Home > Khai Thị Phật Học > Gioi-Duoc-Phan-Thanh-Bon-Loai--Gioi-Phap-Gioi-The-Gioi-Hanh-Gioi-Tuong
Giới Được Phân Thành Bốn Loại Giới Pháp Giới Thể Giới Hạnh Giới Tướng
Đại Lão Hòa Thượng Hư Vân | Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch


Giới được phân thành bốn loại: Giới pháp, giới thể, giới hạnh, giới tướng.

A/ Giới pháp: Phật chế năm giới, tám giới cho ưu bà tắc và ưu bà di, chế sáu giới cho thức xoa ma noa, chế mười giới cho sa di và sa di ni, và chế giới cụ túc cho tỳ kheo và tỳ kheo ny. Năm chúng Bồ Tát xuất gia, thọ mười giới trọng, bốn mươi tám giới khinh. Hai chúng Bồ Tát tại gia, thọ sáu giới trọng, hai mươi tám giới khinh. Một trăm tám mươi bốn loại yết ma, ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, cùng vô lượng luật nghi, được gọi là giới pháp.

B/ Giới thể: Tức là lúc thọ giới, lãnh nạp giới pháp nơi thân tâm, khiến phát sanh một loại giới thể. Giới thể này, tuy phàm phu không thể nghe thấy biết đến, nhưng suốt đời hằng thường tương tục, có công năng phòng việc xấu ngưng việc ác. Được giới thể bậc ưu hay liệt, tùy theo sự phát tâm cao thấp trong lúc thọ giới. Người cầu giới, đầu tiên phải biết phát tâm. Phát tâm có ba phẩm vị thượng trung hạ.

Thứ nhất, phát tâm hạ phẩm, tức ngay lúc thọ giới, trí huệ mờ mịt, hạ liệt, thệ nguyện không rộng, hoặc tâm tán loạn, duyên cảnh không chu toàn. Tuy thủ trì giới tướng, nhưng không thể phát khởi công dụng của giới thể, tức phát tâm hạ phẩm, tức chỉ được giới thể hạ phẩm.

Thứ hai, phát tâm trung phẩm, tức ngay khi thọ giới, tâm duyên đến tất cả cảnh giới tình cùng vô tình. Song, tại những cảnh duyên này, có phát khởi phần đoạn các việc ác, phần tu các việc thiện, lại chỉ muốn tự giải thoát sanh tử, mà hoàn toàn không có thệ nguyện độ khắp chúng sanh, tức phát tâm trung phẩm, tức đắc giới thể bậc trung.

Thứ ba, phát tâm thượng phẩm, tức ngay nơi thọ giới, tâm tâm tương tục, thấy cảnh sáng trong thanh tịnh, duyên đến tất cả cảnh giới hữu tình lẫn vô tình. Ngay nơi cảnh duyên này, có thể quyết định phát đại thệ nguyện, tức nguyện đoạn tất cả ác, nguyện tu tất cả thiện, nguyện độ tất cả chúng sanh. Đó là phát tâm bậc thượng, tức đắc giới thể bậc thượng. Vì vậy, nếu muốn đắc được giới thể thượng phẩm, phải nên phát tâm thượng phẩm.

Do đó, trước khi thọ giới, phải khai mở tâm rộng rãi, kế đến lập chí cao viễn, thì khi thấy các tướng liền hiểu rõ. Nếu không chuẩn bị kỸ càng, chỉ mơ hồ về pháp tướng, thì làm sao đắc được giới thể thượng phẩm? Hoặc giả, hoàn toàn không phát khởi tâm cầu giới, chỉ được danh thọ giới trống rỗng, thật uổng công sức thọ giới, cùng lãng phí một đời tu. Quý vị hãy thận trọng lưu ý.

Cảnh duyên tuy nhiều, nhưng không ngoài hai loại hữu tình và vô tình. Cảnh duyên loài hữu tình tức là tất cả động vật có sanh mạng như loài người, cá, chim, trùng, thú, v.v... Cảnh duyên vô tình tức là tất cả loài không có sanh mạng như thực vật, khoáng vật, đất đai, núi sông, mặt trăng, mặt trời, tinh sao, cỏ cây, nhà cửa, dụng cụ, thuốc men, v.v...

Chúng sanh tạo nghiệp ác, do mê lầm cảnh duyên trước mắt, như vừa thấy tiền tài, liền khởi tâm muốn ăn cắp; vừa thấy sắc đẹp liền khởi niệm dâm dục. Song, nghiệp ác vốn do cảnh khởi, và nghiệp thiện cũng từ cảnh mà sanh. Cảnh là nơi nương tựa của sự chế giới, cũng chính là nền tảng căn bản phát khởi giới luật. Ví như giới cấm giết hại và dâm dục, do cảnh hữu tình phát khởi mà chế giới. Những giới này, cũng y theo cảnh mà sanh. Giới cấm ăn cắp và nói láo, do cảnh hữu tình và vô tình phát khởi mà chế giới. Thế nên, cảnh của rừng cây thâm thẩm đều là gốc của sự chế giới, và là nhân của sự phát khởi giới. Nếu hưng khởi được tâm từ quảng đại, duyên cảnh hữu tình và vô tình, rồi phát khởi ba thệ nguyện rộng lớn, tương ưng cùng giới pháp, lãnh nạp vào thân, hộ trì suốt đời, tức đắc giới thể thượng phẩm.

C/ Giới hạnh: Tức là sau khi đắc giới thể, trong cuộc sống hằng ngày, hành vi động tĩnh, ung dung tự tại, ngừng các việc ác, tu các điều thiện, thuận trì theo giới đã thọ, không vượt ngoài luật Tỳ Ni. Nơi pháp thế gian hay pháp xuất thế gian, cùng tất cả pháp môn tu hành, đều không vượt ngoài giới hạnh, lại chẳng rời tất cả ngoại hạnh, nên đặc biệt gọi là giới hạnh.

D/ Giới tướng: Tức là những giới do Phật chế. Nơi mỗi giới, có những phần thọ trì mà phạm và không phạm, lại có phân biệt nặng nhẹ và khai giá. Trì tức là thuận theo giới thể đã thọ mà lập danh, và được phân thành hai phần, chỉ trì cùng tác trì. Phạm tức là do vi phạm giới thể đã thọ mà lập danh, và được phân làm chỉ phạm cùng tác phạm.

Chỉ trì, tức là phương tiện chánh niệm, hộ trì giới thể đã thọ, ngăn ngừa cấm chỉ thân tâm, không tạo việc ác, nên gọi là chỉ. Chỉ mà không vi phạm, thuận theo giới đã thọ, khiến giới thể sáng trong tinh khiết, nên gọi là trì. Trì do chỉ mà thành, tức đối với các việc phi pháp ác nghiệp, không nên làm mà chẳng hề làm, đó là chỉ trì.

Tác trì, nghĩa là chuyên cần thúc liễm ba nghiệp thân miệng ý, tu tập giới hạnh, tức có việc thiện phát khởi thì phải hộ trì, nên gọi là tác. Tác đúng như pháp; thuận theo giới thể đã thọ, nên gọi là trì. Trì do tác mà thành, tức đối với những việc đúng như chánh pháp cùng nghiệp thiện, nên làm thì phải cố làm, đó là tác trì.

Chỉ phạm, tức do tâm ngu si giải đãi, ngã mạn, khiến hành ngược với giới thể đã thọ. Nơi các nghiệp thiện thù thắng, chẳng muốn tu học, nên gọi là chỉ. Chỉ mà có vi phạm, tức phản lại lời nguyện thọ giới, nghĩa là phạm. Phạm do chỉ mà thành, tức ngay nơi nghiệp thiện thù thắng phải nên làm mà không chịu làm, đó là chỉ phạm.

Tác phạm, tức là trong tâm đầy dẫy những chất độc tham sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Tâm kích thích thân miệng, tạo cảnh vi phạm luân lý, đó gọi là tác. Tác mà có vi phạm, tức ô nhiễm giới thể đã thọ, nên gọi là phạm. Phạm do tác mà thành, tức nơi nghiệp ác phi pháp không nên làm mà lại cố làm, đó là tác phạm.

Đối với những giới khinh trọng, khai giá trong tạng luật, quý vị phải nghiên cứu tu học kỸ càng. Hiện tại, không thể giảng thuyết tường tận. Những danh tự như thế, được gọi là giới tướng.

Bên trên, tuy phân làm bốn loại, nhưng thật ra chỉ là một. Chuyển phàm thành thánh, gọi là giới pháp. Tổng nhiếp nguồn tâm, gọi là giới thể. Tu tạo ba nghiệp, gọi là giới hạnh. Quán sát thấy khác mà phân biệt, gọi là giới tướng. Do pháp mà thành thể. Nhân thể mà khởi hạnh. Có hạnh tất y cứ vào tướng. Giới tướng tức là tướng của giới pháp, cũng là tướng của giới thể, và là tướng của giới hạnh. Pháp chẳng khác pháp, tức tướng là pháp. Thể chẳng khác thể, tức tổng tướng là thể. Hạnh chẳng khác hạnh, tức ngay nơi tướng mà thành hạnh.

Thế nên, người tu hành phải nghiên cứu tường tận giới tướng. Gọi là giới tướng, tức những tướng trì phạm mà trong luật đã nói rõ ràng. Những tướng trì phạm tuy nhiều, nhưng không ngoài tâm cảnh. Nghiệp ác do cảnh mà phát khởi, và không ngoài tâm mà thành. Giới thiện cũng không vượt ngoài cảnh mà phát, và không ngoài tâm mà sanh. Vì vậy, Nam Sơn luật sư Đạo Tuyên bảo:

- Trước khi chưa thọ giới, tội ác đầy khắp pháp giới. Nay muốn thọ giới, liền vượt qua cảnh ác, khởi thiện tâm. Đó là nhân phát khởi giới, khiến giới thể biến khắp pháp giới.

Thế nên, người đắc giới thể, tức vượt qua muôn duyên ác từ bao đời vô thủy, khiến đầy đủ giới thiện, chuyển hóa báo nghiệp khổ hữu lậu, trở thành pháp thân thanh tịnh. Quý vị phát tâm thọ giới, phải nên dụng tâm lành thiện.
 
Trích từ: Pháp Ngữ Của Thiền Sư Hư Vân