Home > Khai Thị Phật Học > Vi-Tien-Nhan-Nhuc
Vị Tiên Nhẫn Nhục
Thích Hậu Quán | Thích Vạn Lợi, Việt Dịch


Kính chào các vị pháp sư, các vị cư sĩ!

Hôm nay xin chia sẻ với các vị một câu chuyện kinh điển trong Phật giáo, câu chuyện này được trích trong Kinh Hiền Ngu, phẩm “Sằn đề Bà Lê” từ trang 359 đến trang 360 quyển thứ 4 “Đại Chánh Tạng”.

Vào một thời, đức Phật trú tại vườn Trúc Lâm ở thành Vương Xá. Khi Thế Tôn mới vừa thành đạo, lần đầu tiên chuyển pháp luân độ hóa A Nhã Kiều Trần Như và 4 vị tỳ kheo, sau đó tới làng Uất ti la độ hóa 3 anh em Ca Diếp và hàng ngàn đệ tử. Thế Tôn thuyết pháp độ mọi người, những người được thấm nhuần giáo hóa mà chứng ngộ giải thoát cũng càng ngày càng nhiều. Lúc đó, người dân ở Vương Xá Thành đều rất yêu thích và ủng hộ trí tuệ từ bi của đức Phật, họ không ngừng ca ngợi: “Như Lai xuất hiện ở thế gian, là điều đặc biệt hiếm có, các chúng sinh đều nhờ ơn của Ngài mà có thể rời khổ được vui. Họ còn ca ngợi 5 vị tỳ kheo trong đó có A Nhã Kiều Trần Như, ca ngợi Ca Diếp và một ngàn vị tỳ kheo khác: “Các vị đại đức tỳ kheo, trước đây đã có duyên gì với Như Lai mà đã được nghe pháp sớm nhất vào lúc đầu tiên chuyển pháp luân, và được nếm pháp vị cam lồ Như Lai đầu tiên”.

Khi nghe được những lời khen của nhân dân trong thành, các tỳ kheo đã đến bái kiến Thế Tôn, và bẩm báo lại với Ngài điều này. Đức Phật nói với các tỳ kheo: “Vì trước đây rất lâu, ta đã có lời đại thề nguyện, là nếu ta thành Phật đạo, chắc chắn ta sẽ độ hóa các con đầu tiên.

Sau khi nghe xong, các vị tỳ kheo hỏi Phật: “Trước đây rất lâu, Ngài đã có lời thề ra sao, thế thì chuyện là như thế nào, và nguyên nhân vì sao? Kính xin Thế Tôn từ bi giải thích cho chúng con”.

Đức Phật nói: “Các con hãy chú ý lắng nghe, và cố gắng suy nghĩ để nhớ lại. Rất lâu trong quá khứ, vô lượng vô biên bất khả tư nghị a tăng kỳ kiếp, ở thế giới Diêm Phù Đề này có một đại quốc tên Ba la nại, quốc vương lúc đó là vua Ca lợi. Lúc đó, trong nước có một vị tiên nhân tu hành tên là Sạn Đề Ba Li (vị tiên nhẫn nhục), ông cùng với năm trăm đệ tử vào một khu rừng trên núi để tu hạnh nhẫn nhục.

Một hôm, vua Ca lợi cùng các đại thần, phu nhân và các cung nữ lên núi du ngoạn. Đi một lúc lâu, quốc vương cảm thấy mệt mỏi nên nằm xuống nghỉ ngơi và ngủ thiếp đi. Những cung nữ tỏa ra đi khắp nơi để ngắm hoa thơm cỏ lạ, khi nhìn thấy vị tiên nhẫn nhục đang tĩnh tọa tư duy đã khởi lòng cung kính, nên đã rãi rất nhiều hoa lên người ông, sau đó ngồi trước mặt ông lắng nghe ông thuyết pháp.

Sau khi tỉnh lại, vua Ca lợi nhìn khắp nơi nhưng vẫn không thấy bóng dáng các cung nữ đâu, nên đã cùng với 4 vị đại thần đi tìm. Sau đó, khi nhìn thấy các cung nữ đang ngồi trước mặt vị tiên nhân, quốc vương bèn hỏi: “Khanh đã đạt được 4 định vô sắc, không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi hữu tưởng phi phi tưởng xứ chưa?”.

Tiên nhân trả lời: “Vẫn chưa đạt được”.

Quốc vương lại hỏi: “Ngươi đã đạt được 4 tâm vô lượng từ bi hỉ xả chưa?”

Tiên nhân trả lời: “Vẫn chưa đạt được”.

Quốc vương lại hỏi tiếp: “Vậy sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, ngươi đã đạt được chưa?”

Tiên nhân lại trả lời: “Vẫn chưa đạt được”.

Quốc vương tức giận, nói: “Những công đức đó, ngươi vẫn chưa thành tựu được. Ngươi chỉ là một kẻ phàm phu chưa thoát tục, mà lại ở một mình cùng với các cung nữ trong nơi ẩn khuất như thế này, thì làm sao người ta có thể tin được ngươi là một người tu hành trong sạch?”.

Quốc vương lại hỏi tiếp: “Ngươi là người thế nào, thường xuyên ở đây tu học pháp gì?”.

Tiên nhân trả lời: “Tôi tu hạnh nhẫn nhục”.

Quốc vương lập tức rút kiếm ra, nói: “Nếu như ngươi tu hạnh nhẫn nhục, thì ta muốn thử xem, liệu nhà ngươi có thể nhẫn nhục được không?”

Nói xong, quốc vương dùng kiếm chặt đứt hai cánh tay của tiên nhân, sau đó lại hỏi: “Ngươi vẫn còn nói đang tu nhẫn nhục nữa chứ?”

Tiên nhân trả lời: “Đúng vậy, tôi đang tu nhẫn nhục”.

Tiếp theo, quốc vương chặt luôn hai chân của tiên nhân, và hỏi: “Ngươi vẫn còn nói đang tu nhẫn nhục nữa chứ?”

Tiên nhân vẫn trả lời: “Tôi đang tu nhẫn nhục”.

Quốc vương lần lượt cắt tiếp tai và mũi, nhưng thần sắc của tiên nhân vẫn không thay đổi, và vẫn nói đang tu nhẫn nhục. Lúc đó, trời đất rung động, 500 vị đệ tử của tiên nhân bay lên không trung, và hỏi sư phụ tiên nhẫn nhục: “Người chịu nổi đau khổ lớn như vậy, nhưng tâm tu nhẫn nhục vẫn không bị mất hay sao?”

Tiên nhân trả lời: “Tâm của ta rất kiên định, không hề bị lung lay”.

Nghe vậy, quốc vương vô cùng kinh sợ, liền hỏi tiên nhân: “Ngươi tự xưng nhẫn nhục, nhưng lấy gì để chứng minh?”

Tiên nhân trả lời: “Nếu tôi thật sự có thể nhẫn nhục, lời nói và ý chí như một, lòng hết mực chân thành, không chút giả dối, thì máu trong người tôi chảy ra chắc chắn sẽ biến thành sữa tươi. Còn xác thân bị tàn phế này chắc chắn cũng sẽ hồi phục trở lại. Tiên nhân vừa nói xong, máu lập tức biến thành sữa tươi, cơ thể hồi phục trở lại bình thường như trước.

Nhìn thấy được minh chứng về sự nhẫn nhục của tiên nhân, trong lòng quốc vương càng sợ hãi, nên đã xin tạ tội với tiên nhân: “Ta đúng là kẻ vô lễ, tội lỗi vô biên, dám bôi nhọ sỉ nhục đại tiên, kính xin Ngài mở lòng từ bi chấp nhận lòng sám hối của ta.

Tiên nhân nói: “Vì tham mê nữ sắc nên nhà ngươi đã khởi tâm sân hận với ta, dùng dao chặt các bộ phận trên thân thể ta, nhưng ta vẫn an nhẫn. Sau khi ta thành Phật rồi, ta sẽ dùng dao trí tuệ để đoạn trừ tam độc tham sân si trong tâm ngươi”.

Nhìn thấy vua Ca lợi nhục mạ tiên nhân oan ức như vậy, các chư long, quỷ thần trong núi đều tức giận, nên đã nổi mây đen vần vũ, sấm chớp vang rền tính làm hại vua Ca lợi và các tuỳ tùng của ông. Lúc đó tiên nhân ngẩng đầu lên nói: “Nếu vì tôi, thì xin các Ngài đừng hại quốc vương và những người khác”.

Sau khi đã sám hối với tiên nhân, quốc vương thường xuyên lễ thỉnh tiên nhân trở về hoàng cung để được cúng dường. Lúc bấy giờ, nhìn thấy vua Ca lợi rất cung kính đối với tiên nhân, có rất nhiều người ngoại đạo khác cảm thấy vô cùng ghen tị, nên họ đã lấy bùn đất và những thứ tạp nhạp dơ bẩn khác rồi núp vô chỗ kín để ném vô người tiên nhân. Nhìn thấy hành động của những người ngoại đạo này, vị tiên nhân đã lập tức có lời thề nguyện: “Ta đang tu hạnh nhẫn nhục, là vị lợi ích của tất cả chúng sinh, cứ tiếp tục không ngừng tích lũy thiện hạnh, sau này chắc chắn sẽ thành Phật. Nếu sau này thành Phật rồi, ta sẽ dùng nước giáo pháp rửa sạch những vết bẩn, tiêu trừ những vết bẩn tham dục trong lòng các ngươi, để các ngươi được mãi mãi trong sạch”.

Phật nói với các vị tỳ kheo: “Các ngươi muốn biết vị tiên nhân nhẫn nhục lúc bấy giờ là ai không? Đó chính là tiền thân của ta. Vua Ca lợi và 4 vị đại thần đi theo chính là A Nhã Kiều Trần Như và 4 vị tỳ kheo. Còn những vị ngoại đạo đã dùng bùn đất và những tạp chất dơ bẩn chọi vào người ta chính là những tỳ kheo ở làng Uất ti la bây giờ. Lúc đó vì ta tu hạnh nhẫn nhục và phát nguyện muốn độ hóa cho họ trước, cho nên sau khi thành Phật, những người đó nhận được sự độ hóa của ta đầu tiên để có thể rời khổ đau, đạt được giải thoát”. Khi đã được nghe Phật khai thị, các tỳ kheo đều ca ngợi câu chuyện xưa nay chưa từng có này, hoan hỉ tiếp nhận và y giáo phụng hành.

Câu chuyện này trong “Kinh Kim Cang” cũng có nhắc đến, tôi tin rằng mọi người cũng đã từng nghe qua: “Như thuở xưa ta bị vua Ca lợi cắt đứt thân thể, khi ấy ta không có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh và tướng thọ giả. Tại sao? Vì thuở xưa, khi thân thể ta bị cắt ra từng phần, nếu còn tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh và tướng thọ giả thì sinh lòng sân hận.”

Vị tiên nhân nhẫn nhục chính là tiền thân của Phật Thích Ca Mâu Ni.

Có người khi bị người khác phỉ báng hay đánh chửi thì muốn trả thù, ăn miếng trả miếng. Nhưng vị tiên nhẫn nhục đã không những không khởi tâm sân hận, mà còn nói với vua Ca lợi: “Ngươi dùng dao chặt các bộ phận trên thân thể ta, nhưng ta vẫn an nhẫn. Sau khi thành Phật rồi, ta cũng sẽ dùng dao chặt ngươi; nhưng đây không phải là dao bình thường mà là dao trí tuệ, để đoạn trừ tam độc tham sân si trong tâm ngươi”. Vì tiên nhân đã phát nguyện: “Sau khi thành Phật, ta sẽ độ hóa ngươi đầu tiên”, cho nên sau khi Phật Thích Ca thành đạo, tới vườn Lộc Dã Uyển chuyển pháp luân độ hóa 5 vị tỳ kheo, trong đó A Nhã Kiều Trần Như chính là vua Ca lợi trước đây, còn 4 vị tỳ kheo kia chính là 4 vị đại thần đi cùng.

Lúc vua Ca lợi chặt những bộ phận trên cơ thể của tiên nhân, có nhiều thiên thần muốn hại Ca lợi và những người thân của ông, nhưng tiên nhân đã ngăn cản: “Nếu như vì ta, xin tuyệt đối đừng hại họ”. Vua Ca lợi rất cảm động, đã sám hối với tiên nhân, và còn thỉnh Ngài về hoàng cung để cúng dường. Thật ra vua Ca lợi cũng quan tâm ủng hộ những người ngoại đạo khác, nên khi nhìn thấy quốc vương cung kính và trọng đãi tiên nhân, họ rất ghen tị. Họ núp trong chỗ khuất, dùng bùn đất và những chất dơ bẩn chọi vào tiên nhân.

Chúng ta hãy kiểm điểm lại xem, nếu bị người khác dùng những chất dơ bẩn chọi vào người, có thể chúng ta sẽ rất tức giận, và mau chóng lấy nước rửa sạch những vết bẩn này. Nhưng vị tiên nhân không những không tức giận, mà còn nói với họ: “Nếu sau này thành Phật rồi, ta sẽ dùng pháp thủy rửa sạch những vết bẩn, tiêu trừ những vết bẩn tham dục trong lòng các ngươi, để các ngươi được mãi mãi trong sạch”.

Cơ thể chúng ta nếu dơ bẩn, nước có thể rửa sạch được chúng, nhưng sau một khoảng thời gian, nó lại dơ trở lại, sắc thân của chúng ta không thể mãi mãi trong sạch. Nhưng đức Phật đã phát nguyện dùng nước giáo pháp để rửa sạch những phiền não thế tục của chúng sinh, hy vọng pháp thân sẽ được trong sạch vĩnh viễn. Còn vài ngày nữa là “Lễ tắm Phật”, trong lúc tắm Phật chúng ta xướng tụng “Kệ tắm Phật”. Nội dung là: “Ngã kim quán mộc chư Như Lai, tịnh trí trang nghiêm công đức hải, ngũ trược chúng sinh li trần cấu, đồng chứng Như Lai tịnh pháp thân”.

Tương truyền lúc thái tử Thích Ca chào đời, có 9 con rồng phun nước tắm sạch kim thân của thái tử. “Kệ tắm Phật” nói “quán mộc chư Như Lai”, nên không phải chỉ một mình “Thích Ca Như Lai” mà là “tất cả những Như Lai”. Thật sự, Phật đã thanh tịnh viên mãn rồi, vốn không cần chúng ta phải tắm nữa. Mà lễ tắm Phật là để chúng ta cám ơn Như Lai từ bi giáng sinh xuống thế gian độ hóa chúng sinh. Nhân lễ tắm Phật để chúng ta được cúng bái tất cả Như Lai và tất cả chư Phật, và kết thiện duyên thanh tịnh. Chúng ta dùng nước thơm rưới lên Như Lai, nguyện để Như Lai dùng thủy pháp trí tuệ thanh tịnh rửa sạch phiền não của chúng ta, để chúng ta cũng được như Phật, có trí tuệ thanh tịnh, phúc đức trang nghiêm, công đức như đại hải. Không chỉ bản thân mình rủ bỏ được bụi trần, mà còn nguyện cho chúng sinh ngũ trược ác thế đều có thể rời xa bụi trần. Không chỉ bản thân mình chứng đắc pháp thân thanh tịnh Như Lai, mà còn nguyện cho tất cả chúng sinh đồng chứng pháp thân thanh tịnh Như Lai.

Hy vọng mọi người trong lúc tắm Phật có cơ hội quán tưởng nội dung của “kệ tắm Phật”, không chỉ nghĩ tới “Thích Ca Như Lai”, mà thực tế, Phật Phật đạo đồng, tất cả bình đẳng, trong lòng chúng ta quán tưởng tắm tất cả Như Lai, và mong muốn tất cả Như Lai dùng pháp thủy rửa sạch phiền não của chúng ta. Không chỉ bản thân mình rủ bỏ được bụi trần, mà còn mong cho tất cả chúng sinh rủ bỏ được bụi trần. Không chỉ bản thân mình chứng đắc pháp thân thanh tịnh Như Lai, mà còn nguyện cho tất cả chúng sinh đồng chứng pháp thân thanh tịnh Như Lai.

Chúng ta hãy cùng cố gắng nhé!

Phúc Nghiêm, lớp giáo dục mở rộng, ngày 19 tháng 4 năm 2014