Home > Khai Thị Phật Học > Nhan-Qua-Va-Ba-Nghiep
Nhân Quả Và Ba Nghiệp
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ


Mọi vô tình và hữu tình đều vận hành theo quy luật của nhân quả, tuy nhiên nhân quả của hữu tình khá phức tạp so với vô tình.

A. Nhân quả và ý nghiệp

Vô tình chỉ có hình hài sắc chất mà không có ý và khẩu nghiệp, nên chỉ có một nhân một quả. Hữu tình do ba nghiệp năng tạo ba nhân khác nhau nên quả báo cũng chia chẻ phức tạp.

Ví dụ như người chăn nuôi gia súc để giết thịt, họ chăm sóc nuôi dưỡng, chữa bịnh cho gia súc là hành động tốt, nhưng với ý giết thịt để kiếm lợi là ý xấu, như thế thân nghiệp tốt nhưng ý nghiệp xấu, vậy thì quả báo của họ tốt hay xấu?

Câu đáp là vừa tốt vừa xấu. Tương lai họ nhận được sự nuôi dưỡng chăm sóc và đồng thời cũng chịu quả "chỉ để giết thịt".

Hoặc đem lời ngon ngọt dẫn người đến chỗ chết, khẩu thiện nhưng ý ác, quả báo tương lai họ cũng được vui thích với những lời dụ ngọt của kẻ sẽ đẩy họ vào khổ cảnh.

Do ý nghiệp là thể của ba nghiệp, thân và khẩu nghiệp chỉ là công cụ nên nhân quả của ý nghiệp mới mạnh nhất và chính nhất. Thế nên đối với mọi người nếu được chăm sóc, được nghe lời bùi tai mà bị hại, thì thà rằng bị bỏ lơ, bị nghe lời chói tai mà được vô sự.

Người nói hay làm tốt với ý xấu vẫn bị coi là có tội. Như vậy ý nghiệp tùy theo thiện ác định hướng cho quả báo đến chỗ phúc họa khổ lạc¹.

B. Nhân quả và phát tâm.

Phát tâm là phương cách thanh tịnh hóa ý nghiệp nói riêng và cả ba nghiệp nói chung. Một khi ý nghiệp đã thanh tịnh thì mọi hành nhân đều được ý thanh tịnh hướng dẫn đến quả thanh tịnh.

Vì lẽ này đức Phật dạy người phải phát tâm trước nhất. Phàm đã phát tâm lợi lạc chúng sinh, tất nhiên ý nghiệp sẽ thuần thiện tức thanh tịnh. Khi ý nghiệp thanh tịnh thì hai nghiệp thân khẩu cũng tự nhiên thanh tịnh. Một khi ba nghiệp đều tịnh sẽ tổng hợp thành một nhân duy nhất gọi là chính nhân, và chính nhân sẽ đưa đến chính quả.

Nếu không phát tâm, chúng sinh sẽ luôn ôm giữ tâm tham dục, luôn nghĩ lợi cho bản thân. Ý nghiệp tham dục này vì lợi kỉ sẵn sàng nói hay làm tốt để dối gạt người cầu lợi cho mình, vì vậy phải chịu quả báo luôn bị phỉnh gạt, dối lừa từ người nọ đến người kia. Hơn nữa người không phát tâm đồng với chung thủy với tâm tham dục có tu học đi nữa vẫn không thanh tịnh vì chỉ tu học thứ nào có lợi cho tham dục, hoặc giả dùng sự tu học phục vụ cho tham dục của bản thân. Những người này đức Phật gọi là ngoại đạo trong nhà Như lai. Nhân tu học bất tịnh của họ không thể thành quả thanh tịnh chính giác, và chỉ thành ngoại đạo hay xiển đề, bởi lẽ học Phật mà vẫn tà thì còn thứ gì cải tà cho họ nổi, nên biết đó là chủng tử ngoại đạo và xiển đề.

Do vậy có phát tâm mới thâm tín nhân quả, và thâm tín nhân quả tất dễ phát tâm. Sự phát tâm tạo ra năng lực hành mọi thiện pháp lợi lạc muôn loài, bỏ mọi ác pháp gây tổn hại chúng sinh, do tâm này nhiếp nhất thiết thiện đồng thời vô nhiễm bất kì một ác pháp nào dù là vi tế, nên được gọi là thanh tịnh tâm, lại chẳng có sự thanh tịnh nào vượt trên tâm này nên gọi là vô thượng tâm, hay gọi chung là vô thượng thanh tịnh tâm.

Trong việc hành nhất thiết thiện dĩ nhiên bao quát việc độ nhất thiết chúng sinh, tâm như vậy là nhân và Phật là quả, nên gọi tâm này là bồ đề tâm. Mọi sinh hoạt tức mọi hành nhân của Phật và chư bồ tát đều hướng đến thành tựu đại nguyện bao la của việc thực thi nhất thiết thiện, nên tâm này còn được gọi là đại đạo tâm.

C. Nhân quả và pháp hồi hướng.

Ý nghiệp là chủ thể của ba nghiệp nên có khả năng định hướng và lèo lái mọi nhân dẫn đến quả thanh tịnh theo mong muốn của ý. Dụ như nghiệp thân khẩu tuy tốt nhưng ý xấu thì nghiệp này vẫn là ác nghiệp, ngược lại hai nghiệp kia tuy ác nhưng với ý tốt thì vẫn thành thiện nghiệp.

Vì vậy khi phát tâm vô thượng, đồng nghĩa với vạch cho ý nghiệp theo quy tắc thanh tịnh, liễu tri và thâm tín mọi chính nhân chính quả, và định hướng cho tất cả mọi nhân hướng đến một quả duy nhất là quả giải thoát, đại thừa Phật giáo gọi sự kiện này là "phổ giai hồi hướng".

Thế nào là phổ giai hồi hướng? Phổ là khắp mọi thứ nhân hành, giai là đều cùng, hồi hướng là hướng về một quả, nói chung là mọi nhân hành đều chỉ hướng về một mục tiêu, một quả báo duy nhất.

Như ta đã biết, phát tâm hàm nghĩa thanh tịnh hóa ý nghiệp. Ý nghiệp thanh tịnh này tịnh hóa mọi nhân hướng đến quả thanh tịnh. Nhân thanh tịnh là nhân lợi lạc muôn loài, hướng nhân này đến quả thanh tịnh là quả độ sinh, quả độ sinh lại là nhân lợi lạc hữu tình, dòng nhân quả cứ vậy trôi chảy khiến thanh tịnh đạo thành tam muội bất diệt. Do vậy kinh điển mới nói chư Phật đi đứng nằm ngồi, nói năng động tĩnh không gì không phải vì độ sinh, gọi đó là đại bi tâm.

Phàm phu do không phát tâm nên dục tâm (ý nghiệp) lèo lái mọi nhân thiện ác đến quả có lợi cho bản thân, và ba nghiệp như thế gọi là bất tịnh nghiệp. Nghiệp bất tịnh tạo ra mọi nhân quả bất tịnh, cộng nghiệp bất tịnh của chúng sinh tạo thành cõi ác, khổ nhiều vui ít. Do vô minh tham ác chúng sinh không biết cõi ác và quả khổ do chính mình tạo, lại dùng tâm ý tham dục hối lộ cúng bái thần linh giúp mình né tránh nhân quả của mình thích gieo.

Chúng sinh đã dùng ý nghiệp bất tịnh để tự tạo nhị báo ô nhiễm thì dĩ nhiên cũng có thể dùng ý nghiệp thanh tịnh để xây dựng nhị báo trang nghiêm. Muốn thế điều tiên quyết phải phát khởi tâm vô thượng, nhiếp ý cho thanh tịnh hướng dẫn mọi nhân đến quả thanh tịnh.

D. Lực sáng tạo của nhân quả.

Hầu hết các tôn giáo đều tin vào sức sáng tạo nên muôn loài và thế giới của thần linh. Họ tin rằng mọi phúc họa hoàn toàn đều do các vị thần ban phát, nên xu hướng thờ phụng thần linh luôn tồn tại với thời gian.

Riêng đạo Phật nhận rằng mỗi chúng sinh đều có khả năng tự sáng tạo ra chính mình và cảnh giới phúc họa, khổ lạc của riêng mình, và không liên quan gì đến mọi quỷ thần. Họ là thượng đế của chính họ, họ tự ban phúc giáng họa thông qua nhân quả "tự tác tự thọ" của chính họ. Điều này giải mã cho lý do vì sao mỗi chúng sinh có một "số mệnh" khổ lạc khác nhau, và minh oan cho Thượng đế đã sáng tạo một cách ẩu tả bất công.

Do vô minh con người không nhận ra mọi phúc họa rõ ràng do mình tự tác (nhân) và tự thọ (quả), mà khư khư tin vào điều mơ hồ rằng phúc họa là do thần linh hay bồ tát thưởng phạt. Vì vậy mà bỏ qua sự sáng tạo cho bản thân một chính báo hạnh phúc và một y báo an lạc bằng sự thâm tín nhân quả, thay vào đó chỉ miệt mài chí thành với việc cầu thần khấn quỷ phò trì không thật có, mà bất chấp với mọi nhân quả, nên gọi là mê tín.

Bản chất của thế giới loài người luôn nhiễu nhương bất ổn, chiến tranh thường xuyên, hòa bình chỉ là giấc mộng, nguyên nhân là do gieo nhân tham ác bừa bãi hợp cùng sự mê tín đã sáng tạo nên mọi thứ bất an từ thân tâm đến thế giới.

Trái với thế giới loài người, cõi trời luôn an lành, không có đấu tranh thù hận, đó là quả được sáng tạo từ các nhân lợi lạc cho mọi người quanh mình.

Nếu Thượng đế có sức sáng tạo vô giới hạn thì vì sao ngài lại sáng tạo kẻ ác đông hơn người thiện, cõi trời ít hơn địa ngục?

Rõ ràng là con người tự sáng tạo ra thế gian hỗn loạn, và thần linh tự sáng tạo cõi trời, mạnh ai nấy sáng tạo quả theo quy luật của nhân quả, mà không hề liên quan tới nhau.

E. Nhân quả và tịnh độ.

Phàm phu do tham dục vô minh nên chỉ sáng tạo được thế gian ô nhiễm bằng thứ nhân quả ngu ác. Chư thiên do hiểu biết thiện pháp nên sáng tạo được thiên đường bằng thứ nhân quả thiện lương.

Chư Phật do liễu tri nhân quả nên tạo ra cảnh giới thanh tịnh gọi là tịnh độ bằng hành nhân bi huệ thanh tịnh.

Tóm lại tịnh độ là quả của nhân hành thanh tịnh, thiên đường là quả của nhân hành thiện pháp, trần gian là quả của nhân nhiễm tịnh hỗn loạn, địa ngục là quả của hành nhân cùng hung cực ác.

Đối với Phật giáo, tâm của mỗi chúng sinh đều có năng lực sáng tạo hết mọi thế giới, từ tịnh độ đến địa ngục, từ thế gian đến xuất thế gian². Phương tiện để tâm sáng tạo cảnh giới chính là nhân quả, bất cứ cõi nào cũng phải được sáng tạo theo đúng quy luật của nhân quả.

Tâm khởi ý, ý khiến thân khẩu hành nhân, từ đó sinh quả báo. Phàm phu tâm mê muội nên chỉ sáng tạo ra cõi u mê từ thế gian trở xuống, chư thiên tâm trong sáng hơn nên sáng tạo được thiên đường, tránh được các cõi ác. Chư Phật với tâm thanh tịnh vô thượng sáng tạo ra thế giới thanh tịnh viên mãn, không đâu không thanh tịnh nên tịnh độ không có thiên đường và địa ngục.

Vậy thanh tịnh là gì? Thiện ác đối đầu, có thiện tất có ác, hay ngược lại. Người thiện vẫn thù ghét cái ác, và muốn trừng phạt kẻ ác, người thanh tịnh không còn chút thù ghét nên thay vì trừng phạt thì thanh tịnh hóa tức độ kẻ ác. Không những thanh tịnh hóa tâm thô ác của kẻ dữ, mà còn thanh tịnh hóa luôn cái ác vi tế trong tâm người thiện, khiến mọi sự thương ghét thiện ác chuyển thành thanh tịnh. Sự độ sinh chính là khai mở tâm thanh tịnh cho chúng sinh.

Thiện ác thương ghét quấy nhiễu nội tâm, khiến tâm luôn bất an. Thanh tịnh không bị các pháp đối đãi gây nhiễu loạn nên tâm bất động an tĩnh, đức Phật tuyên thuyết "không hạnh phúc nào sánh bằng sự an tĩnh của tâm".

Vì vậy những người thanh tịnh gọi là thánh chúng, cảnh giới của họ là tịnh độ, họ luôn trụ trong niềm an lạc bao la vô tận. Đó là chính báo và y báo của thế giới tịnh độ, gọi đủ là thanh tịnh an lạc độ.

Như vậy tâm chúng sinh có khả năng tạo nên mọi cõi, chỉ cần khởi ý tạo nhân thì quả thành. Tiếc rằng tâm chúng sinh yếu kém thiện pháp, không biết gì đến thanh tịnh, nên chỉ sáng tạo nổi thân tâm tham dục và hoàn cảnh bất ổn khổ đau cho ta và người. Đó cũng là lý do đức Phật khuyên người tu thiện và quan trọng nhất là phát tâm vô thượng thanh tịnh. Có phát tâm mới sáng tạo ra cõi tịnh được³.

F. Đâu là cửa vào các cõi?

Phàm có cửa cần có canh gác, nếu không sẽ có kẻ gian lẻn vào. Các cõi trời, người, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục đều không có cửa, nên không ai lẻn vào được, kẻ ác không lén vào cõi trời được, chư thiên không vào địa ngục được.

Lý do là vì cửa vào các cõi này chính là tâm, tâm thiện thì sinh cõi trời, tâm ác thì sinh về địa ngục... sinh vào một cảnh giới nào đều phải tương ưng với nhân quả tức hành nghiệp thuộc tâm của chúng sinh, nhân quả không bao giờ cho sinh lầm chỗ, vì mỗi chúng sinh được nhân quả tức hành nghiệp thuộc tâm họ đưa họ vào mà không qua cánh cửa có canh gác nào, và do thông qua cánh cửa tâm mà không bao giờ sinh sai cõi, nên người thiện không bị sinh lầm vào địa ngục, và kẻ ác không thể may mắn nhờ lầm lẫn mà sinh thiên. Như vậy hành nghiệp của nhân quả là người tiếp dẫn chúng sinh sinh vào các cõi.

Vãng sinh tịnh độ cũng không ngoại lệ, nhờ vào hành nghiệp thanh tịnh mà được sinh về tịnh độ, nếu không đủ thanh tịnh thì sinh cõi trời hay thai cung như kinh Vô Lượng Thọ đề cập. Sinh về phẩm nào trong cửu phẩm đều tự động theo trình độ thanh tịnh của tâm⁴. Do vậy để vãng sinh thượng phẩm cần phải phát bồ đề tâm.

Trong kinh miêu tả những ai vãng sinh sẽ được chư Phật tiếp dẫn về tịnh độ. Kì thật đức Phật chính là thanh tịnh tâm, người phát tâm tu hành thanh tịnh, khi thanh tịnh viên mãn thì tâm thanh tịnh này với tâm Phật là một, gọi là nhất tâm bất loạn, đã là một với tâm Phật nên cõi Phật cũng chính là cõi họ sinh về. Nói sinh về nhưng thật thì họ không sinh mà tự trở về với cảnh thật như người mơ chợt tỉnh, mơ tan thật hiện.

Do nhân quả nơi tâm là cửa vào các cõi, nên ma quỷ nào muốn vào thiên đường cần phải tu thiện, muốn vào tịnh độ cần phải tu tịnh. Nếu không phát tâm thiện ma quỷ không vào thiên đường được, và nếu không phát tâm thanh tịnh thì chúng ma không thể vào tịnh độ được.

Vì tâm thiện ác đối nghịch chướng ngại nhau nên ma không vào thiên đường và thiên thần cũng không thể vào địa ngục. Nhưng với tâm thanh tịnh viên mãn không có thiện ác đối nghịch, nên cõi thanh tịnh không có giới hạn, biến khắp 10 pháp giới nên ra vào các cõi vô ngại, vì vậy bồ tát tự tại hóa mọi thân hiện mọi cõi độ sinh vô ngại tự tại.

Bằng tâm thanh tịnh như một chìa khóa đa năng, bồ tát ra vào mọi cõi tự tại vô ngại, bồ tát vào cõi trời mà không nhiễm tâm chư thiên, vào cõi ác cũng không nhiễm tâm ma quỷ, đó là tính vô nhiễm đặc trưng của tâm thanh tịnh.

Bằng các lý lẽ trên, đệ tử Phật muốn tu hành giải thoát không thể không phát tâm. Không phát vô thượng thanh tịnh tâm không thể thành tựu quả giải thoát viên mãn với đủ mọi đặc tính vô ngại, tự tại, vô biên và vô nhiễm.

Ngoài tâm vô thượng ra, cho dù có phát tâm gì đi nữa vẫn chỉ thành tựu thân tâm và cảnh giới hữu hạn, như người sinh cõi trời vẫn còn cõi ác bao quanh. Người sinh cõi tịnh vẫn còn cõi uế kề bên. Nên sinh cõi nào cũng không thể giải thoát tự tại, do phát tâm còn giới hạn thì nhị báo tức thân tâm và cảnh giới còn giới hạn. Chỉ có phát vô thượng thanh tịnh tâm mới thành tựu nhị báo trang nghiêm vô biên với đủ mọi đức tính tự tại giải thoát và vô nhiễm.

Tu giải thoát chỉ nhằm vào mọi nghi lễ và làm thiện khi cần, mà không phát tâm vô thượng khác nào lấy cát nấu cơm. Không gạo thì không có cơm, không phát tâm thì không có giải thoát tự tại.

PVVT
PT 8.7.2021


Chú thích:

1. Đức Phật nói kệ trong kinh Pháp Cú:
Tâm chủ, tâm tạo tác, tâm dẫn đầu mọi pháp, nếu nói hay hành động với tâm tư ô nhiễm, khổ não sẽ theo ta, như xe theo bò kéo.
Bất luận nói hay hành động tốt nhưng với tâm ô nhiễm đều chịu quả khổ.

2. Kinh Hoa Nghiêm nói "nhất thiết duy tâm tạo" tâm tạo ra hết thảy mọi thứ.

3. Do tâm tạo ra mọi thứ nên nếu không phát tâm thanh tịnh thì không tạo nên cõi tịnh được. Kinh Duy Ma nói "tùy kì tâm tịnh, tức Phật độ tịnh" cõi Phật thanh tịnh tùy vào tâm tịnh.
Điều này đưa đến kết luận "duy tâm tịnh độ" tịnh độ chỉ có nơi tâm. Không nên ngộ nhận cho rằng "chỉ có nơi tâm" đồng với chỉ có trong ý nghĩ, phải hiểu duy tâm có nghĩa "duy tâm tạo" tức do tâm tạo thành tịnh độ.

4. Đức Phật nói kệ "Dục cầu tịnh độ, đản tịnh kì tâm" muốn có tịnh độ chỉ cần thanh tịnh tâm, tức phát tâm thanh tịnh sẽ có tịnh độ.
Ngài nói tiếp "tùy kì tâm tịnh tức Phật độ tịnh" cõi Phật của ta thanh tịnh theo cấp độ thanh tịnh của tâm ta. Cấp độ chỉ cho cửu phẩm.