Home > Khai Thị Phật Học
Ăn Mặn Hay Ăn Chay
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ


Ăn mặn hay ăn chay luôn là đề tài tranh cãi trong hàng ngũ Phật giáo đồ, Phật giáo nguyên thủy đi khất thực nên cho gì nhận nấy không bận tâm ngon dở chay mặn. Phật giáo đại thừa nguyện độ nhất thiết chúng sinh nên không có lý do để ăn mặn. Đó là quan điểm cũng như lý do ăn chay hay mặn của đại và tiểu thừa.

Và khi được hỏi về vấn đề ăn mặn hay chay, ngài Đạo Nhất một vị cao tăng danh tiếng của thiền tông đã hóm hỉnh dùng phúc và lộc để trả lời theo quan điểm của thế nhân như sau:

Mã tổ nhân quan nhân vấn "nhục, khế tức thị, bất khế tức thị?" Tổ vân: "khế thị trung hàm lộc. Bất khế thị trung hàm phúc.".

Nhân có viên quan hỏi ngài Đạo Nhất "ăn hay không ăn thịt là đúng", ngài đáp "ăn thì được lộc, không ăn được phúc".

Bình

Văn hóa truyền thống của người Trung hoa coi Tam đa gồm Phúc, Lộc và Thọ là nền tảng của một đời sống hoàn hảo phúc lạc. Có phúc thì nhiều may mắn, có lộc thì giàu của cải, có thọ thì phúc lộc ấy kéo dài.

Khi quan viên hỏi ngài Đạo Nhất "ăn hay không ăn thịt, cái nào đúng?". Ngài đáp "ăn thì được lộc, không ăn thì được phúc", câu đáp rất ư rõ ràng nhưng đối với những ai không hiểu rõ nghĩa của phúc lộc thì câu đáp ấy lại có chút mơ hồ, vì ăn thì được lộc, không ăn được phúc, đằng nào cũng được cả, vậy chung cục nên chọn được thứ nào tốt hơn, phúc hay lộc? để quyết định ăn hay không ăn thịt?.

Muốn chọn lựa cho chính xác đâu là thứ tốt hơn cần hiểu rõ phúc và lộc thật sự là gì, hai pháp này liên hệ chặt chẽ với nhau, không có phúc thì không có lộc và ngược lại nhìn lộc mà biết phúc, tuy nhiên vẫn có chút khác biệt để nhận ra chỗ "được hơn" giữa phúc và lộc.

Lộc và các vấn đề liên quan.

Lộc là của cải vật chất, người càng có nhiều lộc thì biết người ấy càng có phúc, thấy kẻ thiếu lộc tất biết không phúc, vì vậy có thể bảo rằng lộc là một thứ phúc hữu hình, hữu tướng. Do đó lộc rất dễ nhận biết, là biểu tượng cho phú quý vinh hoa, vì vậy ai cũng khát khao mong cầu được lộc. Tuy nhiên vì là hữu tướng nên vô thường không thật, như lời Phật dạy trong kinh Kim Cương "hễ có tướng tất hư vọng không thật", mọi tướng tức vật chất đều do duyên sinh nên chịu sự sinh diệt chi phối, do đó không một vật thể nào có thể mang ra khỏi cõi thế gian sinh diệt được, điều này có nghĩa sau khi chết phải bỏ

lại từ của cải cho đến thân xác yêu dấu của ta, chỉ những thứ vô hình, vô tướng như nghiệp thiện ác mới đi cùng ta ra khỏi thế gian này, như vậy cho dẫu lộc có giữ được bền lâu đến cuối đời đi nữa, thì ngay khi thở hơi cuối cùng cũng là lúc phải ngậm ngùi chia tay cùng lộc, thế nên lộc được ví như cô vợ thứ ba của vị trưởng giả có bốn người vợ.

Hơn thế nữa lộc cũng có thể bỏ ta đi bất cứ khi nào, vì là vật chất nên kẻ gian có thể cướp mất, thậm chí thiên nhiên cũng tước đi được, như nước có thể trôi, lửa có thể thiêu, gió có thể cuốn bay, đất có thể chôn vùi mọi thứ của cải. Suy cho kỹ thì lộc chỉ lìa bỏ ta trong hai trường hợp, khi ta không còn phúc, phúc cạn thì lộc hết và khi mạng sống chấm dứt. Xét cho cùng thì phúc là gốc và lộc là ngọn, có gốc thì có ngọn nên hễ có phúc thì lộc sẽ sinh, song tục nhân tham lộc không thích phúc, nên cả đời cật lực gom chứa lộc mà lơ là với phúc, họ vô trí quên rằng nhờ vào phúc chống lưng mà họ có được tài lộc, nhưng do tâm tham lộc không biết đủ, họ đã kiếm lộc bằng mọi thủ đoạn tổn phúc khiến lộc vốn do phúc sinh nay trở thành thứ hủy hoại phúc là chỗ chống lưng cho lộc, như sét do sắt sinh trở lại ăn mục sắt, một khi chỗ chống đỡ yếu kém và mục nát thì họ mất toàn bộ từ tài lộc đến thân mạng. Phúc sập thì lộc đổ, khi ấy đại gia thành bần cùng, lãnh tụ thành tội đồ, người tôn kính thành kẻ đê hèn. Tóm lại hạnh phúc biến thành khổ đau, vinh quang biến thành tủi nhục, những điều này xảy ra khắp mọi nơi, khắp mọi lúc, không khó để thấy.

Thế nhưng đáng tiếc đa phần Phật giáo đồ đi chùa với tư cách một tục nhân, họ lễ Phật nhằm mục đích cầu lộc hơn cầu phúc, vì tin rằng lộc mới thật là phúc bởi thấy và hưởng được, không những thế còn được vinh hiển, thế nhân nể phục. Do vậy kiếm lộc bất chấp thủ đoạn gây tổn hại cho phúc phần, vắt cạn phúc để đổi lấy lộc, chung cục phúc hết lộc tan, khi lìa đời đồng hành với vô phúc qua đời sau, sống kiếp bạc phúc bần cùng, thảm hại vô lộc, lúc ấy muốn lộc cần phải có phúc, nhưng chẳng còn mảy may phúc nào làm vốn, nên cả cuộc đời bầu bạn với vô phúc và vô lộc.

Phúc và các vấn đề liên quan.

Phúc là thứ tài sản vô hình, nên chỉ nhận ra được phúc qua lộc, có thể nói rằng phúc là thứ lộc vô tướng, vô hình. Do phúc vô tướng nên không ai cướp đoạt được, cho đến thiên tai cũng chẳng đụng nổi đến phúc, nói gì tới hủy hoại được, thậm chí còn ngược lại nhờ phúc mà tiêu tai diệt nạn nữa, đã thế phúc lại mang theo suốt đời này qua đến đời sau, hễ phúc đâu ắt lộc đấy, do đó đời đời đều được phúc lộc, đó mới là Thọ.

So sánh phúc và lộc.

Phúc là thứ thiện pháp không độc, vô hại nên không làm tổn hại lộc, lại không chỉ cùng ta như hình với bóng trong đời này mà còn theo ta đến mọi đời, không chỉ để bảo vệ ta

được an toàn mà còn bảo đảm cơm no áo ấm, trụ xứ như ý. Phúc hay giúp người nên càng tăng trưởng phúc, có phúc tất có lộc, song có lộc chưa hẳn đã có phúc, vì lộc dễ khiến tâm người sinh tham và khi ấy họ sẽ đánh mất phúc. Nếu cho phúc là lộc thì càng có lộc, nếu cho lộc là phúc thì sẽ dễ mất cả phúc lẫn lộc, thế nên tu phúc tốt hơn cầu lộc, ngẫm xem chẳng phải mọi vị Bồ tát cùng Thánh nhân đều trọng phúc hơn lộc đó sao?, do vậy mà họ được sùng mộ và là chỗ nương nhờ của muôn loài, trái lại phàm phu tục tử trọng lộc khinh phúc, nên luôn là chỗ gây họa cướp đoạt cho muôn loài.

Chỉ cần mộ phúc không mộ lộc thì thành Bồ tát hay Thánh nhân không phải việc khó. Các vị này đa phúc bất đa lộc, chẳng có Bồ tát Thánh nhân nào là đại gia lắm tiền nhiều của, họ chỉ phúc đa đức quảng. Nhờ vào phúc nhiều đức lớn mà đời đời an lạc, tiền nhiều của lắm một đời vất vả lại chỉ kéo dài vỏn vẹn trong một đời.

Ngài Đạo Nhất nói "ăn thịt được lộc" ngụ ý vì ăn uống là một trong năm dục của thế gian, nên tục nhân coi đó là lộc, nếu thích lộc thì chọn thịt, đấy là sự chọn lựa của tuyệt đại đa số thế nhân, cho dù sự chọn lựa này gián tiếp gây nên mối thảm sát ngày qua ngày và tiếp nối đến bất tận, như Thiền sư Nguyện Vân đời Tống than " thiên bách niên lai uyển lý canh, oán thâm tợ hải hận nan bình, dục tri thế thượng đao binh kiếp, thả thính đồ môn dạ bán thanh", có nghĩa "trăm năm trong bát canh ngon, oán sâu như biển hận khó tàn, muốn biết vì đâu nạn binh lửa, hãy nghe lò thịt nửa đêm vẳng tiếng hờn", hằng bao năm qua trong những bát canh hàng ngày nấu bằng thịt xương chúng sinh, đã tạo thành mối hờn oán sâu như biển thực khó vơi cạn được, do vậy nếu muốn rõ nguyên nhân vì sao thế giới luôn xảy ra chiến tranh thì hãy lắng nghe những tiếng rống đau thương chết chóc vào lúc nửa đêm ở các lò mổ gia súc. Ôi! đó là lộc ăn nhậu của tục nhân, họ nào biết lộc ấy là duyên khởi của chiến tranh, là quả báo của nghiệp sát ở các lò mổ chỉ để tìm chút hương vị trong chốc lát, vị ngon trong vài giây, nuốt qua cổ rồi thì vị mất nhưng nghiệp sát và ăn nhai đó còn tồn tại, và chờ trả món nợ xương máu này trong tương lai, ngon vài giây chịu khổ đau đớn bị mổ giết và bị ăn nuốt trong tương lai, cái giá phải trả quá đắt. Kẻ dung tục "ăn vì được lộc" do không rõ nhân quả nên chịu đấm vỡ mặt mày chỉ để được nắm xôi không đáng.

Còn nói "không ăn được phúc", ngụ ý người trí hiểu rõ nhân quả của "không ăn để được phúc", thậm chí còn phóng sinh, nhờ vậy không nợ xương máu nên đời đời bình an, không sợ bị giết hại, không biết đến chiến tranh.

Khi hiểu rõ phúc và lộc rồi, thì tùy tiện chọn lựa "được lộc" hay "được phúc". Chọn lộc là sự chọn của tuyệt đại đa số gọi là phàm nhân, chọn phúc là sự chọn của thiểu số gọi là Thánh nhân.

VTA 22.9.2023