Home > Khai Thị Phật Học > Nhung-Moi-Nghi-Rang-Dao-Phat-Kho-Tin-Nhan
Những Mối Nghi Rằng Đạo Phật Khó Tin Nhận
Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch


Hỏi: Ông bàn luận về đạo lý không nên giết hại, thường trích dẫn kinh Phật, xem ra giáo lý đạo Phật là rất đáng tin cậy. Nhưng [theo sử sách chép lại thì vào thời Đông Hán] Sở Vương Anh hết sức tín phụng Phật pháp, sao lại bị tội cho đến phải mang họa?

Đáp: Sở vương gặp tai họa, chính là vì không làm theo Phật pháp. Người đã đem tâm hướng theo cửa Phật thì phải cung kính làm theo lời Phật dạy. Đức Phật đối với người làm con dạy đạo hiếu thuận, đối với kẻ bề tôi dạy nết trung lương, những thánh giáo ấy đều được ghi chép rõ ràng trong kinh luận. Sở vương là người đã kính tin Phật pháp còn trái nghịch mưu tính chuyện phản loạn, nên đối với Phật pháp thì ông là kẻ có tội, lại còn mong có được sự gia hộ giúp đỡ từ Phật pháp được sao? Lời nói không hợp đạo lý, người quân tử còn không chấp nhận nói ra, huống chi đức Phật là bậc cao quý nhất trong chư thiên, là bậc đại thánh trong tất cả các thánh, lẽ nào có thể có lòng riêng tư với kẻ phản nghịch? Những kẻ thiển cận muốn dựa vào việc này để hủy báng Phật pháp, quả thật là kiến thức vô cùng nông cạn, nhỏ hẹp.

Hỏi: Sở Vương Anh gặp tai họa, nay đã được nghe lời giải thích của ông. Nhưng còn trường hợp Lương Vũ Đế kính phụng Phật pháp, cuối cùng vẫn phải chết đói ở Đài thành thì sao?

Đáp: Chuyện Lương Vũ Đế chết đói ở Đài thành chỉ là thuyết của bọn hủ nho thiển cận. Nay khảo cứu trong sách Thông giám, thấy chép việc Hầu Cảnh vây đánh Đài thành, nhìn thấy Lương Vũ Đế tại Thái cực Đông cung, thần sắc không hề thay đổi, Hầu Cảnh sợ không dám nhìn lên, quay lại nói với Vương Tăng Quý: “Có câu rằng ‘uy trời thật khó phạm vào’, ta không dám đến nhìn lần nữa.” Sau đó, mỗi khi Vũ Đế yêu cầu điều gì, phần lớn đều không được đáp ứng, món ăn thức uống cũng bị Hầu Cảnh hạn chế cắt giảm. Vương Luân dâng lên mấy trăm quả trứng gà. Vũ Đế thấy đắng miệng bảo dâng mật ong, cuối cùng không có, Vũ Đế mấy lần bật ra tiếng kêu “hà hà” rồi chết.

[Nay phân tích những dòng chép lại trong sử thì có thể biết.] Nói vua đắng miệng, ắt biết rằng không thể bụng trống; nói vua đòi mật ong, ắt có thể biết vua không bị đói; nói rằng món ăn thức uống bị hạn chế, ắt có thể biết là không phải hoàn toàn không có. Thức ăn trong nhà của bậc đế vương, cho dù chỉ cơm thừa canh cặn cũng có thể đủ cho nhiều người ăn no, lẽ nào lại giống như thân phận nô tỳ vừa cắt giảm thức ăn đã rơi ngay vào cảnh chết đói? Trứng gà đến mấy trăm quả, ắt còn những thứ khác số lượng không ít. Hơn nữa, còn có đến mấy trăm quả trứng gà thì làm sao có thể chết đói?

Than ôi, thiên hạ xưa nay những kẻ xưng là trượng phu nam tử vẫn tin theo thuyết ấy, số lượng rất nhiều, nhưng chỉ mới xem qua một đoạn văn trong sử sách thôi, đã thấy rằng bọn họ hoàn toàn không có sự phân tích sáng suốt, nhầm lẫn lấy tai làm mắt, huống chi là đối với những kinh văn mang ý nghĩa thâm sâu uyên áo khác?

Hỏi: Người đời sau khi luận về cuộc đời Lương Vũ Đế đều cho rằng việc ông ta xả thân [vào chùa] cũng là xả bỏ cả thiên hạ. Tôi cho rằng việc ấy là không thể chấp nhận được.

Đáp: Từ xưa đến nay, từ kẻ phàm ngu cho đến bậc thánh hiền, chưa từng có ai là không xả bỏ thân mạng:

Ba tấc hơi còn, muôn việc tính,
Một phút vô thường, vạn sự thôi.

Người đời sau tuy cười chê việc Vũ Đế xả thân, nhưng thật không biết rằng chính tấm thân của mình đây từ lâu cũng đã xả bỏ. Như bản thân ông, hôm nay hết sức cho rằng việc xả thân của Vũ Đế là sai lầm, thật không biết rằng trong tương lai cũng nhất định có một ngày rồi ông cũng phải xả thân mà thôi. Kẻ hủy bájng Phật thì xả thân trong địa ngục, kẻ hủy báng Chánh pháp thì xả thân trong cảnh giới ngạ quỷ, kẻ hủy báng Tăng-già thì xả thân trong các loài súc sinh, chỉ e lúc ấy dù muốn được xả thân nơi chùa Đồng Thái [như Võ Đế] cũng không thể được.

Căn cứ theo các sách Cựu giám, Tăng sử, Kim thang biên, đều thấy chép rằng, vào năm đầu niên hiệu Đại Thông, sau khi xây dựng vừa hoàn thành chùa Đồng Thái, Lương Võ Đế đích thân đến chùa xả thân vào ở trong chùa ba ngày, các quan lớn nhỏ trong triều đều tùy ý thí xả tiền bạc, cúng dường vào chùa. Đến năm đầu niên hiệu Trung Đại Thông, Võ Đế lại đích thân đến chùa Đồng Thái, vì đại chúng giảng giải đề kinh Đại Bát Niết-bàn, lần này không phải là vua đến xả thân. Người đời cho rằng Võ Đế ba lần xả thân, điều đó sai lầm, lại còn thêm vào mấy chữ “làm nô dịch”, lại cho rằng quần thần phải mang nhiều tiền đến chuộc vua ra khỏi chùa, thật không khỏi rơi vào chỗ văn chương thêm thắt, lệch lạc hủy báng.

Than ôi, vào thời đức Khổng tử mà kẻ chép sử đã không có người hoàn toàn trung thực, làm sao có thể mong đợi những sử quan của thời suy mạt lại không tùy theo lòng dạ người đời mà khen chê thêm bớt?

Hỏi: Về việc Lương Võ Đế chết đói, hẳn là sai lầm, nay tôi đã hiểu rõ ràng không nghi ngờ nữa, nhưng [trong kinh dạy rằng] chư Phật, Bồ Tát đều lắng nghe âm thanh kêu cứu của chúng sinh mà cứu khổ, Lương Võ Đế xả thân kính phụng Phật pháp, vì sao khi gặp nạn lại không được cứu?

Đáp: Việc buông xả quan trọng là ở trong tâm, chẳng phải ở ngoài thân. Lương Võ Đế tuy thật có xả thân nhưng trong tâm chưa thật buông xả. Nếu trong tâm hoàn toàn buông xả, ắt có thể vất bỏ thiên hạ như chiếc giày rách, sao lại có việc đến tuổi già còn chiêu nạp Hầu Cảnh, mưu việc giành lấy Trung Nguyên? Cho nên có thể biết rằng, ba ngày xả thân của Võ Đế chưa hẳn đã không khỏi rơi vào ý niệm mong cầu phước báo, chẳng phải hoàn toàn là tâm xuất thế. Tuy nhiên, bao nhiêu việc làm của ông ta như xây chùa, chép kinh, tạo mọi công đức cũng không phải là vô ích. Vì thế mà tuy gặp phải kẻ phản nghịch [là Hầu Cảnh] nhưng vẫn qua đời khi tuổi thọ đã cao, cũng không thể nói là không nhờ có phước báu. Vào thời Xuân Thu, những kẻ căm ghét Khổng tử không ai hơn Đạo Chích, Hoàn Đồi, nhưng hai kẻ ấy một người thì sống thọ, một người thì làm quan đến chức Tư mã; còn những người cung kính tin theo Khổng tử, không ai được như Nhan Uyên, Nhiễm Bá Ngưu, Tử Lộ, nhưng ba người ấy kẻ thì đoản mệnh, người mang bệnh ngặt nghèo, kẻ lại chịu nhục hình băm xác. Những việc như thế phải giải thích thế nào?

Định nghiệp [là nghiệp báo đã tạo thành nghiệp xác định,] ắt khó thay đổi, trong nhiều kinh điển đều có nói rất rõ. Chuyện biến loạn ở Đài thành [chính là định nghiệp,] không thể nghi ngờ gì. Khi thiền sư Chí Công sắp thị tịch, vào cung từ biệt Võ Đế. Vua kinh hãi, nhân đó thưa hỏi về việc vận nước dài ngắn thế nào. Thiền sư không đáp, chỉ đưa tay chỉ vào cuống họng và cổ, ý muốn ám chỉ đến Hầu Cảnh. Nhưng Võ Đế không hiểu, lại hỏi nữa, thiền sư liền nói: “Khi tháp của lão tăng hư hoại thì xã tắc của bệ hạ cũng sẽ diệt mất.”

Thiền sư viên tịch, Võ Đế vì ngài xây tháp thờ ở Chung Sơn. Khi đã hoàn tất, vua chợt nghĩ: “Tháp bằng gỗ làm sao có thể lâu bền?” Liền ban lệnh phá tháp ra xây lại bằng đá. Tháp vừa bị phá xong [chưa kịp xây lại] thì quân Hầu Cảnh cũng vừa đến. Ấy là sự việc đã xác định phải xảy ra như thế [nên thiền sư Chí Công mới có thể biết mà nói trước].

Hỏi: Chúng ta học Nho, học thuộc kinh thư, làm theo Khổng tử, phải xem việc bài trừ mê tín dị đoan là nhiệm vụ của mình, nay ông ngược lại muốn biện giải bênh vực cho những việc như thế là sao?

 Đáp: Ông nói thế thật chưa hiểu thế nào là dị đoan. [Chữ đoan (端) là đầu mối xuất phát, là căn bản của sự việc, chữ dị (異) là khác biệt, cho nên] nói dị đoan (異端) là chỉ những điều mà căn bản xuất phát khác hẳn với lời dạy của thánh nhân. Chẳng hạn như lòng trắc ẩn là căn bản của đức nhân, nên không có lòng trắc ẩn tức là dị đoan; biết hổ thẹn với điều xấu ác là căn bản của nghĩa, nên không biết hổ thẹn chính là dị đoan; tâm của bậc thánh nhân không có bốn điều: ý, tất, cố, ngã, nếu có những điều này tức là dị đoan; [Khổng tử lại có nói rằng:] “Đạo của ta chỉ một mối mà suốt thông tất cả”, nếu không phải “một mối suốt thông”, ắt là dị đoan.

Tống Hiếu Tông nói rằng: “Ngũ giới của nhà Phật chính là Ngũ thường của Nho gia.” Như vậy, đạo của Khổng tử [so với Giáo pháp của Phật] nào phải xa cách nhau?

Người đời nay không suy xét kỹ việc ấy, vừa nghe đến thuyết từ bi là do Phật dạy liền lập tức phản đối thuyết ấy, khiến cho đức nhân của đạo Nho cũng do nơi sự phản đối ấy mà diệt mất; vừa nghe những giới không trộm cắp, không tà dâm là do Phật dạy, liền lập tức phản đối các giới ấy, khiến cho đạo nghĩa của nhà Nho cũng do nơi sự phản đối ấy mà tiêu tan; vừa nghe đến giới không nói dối là do Phật dạy, liền lập tức phản đối giới ấy, khiến cho đức trung tín của nhà Nho cũng do nơi sự phản đối ấy mà diệt mất.

Như vậy chẳng phải là muốn bảo vệ đạo Nho mà ngược lại thành ra tổn hại đạo Nho đó sao?

Huống chi, đạo lớn của thánh hiền luôn vì lợi ích chung mà không vì lợi riêng, vua Nghiêu chí thành cung kính, thường khiêm tốn hạ mình cầu bậc hiền tài; vua Thuấn bỏ ý mình, theo ý người; vua Vũ không tự khoe mình tài giỏi, không tự đề cao công trạng của mình; Văn vương luôn cầu học được chỗ chưa biết trong đạo lý, không lúc nào dừng; lời dạy của tất cả những vị ấy có bao giờ phản bác, bài xích lẫn nhau đâu?

Mạnh tử phản bác Dương Chu, Mặc Địch, đó là chuyện vạn bất đắc dĩ, cũng ví như các vị thuốc đại hoàng, ba đậu, thầy thuốc giỏi chỉ thỉnh thoảng mới dùng đến một lần, không thể mỗi ngày đều dùng. Nếu nói rằng công lao của Mạnh tử [đối với hậu thế] chỉ hoàn toàn ở nơi việc phản bác Dương, Mặc, vậy nếu như không có hai người ấy, lẽ nào Mạnh tử lại không đáng tôn xưng, kính trọng hay sao? Lẽ nào việc Mạnh tử được hậu thế muôn đời thờ phụng cung kính hóa ra lại là nhờ vào phúc ấm của Dương, Mặc hay sao?

Nho gia đời Tống thật không theo kịp Mạnh tử, nhưng tánh khí nóng nảy phẫn hận thì ngược lại vượt xa Mạnh tử. Người đời nay không theo kịp Nho gia đời Tống, nhưng tánh khí nóng nảy phẫn hận thì cũng vượt xa các Nho gia đời Tống. Từ nay về sau, thật không biết sẽ còn suy vi cho đến mức nào nữa. Tôi vì lo sợ việc ấy nên mới buộc lòng phải nói ra những lời này. Người đời ví như hiểu được lòng tôi [thì tốt], bằng ngược lại chê trách buộc tội tôi, cũng không có gì quan trọng.
Trích từ: An Sĩ Toàn Thư Khuyên Người Bỏ Sự Giết Hại