Tôn Giả Mục Kiền Liên (Maudgalyayana Moggallana)
Đại Lão Hòa Thượng Thích Tinh Vân | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch


1.- NGƯỜI HẦU CẬN BUỔI ĐẦU CỦA ĐỨC PHẬT:

Ngày nay, mỗi khi bước vào chánh điện của các chùa, viện, chúng ta thường thấy trên bàn thờ trung ương, tượng đức Phật Thích Ca (Sakya) ngự trên tòa sen ngay chính giữa, còn đứng hầu hai bên đức Phật thì bên phải là tượng tôn giả A Nan (Ananda) và bên trái là tượng tôn giả Đại Ca Diếp (Mahakasyapa Maha kassapa); nhưng trong những năm đầu hoằng hóa của đức Phật thì không phải như vậy.

Xá Lợi Phất (Sariputra Sariputta) và Mục Kiền Liên đã xuất gia theo Phật ngay trong thời gian hai năm đầu tiên sau ngày Phật thành đạo. Từ ngày qui y theo Phật, Xá Lợi Phất luôn luôn đứng hầu bên phải đức Phật, và Mục Kiền Liên thì hầu bên trái. Ngoại trừ những lúc phải đi du phương bố giáo, còn thì không lúc nào họ rời đức Phật.

Xá Lợi Phất xuất gia được nửa tháng, đã dứt trừ mọi phiền não, nhưng Mục Kiền Liên thì chỉ bảy ngày sau khi xuất gia là dứt hết mọi lậu hoặc, hiển lộ thần thông, chứng quả A la hán.

Tôn giả Mục Kiền Liên, người cao lớn, mặt vuông, tai to, nét mặt luôn luôn lộ vẻ cương nghị, lạc quan, tính tình dũng cảm, lúc nào cũng vì chính nghĩa mà can thiệp những chuyện bất bình.

Trong giáo đoàn của đức Phật, số người chứng được thần thông có rất nhiều, nhưng chỉ có Mục Kiền Liên được suy tôn là vị có thần thông rộng lớn nhất.

2.- NGUYỆN CHỨNG THẦN THÔNG:

Vì sao tôn giả Mục Kiền Liên có được thần thông như vậy? Điều đó có liên quan tới câu chuyện của một tiền kiếp của tôn giả như sau:

Trong một kiếp thời quá khứ, Mục Kiền Liên làm nghê chài lưới, thường bắt tôm cá ở biển làm kế sinh nhai. Một hôm, bỗng nhiên tâm niệm lành phát khởi, ông tự biết rằng, sinh nhai bằng cách đó thật không chánh đáng, người sống ở đời này phải biết tạo công đức cho đời sau. Ông bèn quyết định thay đổi nghề nghiệp. Sau đó không bao lâu, ông để ý thấy có một đức Phật Bích Chi thường lui tới trong thành phố. Phong độ an nhiên, oai đức tự tại của Phật đã làm cho ông sinh tâm cung kính. Một hôm, ông thỉnh Ngài về nhà để cúng dường cơm trưa. Nguyên đức Phật Bích Chi này không hề dùng pháp thoại mà chỉ sử dụng thần thông để hóa độ, cho nên sau khi thọ trai xong, Ngài bèn nhảy lên hư không, hoặc trái hoặc phải, hoặc trước hoặc sau, hoặc trên hoặc dưới tùy theo ý muốn. Ông thấy thế rất lấy làm thích thú, bèn phát nguyện kiếp sau thế nào cũng cầu tu chứng được thần thông.

Có ý chí thì sẽ thành công. Tôn giả Mục Kiền Liên, do sự phát nguyện ấy mà trong đời này được qui y với đức Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni), đã chứng thần thông mà lại còn được coi là bậc thần thông số một trong hàng cao đệ của Phật.

3.- BẮC CẦU ĐƯA PHẬT QUA SÔNG:

Nói về thần thông của Mục Kiền Liên thì tai nghe âm thanh, dù âm thanh ở gần hay ở thật xa cũng đều nghe rõ ràng; mắt nhìn vật thì dù vật có bị che khuất cũng nhìn thấy thấu suốt; đường đi dù xa vạn dặm, nhưng chỉ trong một khoảnh khắc là đi tới nơi ... Tôn giả thường dùng thần thông ấy để giúp đức Phật trong việc hành hóa.

Có một lần dân chúng trong toàn thành Xá Vệ (Sravasti Savatthi) họp nhau bày tiệc cúng dường cho toàn thể quí vị đạo sĩ của 96 giáo phái khác nhau. Họ cũng mời cả vua Ba Tư Nặc (Prasenajit Pasenadi), thái tử và các vị đại thần trong triều cùng tham dự. Tiệc được dọn trên một quảng trường rộng lớn bên kia bờ sông A Kì. Hôm dó, Mục Kiền Liên là người thượng khách đến đầu tiên. Một lát sau, đồ chúng của các giáo phái khác cũng lần lượt tụ tập; nhưng vào lúc ấy bỗng nước sông dâng cao, làm cho họ không thể lội qua sông được. Họ bảo nhau: “Nước sông hôm nay bỗng nhiên dâng cao, chúng ta, không làm sao sang thọ thực được. Thôi thì hãy cố đợi chốc nữa sa môn Cồ Đàm (Gautama Gotama) đến xem có cách nào không ...” Đúng vào lúc ấy, Mục Kiền Liên vừa trông thấy đức Phật dẫn chúng tăng đang đi tới từ đằng xa. Tôn giả bèn dùng thần lực hóa ra một cây cầu bắc qua sông để đức Phật và chúng tăng có thể đi qua. Vừa thấy có cây cầu bỗng dưng xuất hiện, chúng tu sĩ ngoại đạo kia vô cùng hớn hở, lại bảo nhau: “Ông sa môn ấy chắc là tới trễ rồi! Trời đã làm cầu giúp chúng ta qua sông trước. Chúng ta phải là thượng khách của bữa tiệc này. Chúng ta phải được ngồi ở chỗ tốt nhất ...” Vừa nói, họ tranh nhau qua cầu, nhưng khi đến giữa cầu thì bỗng nghe “rầm” một tiếng, cây cầu đã gãy. Mọi người rớt cả xuống nước, tiếng la kêu cứu thất thanh, chấn động cả một vùng. Khi ấy đức Phật và chúng tăng cũng vừa đến bờ sông, chiếc cầu lại hiện ra như trước. Phật và chúng tăng cùng bước lên cầu. Thấy tình trạng những người dưới sông có thể bị nguy hiểm, đức Phật thương cảm, bèn vận dụng thần lực cứu hết mọi người lên cầu và cùng họ sang sông. Khi đã tới bờ, ai nấy nhìn lại thì chiếc cầu đã biến mất. Khi Phật và chúng tăng đã an tọa thọ thực thì các chúng tu sĩ ngoại đạo vẫn còn đang hong phơi y phục dưới ánh nắng mặt trời buổi trưa. Nhân đó mà họ đã tự tỉnh ngộ, biết rằng mình chỉ như cái ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn dầu, không thể nào so sánh với ánh sáng tỏ rạng như mặt trời của Phật và tăng chúng.

4.- CÙNG PHẬT TƯƠNG KIẾN TRONG THIỀN ĐỊNH:

Một lần nọ, đức Phật trú tại tu viện Kì Viên (Jetavana) ở thành Xá Vệ, còn Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên thì trú tại tu viện Trúc Lâm (Venuvana) ở thành Vương Xá (Rajagrha Rajagaha). Hai vị cùng thiền tọa trong một tịnh thất.

Đêm ấy là một đêm vô cùng yên tĩnh. Bên ngoài thiền thất, ánh trăng giăng tỏa mông lung; bên trong thì chỉ một ngọn đèn dầu loe lét. Không hề có một tiếng động.

Đầu hôm đã qua đi. Giữa đêm cũng qua đi. Đến cuối đêm, bỗng Xá Lợi Phất lên tiếng phá tan cái không khí yên tĩnh đó. Tôn giả hỏi:

- Này sư huynh Mục Kiền Liên! Xin thứ lỗi cho tôi được đường đột hỏi câu này nhé; Có phải suốt đêm nay sư huynh an trú trong chánh định không?

- Tại sao sư huynh lại hỏi tôi như vậy? Mục Kiền Liên nho nhỏ hỏi lại.

Tại vì tôi không nghe thấy hơi thở của sư huynh. Sư huynh cũng không hề trở mình hay có bất cứ một cử động nhẹ nào. Trong phòng hầu như đã không có sư huynh trong suốt thời gian từ đầu hôm tới giờ.

- Thì ra vậy! Đêm nay vì sực nghĩ đến vấn đề chuyên cần tinh tấn trong sự tu học nên tôi đã tức tốc đến xin đức Thế Tôn chỉ dạy. Suốt đêm tôi đã ở bên Người để hầu chuyện.

Sư huynh nói thật khó hiểu. Hiện giờ đức Thé Tôn ở tại Kì Viên nơi phương Bắc, còn chúng ta thì đang ở Trúc Lâm nơi phương Nam, hai nơi cách nhau quá xa, làm sao sư huynh có thể vừa ở đây vừa ở nơi Người để hầu chuyện! Hay là sư huynh đã dùng thần túc thông để đến với Người, hoặc giả là Người đã dùng thần túc thông đến nơi đây?

- Không đâu! Đức Thế Tôn và tôi đều không dùng thần túc thông để đi đâu cả.

Vậy thì sư huynh đến hầu chuyện đức Thế Tôn bằng cách gì?

Sư huynh Xá Lợi Phất ạ! Điều này chẳng có gì là lạ lùng cả. Đức Thế Tôn có thiên nhãn thông và thiên nhĩ thông. Những thứ thần thông này sư huynh và tôi cũng đã chứng được chút ít rồi đó. Bây giờ chỉ cần gia công vận dụng là chúng ta có thể được cùng hầu chuyện với Người bất cứ ở đâu và lúc nào.

Xá Lợi Phất không phải là không biết điều đó, nhưng chỉ vì tôn giả thường hay lấy thái độ khiêm cung để đối xử với mọi người mà thôi. Khi nghe Mục Kiền Liên nói thế, tôn giả hết sức hoan hỉ khen ngợi:

Sư huynh có thần thông rộng lớn, công đức cao dầy. Tôi được cùng sư huynh tu học, cùng thờ một thầy, thật là vinh hạnh vô cùng. Sư huynh sách như ngọn núi cao, nguy nga đồ sộ, còn tôi như hòn đá nhỏ được đặt bên cạnh sư huynh, thật là cái nhân duyên khó gặp. Trên thế gian này, nếu có người nào được quen biết và tới lui gần gũi, được cung kính cúng dường sư huynh, thì người ấy nhất định sẽ có phước lành rất lớn!

Nghe Xá Lợi Phất nói vậy, Mục Kiền Liên cũng khiêm cung đáp lại:

- Tôi cũng vậy. Ngày nay tôi được cùng ngồi một chỗ với vị trưởng lão phước trí vẹn toàn Xá Lợi Phất, cũng ví như hòn đá nhỏ mà được đặt bên cạnh ngọn núi cao, tôi cảm thấy được yên ổn, phấn khởi và vinh hạnh vô cùng!

Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất là hai người bạn học vừa là bạn đạo đã lâu năm. Họ tộn kính nhau, khen ngợi nhau từ đầu đến cuối, tình bạn và tình đạo khắng khít trên đời hiếm có.

5.- AI THẦN THÔNG BẬC NHẤT:

Người bạn lâu năm của Mục Kiền Liên là Xá Lợi Phất không những là người có đại trí tuệ mà còn là người có đại thần thông. Khi làm giám đốc công trường xây cất tu viện Kì Viên ở thành Xá Vệ, tôn giả đã từng vận dụng 18 phép thần thông để tranh tài và đã thắng các nhà thủ lãnh ngoại đạo. Vì vậy, đối với dân chúng thành Xá Vệ, tôn giả được biết tới như một người vừa có trí tuệ lớn và vừa có thần thông lớn.

Một lần nọ, đúng vào ngày Rằm, đức Phật thuyết giới cho chư tăng bên hồ A Nậu Đạt. Thấy thiếu Xá Lợi Phất, Phật bảo Mục Kiền Liên:

- Thầy hãy đến thành Xá Vệ mời thầy Xá Lợi Phất về đây.

Đức Thế Tôn mời sư huynh đến hồ A Nậu Đạt, chỗ Người sắp thuyết giới.

Xá Lợi Phất đáp:

- Xin cám ơn sư huynh đã đem mệnh lệnh lại cho tôi. Một chốc nữa chúng ta cùng đi. Bây giờ chúng ta cùng chơi trò này một tí nhé!

- Chơi trò gì vậy?

- Này, sư huynh! Sư huynh là một vị trưởng lão có thần thông lớn. Vậy đây là một cái dải áo, sin sư huynh hãy kết nó thành một cây diêm phù đề!

Xá Lợi Phất nói xong liền ném cái dải áo xuống đất. Mục Kiền Liên lượm lên nhưng không thể nào lay động nó được. Mục Kiền Liên phải vận dụng đến thần thông, và khi lấy được cái dải áo thì đã làm cho mặt đất rung động. Xá Lợi Phất bèn giật cái dải áo đem cột vào núi Tu Di, Mục Kiền Liên cũng nhanh nhẹn dở hỗng núi Tu Di lên. Xá Lợi Phất lại đem dải áo cột vào pháp tòa của đức Phật, và lần này, dù Mục Kiền Liên đã đem hết thần lực ra cũng không thể nào lay chuyển được cái pháp tòa ấy. Xá Lợi Phất cười, nói với Mục Kiền Liên:

- Sư huynh! Những điều chúng ta học được và tu chứng được, nếu đem so sánh với đức Thế Tôn vạn đức vạn năng thì thật cách xa một trời một vực. Thần lực của chúng ta có thể lay chuyển núi Tu Di, làm rung động trời đất, nhưng với cái pháp tòa của Người thì không thể làm cho nhúc nhích được. Hôm nay vì tôi nghi ngờ với chính thần lực của tôi cho nên tôi đã mời sư huynh thử nghiệm để xem có đúng như vậy không. Thôi bây giờ chúng ta hãy mau mau đi bái kiến Người. Xin sư huynh đi trước, tôi sẽ theo sau liền.

Nghe mấy lời của Xá Lợi Phất. Mục Kiền Liên rất lấy làm kính phục. Sau khi gật đầu với Xá Lợi Phất, tôn giả liền vận dụng thần túc thông trở về hồ A Nậu Đạt. Nhưng khi tôn giả về đến nơi thì đã thấy Xá Lợi Phất tự lúc nào rồi! Tôn giả đảnh lễ đức Phật và bày tỏ nổi thắc mắc, thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn! Có lẽ con đã mất thần túc thông rồi hay sao? Từ tu viện Kì Viên về đây, con đã đi trước sư huynh con, sao bây giờ sư huynh con lại đến trước con? Thế Tôn thường bảo rằng con là người có thần thông bậc nhất, nhưng tôn hiệu ấy bây giờ nên dùng cho sư huynh con thì đúng hơn.

Đức Phật từ hòa an ủi:

- Thầy Mục Kiền Liên! Thầy là người có thần thông lớn, trừ Như Lai ra, không ai có thể so sánh được. Thầy cũng không hề mất thần túc thông. Thầy nên biết rằng, thầy Xá Lợi Phất chỉ là người có trí tuệ lớn.

Sau khi thuyết giới ở hồ Na Nậu Đạt, đức Phật dẫn chúng tăng trở về thành Xá Vệ. Đại chúng ở thành Xá Vệ, sau khi biết được câu chuyện trên đều xôn xao bàn tán, cho rằng thần thông của Xá Lợi Phất trội hơn Mục Kiền Liên. Nghe lời bình phẩm ấy của mọi người mà Mục Kiền Liên không hề cảm thấy bất mãn. Với tấm lòng khoáng đạt, khiêm cung, tôn giả biết rằng Xá Lợi Phất đã vượt trội hơn mình. Nghe đại chúng khen ngợi Xá Lợi Phất, tôn giả cũng cảm thấy rất vinh hạnh như chính mình được khen ngợi. Nhưng riêng Xá Lợi Phất thì lại cảm thấy không yên lòng. Tôn giả cho rằng sự việc vừa rồi đã làm cho Mục Kiền Liên mất thể diện. Tôn giả liền bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Sư huynh Mục Kiền Liên con là người có thần lực lớn, có công hạnh lớn. Vừa rồi con đã đến hồ A Nậu Đạt sớm hơn là tại vì con quá vội muốn nghe Thế Tôn thuyết giới, còn sư huynh con thì tuy có vận dụng thần lực nhưng lại không muốn vội vàng. Hiện giờ đại chúng đều xôn xao bàn tán, biết rằng thần lực của con vượt trội hơn sư huynh con; điều đó con không dám nhận. Xin Thế Tôn dùng cách nào để xóa bỏ lời bình phẩm không công bằng của đại chúng đi.

Đức Phật mỉm cười gật đầu. Ngài biết hai người này đều vô cùng khiêm tốn, yêu bạn. Một hôm, sau thời giảng kinh, Phật bảo Mục Kiền Liên:

- Này thầy Mục Kiền Liên! Thầy là người có thần thông lớn, trong đại chúng không ai có thể so sánh được. Thầy cũng không hề mất thần túc thông. Bây giờ ở trước đại chúng, thầy hãy diễn bày oai lực thần thông để gây lòng tin cho những kẻ sơ học.

Mục Kiền Liên vâng lời Phật dạy, bước ra khỏi chỗ ngồi, một chân thì đạp trên trái đất này, một chân thì đạp trên cõi trời Phạm Thiên, làm cho cõi đất chấn động sáu lần. Tôn giả lại từ không trung dùng Phạm âm để nói kệ, khiến cho chu vị tì kheo có mặt trong giảng đường trừ hết lậu hoặc, trí tuệ bừng sáng. Từ đó, mọi người đều tôn xưng tôn giả là người có thần thông bậc nhất.

6.- DỜI NÚI HÓA ĐỘ CÁC VỊ PHẠM CHÍ:

Thời đức Phật còn tại thế, tại Ấn Độ, số tu sĩ ngoại đạo, chứng được thần thông cũng không phải là ít, nhưng rất tiếc là họ không giác ngộ được chân lí rốt ráo, không tu các đức hạnh từ bi, trí tuệ, cho nên họ đã không thoát được vòng sinh tử mà vẫn bị trầm luân trong sáu nẻo luân hồi. Đối với quí vị ngoại đạo có thần thông này, để lấy độc trị độc, đức Phật thường bảo Mục Kiền Liên dùng thần thông để hóa độ cho họ. Một hôm Ngài bảo:

- Này Mục Kiền Liên! Tại một vương quốc lớn kia ở vùng biên giới, từ vua quan cho đến dân chúng đều tôn phụng các vị phạm chí mà không hề biết Phật pháp. Rất nhiều các vị phạm chí ở đó đã chứng được thần thông, có thể dời núi, ngăn sông, phân thân, biến hóa. Thầy nên đến đó, tùy tiện mà dùng oai đức hoặc thần lực để điều phục họ, khiến họ tin phục Phật pháp, bỏ con đường tà để trở về nẻo chánh.

Tôn giả vâng mạng, bay lên hư không mà đi. Đến nơi, tôn giả thấy rất nhiều vị phạm chí đang ngồi vòng quanh một quả núi lớn. Xem tình hình thì có vẻ như họ đang vận dụng thần lực để di chuyển quả núi ấy. Tôn giả bèn treo cáo quả núi ấy lên hư không và làm cho nó không thể nào di động được nữa. Chúng ngoại đạo rất lấy làm kinh dị, một vị bảo: “Quả núi này đã nhích lên được rồi, sao ai lại làm cho nó bị bất động như thế này! Hay là trong chúng ta có người nào bất tịnh chăng?” Bỗng họ nhìn lên không trung thì thấy có người đang đứng giữa hư không, ngay trên đỉnh núi. Họ bèn lớn tiếng cự nự:

- Ông là ai, sao dám tới đây buông lung? Quả núi này làm cản trở lưu thông, quốc vương sai chúng tôi dời nó đi chỗ khác. Đó là chúng tôi vì dân chúng mà trừ đi việc bất lợi, sao ông lại đè chặt không cho nó di chuyển?

Mục Kiền Liên cười đáp:

Rõ ràng là tôi đang đứng giữa hư không đây, sao quí vị lại bảo tôi đè chặt quả núi của quí vị?

Các vị phạm chí lại gia tăng phát động thần lực, đã ba lần cố đẩy quả núi đi, nhưng núi cao vẫn y nhiên bất động, Trong lúc họ đang lo lắng không biết làm cách nào thì tôn giả gọi họ, bảo:

- Này! Xin quí vị hãy chú ý, xem quả núi này đi mất nhé!

Tôn giả vừa nói xong thì cả quả núi cao đồ sộ kia bỗng biến đi đâu mất, trước mặt họ chỉ còn là bình địa. Họ thấy thế thì lại càng kinh dị, chỉ biết cúi đầu nói lớn:

- Thưa đại đức! Đại đức từ đâu đến? Nếu không phải là bậc có trí tuệ cao cả, đạo hạnh sâu dầy thì làm sao làm được việc vừa rồi! Vậy xin đại đức hãy thu nhận chúng tôi làm đồ đệ và xin chỉ bày cho chỗ tăm tối của chúng tôi.

Bấy giò tôn giả mới từ trên không trung hạ xuống, nói với họ một cách từ hòa:

- Tôi đã rõ thấu tấm lòng chân thành của quí vị. Quí vị đã muốn từ bỏ chỗ tối tăm để tìm về nơi sáng sủa, thì tôi xin giới thiệu bậc tôn sư của tôi, đó là đức Phật. Ngài là vị Trời trên hết các vị Trời, là vị Thánh trên hết các vị Thánh, đầy đủ trí tuệ cao diệu, vạn đức vạn năng. Xin quí vị theo tôi cùng đến với Người để xin qui y, nhất định Người sẽ từ bi thu nhận.

Các vị phạm chí lại hỏi:
- Đạo hạnh của đức Phật còn vượt quá cả đại đức nữa sao?

Tôn giả nghiêm trang đáp:

Đức Phật như núi Tu Di, còn chúng tôi thì chỉ như hạt cải; hạt cải thì đâu có thể nào so sánh với núi Tu Di! Đức Phật như biển cả, còn chúng tôi thì chỉ như một dòng sông con, một dòng sông con thì đâu có thể nào so sanh với biển cả! Gặp Phật xuất thế là việc rất khó, cho nên qui y với Người thì quí vị sẽ được hóa độ.

Các vị phạm chí nghe nói hết sức vui mừng, đều nguyện theo Mục Kiền Liên đi về chỗ Phật ngự, xin qui y thọ giáo.

7. HÀNG PHỤC ÁC MA:

Mục Kiền Liên tuy thường dùng thần thông để hàng phục ác ma, ngoại đạo, nhưng rồi chính tôn giả cũng thường hay bị họ tìm đến quấy nhiễu.

Một ngày kia, tôn giả vâng mạng đức Phật, một mình đi đến nước Bạt Già để giáo hóa. Trong lúc tôn giả đang thiền hành trên con đường vắng thì một con ác quỉ trông thấy. Nó bèn dùng thần thông chui vào bụng tôn giả. Bỗng dưng tôn giả cảm thấy bụng đau dữ dội. Trong bụng dường như có một cục gì to bằng cái chén, lại có tiếng động lớn như tiếng sấm. Tôn giả lập tức quay về tịnh thất. Sau một lúc tĩnh tọa và quán sát, tôn giả biết ngay đó là ác ma muốn quấy phá mình. Tôn giả bảo:

- Này ác ma! Hãy mau ra đây! Tốt hơn hết là người không nên xâm phạm đến đức Phật cũng như các đệ tử của Người, vì chắc chắn là ngươi không thể nào nhiễu hại được họ; chỉ trừ phi người nào nghiệp lực chưa dứt hẳn, còn không thì ngươi vĩnh viễn không làm gì được đâu.

Ác quỉ nghĩ thầm: “Quái lạ thật! Ta dù có thế nào đức Phật cũng không biết được, Mục Kiền Liên dù có thần thông đến đâu đi nữa, làm sao biết được ta?”

Tôn giả lại bảo:

- Này ác quỉ! Ngươi đừng lấy làm lạ! Ngươi vừa nghĩ rằng, dù có đức Phật đi nữa cũng không thể biết ngươi là gì huống hồ là ta, dù có thần thông, làm sao lại biết được ngươi, có phải không? Ngươi lầm rồi!

Ác quỉ nghe thế thì lấy làm kinh hãi vô cùng, liền hóa làm nước bọt mà chui ra ngoài. Từ đó nó không bao giờ còn dám trở lại trêu ghẹo tôn giả nữa.

8.- SẮC ĐẸP MĨ NHÂN KHÔNG ĐỊCH NỔI VỚI THẦN THÔNG:

Mục Kiền Liên không những không bị ma lực làm hại, mà cho đến sắp đẹp của mĩ nữ cũng không thể làm hoen ố đạo hạnh của tôn giả.

Một ngày kia, trên đường khất thực trở về khi đi qua một khu rừng, tôn giả trông thấy một thiếu phụ tuổi chừng trung niên, ngồi bên đường như đang chờ đợi. Khi tôn giả đi vùa đến trước mặt thì nàng liền đứng lên chận lại, mắt liếc đưa tình, miệng nở nụ cười duyên dáng, thỏ thẻ nói:

Tôn giả ơi! Ngài đi đâu mà quên em vậy? Có rảnh rỗi thì nói chuyện với em một chốc nha!

Tôn giả đứng hẳn lại, mắt chăm chú nhìn thiếu phụ. Dù tuổi nàng đã trên ba mươi, nhưng nét đẹp kiều diễm và quyến rũ của nàng vẫn đầy sức hấp dẫn đối với những chàng trai trẻ si tình. Không những tôn giả nhìn kĩ vào nét mặt và vóc dáng nàng mà con nhìn thấu trong tâm ý của nàng. Với thái độ an nhiên tự tại, tôn giả dùng lời lẽ thật oai nghiêm nói với thiếu phụ:

- Thật đáng thương cho bà! Thân xác bà đã không trong sạch mà tâm hồn bà thì lại càng mờ tối. Bà tưởng có thể đem tâm niệm bất chánh của bà để lung lạc được ta ư?

Người đàn bà khựng lại, thất sắc:

- Tôn giả! Tôn giả! Ngài ... Ngài nói gì vậy? Em không hiểu!

- Bà đừng mong che dấu được tư tưởng mờ ám của bà. Bà đợi ở đây với dụng ý gì, ta đã thấy rõ tất cả. Ba đang bị mê lạc trong một thứ sắc đẹp dối trá và chính nó lại đang giúp bà nhiều cơ hội để tạo tội lỗi; cũng như con voi già bị lún trong bãi sình lầy, càng cố ngoi lên càng bị chìm sâu xuống.

Thiếu phụ như sực tỉnh cơn mê:

- Thưa tôn giả! Ngài đã thấy được tâm ý của con thì con cũng biết là không thể dối gạt được ngài nữa rồi! Từ lâu con đã nghe người ta nói rằng ngài là vị đệ tử thần thông bậc nhất của đức Phật, nhưng con không tin là thần thông lại có thể đánh bại được sắc đẹp của mĩ nhân. Bây giờ con mới biết con là một người đàn bà có nhiều tội lỗi sâu nặng. Con muốn hồi tâm hướng thiện chứ không như bao nhiêu người ngoan cố khác, nhưng con lại nghĩ rằng, có lẽ con là một người không còn xứng đáng để được cứu vớt. Con có một quá khứ thật ghê sợ, trong tương lai thế nào cũng bị quả báo trói buộc.

Tình cảm của người đàn bà cuối cùng rồi cũng trở nên yếu đuối. Nàng vừa nói vừa khóc rấm rứt, nước mắt chảy ràn rụa. Tôn giả phải an ủi:

- Bà đừng buồn nữa, và cũng đừng thất vọng. Dù trong dĩ vãng bà đã tạo tội lỗi sâu nặng thế nào đi nữa, chỉ cần bà biết ăn năn sám hối thì bà vẫn là người có thể cứu vớt được. Áo quần dơ bẩn có thể dùng nước giặt sạch; khi tâm ý dơ bẩn thì chúng ta dùng giáo pháp của đức Phật để gột rửa. Nước từ trăm dòng sông dù có ô trược, một khi đã chảy vào biển cả thì tức khắc trở nên trong sạch. Giáo pháp của đấng Đại Giác Thế Tôn cũng vậy, có thể rửa sạch tất cả sự ô uế của tâm ý con người, làm tiêu trừ mọi lầm lỗi của quá khứ.

Lời dạy của tôn giả đã làm cho thiếu phụ tươi hẳn nét mặt. Nàng cảm thấy tâm ý được bình tĩnh thêm, ánh mắt sáng ngời và dâng lên niềm hi vọng tràn trề. Nàng kính cẩn:

- Kính thưa tôn giả! Giáo pháp của đức Phật thật từ bi, vĩ đại vậy sao? Nhưng cái quá khứ của con thì xấu xa quá lắm! Đời con gặp toàn chuyện bất hạnh, con mà nói ra chắc ngài phải bịt tai, che mắt!

- Không sao đâu! Bà cứ kể hết cho tôi nghe. À tên bà là gì nhỉ?

- Thưa tôn giả! Con tên là Liên Hoa Sắc (Utpalavarna Upplavanna), vốn là con của một vị trưởng giả ở thành Đức Xoa Thi La. Năm mười sáu tuổi con lập gia đình. Chẳng bao lâu thì cha con qua đời, và mẹ con lại tư thông với chồng con. Khi con biết được thì ruột gan đau như đứt khúc. Lúc đó con vừa sinh được một cháu gái, trong cơn tức giận con bèn đem ném nó trong bụi, rồi bỏ nhà ra đi. Sau đó con lấy một người chồng khác, Người chồng này thường hay đi làm ăn xa. Một hôm y từ thành Đức Xoa Thi La trở về, đã dối gạt con lấy mấy ngàn lượng vàng để mua một cô gái làm vợ bé. Y gởi cô vợ bé này ở nhà bạn bè, giữ hết sức bí mật, sợ con biết; nhưng về sau thì con cũng biết được chuyện ấy. Khi biết chuyện, con khóc la ầm ĩ, đòi y phải để cho con được thấy mặt cô ta để xem cô ấy là người thế nào và làm sao mà chiếm được tình yêu của chồng con. Khi đã thấy và biết rõ cô ta rồi, thì, tôn giả ơi, lòng con đau đón đến chết ngất! Tôn giả biết không? Nàng ấy không phải ai xa lạ, mà chính là đứa con gái của con với người chồng trước!

Nói đến đây, Liên Hoa Sắc xúc động quá, khóc nấc lên. Mục Kiền Liên lại an ủi:

- Bà Liên Hoa Sắc! Bà đừng quá đau buồn như vậy! Khi một người trông thấy rõ quá khứ, hiện tại, vị lai thì cũng thấy rõ được những mối dây nhân quả chằng chịt quấn nhau. Nói một cách xác thực thì cuộc đời chỉ là một vũng sâu của tội lỗi. Câu chuyện về sau của bà như thế nào, bà cứ bình tĩnh kể tiếp đi!

- Thưa tôn giả! Con làm sao chịu đựng nổi những trận đòn dồn dập này! Nghĩ đến lúc trước đã bị mẹ cướp mất một người chồng, rồi bây giờ con gái của con lại cùng với con giành nhau một người chồng, thì con còn mặt mũi nào mà nhìn thiên hạ! Cho nên con lại bỏ nhà ra đi. Con chán ghét cái thế gian này. Chán ghét cả loài người. Con bèn biến mình thành một dâm nữ để lấy thế gian này, nhân loại này làm trò vui; và như tôn giả thấy đó, con đang sống một cuộc sống đầy tội lỗi, bẩn thỉu như thế này đây. Thưa tôn giả, bất cứ tội lỗi xấu xa nào con cũng làm được, miễn là có tiền và gây khổ lụy cho người khác. Con không cần nói nhưng tôn giả cũng đã biết được tại sao hôm nay con cố chờ đợi ở dây, cũng may là gặp phải một bậc thần thông, có giới hạnh toàn vẹn như tôn giả; nhưng con phải làm thế nào để sám hối với tôn giả bây giờ? 

Nge xong câu chuyện của cuộc đời Liên Hoa Sắc, Mục Kiền Liên không hề có ý tưởng khinh rẻ nàng, trái lại, trong giờ phút ấy, tôn giả đã nhìn thấy nơi nàng cái tâm rất chân, rất thiện, rất mĩ. Để cho nàng yên tâm, tôn giả đến gần nàng hơn, dùng lời lẽ hết sức từ hòa để khuyến khích:

- Bà Liên Hoa Sắc! Quả thật bà đã có một thân thế quá đau thương, tủi nhục, nhưng nếu bà quyết tâm tu học theo giáo pháp của đức Phật thì cái đoạn nhân duyên ấy cũng có lúc phải chấm dứt, bà sẽ được hoàn toàn giải thoát, an lạc, tự tại. Xin bà hãy theo tôi về yết kiến đức Phật.

Liên Hoa Sắc cảm thấy mừng vui vô hạn. Sở dĩ nàng được cứu vớt, được thay đổi từ một cuộc sống đầy tai họa trở thành một cuộc sống đầy phúc lạc là nhờ ở tôn giả Mục Kiền Liên, một người vừa có thần thông lại vừa biết dùng phương tiện khéo léo để hóa độ.

9. PHÁP ÂM CỦA PHẬT NGHE ĐƯỢC BAO XA?:

Trong giáo đoàn của đức Phật thi Mục Kiền Liên là người có nếp sống sinh động nhất. Việc gì không ai làm được thì tôn giả làm; nơi nào không ai đi tới được thì tôn giả đi tới.

Một ngày nọ ở thành Vương Xá, khi đức Phật đang nói pháp trong giảng đường tu viện Trúc Lâm thì Mục Kiền Liên ngồi trong thiền thất của mình. Tuy thiền thất cách khá xa giảng đường, nhưng tôn giả vẫn nghe rõ mồn một pháp âm của Phật. Sự việc ấy đã làm cho tôn giả hết sức lạ lùng. Nhân đó, tôn giả đã nảy sinh ra ý tưởng là hãy thí nghiệm xem pháp âm của Phật có thể nghe được đến bao xa. Tôn giả liền vận dụng thần túc thông, đi ra khỏi thế giới Ta Bà đến vài mươi ức Phật độ, tới quốc độ của đức Phật Thế Tự Tại Vương (Lokesvararaja) đang nói pháp.

Mục Kiền Liên vẫn thường hay du hành đến các Phật độ khác, và giống như một người lữ hành đầy kinh nghiệm, mỗi khi đi đến đâu tôn giả cũng xem nơi đó như chính là quê hương của mình. Bây giờ tôn giả đang ở tại quốc độ xa xôi này, vừa gặp lúc đức Phật Thế Tự Tại Vương đang nói pháp, nên hết sức vui mừng, bèn nhẹ nhàng đến trước pháp tòa, tìm một nơi ngồi xuống để nghe pháp.

Có một sự việc mà nói ra thì không thể nào lấy sự suy nghĩ hay bàn luận mà có thể hiểu được. Mục Kiền Liên đang ngồi đây nghe Phật Thế Tự Tại Vương nói pháp, nhưng ngoài tiếng nói của đức Phật này, tôn giả vẫn còn nghe rất rõ tiếng nói pháp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở tận thế giới Ta Bà! Ngay lúc ấy, Phật Thế Tự Tại Vương ngưng nói pháp. Một vị Bồ Tát tiến đến trước pháp tòa đảnh lễ đức Phật, rồi chỉ về phía Mục Kiền Liên thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn! Khi Thế Tôn đang nói pháp thì chẳng biết con vật kia từ đâu chạy vào đây, trông thật quái lạ. Để chúng con đuổi nó đi!

Phật Thế Tự Tại Vương liền ngăn lại bảo:

- Ông đừng nói như vậy! Vị đó là Mục Kiền Liên, đệ tử thần thông bậc nhất của đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở thế giới Ta Bà.

Chúng Bồ Tát lại nói:

- Bạch Thế Tôn! Sao thân hình ông ta lại quá bé nhỏ như thế?

Sở dĩ chúng Bồ Tát hỏi như vậy là vì thân thể của người ở thế giới đó so với người ở thế giới Ta Bà thì cao lớn hơn đến mấy trăm lần. Đức Phật Thế Tự Tại Vương giải thích:

- Các ông không nên coi thường vị tôn giả này. Ông ấy có thần thông lớn, oai đức lớn, thường hay du hành đến các quốc độ, hành hóa một cách tự tại, còn thân thể lớn nhỏ khác nhau là do nghiệp lực của chúng sinh ở các thế giới không giống nhau mà cảm ra.

Nói xong đức Phật quay sang bảo Mục Kiền Liên:

- Này Mục Kiền Liên! Ông từ thế giới khác đến đây, hãy hiển lộng các thứ thần hóa cho chúng Bồ Tát đệ tử của ta xem để giải trừ mối nghi hoặc của họ đối với ông!

Mục Kiền Liên liền nương oai thần của Phật, hiển lộng thần thông biến hóa, rồi trở về chỗ cũ ngồi xuống. Chúng Bồ Tát thấy vậy bèn tỏ lòng cung kính, Đức Phật lại hỏi tiếp:

- Này Mục Kiền Liên! Có phải ông đến quốc độ của ta để thử xem pháp âm của đức Phật Thích Ca Mâu Ni nghe được bao xa phải không?

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn! Dụng tâm của con chính thực như vậy. Mục Kiền Liên cung kính trả lời.

- Này Mục Kiền Liên! Ông không nên có ý tưởng đó, vì đối với với oai lực của chư Phật trong mười phương, hàng nhị thừa không thể nào thấu rõ trọn vẹn được. Pháp âm của chư Phật đầy khắp hư không. Đối với căn duyên của chúng sinh thì các cảnh giới có xa có gần, cho nên không thể lấy cái tâm phân biệt gần xa ấy mà thí nghiệm pháp âm của chư Phật.

Nghe xong lới dạy của đức Phật Thế Tự Tại Vương, tôn giả tự lấy làm hổ thẹn. Từ đó, trong tăng đoàn của đức Phật, tôn giả dù vẫn là người sinh động nhất, nhưng không còn dám dùng thần thông của mình để làm việc vô ích nữa.

10.- CHÚNG QUỈ HỎI VỀ NHÂN DUYÊN NGHIỆP BÁO:

Không những thường hay du hành đến các Phật độ, Mục Kiền Liên còn thường hay đến các cảnh giới địa ngục để quán sát như thế nào.

Trên đường hành hóa, một ngày nọ đến bờ sông Hằng thì trời vừa tối, Mục Kiền Liên bèn dừng bước, ngồi nhập định bên bờ sông để chờ trời sáng.

Gió đêm thổi nhẹ, bầu trời trong vắt đầy sao. Bỗng đâu, chúng quỉ đói tụ tập tới bờ sông thật đông để lấy nước uống, nhưng lại bị bị con quỉ thật hung ác có nhiệm vụ canh giữ nước sông ở đó, cầm gậy sắt xua đuổi, khiến cho chúng không dám xuống sông lấy nước. Lúc đó, trong lúc thiền định, Mục Kiền Liên đã quán sát và thấy rõ tội nghiệp của chúng đều không giống nhau, bèn gọi chúng lại ngồi chung quanh, nhân đó mà chúng được dịp hỏi tôn giả về nhân quả nghiệp báo của mình.

Con quỉ đầu tiên hỏi:

- Thưa tôn giả! Kiếp xưa con làm người, nhưng bây giờ phải đọa lạc vào chốn Ngạ quỉ, thường bị đói khát. Nghe nói nước sông Hằng trong mát, nhưng khi con múc nước uống thì thấy nước nóng vô cùng, chỉ cần uống vào một ngụm thôi, là lục phủ ngũ tạng đều bị bỏng, đã thế lại còn bị con quỉ hung ác kia xua đuổi. Vậy xin tôn giả cho biết lúc xưa con đã tạo nghiệp gì mà phải chịu quả báo như hôm nay?

Sau một giây lát dùng thần lực quán sát, tôn giả trả lời:

- Đời trước ngươi làm nghề bói toán. Trong lúc nói về sự kiết hung của người, ngươi thường tùy ý khen chê, nói dối nhiều hơn nói thật, tự cho mình biết rõ mọi việc nhưng sự thật chỉ là lừa đảo, chỉ vì kiếm lợi cho mình mà đang tâm mê hoặc chúng sinh; bởi vậy ngươi mới phải chịu quả báo đau khổ như ngày hôm nay.

Con quỉ thứ nhì hỏi:

- Thưa tôn giả! Con thường bị một con chó thật lớn, thật mạnh ăn thịt. Khi thịt con hết rồi thì một cơn gió thổi qua xương, tức thì thịt có ra trở lại để cho con chó ấy ăn nữa. Chẳng biết vì nguyên nhân gì mà con phải chịu quả báo như vậy?

Tại vì kiếp trước người thường hay giết hại các loài heo, dê, gà, vịt để lấy thịt cúng thần tế trời, cho nên ngày nay phải chịu quả báo như vậy.

Con quỉ thứ ba hỏi:

- Thưa tôn giả! Bụng con thì to như cái vại mà tay chân và cổ họng thì nhỏ như cây kim, thấy đồ ăn thức uống gì cũng thèm mà không thể nào ăn được. Chẳng biết vì nguyên nhân gì mà con phải chịu quả báo như vậy.

- Đời trước ngươi làm quan đến chức tể tướng, nhưng vì tự ỷ mình giàu có quyền cao mà khinh khi hiếp đáp người, cưỡng chiếm tài sản do mồ hôi nước mắt người làm ra, mặc ý tư tình hưởng lạc, cho nên ngày nay phải chịu quả báo như vậy.

Con quỉ thứ tư hỏi:

- Thưa tôn giả! Đầu con thì to như cái đấu, miệng lưỡi của con thì to lớn chiếm đầy cả nửa thân trên, trong khi đó thì máu cứ từ ở nửa thân dưới phun lên, các huyết quản lúc nào cũng như muốn bể ra, mạng sống mỏng manh như chỉ mành. Chẳng biết vì nguyên nhân gì mà con phải chịu quả báo như vậy?

- Kiếp xưa ngươi chỉ thích bàn luận chuyện thị phi, hay nói tới cái xấu cái tốt của người, những điều ngươi nói ra không bao giờ đem lai lợi lạc cho người mà chỉ làm cho người đau khổ, cho nên ngày ngay ngươi phải chịu quả báo như vậy.

Còn rất nhiều câu hỏi như thế nữa, và mỗi mỗi đều được tôn giả trả lời thỏa đáng.

11. NGUYÊN DO NGÀY HỘI VU LAN:

Một ngày nọ, Mục Kiền Liên bỗng nhớ đến thân mẫu đã qua đời. Trong lúc thiền định, tôn giả đã quán chiếu thấy mẹ mình đang phải chịu quả báo đau khổ trong chốn Ngạ quỉ. Thân hình bà khô héo tiều tụy, chỉ còn da dính xương, cổ thì nhỏ như cây kim may, trông tình trạng thì có vẻ đang đói khát lắm. Tôn giả thương cảm vô cùng, bèn lấy bình bát đựng đầy cơm đem dâng cho mẹ. Thấy cơm bà mừng lắm, lấy cơm bỏ vào miệng ăn, nhưng đau khổ thay, cơm chưa tới miệng thì đã biến thành lửa đỏ, không thể nào ăn được! Thấy mẹ như thế, tôn giả thương quá, buồn quá đau đớn quá!

Tôn giả biết là tội nghiệp của mẹ rất nặng, nhưng sức mình không làm gì được để cứu mẹ, bèn đi bái kiến đức Phật, kể rõ câu chuyện vừa rồi và xin Phật dạy cho phương pháp cứu mẹ. Đức Phật dạy:

- Này Mục Kiền Liên! Vì gốc tội của mẹ thầy quá sâu dầy, cho nên dù thần lực của thầy có rộng lớn, và dù cho lòng hiếu thảo của thầy có làm cảm động đến trời đất, nhưng chỉ có sức một mình thầy thì không thể nào cứu nổi bà thoát khỏi cảnh giới đau khổ. Muốn cứu được bà, thầy phải nhờ đến thần lực của toàn thể tăng chúng mới được. Chỉ có sức chú nguyện của toàn thể tăng chúng mới tạo nên thần lực lớn, làm cho nghiệp chướng của mẹ thầy tiêu trừ và bà sẽ thoát khỏi các quả báo đau khổ.

Vậy, mỗi năm cứ đến ngày Rằm tháng Bảy, là ngày “tự tứ” của chư tăng khi mãn khóa an cư, những người làm con nên xin chư tăng tổ chức cho lễ chú nguyện để hộ niệm cho các bậc cha mẹ đã qua đời cũng như hiện còn sống. Những người con hiếu thảo, đến ngày ấy phải sắm sửa trai phạn, hương hoa trà quả để cúng dường chư tăng; bởi vì, chư tăng trong mười phương, hoặc đang thiền định nơi hang núi hay bên bờ sông, hoặc đang kinh hành ở dưới gốc cây, hoặc đang tu tập và chứng bốn quả vị Thanh Văn, hoặc đã chứng được sáu phép thần thông và đang giáo hóa đó một cách tự tại, hoặc là các vị Bồ Tát đang phương tiện hành hóa bằng thân tướng tì kheo, những bậc thánh chúng như vậy rất nhiều, giới hạnh của họ thật thanh tịnh, phước đức của họ như biển lớn, cho nên sức chú nguyện của họ hợp lại sẽ hùng mạnh vô cùng, làm cho cha mẹ và người người thân thuộc đã quá vãng trong nhiều đời trước được tiêu tan nghiệp chướng, thoát li các quả báo đau khổ trong các chốn tối tăm, và đồng thời cũng làm cho cha mẹ và những người thân thuộc đang còn sống được nhiều phước lạc. Đó là phương pháp mầu nhiệm và hữu hiệu để thực hiện lòng hiếu thảo.

Được Phật chỉ dạy cặn kẽ, Mục Kiền Liên vui mừng lạy tạ. Đến ngày tự tứ, tôn giả y lời Phật dạy, cung thỉnh đại chúng chú nguyện cho mẫu thân; quả nhiên, nhờ thế mà bà giải thoát được cảnh khổ đau nơi chốn Ngạ quỉ, Để đền ơn đức Phật, tôn giả nhân đó đã đem lời Phật dạy mà hướng dẫn cho Phật tử thực hiện ngày hội Vu Lan hằng năm để đáp đền công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Và cũng bởi nguyên do này, ngoài tôn hiệu “thần thông bậc nhất’, tôn giả Mục Kiền Liên còn được tôn xưng là bậc “đại hiếu”.

12. BÀI KỆ CỦA BẢY ĐỨC PHẬT:

Với thần thông rộng lớn, Mục Kiền Liên có thể thấy biết mọi sự việc xảy ra trong cả ba đời: quá khứ, hiện tại, và vị lai. Tôn giả cũng lại là người thường hay thay thế Phật nói pháp.

Một hôm, vì có sự khẩn cầu của đại chúng, đức Phật đã bảo tôn giả nói về những sự việc đời quá khứ của dòng họ Thích Ca. Tôn giả đã vận dụng túc mạng thông quán sát lịch sử của dòng họ này từ nhiều kiếp xa xưa, rồi tuần tự thuật lại tỉ mỉ. Đại chúng nghe xong đều nhận thấy rằng, đức Phật đã đản sanh vào dòng họ Thích Ca rồi thành tựu đạo quả giác ngộ, không phải là không có nhân duyên.

Rối một hôm khác, nhân đại chúng tập hợp để cùng nhau trình bày những kiến giải của mình trong việc tu học, tôn giả đã đọc cho đại chúng nghe bài kệ của bảy đức Phật như sau:

Mọi việc xấu nên tránh

Mọi việc tốt nên làm

Giữ tâm ý thanh tịnh

Đó là lời Phật dạy

Huấn thị của chư Phật ra sao? Cứ nghe bài kệ đơn giản Mục Kiền Liên vừa nói ra, dù là kẻ sơ học cũng thấy rõ được mục đích của Phật giáo. Bởi vậy, tôn giả cùng với bài kệ đều được đại chúng ghi khắc trong lòng.

13. THẦN THÔNG KHÔNG CHỐNG LẠI ĐƯỢC NGHIỆP LỰC:

Thần thông của Mục Kiền Liên, quả thật trong tất cả các đệ tử của đức Phật, không ai có thể so sánh được. Bất cứ việc gì, dù khó khăn đến đâu, hễ tôn giả vận dụng đến thần thông thì không có việc gì là không thành. Mặc dù vậy, việc sử dụng thần thông chỉ hữu hiệu đối với việc cứu độ chúng sinh hay giúp thêm phương tiện cho việc tuyên dương Phật pháp, chứ không thể sử dụng nó để làm những việc trái ngược lại với các luật tắc nhân quả. Thần thông không giúp thắng được nghiệp báo, cũng không thể giúp giải thoát được phiền não, sinh tử; đó là sự thật.

Một ngày kia, quê hương Ca Tì La Vệ của đức Phật bị vua Lưu Li (Virudhaka Vidudabha) của nước Kiều Tát La dẫn đại quân xâm lược. Nghe được tin ấy, lúc đầu đức Phật cũng nghĩ đến việc phải bảo vệ tổ quốc. Ngài bên ngồi ngay trên đường tiến quân của vua Lưu Li cốt ý cảm trở việc tiến quân này. Đã ba lần như vậy, cứ trông thấy đức Phật thì vua cho lui quân, nhưng cái tâm xâm lược cũng như cái ý chí muốn trả một mối cựu thù gì đó của nhà vua thì không chấm dứt được. Đức Phật quán chiếu và biết rõ là cái mối nhân quả nghiệp báo ràng buộc giữa hai bộ tộc từ lâu đã đến lúc phải được kết thúc, nếu không thì không thể nào giải trừ được. Bởi vậy, dù rất yêu mến quê hương, dù đã ba lần xả thân cản trở đạo quân xâm lăng, nhưng cuối cùng thì Ngài cũng đành phải để cho vua Lưu Li tấn công thành Ca Tì La Vệ.

Nhưng Mục Kiền Liên thì không chịu như vậy. Khi biết tin thành Ca Tì La Vệ đã bị đại quân của vua Lưu Li Bao vây, tôn giả bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thành Ca Tì La Vệ đang bị tấn công, con nghĩ là mình phải ra sức cứu giúp nhân dân trong thành.

Phật nhìn Mục Kiền Liên, giọng từ ái bảo:

- Này thầy Mục Kiền Liên! Bộ tộc Thích Ca đã đến lúc phải chịu quả báo của những tội nghiệp đã gây từ bao đời trước. Đó là cộng nghiệp của họ chiêu cảm nên, thầy không thể nào chịu thế cho họ được. Họ đã không biết sám hối tội lỗi, không chịu sửa đổi những sai lầm cũ và ngăn ngừa những nghiệp xấu mới, mà vẫn cứ một mực kiêu ngạo, ngang tàng. Dĩ nhiên, ngôi nhà đã bị mối mọt đục nát thì phải bị sụp đổ!.

Nghe lời Phật dạy của đức Phật, Mục Kiền Liên biết đó là sự thật, nhưng tôn giả vẫn nghĩ là có thể sử dụng thần thông của mình để cứu nhân dân trong thành được.

Vua Lưu Li dùng hàng trăm ngàn quân để bao vây thành, một giọt nước cũng khó lọt qua, huống nữa là người; cho nên Mục Kiền Liên phải dùng thần thông bay vào bên trong thành Ca Tì La Vệ.

Vào thành rồi, tôn giả bèn chọn lấy năm trăm nhân vật ưu tú của bộ tộc Thích Ca, bỏ họ vào trong bình bát, đậy nắp lại và bay ra khỏi thành. Đến một nơi thật an toàn, tôn giả mở nắp bình bát ra, tưởng là đã cứu thoát được năm trăm người này, nhưng khi nhìn vào bình bát thì hỡi ôi! Tôn giả hoảng kinh thất sắc, tất cả năm trăm người trong bình bát đều biến thành máu! Lúc bấy giờ tôn giả mới sực tỉnh ngộ, lời Phật dạy quả không sai, dù thần thông có quảng đại đến thế nào đi nữa, cũng không thể thắng được nghiệp lực cùng những luật tắc nhân quả.

14.- TUẪN GIÁO:

Mục Kiền Liên thường sử dụng thần thông để trợ lực đức Phật trong việc hoằng dương chánh pháp, công đức thật lớn lao. Mặc dù vậy, từ lâu đức Phật vẫn thường lưu ý đại chúng rằng, thần thông không phải pháp môn rốt ráo. Sự thật rất rõ ràng, như tôn giả Mục Kiền Liên đó, là bậc thần thông quảng đại như vậy đó, và đã từng dùng thần thông làm phương tiện hành đạo hữu hiệu như vậy đó, nhưng rốt cuộc, thần thông ấy đã không giúp tôn giả thắng được nghiệp báo của chính mình. Đức Phật muốn dùng sự thật điển hình này để răn dạy người sau.

Tuy tuổi tác mỗi ngày một cao, nhưng tinh thần bố giáo của tôn giả Mục Kiền Liên vẫn càng lúc càng sung mãn, bước chân hành hóa cứ như nước chảy mây trôi, không bao giờ ngưng nghỉ. Tôn giả không biết rằng, chính vì cái nhiệt tâm truyền bá Phật pháp ấy mà tôn giả đã bị rất nhiều tu sĩ ngoại đạo hiềm khích, đố kị, Những tu sĩ ngoại đạo ấy rất nhiều lần muốn hại đức Phật, nhưng không làm cách nào được, bèn hướng mục tiêu vào Mục Kiền Liên.

Một ngày kia trên đường hoàng hóa, khi đi ngang qua một ngọn núi thì tôn giả bị một đám tu sĩ ngoại đạo phái Lõa Hình phục kích. Họ đã xô đá từ trên núi xuống. Đá lăn xuống như mưa vào người tôn giả, cho đến khi nhục thân của tôn giả nhừ nát, ngã gục, Tôn giả đã phải chết dưới bàn tay họ, vây mà trong ba ngày liên tiếp họ vẫn không dám trở lại gần nơi đó, vì vẫn còn sợ thần lực của tôn giả.

Mục Kiền Liên đã vì công việc truyền bá hạt giống bồ đề mà bị ngoại đạo hãm hại, đã vì hậu thế mà nêu lên tấm gương hi sinh vì đạo, thì nhục thân của tôn giả quả thực đã trở thành một tuyên ngôn bất hủ để lại cho thế gian! Máu của tôn giả đã không đổ ra một cách vô ích, mà dưới ánh từ quang của đức Phật, bao nhiêu vị tiên hiền thánh triết, cũng vì công cuộc hoằng pháp lợi sinh, đã noi dấu vết tôn giả mà từng dâng hiến thân mạng, dâng hiến tất cả để cho ánh sáng chân lí vẫn bất diệt ở thế gian. Ôi cao cả thay!

Tin tức tôn giả Mục Kiền Liên bị ngoại đạo ám hại chẳng mấy chốc được truyền đến hoàng cung, vua A Xà Thế bị chấn động mạnh. Nhà vua nổi giận tột cùng, liền hạ lệnh tức tốc tìm bắt hung thủ, và hậu quả tàn khốc đã xảy ra dưới cơn giận mãnh liệt của nhà vua, đã có đến mấy ngàn tu sĩ phái Lõa Hình bị bắt ném vào hầm lửa!

Trong tăng đoàn thì toàn thể đại chúng không ai là không than khóc tiếc thương. Ai cũng bảo là trên đời sao có nhiều việc quá bất công, một vị đại thần thông như Mục Kiền Liên mà đã không tránh được cuộc tập kích của ngoại đạo! Lòng họ cứ ray rứt mà không giải tỏa được. Họ bèn cùng nhau đến bái kiến đức Phật để xin chỉ dạy:

- Bạch Thế Tôn! Sư huynh Mục Kiền Liên của chúng con là vị đệ tử lớn của Thế Tôn, Khi Thế Tôn lên thiên cung nói pháp cho lệnh bà Ma Da (Mahamaya), sư huynh chúng con đã từng đáp ứng lời thỉnh cầu của chúng con mà lên thiên cung vấn an Thế Tôn; sư huynh chúng con cũng đã từng vào chốn địa ngục để cứu mẹ thoát khỏi đau khổ. Sư huynh chúng con oanh liệt là thế, thần thông quảng đại là thế, vì sao mà đã không dùng thần thông để chống lại ngoại đạo, thậm chí cũng không trốn tránh sự ám toán của họ?

Vì đã quán triệt được mọi việc xảy ra, đức Phật đã không quá bị khích động như các vị tì kheo, Ngài bảo đại chúng:

- Này quí thầy! Đại đức Mục Kiền Liên là người đệ tử có thần thông số một của Như Lai, không phải là đại đức không thể kháng cự nổi quí vị tu sĩ ngoại đạo, nhưng vì lúc trước, khi vua Lưu Li dẫn đại quân xâm lăng thành Ca Tì La Vệ, đại đức đã từng dùng thần thông tưởng có thể cứu được nhân dân trong thành, nhưng rồi đã tỉnh ngộ rằng thần thông không thể nào chống trả được nghiệp lực, nhục thể chỉ là vô thường, và nghiệp báo phải có lúc được kết thúc. Trong tiền kiếp đại đức đã từng làm nghề bắt cá để nuôi thân, chẳng biết đã có bao nhiêu mạng sống bị chết oan bởi bàn tay của đại đức! Nhưng này quí thầy! Quí thầy cũng không nên đau buồn, đại đức Mục Kiền Liên tuy đã nhập diệt, nhưng chân lí thì vẫn không bao giờ bị tiêu diệt.

Một số đông quí vị ti kheo vẫn không dằn được bi thương:

- Nhưng sư huynh chúng con bị hại thảm thiết quá, bạch Thế Tôn! Chúng con không an tâm được!

- Này quí thầy! Quí thầy nên biết, đối với bậc giác ngộ thì việc sinh tử không là vấn đế gì cả. Có sinh thì có tử, cho nên cái chết không làm cho ta kinh hoàng sợ sệt. Điều cần yếu là chúng ta xem có thể học hỏi gì từ cái chết đó. Đối với đại đức Mục Kiền Liên, trong phút lâm chung, thần trí không hôn mê mà đã an nhiên nhập niết bàn, đó là điều rất quí báu; đến như tinh thần hi sinh thân mạng vì công cuộc hoằng dương Phật pháp của đại đức thì quả thật là cao đẹp cực cùng!

Dù Phật dạy như vậy, trong đại chúng vẫn còn một số vị tì kheo lắc đầu than thở, lòng thương cảm chưa nguôi, lại bộc bạch:

- Bạch Thế Tôn! Chúng con cũng biết tinh thần hi sinh vì đạo cao cả, nhưng sự hi sinh của sư huynh chúng con vào lúc này thật là quá sớm. Sự nghiệp hoằng pháp còn dài và còn nhiều việc phải làm, chúng con đang cần sự lãnh đạo của sư huynh. Còn nữa, bạch Thế Tôn, về tai nạn này, sao Thế Tôn đã không bảo trước cho sư huynh chúng con biết mà đề phòng?

Những lời bộc bạch của quí vị tì kheo vừa dâng lên đức Phật, đã chứng tỏ lòng kính yêu của họ đối với tôn giả Mục Kiền Liên. Họ đã bị xúc động mãnh liệt đối với tai nạn thảm khốc của tôn giả. Đức Phật cũng rất thương cảm, cho nên lại phải an ủi họ:

- Này quí thầy! Khi đại đức Mục Kiền Liên tuẫn giáo, không phải là đại đức đã không biết trước để đề phòng. Đại đức có thần thông lớn có thể tự bảo vệ được mình, nhưng đó không phải là biện pháp rốt ráo. Người tu hành không thể cưỡng lại các luật tắc nhân quả; quả báo của nghiệp nhân bắt cá làm kế sinh nhai ở đời trước của đại đức nay đã đến lúc phải được kết liễu. Vả lại, từ buổi đầu xuất gia, đại đức đã phát nguyện sẽ đem sinh mạng mình cống hiến cho việc phụng sự chân lí, nay đại đức dã được mãn nguyện và hoan hỉ nhập niết bàn, tất cả đệ tử của Như Lai cũng nên có cái tinh thần tuẫn giáo như Mục Kiền Liên vậy, thì Phật pháp mới được quảng bá rộng rãi ở thế gian. Này quí thầy! Quí thầy hãy học lấy cái tinh thần cao quí ấy của đại đức Mục Kiền Liên!

Lời khai thị của đức Phật đã làm cho toàn thể đại chúng vô cùng cảm động. Cái chết vì đạo của một Mục Kiền Liên đã làm nảy sinh vô số các Mục Kiền Liên khác. Tất cả đại chúng đều vì sự trường tồn của chánh pháp mà phát nguyện học theo tinh thần tuẫn đạo cao quí của tôn giả Mục Kiền Liên.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Tôn Giả Mục Kiền Liên (Maudgalyayana Moggallana)