Home > Khai Thị Phật Học
Giới Thiệu Kinh Hoa Nghiêm
Cư Sĩ Lê Sỹ Minh Tùng


Kinh Hoa Nghiêm là một trong những bộ kinh quý giá nhất của Đại Thừa. Chính bộ kinh nầy do Đức Phật Thích Ca thuyết giảng ngay sau khi Ngài thành Chánh giác. Trong khoảng 49 ngày ngồi tư duy dưới gốc cây Bồ đề, Ngài ở trong định “Hải Ấn Tam Muội” và hiện ra thân tướng Pháp Thân Đại Nhật Như Lai mà nói ra bộ Kinh Hoa Nghiêm nầy để hóa độ cho các vị Bồ tát từ ngôi Sơ Địa trở lên. Đức Phật nói Kinh Hoa Nghiêm trong 21 ngày, nhưng Ngài nói ở đây là nói trong thiền định bởi vì 21 ngày của cuộc sống vật chất theo đời thường thì tất nhiên quá ngắn ngủi. Còn 21 ngày của tư duy thiền định thì thật lớn lao không thể nào tính được. Một tâm niệm trong thiền định, Bồ Tát có thể cứu độ được vô số chúng sanh. Cũng vì ý nghĩa quá cao siêu đó nên Kinh nầy đã không được cho phổ biến mà đem đi cất giữ tại cung điện của Long Vương. Cho mãi đến khoảng 600 năm sau khi Đức Phật nhập diệt, thì có Bồ tát Long Thọ ra đời. Vì do lòng khao khát cầu Chánh pháp, Ngài đã dùng thần thông xuống tận Long Cung và lưu lại đây trong 90 ngày để đọc tụng sao chép và mang về san định lại rồi cho phổ biến bộ kinh vĩ đại nầy.

Thật ra Kinh Hoa Nghiêm có tất cả ba bộ:

1. Bộ thứ nhất gọi là Đại Hoa Nghiêm do Pháp thân Tỳ Lô Giá Na chuyển.

2. Bộ thứ hai là Trung Hoa Nghiêm do Báo thân Lô Xá Na chuyển.

3. Bộ thứ ba do chính Đức Thích Ca Mâu Ni Phật thuyết.

Vì hai bộ đại kinh và trung kinh quá đồ sộ, không thể đem về, nên Ngài Long Thọ chỉ thỉnh được bộ Tiểu Hoa Nghiêm gồm có 100, bài kệ. Nhưng khi về đến nhân gian, thì Ngài lọc lại chỉ còn non một nửa là 45, bài kệ mà thôi. Khi bộ Tiểu Hoa Nghiêm nầy truyền sang Trung Quốc, thì được dịch thành hai bộ mà ngày nay chúng ta còn thấy được: Bộ Hoa Nghiêm 60 quyển do ngài Giác Hiền dịch đời Tấn (418 T.L) tại chùa Đạo Tràng ở Dương Châu (nay là Nam Kinh) và bộ 80 quyển dịch ở đời Đường, dưới sự bảo trợ của Võ Tắc Thiên hoàng đế tại chùa Đại Biển Không ở Lạc Dương (695 T.L) . Đích thân Võ Hậu đến dịch trường để đề tên phẩm đầu tiên. Có tất cả 38 phẩm mà trong đó phẩm “Nhập Pháp Giới” là một phẩm rất quan trọng. Phẩm nầy mô tả một mẫu người lý tưởng, Thiện Tài Đồng Tử, đã nguyện dâng trọn đời mình để phụng sự Chánh pháp với giấc mơ xây dựng một cõi Tịnh Độ nhân gian để giải thoát tất cả chúng sanh ra khỏi mọi khổ đau, hệ lụy. Thiện Tài Đồng Tử đã tham cầu học hỏi với 53 vị Thiện Tri Thức, bắt đầu bằng Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, biểu trưng cho trí tuệ và kết thúc với hạnh Phổ Hiền Bồ tát.

Phật nói Kinh nầy cho hàng Bồ tát, do đó hàng nhị thừa không thể hiểu biết, huống chi là phàm phu. Chúng ta có thể hiểu đại khái là: Phật nói trong Kinh nầy cũng như là cuộc hội thảo dành cho các nhà bác học thì người có trình độ đại học trở xuống có tham dự cũng không thể nào hiểu được. Tại vì sao? Bởi vì Đức Phật nói Kinh Hoa Nghiêm trong thiền định, thì Ngài dùng tâm chuyển vật. Còn chúng ta chưa thấy tâm, thì làm sao thấy được sự chuyển vật.

Bồ tát pháp trong Kinh Hoa Nghiêm rất cao sâu. Hàng thấp nhất là Bố tát sơ địa cũng phải có khả năng làm vua một cõi, tức tiểu vương mới có thể hành đạo tự tại. Bồ tát nhị địa phải là Chuyển luân Thánh Vương cai quản bốn phương thiên hạ, ai nghe đến danh cũng phải kính nể. Bồ tát đệ tam địa phải làm vua trời Đạo Lợi, cai quản 33 từng trời. Cứ như vậy lần lên cõi Trời cao nhất là Tha Hóa Tự Tại.

Đức Phật giảng cho các vị Trời, đồng nghĩa với nhắc nhở những người có phước báo, quyền uy ở trần gian nên phát tâm làm Phật sự, để tu tạo công đức lớn lao. Nếu không, hưởng hết phước rồi đọa, lúc đó không còn điều kiện tạo công đức. Giống như vua Tần Bà Sa La bị vua A Xá Thế nhốt vô ngục rồi mới phát tâm.

Kinh Pháp Hoa và Hoa Nghiêm là hai bộ kinh nồng cốt của Phật giáo.

Kinh Pháp Hoa đặt nặng về pháp, trong khi kinh Hoa Nghiêm thì nhấn mạnh về Phật là vị có đầy đủ tư cách để tuyên thuyết diệu pháp. Quan niệm về Đức Phật theo kinh Hoa Nghiêm tất nhiên cũng khởi đầu từ Phật nguyên thủy là Đức Thích Ca. Ngài cũng mang thân tứ đại giống như chúng ta và trãi qua quá trình tu hành thì Ngài đắc quả Vô thượng Bồ đề. Nhưng có những quan điểm nói rằng nếu Phật là người giống ta, thì tại sao chỉ duy nhất có Phật là thành tựu quả vị toàn giác, còn những vị tu hành khác thì có người thành Tổ, nhưng đa số người chẳng đạt được quả vị nào?

Để giải thích quan điểm nầy, Phật giáo bắt đầu mở tầm nhìn về chiều sâu, tức là nhìn bên trong cái thực của con người, tức là chân linh, để định giá trị khác nhau của mỗi người. Theo tinh thần ấy, kinh Bổn Sanh, Bổn Sự được hình thành để giải thích về vô số tiền kiếp của Phật đã xả thân hành Bồ tát đạo. Thân xác của chúng ta thì giống như chiếc áo mặc cho chân linh và thân của chúng ta có hai phần: thân mạng hữu hình là mặt bề ngoài thì gọi là Sanh thân, thân mạng vô hình bên trong thì gọi là Báo thân. Theo Đại thừa, Báo thân là phước đức, là trí tuệ của Phật. Ngài giáo hóa thành tựu dễ dàng bởi vì tất cả lời nói, hành động và việc làm đều phát xuất từ trí tuệ siêu việt cũng như đạo đức hoàn toàn thánh thiện. Do đó, chúng ta nhìn Phật qua tri thức và đức hạnh của Ngài do sự triển khai của Báo thân. Cùng ý nghĩa đó, chúng ta phải nương Báo thân Phật để tu hành nhằm mục tiêu phát triển Báo thân của chính mình. Nói một cách khác, trên bước đường tu, chúng ta xem Phật, Tổ, Bồ tát làm gì, thì chúng ta cũng làm như vậy để nuôi lớn Báo thân của riêng mình.

Đức Phật dạy rằng ai cũng có thể thành Phật nếu tu tập cho đầy đủ tâm đại bi và viên mãn hạnh Bồ tát. Nhưng trong vô lượng kiếp quá khứ, Phật, Hiền Thánh, đều trải thân hành Bồ tát đạo, làm lợi ích cho chúng sinh, mới đạt đến Vô thượng Đẳng giác. Ngày nay, nếu muốn thành tựu quả vị như Phật, thì chúng ta cũng phải phát tâm Bồ đề và dấn thân tu Bồ tát đạo.

Tiến đến đỉnh cao của hệ thống tư tưởng nầy, kinh Hoa Nghiêm giới thiệu

Đức Phật và cách tu thế nào để thành Phật, tức Bồ tát pháp. Thật vậy, Hoa Nghiêm mở ra cho chúng ta một cái nhìn phóng khoáng, theo đó không có cái gì không phải là Phật, đó mới là Đức Phật chân thật.

Vâng, Phật nầy chính là Phật huệ, nhưng tư tưởng đặc biệt của Hoa Nghiêm về sự hiện hữu vĩnh hằng của một Đức Phật toàn diện đòi hỏi chúng ta phải đạt đến một trình độ nhất định nào mới có thể hiểu, sống và hành đạo như vậy.

Thêm nửa, kinh Hoa nghiêm tiêu biểu qua hình ảnh Phật với 10 loại thân: Ngũ uẩn thân, Quốc độ thân, Chúng sanh thân, Thanh Văn thân, Duyên giác thân, Bồ tát thân, Như Lai thân, Trí thân, Pháp thân và Hư không thân.

1. Ngũ uẩn thân: Đức Phật cũng hiện hữu từ ngũ uẩn, nhưng Ngài tiến đến quả vị toàn giác vì Ngài không bị ngũ uẩn chi phối. Trong khi chúng sanh cũng mang thân ngũ uẩn, nhưng do bị ràng buộc triệt để nên chúng sanh luôn gánh chịu khổ đau sanh tử. Thật vậy, Đức Phật khẳng định rằng ngũ uẩn cấu tạo nên con người do đó con người bị lệ thuộc nó. Chính vì còn lệ thuộc vào thân vật chất, tức sắc uẩn, cho nên chúng ta còn bị 4 thứ: đói, khát, nóng, lạnh hành hạ. Hương vị giải thoát đầu tiên của người đắc được sơ quả là lìa xa được đói khát, nóng, lạnh. Vì vậy, chúng ta thấy các thiền sư trong lúc nhập định không cần ăn uống, ngủ nghĩ mà không cảm giác đói khát, mệt mỏi, bởi vì họ đang sống với chân linh, vượt ra ngoài sự chi phối của thân xác. Chúng sanh thì bị thân ngũ uẩn dày xéo, hành hạ, sống khổ với thân, chết cũng không yên với nó. Còn Đức Phật thì tự tại hoàn toàn vì biến đổi được ngũ uẩn thành Pháp thân mà kinh điển gọi là: ”Nhược năng chuyển vật tức đồng Như Lai”.

2. Quốc độ thân: là nói về sơn hà đại địa. Theo tinh thần Hoa nghiêm, nhìn sông núi hùng vĩ, ngắm dòng suối chảy, nụ hoa mới nở, cá bơi chim lượn hay thấy tượng Phật trang nghiêm, cảnh chùa thanh tịnh, khiến ta phát tâm, đó là vô tình thuyết pháp. Tóm lại, loại thân hình thứ hai của thân Phật Tỳ Lô Giá na là trãi thân ra làm đất đai, làm cây cỏ, làm núi sông để che chở, nuôi sống cho muôn loài.

3. Chúng sanh thân: Dưới mắt người hành đạo theo tinh thần Hoa Nghiêm, thì từ con ong, con kiến, cho đến cọng cỏ, bụi gai, không có cái gì mà không dễ thương, không phải là Phật. Ngược lại, đối với phàm phu thì mọi sự vật trên cuộc đời đều chướng tai gai mắt và đây là sự ràng buộc làm cho họ khổ đau. Nói một cách khác, người thật dạ tu hành thì dù ở bên phiến đá, cạnh dòng suối trong núi rừng, nhưng họ cảm nghĩ nơi đó hiện diện ba đời mười phương Phật, nên họ dễ dàng tiến tu giải thoát. Nhưng nếu khởi vọng tâm đòi hỏi phải ở chỗ nầy mới tu được, ở chỗ kia thì buồn khổ, thì không thể nào sống trong Thiền môn một cách viên mãn được.

4. Thanh văn thân: Từ trong chúng sanh thân, nếu nhận ra cuộc đời nầy không có gì bền chắc, nên khởi tâm đi tìm bằng hữu. Từ bỏ cuộc sống thế nhân, đi theo lộ trình Phật đạo, mang thân tu sĩ thực hành 37 phẩm trợ đạo của Tứ Diệu Đế giữa lòng cuộc đời, được xem như là Pháp thân của Đức Phật hay Thanh văn thân.

5. Duyên giác thân hay Bích chi Phật ẩn tu: là hàng Duyên giác thuộc tầng lớp trí thức, tinh thần rất bén nhạy. Họ quán nhân duyên để thấy được mối quan hệ giữa mọi người với nhau trong xã hội. Và theo lời Phật dạy, người nào thấy nhân duyên thì thấy được pháp chân thật và đó là điều tiên quyết để tiến đến quả vị toàn giác. Vì vậy, hàng Duyên giác thâm nhập thiền định và nhận chân được mối quan hệ của chúng sanh trong tứ sanh lục đạo để hành xử theo đúng với lý nhân duyên ấy.

6. Bồ tát thân: Thanh văn tu hành tập thể, còn Duyên giác ẩn tu quan sát các pháp. Khi tổng hợp hai cách tu nầy, chúng ta có mẫu người thứ ba vừa có đạo đức, vừa có tri thức, đi vào đời độ sanh gọi là Bồ tát. Như thế thì Bồ tát là người đem ánh sáng giác ngộ đến cho chúng sanh. Họ phát tâm Bồ đề, khởi niệm thương chúng sanh và đến giúp đỡ. Đó là do Phật lực chi phối đến.

7. Như Lai thân: Khi người tu tròn đủ hạnh Bồ tát và tâm đại bi thì đạt quả vị Phật, tức Như Lai thân. Với Như Lai thân, không còn phải dấn thân vào đời để cứu độ như Bồ tát, không phải ẩn tu như hàng Duyên giác, cũng không cần sống trong tập thể tu hành như Thanh văn. Vì Như Lai thân không từ đâu tới và cũng không đi về đâu. Chính thân đó tác động đến các loài chúng sanh và giáo hóa được tất cả mà không cần cử thân động niệm.

8. Trí thân: Khi đã thành đạt đến quả vị Như Lai, thì lúc ấy như như bất động mà vẫn hóa độ được chúng sinh. Nên hoạt động chính của Như Lai không phải bằng thân xác vật chất, bằng ngôn ngữ bình thường, mà bằng trí tuệ. Dùng trí thân, tức dùng trí tuệ Như Lai tác động chúng sanh, khiến họ phát tâm Bồ đề. Tất cả pháp không có pháp nào mà trí tuệ Như Lai không chiếu tới. Trí tuệ Như Lai chiếu tới đâu, thì biến các pháp ấy thành Pháp thân của Đức Phật. Nếu trí tuệ Phật chiếu vào một tu sĩ hay cư sĩ, tác động họ phải phát tâm, chiếu vào tất cả sự vật thì làm vật đó biến chuyển thành pháp của Phật.

9. Pháp thân: Quang cảnh thiền môn tuy không phát ra âm thanh, nhưng tác động cho người hình dung ra Phật, liên tưởng đến cách sống của Ngài và họ phát tâm tu theo, tức là Pháp thân của Phật đã thuyết pháp. Thêm nữa, kinh Hoa Nghiêm quan niệm tất cả pháp, kể cả sơn hà đại địa đều nhận lực chi phối của huệ Như Lai, đều là Pháp thân Phật. Nói một cách khác, nếu có Như Lai chiếu vào thì cục đá, miếng gỗ đều có thể biến thành Phật. Ngược lại, nếu không có huệ Như Lai chiếu vào, thì cục đá vẫn là cục đá mà thôi. Cùng một chiều hướng đó, kinh Hoa Nghiêm chủ trương bằng mọi cách phải phát huy được Như Lai huệ để chiếu sáng vào lòng cuộc đời, vào vũ trụ, biến tất cả thành Phật pháp.

10. Hư không thân hay tỳ Lô Giá Na thân: Tỳ Lô Giá Na dịch là Phổ quang minh chiếu, chỉ cho trí tuệ rọi vô pháp, biến thành pháp thân. Lúc ấy, trí và lý bất nhị, kết hợp thành một và đây là loại hình của thế giới tu chứng khó mà diễn tả bằng ngôn ngữ bình thường.

Mười thân Phật nói trên là một tổng thân của Tỳ Lô Giá Na Phật, kết hợp giữa chân lý và trí tuệ, từ hàng Thánh giả đến người thường trên cuộc đời cho cả hai loại hữu tình và vô tình.

Kinh Hoa Nghiêm bản dịch đời Đường được hình thành bởi 9 hội thuyết pháp:

- Hội thứ nhất: Phật mới thành Chánh giác tạị Bồ đề đạo tràng. Đạo tràng được trang nghiêm bằng vô lượng diệu bảo, thân Phật Giá na vạn đức viên mãn ngồi trên tòa kim cang. Số Bồ Tát nhiều như số vi trần của mười phương thế giới. Các vi Bồ tát nói kệ hỏi Phật, Phật hiện điềm lành phóng hào quang nói kệ đáp, rồi lại hiện thần biến. Các vị Bồ tát như Nhất Thiết Pháp Thắng Âm… mỗi vị đều nói kệ ca tụng Phật. Bấy giờ, Bồ tát Phổ Hiền nhập Phật tam muội, được chư Phật ngợi khen. Sau đó Bồ tát Phổ Hiền nói về Hoa tạng Trang Nghiêm Thế Giới Hải được trang nghiêm bằng vô lượng diệu bảo, do công đức tu hành xưa kia của Đức Tỳ lô giá na. Bồ tát Phổ Hiền lại nói đây là do tiền thân của Đức Tỳ lô giá na ở đời quá khứ, lúc còn làm Thái tử Đại Oai Quang đã cúng dường chư Phật, đã tu vô lượng diệu hạnh, mà thành tựu được công đức trang nghiêm rộng lớn này.

- Hội thứ hai: Phật ngồi trên tòa sen trong điện Phổ Quang Minh, hiển hiện thần biến, các Bồ tát ở khắp mười phương đều đến nhóm họp. Bồ tát Văn Thù Sư Lợi nhờ oai lực của Phật nói với các vị Bồ tát về danh hiệu Phật. Sau đó Bồ tát Văn thù nói về các tên gọi khác nhau của Tứ Diệu

Đế trong cõi Ta bà để tùy tâm chúng sanh mà khiến cho họ được điều phục. Bồ tát Văn Thù Sư Lợi cùng chín vị Bồ tát như Giác Thủ… hỏi đáp qua lại về mười minh môn Phật pháp sâu xa. Bồ tát Trí Thủ hỏi, ngài Văn Thù trả lời về 140 hạnh nguyện thanh tịnh phát khởi vì lợi ích chúng sanh từ ba nghiệp Thân, Khẩu, Ý của Bồ tát. Sau cùng, Bồ tát Văn Thù sư lợi hỏi, Bồ tát Hiện Thủ dùng kệ đáp về các vấn đề vô lượng công đức thù thắng, tín nguyện chắc thật, định huệ thành tựu viên mãn… của Bồ tát.

- Hội thứ ba: Đức Phật không rời cây Bồ đề, bay lên cung điện Đế Thích trên đỉnh núi Tu di. Đế Thích trang hoàng cung điện để cung nghinh

Đức Phật rồi cùng chư Thiên nói bài kệ ca tụng Phật. Các Bồ tát như Pháp Huệ … từ cõi nước Phật ở mười phương cũng đến nhóm họp và mỗi vị đều nói kệ ca tụng vô lượng công đức thắng diệu của Phật đã tu hành. Do oai lực của Phật, Bồ tát Pháp Huệ nhập tam muội Vô Lượng Phương Tiện. Bồ tát Pháp Huệ xuất định nói rộng về pháp môn Thập trụ. Trời Đế Thích đến hỏi, Bồ tát Pháp Huệ tuyên thuyết về các công đức vô lượng của Bồ tát mới phát tâm Bồ đề. Phát tâm thì có thể bình đẳng với Phật, cũng vô sở đắc. Sau đó, Bồ tát Pháp Huệ giảng về các pháp môn Bồ tát phát tâm phải tu và phải thành tựu như là: mười pháp an trụ, mười pháp nhập địa, mười pháp hạnh thanh tịnh, mười thanh tịnh nguyện, mười pháp viên mãn đại nguyện, mười vô tận tạng…

- Hội thứ tư: Phật lên cung trời Dạ ma. Vua trời Dạ ma trang hoàng cung điện, thiết tòa nghinh thỉnh Như Lai và nói kệ ca tụng Phật. Bồ tát Công Đức Lâm nhập tam muội Thiện Tư Duy nói rộng về pháp môn Thập Hạnh và phân biệt hành tướng của mỗi hạnh. Bồ tát Công Đức Lâm lại nói với các Bồ tát về từng hành tướng thập Vô tận tạng của Bồ tát khiến cho mọi người tu hành đều thành tựu Vô tận tạng.

- Hội thứ năm: Phật lên cung trời Đầu suất. Vua trời Đầu suất trang hoàng cung điện để nghinh thỉnh Như Lai. Do oai lực của Phật, Bồ tát Kim Cang Tràng nhập tam muội Trí Quang. Bồ tát Kim Cang Tràng xuất định và nói với các Bồ tát về pháp môn Thập Hồi hướng và phân biệt giải thích hành tướng tu hành của từng giai vị.

- Hội thứ sáu: Phật ở Ma ni bảo điện trên cung trời Tha Hóa Tự Tại. Bồ tát Kim Cang Tạng nhập tam muội Đại Trí Huệ Quang Minh. Sau khi Bồ tát xuất định, thì ngài giảng về Thập Địa.

- Hội thứ bảy: Phật đang ở tại điện Phổ Quang Minh. Bồ tát Phổ Hiền dùng thần lực xuất hiện và nói với đại chúng về pháp môn cao sâu của mười đại tam muội. Đây là mười thứ thần thông kỳ diệu. Bồ tát Phổ Hiền cũng nói về mười thứ pháp nhẫn và về việc Phật vì cởi mở sự trói buộc cho chúng sanh, nên răn dạy tâm sân hận hay làm chướng ngại trăm vạn pháp môn. Do đó cần phải siêng năng tu tập mười pháp, đủ mười thanh tịnh, mười trí rộng lớn, đắc mười thứ phổ nhập, trụ nơi mười tâm thắng diệu, được mười trí thiện xảo của Phật pháp.

- Hội thứ tám: Phật đang ở tại điện Phổ Quang Minh. Bồ tát Phổ Hiền nhập tam muội Phật Hoa Tạng Trang Nghiêm. Từ tam muội dậy, Bồ tát Phổ Huệ hỏi 200 vấn đề như: y chỉ của Bố tát, công hạnh của Bố tát, cho đến Phật thị hiện nhập diệt…Bồ tát Phổ Hiền dùng mười đáp một, phân biệt diễn nói 2000 pháp môn. Ngài dùng kệ tụng nói lại công hạnh tu hành của Bồ tát.

- Hội thứ chín: Phật ở rừng Thệ đa cùng với 500 vị Đại Bồ tát như Văn Thù, Phổ Hiền…Phật dùng đại bi nhập tam muội Sư Tử Tần Thân chiếu khắp mười phương thế giới trang nghiêm và mỗi thế giới có vô số Bố tát đến dự hội. Bồ tát Văn Thù và đại chúng giã từ Đức Phật để đi về phương Nam. Tôn giả Xá Lợi Phất cùng 6000 Tỳ Kheo cũng nhờ thần lực Phật phát tâm cùng đi về phương Nam. Sau cùng, có Thiện Tài Đồng Tử trong số 2000 người đến đánh lễ nghe pháp phát tâm cầu đạo Bồ đề. Văn Thù Sư lợi

Bồ tát chỉ dạy ngài đi tham học với 53 vị Thiện Tri Thức, từ Tỳ kheo Đức Vân đến Bồ tát Di Lặc, nghe nhận được vô số pháp môn cam lồ rộng lớn, sau cùng gặp Bồ tát Phổ Hiền. Từ sự khai thị của Phổ Hiền, ngài lần lượt đắc chư hạnh nguyện hải của Bồ tát Phổ Hiền. Cuối cùng ngài chứng nhập pháp giới. Kết thúc của hội là bài nói kệ của Bồ tát Phổ Hiền ca tụng công đức rộng lớn như biển cả của Phật.

Sau cùng, dựa theo tinh thần của kinh Hoa Nghiêm, chúng ta là những Phật tử thì phải phát Bồ đề tâm. Chúng ta học Bồ đề tâm của chính mình, không học bằng vọng thức. Có nghĩa là chúng ta phải tiếp nhận tinh hoa của giáo nghĩa bằng tâm hồn thanh tịnh chứ không phải chỉ dừng lại ở phân tích hay học hiểu theo văn tự hoặc ngôn từ. Nhưng muốn tiến tới giải thoát, chúng ta trước hết cần phải phát tâm vô lượng Bồ đề. Nhưng thế nào là phát Bồ đề Tâm? Kinh Hoa Nghiêm cũng giảng rõ ràng như sau:

“Phát Bồ đề Tâm là phát tâm đại bi, vì cứu khắp tất cả chúng sanh. Là phát tâm đại từ, vì giúp khắp cả tất cả thế gian. Là phát tâm an lạc, vì làm cho tất cả chúng sinh diệt mọi nỗi khổ. Là phát tâm lợi ích, vì làm cho tất cả chúng sinh lìa ác pháp. Phát tâm ai mẫn, vì có ai kinh sợ thì đều giữ gìn. Phát tâm vô ngại, vì rời bỏ tất cả chướng ngại. Phát tâm quảng đại, vì tất cả pháp giới đều đầy khắp. Phát tâm vô biên, vì khắp cõi hư không đều qua đến. Phát tâm rộng rãi, vì trí không trái với pháp tam thế. Phát tâm trí tuệ, vì vào khắp biển nhứt thiết trí huệ”.

Ngài Bồ tát Phổ Hiền tuyên thuyết trong kinh Hoa Nghiêm về Phẩm “Nhập

Bất Tư Nghị Giải Thoát Cảnh Giới Phổ Hiền Hạnh Nguyện: ”Thiện Nam Tử! trong các thứ cúng dường, Pháp cúng dường là hơn hết. Pháp cúng dường là: Tu hành đúng theo lời Phật dạy, chịu khổ thế cho chúng sanh, nhiếp thọ chúng sanh, siêng năng tu tập căn lành, không bỏ hạnh Bồ tát và chẳng rời tâm Bồ đề”. Vì thế để kết thúc kinh nên nhớ rằng: Trong trần thế dẫy đầy ngã chấp và ích kỷ nầy, thử nghĩ có cái gì quý đẹp thanh cao bằng hy sinh tất cả để trau dồi dời mình cho trong sạnh, hầu mưu cầu hạnh phúc cho tha nhơn?



Từ Ngữ Phật Học Trong: Giới Thiệu Kinh Hoa Nghiêm