Tôn Giả La Hầu La
Tỳ Kheo Thích Minh Tuệ (Sài Gòn 1991)


Rahula Mật Hạnh Ðệ Nhất

Tục ngữ Việt Nam có câu: "Con vua thì được làm vua, con sãi giữ chùa thì quét lá đa". Câu tục ngữ con vua quan bao giờ cũng được che chở và tiếp tục chức tước, còn dân thì cha truyền con nối cày sâu cuốc bẩm, còn mang ý nghĩa nói lên tính huyết thống, di truyền mà ít ai nghĩ đến từ ý nghĩa đó, tục ngữ Việt Nam còn có thêm một câu tương tự: "Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh". Tục ngữ Pháp gọi là: "Cha như thế nào con như thế ấy" (Tel père, tel fils). Bởi thế với xã hội chúng ta có thể thiết lập công bằng trên bình diện quyền lợi vật chất, còn huyết thống di truyền thì chúng ta khó có thể san bằng được, nếu con người không chịu cấy giống, tạo được khí hậu đồng đều giữa các miền. Dù không có pháp chế chính thức, người Nhật đã âm thầm lai giống cho nên ngày nay dân Nhật có tầm vóc cao, hết gọi là Nhật lùn, ngoài vấn đề Nhật có một đời sống vật chất cao, đầy đủ chất dinh dưỡng. Từ đó thực tế cho thấy vấn đề huyết thống di truyền rất là quan trọng đối với con người. Ngày xưa ở Ấn Ðộ Thái Tử Tất Ðạt Ða vốn sanh từ dòng Sát Ðế Lợi, được thừa hưởng huyết thống thông minh tài trí, lại nhờ bối cảnh xã hội thúc đẩy, Thái Tử Tất Ðạt Ða vượt trội lên để trở thành Phật Thích Ca đấng Pháp Vương Vô Thượng. Về sau La Hầu La dù có nghịch ngợm hay đùa cợt, nhưng đã nhờ sức tiếp huyết thống của Phật Thích Ca nên đã thẳng bước tiến trên đường đạo nghiệp, trở thành một đại đệ tử Ðệ Nhất Mật Hạnh.

La Hầu La Thời Niên Thiếu

Là cháu đích tôn của vua Tịnh Phạn và là cháu ngoại của vua Thiện Giác, La Hầu La (Rahula) rất được cưng chiều sống hạnh phúc trong thời thơ ấu. Thái Tử Tất Ðạt Ða không những chỉ bỏ lạc thú mà còn khước từ luôn cả ngôi báu, bởi thế trong tương lai người kế vị vua Tịnh Phạn chắc chắn là La Hầu La. Ðó cũng là lý do La Hầu La được trìu mến trong hoàng cung. Vả lại La Hầu La là niềm vui duy nhất của Da Du Ðà La, nên bà rất mực yêu thương và nuông chiều.

Sau ba năm thành đạo, Ðức Phật mới trở về thành Ca Tỳ La Vệ thăm Phụ vương, Di mẫu, Da Du Ðà La và La Hầu La. Toàn dân nô nức đón chào ngày trở về của Thái Tử Tất Ðạt Ða nay đã trở thành Phật Thích Ca, Vua Tịnh phạn cũng đích thân đi đón. Da Du Ðà La và La Hầu La không đi, chỉ lên lầu ngó trông. La Hầu La lúc nào cũng bên mẹ, nên mãi chưa được thấy phụ thân. Khi Ðức Phật cùng Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đến cung của Da Du Ðà La, La Hầu La mới biết phụ thân. Nhưng với trí thông minh sẳn có dù chỉ 10 tuổi, La Hầu La liền nghĩ Phật chẳng còn là phụ thân riêng của La Hầu La mà là một bậc đại từ phụ của tất cả chúng sanh, với tính thơ ngây La Hầu La thường đòi được ở chung với Phật. Mỗi khi gặp Phật, La Hầu La lại đòi Phật cho gia tài. Một hôm sau khi từ rừng Ni Câu Ðà vào đến hoàng cung, Ðức Phật nói với Xá Lợi Phất:

Chú bé La Hầu La cứ đòi xin ta gia tài, ta không cho thứ tài sản mong manh của cuộc đời, ta không muốn La Hầu La thừa kế ngôi báu, chỉ muốn cậu bé xuất gia cầu đạo giải thoát. Do đó ta muốn Xá Lợi Phất hướng dẫn La Hầu La xuất gia. Với huyết thống Phật chủng sẳn có, vâng lời Tôn giả Xá Lợi Phất, La Hầu La xuất gia làm vị Sa di đầu tiên trong giáo đoàn, tháp tùng các vương tôn theo Phật về Tinh Xá Trúc Lâm, tiến tu đạo nghiệp nối tiếp dòng thánh, trở thành vị Mật Hạnh Ðệ Nhất.

Ðạo Nghiệp La Hầu La

Sa Di nghịch ngợm

Dù đã thọ giới Sa di nhưng còn trẻ tuổi, La Hầu La chưa ý thức rõ hết tầm quan trọng của con đường mới và cũng chưa đủ kiến thức để lãnh hội chánh pháp. Trong tăng đoàn La Hầu La giống như một cái máy, các bậc trưởng thượng bảo sao nghe vậy, chẳng biết trách nhiệm của một sa di phải làm những gì? Khi Xá Lợi Phất nhận thêm chú bé Quân Ðầu vào làm Sa di, La Hầu La bắt đầu có bạn và thường bày các trò chơi nghịch ngợm, dối gạt người khác. Lúc ở rừng Ôn Tuyền, ngoài thành Vương Xá, có nhiều quan quyền, trưởng giả, cư sĩ đến hỏi nơi Ðức Phật đang thuyết giáo để viếng thăm, La Hầu La thường trêu chọc bằng cách chỉ không trúng chỗ. Nếu Phật ở Tinh Xá Trúc Lâm, La Hầu La bảo ở Kỳ Xà Quật, ngược lại nếu Phật ở Kỳ Xà Quật, La Hầu La chỉ ở Trúc Lâm, hai nơi này cách nhau đến những 5 dặm. Nhiều người không bằng lòng cách trêu chọc của La Hầu La, nhưng La Hầu La vừa là Sa di, vừa là con Phật lại thuộc dòng họ quyền quý, nên không ai dám chỉ trích hoặc trách cứ. Chuyện nghịch ngợm dối gạt để mua vui lâu ngày cũng đến tai Phật. Phật không vui chút nào, vì đã là một Sa di mà tập khí vương giả, tính ý lại chưa tẩy trừ được, Ðức Phật đích thân đến vườn Ôn tuyền khiển trách La Hầu La.

Phật Răn Dạy La Hầu La

Khi nghe tin Phật đến, La Hầu La vội vàng ra nghinh đón. Thấy Ðức Phật rất oai nghiêm từ xa mới đến, La Hầu La đem nước đến để Phật rửa chân. Rửa xong, Phật chỉ nước trong chậu hỏi La Hầu La:

Này La Hầu La! Nước này có thể uống được không?

Bạch Thế Tôn! Không thể uống.

Tại sao?

Vì nước đã ô uế.

Này La Hầu La! Ông cũng giống như thứ nước đó. Thời gian xuất gia làm Sa di khá dài, gần 10 năm nhưng với lề thói xấu xa, ông chưa dứt được.Nước ô uế không uống được, thân tâm những người còn ô uế các tập khí có khác gì đâu? Hình thức xuất gia mà thân, khẩu, ý còn trần tục tất không thể thăng hoa. Người rời bỏ thế tục phải giữ lòng thanh tịnh, hành vi cử chỉ nhẹ nhàng, nói năng ngọt ngào, lựa lời mà nói. Xuất gia mà không trừ bỏ ba độc uế, chẳng khác gì nước dơ, nước không sạch người ta sẽ đem đổ, con người mang nhiều tật xấu ắt sẽ sa đọa tương lai đen tối.

Nói xong, Ðức Phật bảo La Hầu La mang chậu đi đổ nước dơ rồi mang chậu về, khi trở lại Phật hỏi:

Này La Hầu La! Chậu này có đựng thức ăn được không?

Thưa không.

Tại sao?

Vì vết dơ bám đầy chậu.

Này La Hầu La! Chậu dơ không đựng thức ăn được, thân dơ cũng thế thôi. Ông chỉ là một hình đồng Sa di mà thân, khẩu, ý không đồng, không tu tập giới, định, huệ, tâm không trong sạch, lời nói bông đùa nghịch ngợm, thân dính đầy cấu uế, mất hết oai nghi, như thế khác gì nước uế, chậu dơ. Chậu dùng không được thì giữ lại làm gì?

Nói vừa dứt lời, Phật lấy chân đá nhẹ vào chậu khiến chậu vỡ đôi, Người lại hỏi tiếp:

Này La Hầu La! Ngươi có tiếc cái chậu không?

Thưa không.

Tại sao?

Vì chậu dơ, có gì phải tiếc!

Này La Hầu La! Vì chậu dơ ngươi không tiếc khi nó vỡ. Giống như mọi người không thương kính ngươi, vì ngươi còn nhiều lầm lỗi, kể cả việc nói để mà chơi. Mang danh xuất gia, ăn nói không được thật thà, oai nghi thiếu chững chạc, phỉnh gạt người khác, ai mà thương mến ngươi được?

Nói xong Phật còn đem chuyện xưa để răn dạy thêm. Xưa kia có một ông vua chuẩn bị đầy đủ cho con voi lâm trận, mình mặc áo giáp, ngà nối tên nhọn, túi giắt kiếm báu... Khi lâm trận voi sử dụng đủ các bộ phận của cơ thể, như hai chân trước, hai chân sau, đầu, tai, ngà, đuôi, nhưng không dùng cái vòi, luôn luôn co lại dấu kín. Nếu không bảo vệ cái vòi thì bị tên bắn, liền bị toi mạng. Ðức Phật khuyên La Hầu La cần cẩn thận lời nói, giống như con voi bảo vệ cái vòi, mở miệng nói dối dù nói chơi huệ mạng của người sẽ mất. Con voi ra trận mà không biết bảo vệ cái vòi thì chẳng còn biết sợ gì hết. Con người không cẩn thận, cân nhắc lời nói để cứ nói lừa, nói dối sẽ không có tàm quý và không có một việc xấu xa nào mà không làm. Bởi thế con người hãy ráng giữ miệng giữ mồm. Nghe Ðức Phật răn dạy, La Hầu La tỉnh ngộ phát nguyện sửa đổi oai nghi, bỏ lời dối gạt, âm thầm vắng vẻ tu luyện mật hạnh.

Tu Hạnh Nhẫn Nhục

Tuy La Hầu La đã phát nguyện giữ gìn giới luật, cẩn thận lời nói tiến tu mật hạnh, Ðức Phật vẫn bảo Tôn giả Xá Lợi Phất luôn luôn kềm chế La Hầu La bằng những công tác hằng ngày. Theo lời Phật, Xá Lợi Phất giao việc quét dọn sân vườn cho La Hầu La. Một hôm sau khi thực hiện xong công tác hằng ngày, La Hầu La vào giảng đường nghe Phật thuyết pháp mãi đến tối mới trở về phòng. La Hầu La thấy một khách tăng đã dọn y bát của La Hầu La ra ngoài để lấy phòng nằm ngủ, theo sự hướng dẫn của vị quản lý. Vì đã nguyện kín tiếng lặng hơi theo pháp mật hạnh, La Hầu La đành ôm y bát ra sân ngồi. Thình lình trời đổ mưa xối xả, La Hầu La lại ôm y bát vào nhà xí. Cũng vì trời mưa nước ngập hang, một con rắn tìm nơi lánh nạn, bò vào nhà xí. Vì trời tối La Hầu La ngồi bất động không thấy rắn, trong cơn nước ngập rắn bò kiếm chỗ khôn ráo nên cũng không biết có người trong nhà xí. Ngay tối hôm đó có người báo cho Phật hay La Hầu La bị một khách tăng chiếm phòng và có thể La Hầu La ẩn mưa trong nhà xí, Phật liền đi tìm La Hầu La. Khi rọi đèn vào nhà xí, Phật thấy La Hầu La ngồi bó gối ở một góc, con rắn khoanh tròn ở một góc. Vì có ánh sáng rắn nằm bất động, còn La Hầu La được Phật gọi ra và dẫn vào Tinh Xá. Sáng hôm sau, Phật tập họp tăng đoàn ban hành quy chế, Sa di có thể ở chung phòng với Tỳ kheo. Từ đó La Hầu La được ở chung phòng với Xá Lợi Phất, hai thầy trò sát cánh nhau. Một hôm hai thầy trò đi khất thực, vì kính Tỳ kheo hơn Sa di, các đàn việt đem vật ngon cúng cho Tỳ kheo, còn Sa di La Hầu La nhận những vật thực ít chất dinh dưỡng như xác mè, rau đậu... Tuy đã phát nguyện nhẫn nhịn, tịnh hóa thân tâm, các tập khí bị dồn nén lâu ngày, giờ có thời cơ trỗi dậy. Với ý nghĩ tuổi đang lớn, cần được dinh dưỡng khi khất thực về vẻ mặt La Hầu La lộ nét u buồn, Phật hỏi lý do La Hầu La trình lại sự cố. Phật dạy La Hầu La nên kính lão, vả lại đi tu đâu có cần miếng ăn, ăn để sống chứ đâu phải sống để ăn. Ðức Phật khuyên La Hầu La nên chú trọng đến hạnh tu, không nên quá quan tam đến ăn uống, thức ăn chỉ là thuốc trị bệnh đói.Tuy nhiên, Phật cũng bảo Ngài Xá Lợi Phất nên chăm sóc đến sức khỏe của tuổi trẻ bằng cách lưu tâm đến sự ăn uống cho đủ chất dinh dưỡng. Một hôm khác hai thầy trò vào thành Vương Xá khất thực, trên đường đi chẳng may hai thầy trò gặp một chàng du đãng. Hắn ta chận đường, chửi bới lấy cát bỏ vào bình bát của Xá Lợi Phất, rồi vác gậy đánh La Hầu la túi bụi rồi bỏ đi. Vì sức yếu không chống trả nổi, đầu bị chảy máu. Lại cũng do tập khí bị dồn nén chưa dứt sạch, mặt La Hầu La tức giận bừng bừng và ôm dầu khóc thê thảm. Xá Lợi Phất từ tốn khuyến giáo:

Này La Hầu La! Tuổi đã 18, 19 sắp được thọ cụ túc giới, ngươi hãy quyết tâm nhổ sạch tập khí 3 độc, bằng mật hạnh nhẫn nhục, kẻ hành giả không nên oán cừu thù hận, hãy đem đức tính từ bi thương yêu tất cả chúng sanh, ở đời khen, chê, vinh, nhục là điều không đáng cho người tu hành lưu tâm. Ðiều đáng cho hành giả ghi nhớ là ở thế gian, sức mạnh nhẫn nhục có thể thắng tất cả sức mạnh khác, dù lớn lao đến đâu.

Vừa khuyên giải, Tôn giả vừa băng bó vết thương cho La Hầu La. Khi về đến Tinh Xá, Tôn giả trình lên Ðức Phật sự tình vừa mới xảy ra trên đường hai thầy trò đi khất thực. Phật dạy La Hầu La:

Này La Hầu La! Nhẫn nhục là hạnh vô cùng cao quý, muốn thấy Phật, thuận pháp, gần tăng ông hãy tu hạnh nhẫn nhục. Người biết nhẫn nhục tâm hồn sẽ thư thái, an ổn, diệt trừ được các tai họa, trí tuệ phát sinh, trí tuệ là kiếm báu chặt đứt gốc rễ vô minh, tham ái, ngã chấp. Người có trí tuệ dù có chung đụng với thế lực vẫn không bị ô nhiễm. Nhẫn nhục là điều kiện làm tăng thượng duyên, tuyên dương chánh pháp, là tư lương để giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Ðể khai thị thêm, giúp La Hầu La có đủ điều kiện tiến tu và chứng thánh, Phật lại khuyến hóa tiếp:

Này La Hầu La! Ðể nối tiếp dòng thánh không phụ các ân ngươi hãy nhìn thẳng vào thực tại của muôn vật, ngươi có thấy vật nào đứng yên không? Tất cả năng động trong sinh diệt, diệt sinh, ngươi cần đem trí tuệ soi suốt tính vô thường, vô ngã của vạn vật kể cả thân tâm của ông, có suốt rõ như thế tâm mới không dính mắc vào bất cứ một thứ gì để tu niệm, giữ 8 vạn oai nghi và ba ngàn tế hạnh, hầu sớm được giải thoát. Ngươi không thể trì trệ trên con đường triển khai Phật chủng. Nghe Ðức Phật cảnh tỉnh, La Hầu La liền tỉnh ngộ, dành mọi thời gian, chuyên tâm tu luyện oai nghi tế hạnh. Cuối cùng La Hầu La trở thành bậc đệ nhất về mật hạnh, được Phật khen ngợi và khuyên trang trải tâm tư đồng thể khắp mọi loài đưa chúng sanh qua bờ giải thoát.

Tiếp Nhận Tinh Xá

Tuổi còn trẻ ít tham gia sinh hoạt của tăng đoàn, chỉ vâng lời Phật chuyên tu oai nghi tế hạnh, lúc 20 tuổi La Hầu La chứng Thánh và được nhiều người kính trọng, vì thế La Hầu La được tín chúng cúng dường nhiều nhất. Một hôm Ðức Phật ở Ca Tỳ La Vệ thuyết pháp, có một trưởng giả đến xin quy y Phật nhưng lại rất hưũ duyên với La Hầu La. Sau ngày quy y vì cùng một quê hương Ca Tỳ La Vệ, Ông truởng giả cúng dường cho La Hầu La đủ các thứ cần dùng. Sẳn có tài sản trưởng giả xây cất một tinh xá, dâng cúng cho La Hầu La. Tinh Xá khang trang rộng rãi nên La Hầu La dọn về thường trú ở đó. Trên đường đi thuyết pháp các Tỳ kheo cũng thường ghé lại Tinh xá của La Hầu La. Vì thế Tinh Xá lúc nào cũng đông khách ra vào. Vì nghĩ Tinh xá do mình cúng nên mình có trách nhiệm quản lý, Trưởng giả rất siêng năng lui tới Tinh xá bàn bạc với La Hầu La việc này, việc nọ, đôi lúc ông còn lấn cả quyền hạn của trụ trì La Hầu La. Là một người tu hạnh nhẫn nhục luôn im lặng truớc mọi hành động của vị trưởng giả, và cũng vì chưa nghe Phật chế giới tiếp nhận và quản lý Tinh xá như thế nào nên trong dịp trở về Trúc Lâm, La Hầu La thỉnh Phật ý kiến. Ðức Phật dạy rằng:

Trong giáo pháp của ta việc của tăng đoàn, hàng tín chúng không được can dự vào, phòng ốc, tinh xá của tăng đoàn cư sĩ Phật tử không có quyền quản lý. Dù bất cứ vật gì kể cả Tinh xá, sau khi đã dâng cúng quyền sở hữu thuộc về chư tăng.

Nghe Phật giải thích rõ ràng, La Hầu La về trình bày với ông trưởng giả. Ðã không thông hiểu Phật pháp lại ỷ đã bỏ tài sản ra xây dựng, đương nhiên ông có quyền quản lý. Do đó trước kính trọng cúng dường cho La Hầu La bao nhiêu, bây giờ trưởng giả lại oán thù La Hầu La bấy nhiêu, xem La Hầu La là người chiếm đoạt tài sản. Một hôm La Hầu La có việc phải vào thành Xá Vệ, đúng lúc trưởng giả viếng thăm Tinh xá, vì tâm bất bằng có sẵn lại thấy Tinh xá vắng vẻ, trưởng giả vội vàng đem Tinh xá cúng dường cho một vị Tỳ kheo khác. Khi xong việc trở về, thấy tinh xá có người đến ở, với tâm không vụ lợi tranh chấp, xả bỏ tất cả, La Hầu La ôm y bát trở về Tinh xá Kỳ Hoàn. Thấy lạ Ðức Phật hỏi lý do, La Hầu La trình bày với Phật, Tinh xá đã bị trưởng giả thu hồi và đem cúng dường cho một vị Tỳ kheo khác. Ðức Phật nghĩ, người không hiểu Phật pháp mà đi làm phật sự thật là một điều khó, sau đó Phật triệu tập tăng đoàn và dạy:

Những vật đã đem bố thí cho người, tín thí đem tặng lại cho các ông, các ông không được tiếp nhận. Nói thế không phải ta thiên vị, bênh vực quyền lợi cho La Hầu La, phép tắc trong giáo đoàn phải được quy định rõ để tránh các rắc rối về sau.

La Hầu La Nhập Niết Bàn

Về sự đản sinh và niết bàn của La Hầu La có hai truyền thuyết: Một thuyết cho rằng La Hầu La ra đời năm Thái tử Tất Ðạt Ða 19 tuổi, thuyết khác cho rằng La Hầu La chào đời năm Thái Tử Tất Ðạt Ða 25 tuổi. Về năm Niết Bàn của La Hầu La cũng có hai truyền thuyết. Một thuyết nói La Hầu La Niết bàn trước Phật vài năm, thuyết khác ghi khi Phật Niết Bàn La Hầu La còn quỳ bên Phật. Theo truyền ký Da Du Ðà La cùng tuổi với Phật, nhưng niết bàn năm 78 tuổi như thế là trước Phật 2 năm. Còn La Hầu La niết bàn không quá 50 tuổi trước cả Phật và Da Du Ðà La.

Nhận Thức Và Kết Luận

Trong hàng Thánh chúng, La Hầu La là vị tu chứng trẻ nhất, lúc mới 20 tuổi. Ðúng là mê nhất kiếp ngộ nhất thời, vừa vâng lời Phật bỏ tính ham chơi của tuổi trẻ, tu chẳng bao lâu La Hầu La liền chứng thánh vị. Lúc còn là chú tiểu và cả lúc đã thọ sa di, La Hầu La biểu thị tính hồn nhiên, thơ ngây, nghịch ngợm của tuổi trẻ ngày xưa. Nếu đem so với thế hệ tuổi trẻ ngày nay, chúng không còn ngây thơ hồn nhiên như thế hệ tuổi trẻ của cha anh. Chúng ta không nên méo mó, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, trong hiện tại con em chúng ta đang thiếu hướng dẫn, nạn phá phách, xì ke, ma túy nghiện ngập đang lan tràn trong giới trẻ. Gia đình, học đường cần tìm biện pháp chấn chỉnh, đưa tuổi trẻ vào nề nếp. Chúng ta không thể ham lo đời sống kinh tế rồi bỏ quên tuổi trẻ, thế hệ mai sau của tổ quốc. Do đó chúng ta hãy noi gương Ðức Phật và Tôn giả Xá Lợi Phất đi sâu sát rèn luyện tuổi trẻ sớm nên người tốt trong xã hội.

Trên đây là nói về mặt chung của xã hội, còn mặt riêng trong giới tăng ni trẻ, chúng ta phải noi gương La Hầu La về mặt giới đức tu trì. Trong tuổi trẻ La Hầu La có đùa nghịch nhưng là đứa trẻ nghịch hồn nhiên, trong trắng, không bê tha ô nhiễm... Bởi thế sau khi nghe giáo huấn của Phật và Tôn Giả Xá Lợi Phất, La Hầu La đã dễ dàng loại trừ những trò chơi trêu chọc nghịch ngợm và gia công trau dồi oai nghi tế hạnh, để chứng thánh quả. Các tăng ni trẻ nên khép mình trong khuôn khổ nhà chùa, tam thường bất túc, tu trì giới, định, tuệ để trở thành một tăng sĩ thật tài, có đức hữu ích cho giáo hội, cho dân tộc. Có học có tu, có thực tài, có đức hạnh, vị thể của chúng ta trong giáo đoàn và ngoài xã hội mới vững, mới lâu dài. Người xưa có nói: "Hữu hoạn bất tài, hà hoạn vô vị" (chỉ sợ không tài, lo gì không có địa vị). Ðối với cuộc đời, người có tài đức nếu vì một lý do nào đó không thành công thì cũng thành nhân". Riêng tu sĩ vấn đề tiến tu đạo nghiệp là chính. Tôn giả La Hầu La nhờ âm thầm bỏ công rèn luyện oai nghi tế hạnh nên đã trở thành vị Mật Hạnh Ðệ Nhất ngay lúc tuổi còn trẻ. Trong công tác của giáo đoàn, dù không có những hoạt động sôi nổi như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Phú Lâu Na, Ca Chiên Diên... nhưng đã chứng Thánh quả A La Hán, Mật Hạnh đệ nhất, La Hầu La đã có vị thế lâu dài trong hàng Thánh chúng Thập đại đệ tử của Ðức Phật.