Tu trí tuệ Bát Nhã phải từ tướng hư giả mà khởi tu, từ tướng hư giả mới có thể đạt đến tướng chân thật. Giả tướng là pháp hư vọng, làm sao có thể đạt đến tướng chân thật được. Từ tướng hư giả bạn phải liễu giải được tính duyên khởi “không” của vạn pháp. “Không” tức là chân thật tướng. Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật có nói: “Nếu thấy các tướng là chẳng phải là tướng, tức thấy Như Lai”. Như Lai tức là chỉ cho thật tướng pháp thân.
Chúng ta đắp tượng Phật nhằm mục đích gì? Nhằm giúp chúng sinh nương nơi tướng tốt của Phật mà phát khởi tâm cung kính tu hành, nếu không mượn tượng Phật hư giả thì chúng sinh nương ở đâu, lấy cái gì lễ bái cúng dường, làm mô phạm cho chính mình. Tất cả đều phải từ tướng hư giả mà khởi tu hành. Nói duyên khởi là hư giả, thế nhưng không thể xa lìa tướng hư giả mà tu đạo xuất thế được.
Vì vậy, chúng ta cần phải phát tâm tu tập theo sự tướng. Phải liễu giải được, thật tướng sự tướng của vạn pháp vốn là không, sự tướng vốn là vô tướng, vô tướng chính là phước Bát Nhã, phước vô tướng. Phước Bát Nhã vô tướng là gì? Đó là loại phước khi chúng ta tạo, mà không có sự chấp trước. Ví như, khi làm phước, bạn còn thấy mình là người cho, thấy người nhận, và chấp trước vào công đức đó, đó là bạn dụng tâm thế gian tu thiện để cầu phước báo rồi. Phước báo của việc làm đó đương nhiên là có, có gieo nhân tất phải có quả. Song, phước báo đó chỉ là phước báo của trời người, là Đệ nhị nghĩa đế. Nếu bạn lấy phước đó mà mong liễu sinh thoát tử, muốn thành Phật thì không thể nào có được. Như vậy, chúng ta phải tu phương pháp nào mới có thể liễu sinh thoát tử? Chúng ta phải lấy vô ngã tướng, vô nhân tướng và vô chúng sinh tướng, mà tu tất cả thiện pháp, thì mới có thể thành tựu việc liễu sinh thoát tử.