Tôn Giả Tu Bồ Ðề
Tỳ Kheo Thích Minh Tuệ (Sài Gòn 1991)


Subhuti Giải Không Ðệ Nhất

Qua 45 năm thuyết pháp, tùy theo căn cơ trình độ của chúng sinh Ðức Phật đã nói rất nhiều vấn đề. Từ những vấn đề đó sau khi Phật vào Niết Bàn, giáo đoàn chia thành nhiều bộ phái và có nhiều quan đIểm khác nhau, nhưng không ngoài hai phái chính yếu là Nam Tông và Bắc Tông. Nam tông theo hệ kinh Pali, Bắc Tông theo hệ kinh Sanskrit. Trung tâm và cơ bản của Bắc tông là Bát Nhã (Praijrà). Trung Quốc dịch là Tuệ, Trí tuệ, Không trí. Trí tuệ của Bát Nhã không phải là thế trí biện thông, mà là loại trí tuệ siêu thiện ác vô phân biệt. Trong bản chất trí tuệ nầy thanh tịnh và vắng lặng, trong suốt như hư không, cho nên gọi là không trí có nghĩa là trí tuệ hiểu về tánh không của các pháp, vì các pháp hiện tượng vốn là duyên sinh cho nên tự thể nó là không, thảy đều giả hữu, hết thảy đều vô ngã, sâu xa. Tánh này không thật sâu xa huyền diệu, ngôn thuyết không diễn tả hết, tâm tư cũng khó hiểu thấu, vì không mà có, có mà không, nói theo lý Bát Nhã là chân không diệu hữu. Khi Phật nói kinh Bát Nhã trong số 1.250 vị đại A La Hán nói chung, 10 đại đệ tử nói riêng, người thấu hiểu không trí hơn hết là Tu Bồ Ðề, bậc Giải Không Ðệ Nhất.

Danh Hiệu Tu Bồ Ðề

Trong các sách sử, các đệ tử Phật đều có ghi chép lịch sử hoặc nhiều hoặc ít, riêng Tu Bồ Ðề không có ghi chép về gia thế dòng họ. Tuy nhiên trong kinh đIển Bắc Tông có chép về truyền thuyết sự tích của Tu Bồ Ðề qua một vài chi tiết. Tôn giả chào đời ngay trong lúc gia đình như thiếu may mắn, tất cả tài sản vơi cạn, kho lẫm trống trơn một cách ngẫu nhiên. Cả nhà đều lo sợ, nhiều người cho là điềm lạ kéo đến quan sát luận bàn và cuối cùng đều quyết đoán đó là một điềm lành, ngày sau đứa bé sẽ trở thành một nhân vật phi thường. Dựa theo sự quyết đoán của số đông, bà mẹ đặt tên cho đứa bé là Tu Bồ Ðề (Subhuti), có nghĩa là không sanh hay Thiện Cát (tốt lành), hay Thiện hiện (hiện điềm tốt). Quả thật về sau gia đình gặp nhiều điều may mắn, trở lại giàu có, tiền của tràn đầy kho lẫm. Tuy tuổi còn nhỏ Tu Bồ Ðề không mấy thiết tha với tài lợi, cha mẹ cho bất cứ một vật gì Tu Bồ Ðề đem bố thí hết cho người thiếu thốn. Với trí thông minh xét thấy muôn vật đều hư giả, trống không, tự thể cũng mất khả năng chủ động, bởi thế khi gặp Ðức Phật Tu Bồ Ðề liền xin xuất gia.

Ðạo Nghiệp Của Tu Bồ Ðề

Khất thực nhà giàu

Vì sẵn có từ tâm hay thương người nghèo khó, từ hồi còn nhỏ ở với cha mẹ Tu Bồ Ðề thường đem của cải ban bố cho người. Nhiều lần bị cha mẹ rầy la, Ngài vẫn không từ bỏ hạnh bố thí. Bởi thế sau khi theo Phật mỗi sáng đi khất thực, Tôn giả không nỡ dừng buớc trước cửa những ngôi nhà lụp xụp xơ xác, có vẻ nghèo nàn, dù xa đến đâu Ngài cũng đến khất thực những gia đình giàu có. Với phong cách khất thực của Tôn giả, các đệ tử của Phật cho là khác thường và chẳng rõ vì sao? Bởi theo pháp hành hóa của Phật, Tỳ kheo phải tuần tự khất thực trước mỗi nhà dù nghèo hay là giàu đều phải dừng bước để cho người gieo giống phước điền. Ðằng này mỗi sáng ra khỏi Tinh Xá Tôn giả tách đoàn đi riêng và tránh xa nhà nghèo, dù đôi lúc phải mang bát không về, chịu đói. Có người hỏi lý do, Ngài giải thích:

Khất phú hay khất bần cũng đều vì lợi ích chúng sanh cả, nhưng khất người nghèo là tước đoạt phần ăn của họ, vả lại nếu không có vật thực để cúng dường người nghèo có thể sinh buồn tủi, thế là vô tình đã gieo ưu sầu cho người.

Trong chúng đệ tử Phật ngược với Tu Bồ Ðề, có Ngài Ma Ha Ca Diếp lại chỉ khất thực nhà nghèo, tránh xa nhà giàu. Vì theo Ca Diếp người giàu đã có thừa phước báu khỏi cần đem phước báu lại cho họ, người nghèo mới cần đem gieo trồng phước báu, để mai sau khỏi bị nghèo túng. Bởi thế người xuất gia cần đem ruộng phước đến cho người gieo giống phước đức.

Thái độ của hai Ngài đã trở thành hai thái cực, nên đã bị Ðức Phật quở trách. Theo Phật con người cần giữ tâm quân bình, không được phân biệt, thiên kiến. Người đứng lằn ranh này tất phải đối đầu với lằn ranh kia, cuộc đời vì có đối kháng mà tương tranh, mất bình đẳng gây nên nhiều thảm họa. Ðức Phật đi xuất gia vì muốn san bằng cuộc sống bất công, từ đó giáo pháp của Phật hàm chứa tinh thần hòa đồng, không phân chia ranh giới, kể cả giàu và nghèo. Phép khất thực chân chính là không phân chia giàu nghèo, sang hèn, Tỳ kheo cần giữ oai nghi nghiêm túc, thứ lớp khất thực. Với đức tính trống rỗng sẵn có, Tu Bồ Ðề dễ dàng thuận theo lời Phật dạy, khi đi khất thực không còn phân chia giàu nghèo, đem phước điền đến cho tất cả mọi người.

Tu Bồ Ðề Ðón Phật

Trong hàng Thánh chúng, Tu Bồ Ðề dùng trí quán chiếu soi thấy tánh không của các pháp, thể chứng lý không, từ đó Tôn giả thưòng nói lý không và các oai nghi tế hạnh đều biểu thị lý không. Tương truyền một hôm, tại động Kỳ Xà Quật trên núi Linh Thứu, trong lúc đang vá áo, Tôn giả dùng trí quán chiếu biết Ðức Phật du hóa phương xa sắp trở về. Tôn giả ngưng việc vá áo định đi đón Phật nhưng liền nghĩ rằng: Phật là bậc vô ngã, pháp thân không tịch vắng lặng, ngã và ngã sở đều không, tuyệt dứt đối đãi. Phật đã từng nói không ngã, không nhơn, không chúng sanh, không thọ giả, các pháp rỗng lặng pháp tánh biến khắp không gian và thời gian. Pháp thân Phật ở đâu mà chẳng có, vì thế ta đi đón Phật có thể bị Phật quở trách là người hành tà đạo. Trong hội Bát Nhã Ðức Phật đã nói:

Nếu lấy sắc thấy ta, lấy âm thanh cầu ta, đó là người tà đạo, không thể thấy Như Lai.

Sau khi suy nghĩ, Tôn giả ngồi vá áo một cách bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Lúc bấy giờ trên đường trở về Phật được Tăng đoàn và đông đảo quần chúng chuẩn bị đón tiếp vô cùng trang trọng. Trong số đó có Tỳ kheo ni Liên Hoa Sắc, vị chứng thần thông đệ nhất bên nữ, vận dụng thần thông để đón Phật trước nhất. Khi gặp Phật Liên Hoa Sắc đảnh lễ và bạch Phật:

Bạch Ðức Thế Tôn! Nhờ có phép thần thông con hay tin Thế Tôn về và đến đây chờ đảnh lễ Thế Tôn trước hơn ai hết.

Trước nét hân hoan của Liên Hoa Sắc, Phật mỉm cười từ tốn nói rằng:

Liên Hoa Sắc! Người nghinh đón ta trước tiên chẳng phải là ngươi.

Nhìn bốn phía chẳng thấy ai, tất cả đều còn ở sau xa, với vẻ hoài nghi bàng hoàng, Liên Hoa Sắc quỳ thưa:

Bạch Ðức Thế Tôn! Con vận dụng sức thần thông khi đến đây chẳng thấy có ai cả. Thế ai là người đón Ðức Thế Tôn trước con?

Trong lúc Liên Hoa Sắc vừa chấm dứt câu hỏi, Ca Diếp và Tăng đoàn từ từ tiến đến. Ðợi chúng Tăng quy tụ đông đảo, Phật mỉm cười nói với tất cả mà cũng để trả lời cho Liên Hoa Sắc, Phật nói:

Này các Tỳ kheo! Ta cám ơn tất cả, các ông đã không quản xa xôi để đến đây đón ta, nhưng người gặp ta trước tiên chính là Tu Bồ Ðề. HIện giờ tại núi Kỳ Xà Quật, Tu Bồ Ðề đang chiếu quán tánh không của các pháp. Người thấy thể tánh rỗng lặng như như bất động, chính là người trực tiếp nghinh đón ta trước nhất. Chúng đệ tử kể cả Liên Hoa Sắc, nghe Phật nói mới thấu rõ tướng của các pháp là hư vọng như chiêm bao, ảo thuật, bóng nước, ảnh tượng, sương mai, điện chớp. Thể tính các pháp là pháp không tịnh, ly ngã, nhơn, chúng sinh, thọ giả, Tu Bồ Ðề đã thấu rõ chân lý đó nên Tôn giả là người đón Ðức Thế Tôn trước hơn ai hết. Tôn giả xứng đáng là vị Giải Không Ðệ Nhất trong hàng Thánh chúng.

Tu Bồ Ðề Xương Minh Lý Không

Một hôm tại hội Bát Nhã, trước 1.250 vị Tỳ kheo, hướng về Tu Bồ Ðề, Phật nói:

Tu Bồ Ðề! Ông có biện tài thể hội sâu xa đạo lý chân không, giờ này trước đại chúng ông hãy thuyết về không lý Bát Nhã cho tất cả cùng nghe. Nghe Phật dạy Tu Bồ Ðề, đại chúng đều không rõ Tu Bồ Ðề sẽ dựa vào biện tài của tự thân hay nhờ oai lực của Phật để nói lý chơn không của Bát Nhã? Rõ biết tâm lý đại chúng Tu Bồ Ðề rào đón nói rằng:

Thưa đại chúng! Muốn tỏ lòng cung kính Phật là phải vâng mệnh lệnh của Phật, tôi vốn biết sức mình có hạn, trí tuệ biện tài còn non, nếu không nương sức oai lực của Phật tôi phải thúc thủ. Chân lý của Phật nói thật là sâu xa huyền diệu, như chúng ta đã biết muôn sự, muôn vật, nói khác hơn là các pháp đều do nhân duyên mà sanh khởi, cho nên các pháp là không thực thể, không tự chủ, thực tướng các pháp là chân không diệu hữu. Trong hội Bát Nhã Ðức Phật nói: - Sắc tức là không, không tức là sắc, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, thọ tưởng hành thức cũng giống như vậy.

Cái có của các pháp là giả danh, không có thật, bởi thế các pháp chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng thường, chẳng đoạn, chẳng dị, chẳng lai, chẳng xuất. Các pháp vốn không tướng cho nên đâu còn tướng sanh, diệt, sạch, dơ, thêm, bớt. Rồi từ đó lục căn, lục trần, lục thức, lục nhập, thập nhị xứ, thập bát giới, không vô minh diệt, cũng không vô minh tận. Ðã là giả danh cho nên không những sinh, lão, bệnh, tử, khổ, tập, diệt, đạo đã không mà không luôn cả trí và cái sở đắc, kể luôn cả cái tâm.

Phật nói: Các tâm đều là phi tâm, thế mới gọi là tâm, tâm quá khứ, hiện tại và vị lai

đều không nhận được. Các pháp vốn không nên không có chủ thể, gọi là vô ngã, vì ngã cũng là giả danh. Có ly tất cả mới đạt trung đạo, mới thật đạt tướng Niết Bàn tịch diệt vắng lặng.

Trong giáo đoàn của Phật, chỉ có Tôn Giả Tu Bồ Ðề nhận thức sâu sắc về không tánh của các pháp, hiểu thấu đáo không lý và thật chứng không trí, bởi thế Ngài được tôn xưng là bậc Giải Không đệ nhất.

Nhận Thức và Kết Luận

Khi còn tại thế lúc nói Kinh Bát Nhã, Ðức Phật xương minh lý tính chân không diệu hữu của các pháp duyên sinh, Tôn giả được thừa nhận là bậc đã chứng đắc về không trí và không lý. Mãi đến hơn 600 năm sau, với luận lý Bát Nhã Bồ Tát Long Thọ mới triển khai thành giáo nghĩa Bát Nhã, xây dựng thế giới quan chân không diệu hữu của giáo hệ Bắc Tông qua con đường trung đạo. Hiện nay trong Ðại Tạng chữ Hán có đến 720 quyển kinh thuộc về hệ Bát Nhã. Từ xưa đầu mối của giáo hệ Bắc Tông, kinh Bát Nhã là nguồn mạch, nếu không có kinh Bát Nhã thuyết lý chân không diệu hữu thì các trào lưu tư tưởng thuộc hệ Bắc Tông không thể hình thành và tồn tại đến ngày nay. Bởi thế chúng ta có thể nói: Tôn Giả Tu Bồ Ðề là vị Tổ đầu tiên của phái Bắc Tông và cả Bát Nhã Tông. Ngài là bậc đã tu quán bằng không trí Bát Nhã.

Với lý duyên sinh, các pháp trùng trùng duyên khởi liên hệ với nhau chằng chịt. Tương truyền khi Tôn giả mới sinh chính là lúc tài sản gia đình hết sạch, kho lẫm trống trơn, không phải là vấn đề hoang đường, duy lý hay duy tâm. Phật giáo không duy gì hết, Ðức Phật chỉ thuyết minh cái thực tại của các pháp để giúp con người hiểu, tu chứng giải thoát. Thực tại là như vậy, ta không nên rơi vào bất cứ cái duy nào, với lý duyên sinh cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không... cái này tạo thuận duyên cho cái kia sinh cái này tạo nghịch duyên cho cái kia hoại diệt. Ðó là Tăng thượng duyên (thuận và nghịch), một trong 4 duyên (nhân duyên, sở nhân duyên, đẳng vô gián duyên và tăng thượng duyên). Con người có nhiều ảnh hưởng chi phối sự vật chung quanh và ngược lại. Bởi thế tài sản trong kho lẫm của gia đình Tu Bồ Ðề có thể liên hệ hữu cơ với tính giải không của Tu Bồ Ðề.

Trong gia đình hay ngoài xã hội cũng thế, cụ thể dễ nhận hơn như trong một gia đình, phòng ốc nhà cửa vườn tược, tươm tất sạch sẽ xanh tươi biểu thị cho người trong gia đình mang tính sạch sẽ tươm tất, cần cù siêng năng... là một gia đình đang thịnh, nguợc lại là biểu thị một gia đình đang suy. Ðể nói lên sự thịnh suy của một gia đình, phong dao Việt Nam có câu: "Ngày xem tre, đêm nghe chó sủa" có nghĩa là: nếu thấy tre vườn xanh tươi, chó sủa hùng mạnh thì biết là gia đình hiện hữu trong đó đang thịnh, ngược lại là biểu thị cho sự suy tàn. Trong một quốc gia, xã hội, nếu mọi người mang tính thiện: "cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư", quốc gia đó nhất định đang trên đà giàu mạnh, mọi sự kiện trong đời đều liên hệ hữu cơ với nhau thật chặt chẽ. Nhìn chung qua cuộc đời và đạo nghiệp của Tôn Giả Tu Bồ Ðề, có hai điểm đáng cho chúng ta noi gương:

Hạnh bố thí.

Trí giải không.

Hai điểm đó lại tương quan với nhau. Nhờ thấu rõ tánh không của các pháp duyên sinh là không, là giả danh, là vô ngã, Tu Bồ Ðề mới không ích kỷ, tham lam, chấp ngã, luôn đem của cải bố thí cho người nghèo thiếu. Lại nhờ xả ly, bố thí, Ngài mới thực sự biểu thị cho sự tu chứng tánh không của các pháp, để trở thành bậc Giải Không Ðệ Nhất trong hàng Thánh chúng.