chứng bản tâm được ngài Huyền Giác miêu tả là vị nhàn đạo nhân tuyệt học vô vi chẳng cần trừ vọng tưởng hay cầu chứng chân lý.

Để được trí huệ như kim cương cần phải tu quán "nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh" nhìn các pháp đắc thất biến diệt do duyên sinh duyên diệt gọi là hữu vi đó đều là mộng huyễn, bọt nước, bóng chớp mà thôi. Quán được như vậy tất tâm sẽ "chỉ", "chỉ" rồi ắt bất động, đó là định huệ, như Lục tổ Huệ Năng dạy "ngoại lìa tướng tức thiền, nội bất loạn tức định".

Do vậy tu học giác ngộ quả thật là sự tu học cầu tìm thứ tâm đã mất mà không phải là thứ tu học kiến thức thuộc các pháp phương tiện, bởi do sự học đặt nặng về kiến thức chỉ tăng trưởng sự hiểu biết thế tục mà không thay đổi được bản tính u mê tham sân nếu không nói còn trợ giúp cho lòng tham sân thêm tinh vi. Chỉ có sự tu học về bản tâm mới thay hình đổi dạng từ phàm nhân thành Bồ tát, từ thất phu thành Thánh nhân, ngay đến sự học đạo Thánh hiền của Nho gia cũng được Mạnh tử đúc kết "Học vấn chi đạo vô tha, cầu kì phóng tâm nhi dĩ hĩ " đạo học vấn chẳng có gì khác là tìm lại cái tâm đã mất. Từ Thánh đến Phật đều chú trọng học thuật về tâm, riêng học thuật của thế tục chỉ cầu kiến thức không cầu tâm, thậm chí giới tu học Phật ngày nay đa phần đều không trọng tâm chỉ trọng kiến thức, nên dù biết mọi thứ mà không biết cách tự thay đổi tâm nên cuối cùng tâm tham dục vẫn tăng trưởng, đó là hiện tượng của đời mạt pháp.

Paris 27/2/09