MẠT PHÁP

(末法) Phạm: Saddharma vipralopa. Đồng nghĩa: Mạt thế, Mạt đại. Chỉ cho thời đại Phật pháp suy đồi, là 1 trong 3 thời kì Chính, Tượng và Mạt, tức là giáo pháp ở đời có 3 thời kì biến thiên Chính pháp, Tượng pháp và Mạt pháp. Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương quyển 6, phần đầu, căn cứ vào giáo (giáo pháp), hành (tu hành), chứng (chứng quả) có đầy đủ hay không đầy đủ để bàn về 3 thời Chính, Tượng, Mạt. Nghĩa là sau khi đức Phật diệt độ, giáo pháp ở đời, nếu nương theo giáo pháp mà tu hành thì liền được chứng quả, gọi là Chính pháp; tuy có giáo pháp và người tu hành nhưng không thể chứng quả, gọi là Tượng pháp (tượng nghĩa là tương tự). Tuy có nhiều người lãnh thụ giáo pháp, nhưng không tu hành chứng quả, gọi là Mạt pháp. Đời mạt pháp cũng gọi là Mạt thế. Thời đại mà chính pháp của Phật suy đồi thì chúng tăng trược loạn.

Trong Ngũ trược bộ của Pháp uyển châu lâm quyển 98 (Đại 53, 1005 hạ), nói: Sau khi đức Phật Niết bàn sẽ có 5 thứ loạn:

1. Tỉ khưu tương lai sẽ theo bạch y (người tại gia) để học pháp.
2. Bạch y ngồi trên, tỉ khưu ngồi dưới.
3. Tỉ khưu nói pháp không ai thực hành vâng theo, bạch y nói pháp thì cho là không gì hơn.
4. Tỉ khưu sinh vào nhà ma, cho pháp thế gian là đạo đế chân chính, đối với chính pháp của Phật thì chẳng hiểu gì, lấy dối trá làm tin.
5. Các tỉ khưu trong tương lai nuôi dưỡng vợ con, tôi tớ, tranh giành kiện cáo lẫn nhau, không còn tuân theo lời Phật dạy.

Về thời hạn của 3 thời kì có nhiều thuyết khác nhau. Có thuyết cho rằng sau khi đức Phật nhập diệt, chính pháp trụ thế 500 năm, tượng pháp 1.000 năm. Lại có thuyết nói chính pháp và tượng pháp đều trụ 1.000 năm, sau đó mới đến thời kì mạt pháp; thời kì này trải qua 10.000 năm, sau đó thì Phật pháp diệt hết. Lại có thuyết cho rằng chính pháp 1.000 năm, tượng pháp và mạt pháp mỗi thời 10.000 năm. Nhưng nhìn chung thì các kinh luận phần nhiều đều cho thời kì mạt pháp là 10.000 năm. [X. kinh Tạp a hàm Q.25, 32; kinh Phật lâm niết bàn kí pháp trụ; phẩm Sơ phần nan văn công đức trong kinh Đại bát nhã Q.302; kinh Đại thừa đồng tính Q.hạ; phẩm An lạc hạnh kinh Pháp hoa; kinh Hoa nghiêm Q.45 (bản 80 quyển); kinh Pháp diệt tận; kinh Vô lượng thọ Q.hạ]. (xt. Chính, Tượng, Mạt).

Trích từ: Phật Quang Đại Tự Điển



1) Thời mạt pháp (thời kỳ mà giáo pháp suy vi vì cách xa thời Phật quá lâu), thời kỳ cuối cùng của Phật pháp khoảng 3000 năm sau thời Chánh Pháp. Vào cuối thời kỳ nầy, sẽ không còn giảng dạy Phật pháp nữa, có nghĩa là Phật pháp chấm dứt một ngày nào đó. Tuy nhiên, Phật Di Lặc hay Phật Cười (Hạnh Phúc) sẽ xuất hiện và tái tạo tất cả.

2) Thời kỳ cuối cùng của ba thời kỳ Phật pháp (Chánh, Tượng, và Mạt Pháp), thời kỳ suy vi và bị tiêu diệt của giáo pháp. Trong thời gian nầy, đạo đức suy đồi, pháp nghi tu hành hư hoại. Tà ma ngoại đạo lẫn lộn vào phá hư Phật pháp. Tuy có giáo lý, có người tu hành, nhưng không một ai hành trì đúng pháp, huống là tu chứng? Trong Kinh Đại Tập Nguyệt Tạng, Đức Phật đã có lời huyền ký rằng: “Trong thời Mạt Pháp, ức ức người tu hành, song không có một ai chứng đắc.”

3) Trong Kinh Pháp Diệt Tận, Đức Phật cũng có huyền ký rằng: “Về sau, khi Pháp của ta sắp diệt, nơi cõi ngũ trược nầy, tà đạo nổi lên rất thạnh. Lúc ấy có những quyến thuộc của ma trá hình vào làm Sa Môn để phá rối đạo pháp của ta. Họ mặc y phục y như thế gian, ưa thích áo Cà Sa năm màu, thay vì mặc áo ba màu luốc của hàng Tăng sĩ. Họ ăn thịt, uống rượu, sát sanh, tham trước mùi vị, không có từ tâm tương trợ, lại còn ganh ghét lẫn nhau; sư nầy ghét sư kia, chùa nầy ghét chùa kia. Bấy giờ các vị Bồ Tát, Bích Chi, La Hán vì bổn nguyện hộ trì Phật Pháp nên mới hiện thân ra làm Sa Môn hay cư sĩ, tu hành tinh tấn, đạo trang nghiêm, được mọi người kính trọng. Các bậc ấy có đức thuần hậu, từ ái, nhẫn nhục, ôn hòa, giúp đỡ kẻ già yếu cô cùng, hằng đem kinh tượng khuyên người thọ trì, đọc tụng, giáo hóa chúng sanh một cách bình đẳng, tu nhiều công đức, không nệ chi đến việc tổn mình lợi người. Khi có những vị tu hành đạo đức như thế, thì các Tỳ Kheo Ma kia ganh ghét, phỉ báng, vu cho các điều xấu, dùng đủ mọi cách lấn áp, xua đuổi, hạ nhục, vân vân, khiến cho các vị chân tu nầy không được ở yên. Từ đó, các ác Tỳ Kheo kia càng ngày càng thêm lộng hành, không tu đạo hạnh, bỏ chùa chiền điêu tàn, hư phế. Họ chỉ biết tích tụ tài sản, làm các nghề không hợp pháp để sanh sống, đốt phá rừng núi, làm tổn hại chúng sanh không chút từ tâm. Lúc ấy, có nhiều kẻ nô tỳ hạ tiện xuất gia làm Tăng Ni, họ thiếu đạo đức, dâm dật, tham nhiễm, nam nữ sống chung lẫn lộn. Phật Pháp suy vi chính là do bọn nầy! Lại có những kẻ trốn phép vua quan, lẫn vào cửa đạo, rồi sanh tâm biếng nhác, không học, không tu. Đến kỳ bố tác tụng giới, họ chỉ lơ là, gắng gượng, không chịu chuyên chú lắng nghe. Nếu có giảng thuyết giới luật, họ lược trước bỏ sau, không chịu nói ra cho hết. Nếu có đọc tụng kinh văn, họ không rành câu chữ, không chịu tìm hỏi nơi bậc cao minh, tự mãn cầu danh, cho mình là phải. Tuy thế, bề ngoài họ cũng làm ra vẻ đạo đức, thường hay nói phô trương, để hy vọng được mọi người cúng dường. Các Tỳ Kheo Ma nầy sau khi chết sẽ bị đọa vào trong tam đồ ác đạo của địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, trải qua nhiều kiếp. Khi đền xong tội, họ sẽ thác sanh làm người ở nơi biên địa, chỗ không có ngôi Tam Bảo.”

Trích từ: Tự Điển Phật Học Việt Anh

 

 

 
Trích từ: Phật Quang Đại Tự Điển
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ