Kính chào các vị pháp sư, các vị cư sĩ.
Hôm nay xin chia sẻ với các vị một câu chuyện kinh điển trong Phật giáo, câu chuyện này được trích từ trang 769a đến trang 770a “Đại Chánh Tạng” tập 14, “Kinh La Vân nhẫn nhục”.
Có một khoảng thời gian, đức Phật trú ở vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc nước Xá Vệ. Xá Lợi Phất và La Vân vào buổi sáng mặc cà sa cầm bát vô thành khất thực. Lúc đó có một người lời nói cử chỉ nóng nảy bộp chộp vừa nhìn thấy hai vị hiền nhân, liền nghĩ: “Đệ tử số một của Thích Tôn là sa môn Xá Lợi Phất và La Vân đã tới khất thực rồi”, người này sinh ra ý ác, liền ngồi xuống hốt một nắm đất rồi bỏ vào bình bát của Xá Lợi Phất, và còn lấy đá ném vào đầu La Hầu La.
Thầy Xá Lợi Phất nhìn thấy máu chảy ướt mặt La
Hầu La, liền nói với đệ tử của mình: “Bản thân là đệ tử Phật, phải cẩn thận, không được khởi lên niệm ác, mà nên dùng lòng từ bi để thương xót chúng sinh.
Thế Tôn thường nói: ‘Người nào nhẫn nhục, người
đó sẽ có được niềm an lạc thật sự bền vững. Và chỉ là người trí, mới có thể làm được’. (Nói cách khác: Chỉ có người trí mới có thể có được sự an nhẫn thật sự; khi an nhẫn thật sự mới có thể có được niềm an lạc mãi mãi).
Sau khi nghe được lời dạy của đức Phật, từ đó cả đời ta không bao giờ vi phạm. Ta cẩn thận thâu nhiếp tâm niệm của mình, coi nhẫn nhục như điều quý báu. Nếu như buông lỏng tâm niệm, đi làm chuyện ác, cũng giống như bản thân mình nhảy vô lò lửa. Tự cao tự đại, tự cho mình là số 1, thì chỉ có người ngu muội mới tưởng như vậy là cao minh, hoàn toàn không nghĩ tới tai họa bất ngờ, cuối cùng chỉ hại cho bản thân mình.
Những tội lỗi khi phóng túng tâm niệm còn nặng hơn núi Tu Di. Dù cả đời phải chịu tội nghiệp quả báo, cũng không giảm nhẹ được 1/16 tội báo trong đó. Cũng giống như cầm lửa đi ngược với chiều gió, nếu như không thể buông bỏ những hành động ngông cuồng ngu muội đó, thì tàn lửa sẽ bay ngược lại thiêu cháy chính mình.
Người hèn hạ, trong lòng luôn có đầy những suy nghĩ ác độc, và luôn cho mình là thông minh. Nếu như tỳ kheo, nên dựa vào đạo lực của tứ quả sa môn (chứ không phải dựa vào bạo lực). Là đệ tử của Phật phải thường xuyên điều phục tự tâm, chỉ cần phát hiện ác niệm sanh khởi nên lập tức nhận biết và diệt trừ, như vậy mới là người mạnh mẽ nhất trong những người mạnh mẽ. Thiên thần đế vương tuy rằng có thế lực, nhưng nếu như không biết điều phục ác niệm, thì sức mạnh đó không thể gọi là mạnh được. Chỉ có sức mạnh của nhẫn nhục, mới là sức mạnh chí cao vô thượng”.
Thấy máu cứ không ngừng tuôn trên mặt mình, La Hầu La đã lấy nước để rửa vết máu và nói: “Nỗi đau cơ thể con phải gánh chịu cũng chỉ là nỗi đau trong một thời gian ngắn. Điều bất lực là, đối phương phải chịu một nỗi khổ triền miên. Người đó có nhiều tội ác, và nơi đây cũng không phải là nơi tốt đẹp, nhưng con không thể vì vậy mà mang lòng oán hận, ngược lại còn thương xót vì sao người đó lại làm như vậy. Đức Phật là bậc Đạo sư tôn kính của con, đã dạy cho con tu học tâm từ bi vô lượng”. Gặp phải người có tính hung ác, ngang tàng, bất chấp, sa môn phải giữ sự bình tĩnh, kiên nhẫn, thành tựu phẩm chất đạo đức cao thượng.
Người hung ác tàn bạo, sẽ được người ngu si tôn sùng. Còn những sa môn tu nhẫn nhục, gìn giữ tự tâm, thì bị những người ngu muội ngông cuồng coi khinh.
Người đó đã làm nhiều chuyện ác, chẳng lẽ con cũng phải giống như ông ấy sao? Luân hồi tam giới không có giới hạn, chẳng lẽ phải tiếp tục luân chuyển như vậy sao? Nếu như con trả thù ông ấy, lấy oán trả oán, thì con sẽ phải chịu tiếp tục luân hồi tam giới giống như ông ấy con không muốn như vậy. Con muốn dùng đạo lý chân thực nhất của đức Phật đã dạy, để khai đạo khuyên can những người mê muội. Nhưng liệu, cũng giống như dùng một thanh kiếm thật bén để chặt một thi thể đã mục rữa, thi thể đó có biết đau hay không? Nó sẽ không hề biết đau. Điều này không phải do thanh kiếm không đủ sắc bén, mà vì thi thể đó không có tri giác, nên nó sẽ không có phản ứng gì. Cũng giống như dùng cam lồ của thiên nhân để cho những con heo dơ bẩn trong chuồng ăn, chúng nó sẽ không thèm ngó ngàng gì tới mà ngoảnh đầu bỏ đi. Phải chăng cam lồ không ngon? Thật ra không phải vậy, mà bởi vì những con heo đó không biết quý trọng cam lồ.
Con muốn dùng những lời chân thật của đức Phật đã dạy để giáo huấn những kẻ tàn ác và ngu muội trên thế gian. Chẳng phải như vậy sao?”
Hai thầy trò cùng trở về tịnh xá. Ăn cơm xong, sau khi đã rửa bát rửa tay sạch sẽ, hai thầy trò cùng đến trước đức Phật, ngồi xếp chân đảnh lễ Phật. Xá Lợi Phất ngồi lui ra một bên, và kể lại đầu đuôi câu chuyện cho Phật nghe. Sau khi nghe xong Thế Tôn nói: “Khi một người sanh khởi niệm ác, là người đó bắt đầu bại hoại, sẽ dẫn đến bại vong. Người đó sau khi chết, tới lúc nửa đêm, sẽ bị đọa lạc vào địa ngục vô gián, lính cai ngục ở đó sẽ cho họ vô số hình phạt tàn khốc, thân đầy vết thương, khổ hết chỗ nói, phải trải qua 8 vạn 4000 tuổi thì mới kết thúc, sau đó đầu thai thành rắn mãng xà trong miệng có chất độc, chất độc vẫn không ngừng đe dọa sẽ làm hại bản thân. Cứ không ngừng tuần hoàn, lại đầu thai là thân thân rắn độc, chỉ có thể ăn cát đá, cho tới hàng vạn năm sau mới chấm dứt.
Vì dùng tâm sân hận để đối xử với người tu hành thanh tịnh trì giới, nên sau khi chết sẽ đầu thai thành rắn độc; vì bỏ đất cát vô chén, nên đời đời kiếp kiếp phải ăn đất cát mà chết, mãi tới khi chịu đủ khổ báo mới được đầu thai làm người. Lúc người mẹ mang thai nhi này, thường bị trọng bệnh, dẫn đến tài sản trong nhà bị tiêu hao đến hết. Sau khi đứa bé này chào đời, đầu óc ngu muội trì độn, cơ thể bị khiếm khuyết tay chân, những người thân nhìn thấy đều kinh ngạc sợ hãi. Những người thân trong dòng họ đều nói: “Yêu quái ở đâu tới vậy? Như vầy sẽ đem lại điềm xấu”, thế là bèn đem đứa bé bỏ ở ngã tư đường. Ai ai đi qua cũng đều sợ hãi trước hình hài của đứa bé này, có người còn dùng gạch đá chọi nó, hoặc dùng dao dùng gậy gõ lên đầu nó, lấy chân giẫm lên đầu nó, khiến nó đau khổ muôn phần. Chưa đầy một tháng thì nó chết (vì ở đời trước nó đã đánh vào đầu của thánh La Hầu La, nên bây giờ phải bị quả báo như vậy). Sau khi chết nó lại đầu thai, và lại là một đứa bé bị thiếu tay chân, đầu óc ngu muội trì độn. Trải qua 500 đời, trọng tội mới tiêu trừ. Sau đó đầu thai làm người, nhưng vẫn thường xuyên bị nhức đầu”.
Thế Tôn nói tiếp: “Xá Lợi Phất, nếu con người ở thế gian mà không biết tu hành hạnh nhẫn nhục, thì những nơi đã đầu thai, sẽ không gặp được đức Phật xuất thế, cách xa Phật pháp, tăng chúng, thường đọa vào 3 đường ác, cứ tuần hoàn như vậy, trải qua nhiều đời nhiều kiếp, thường xuyên gặp phải đủ loại tai nạn, nếu như vẫn còn chút phước đức, thì dù được sanh làm người, nhưng tư chất ngu muội, tính tình hung ác bạo ngược; vì trong lòng đố kỵ thánh nhân, phỉ báng tam bảo, nên tướng mạo xấu xí, mọi người đều ghét bỏ; cuộc sống nghèo khổ, mong cầu quan tước công danh nhưng không được, trong lòng mong cầu điều gì cũng không thành, thiên thần và thánh hiền đều không phù hộ, nửa đêm thường thấy ác mộng, thấy yêu quái xuất hiện, thường gặp phải tai họa, gia đình luôn xào xáo, trong lòng thường lo sợ. Sở dĩ như vậy, là vì không biết tu học nhẫn nhục và điều phục tâm ác. Người có thể nhẫn nhục thì gia đình luôn yên ấm, tất cả tai họa đều được tiêu trừ. Mong cầu điều gì sẽ được như ý, dung mạo trang nghiêm xuất chúng, cơ thể khỏe mạnh, ít bệnh tật, tiền tài sung túc, vinh hoa phú quý. Có được tất cả những điều này là nhờ biết nhẫn nhục và dùng từ tâm để làm lợi ích chúng sinh. Tu học nhẫn nhục có thể tích lũy phước đức, không chỉ bản thân, mà thân thuộc cũng được bình an, dòng họ hòa thuận vui vẻ, không có điều gì phiền muộn. Người có trí tuệ luôn hiểu thấu được đạo lý này, và có thể điều phục tâm niệm của mình. Bởi vì chỉ trong một niệm, sẽ có thể mang lại cho người ta tai họa vô cùng. Không chỉ nhà tan cửa nát, bị pháp luật trừng phạt, bị xử tử, mà thậm chí còn bị đọa địa ngục, bị thiêu đốt, hoặc bị đọa vào đường ngã quỷ, đường súc sanh… đều là những tai họa do ác niệm mang tới”.
Thế Tôn nói tiếp: “Thà rằng dùng kiếm sắc đâm vào bụng, cắt đứt thịt da, tự nhảy vô lò lửa; nhưng cũng phải cẩn thận, tuyệt đối không được làm chuyện ác. Thà rằng đầu đội núi Tu Di, để bị đè chết, hoặc nhảy xuống biển cả mênh mông để làm mồi cho cá; nhưng cũng phải cẩn thận, tuyệt đối không được làm chuyện ác. Không biết chân nghĩa, thì phải cẩn thận, tuyệt đối không được nói lung tung. Chánh pháp của Đức Phật khai thị, đôi khi không giống với cách nhìn của thế tục. Những thứ người thế tục quý trọng, đôi khi người tu đạo lại coi thường và muốn bỏ đi. Nước sông trong vắt và nước sông vẫn đục không thể chảy chung dòng, người trí và người ngu sẽ đi về hai hướng khác nhau. Người a dua nịnh hót sẽ coi người trung thành vô tư là kẻ thù. Người gian tà thường đố kỵ với người chân chính. Cũng vì vậy, người cố chấp tham dục sẽ bài xích những người tu hành chánh pháp chánh hạnh ly dục như chúng ta. Thà phải nuốt than hồng đang cháy, chứ tuyệt đối không được phỉ báng tam bảo. Vầng sáng vinh quang của tu nhẫn nhục luôn luôn hơn hẳn ánh sáng của nhật nguyệt. Sức lực của của rồng hoặc voi có thể nói vô cùng mạnh mẽ, nhưng vẫn không bằng một phần nhỏ so với sức lực của nhẫn nhục. Bảy loại báu chói rọi, người thế gian đều muốn có được, nhưng sau khi có rồi, không những nó sẽ mang tới sự lo lắng, thậm chí còn dẫn tới tai họa. Chỉ có nhẫn nhục mới là châu báu thật sự, từ đầu tới cuối đều có được sự bình an. Bố thí thập phương, tuy có được phước đức lớn, nhưng cũng không bằng phước đức sự nhẫn nhục mang tới. Tu học tâm nhẫn nhục hành thiện, đời đời kiếp kiếp không có oán thù, trong lòng bình an vui vẻ, không có bất cứ tai họa nào. Thế gian không có gì để có thể nương tựa, chỉ có nhẫn nhục làm chỗ dựa cho chúng ta. Nhẫn nhục là nơi trú ẩn an toàn nhất, tất cả những tai họa đều không thể phát sinh. Nhẫn nhục là áo giáp linh nghiệm, không có bất cứ vũ khí, binh lính nào làm tổn thương được. Nhẫn nhục là chiếc thuyền kiên cố, có thể vượt qua được mọi gian nan. Nhẫn nhục là thuốc hay, có thể cứu được tính mạng của chúng sinh.
Người lập chí tu học nhẫn nhục, thì không có nguyện vọng nào mà không thực hiện được. Nếu muốn trở thành chuyển luân thánh vương thống trị cả thiên hạ, hoặc muốn sanh vào cõi trời thứ hai Đao Lợi để làm Đế Thích Thiên Vương, thậm chí sanh vào cõi trời thứ sáu Tha Hóa Tự Tại Thiên để có tuổi thọ vô tận, cơ thể thanh khiết, tất cả nguyện vọng đều có thể thực hiện, giống như lấy đồ trong nhà của mình, với tay là có được. Nếu muốn chứng ngộ tứ quả sa môn, sơ quả, nhị quả, tam quả, tứ quả, cũng có thể chứng đắc, tùy theo tâm nguyện của bản thân mà đạt được.
Bây giờ ta có thể thành tựu Phật đạo, được tất cả thiên nhân tôn kính, vượt qua tam giới. Tất cả, đều do lực nhẫn nhục mà thành tựu”
Thì ra trong quá khứ Thế Tôn đã từng là vị tiên nhân nhẫn nhục, và vì vậy mà thành tựu. Đức Phật nói với tất cả sa môn: “Nên trì tụng kinh nhẫn nhục, không giây phút nào quên. Thọ trì, hiểu ý nghĩa, đọc tụng, và giảng dạy cho mọi người, để hoằng dương công đức nhẫn nhục, lợi ích cho chúng sinh”. Đức Phật nói xong, các sa môn đều thấy hoan hỉ, tác lễ rồi đi.
Trong câu chuyện này có những điểm sau đây đáng để chúng ta suy nghĩ.
Nếu bản thân có nhiều phiền não, cũng không được khởi tâm sân hận với người khác. Nếu khởi ác niệm và phỉ báng người thanh tịnh, cũng giống như cầm một bó đuốc đi ngược chiều gió, thì chỉ làm cho mình bị phỏng; cũng giống như ngửa mặt lên trời phun nước bọt, cuối cùng đờm cũng chỉ rơi xuống chính mặt mình. Nếu tạo trọng tội, đời này chỉ nhận ác báo, và khi chết sẽ bị đọa đường ác, lại tiếp tục chịu khổ báo. Dù cho phải chịu quả báo tội nghiệp suốt cả đời, nhưng những nghiệp báo được tiêu trừ cũng chưa bằng 1/16, những khổ báo phía sau vẫn còn rất nhiều. Chúng ta nên dựa vào đạo lực tu hành để hàng phục bản thân, chứ không phải dựa vào bạo lực của lời lẽ hay bạo lực của cơ thể để chinh phục người khác. Thiên thần, rồng và voi tuy có sức mạnh rất lớn, nhưng tất cả sức mạnh đó cũng không bằng sức mạnh của sự nhẫn nhục. Trong kinh cũng nói: Người ngu muội không thể tiếp nhận lời chỉ dạy của đức Phật. Cũng giống như dùng một thanh kiếm sắc bén để chặt một thi thể mục rữa, thi thể đó sẽ không hề biết đau. Điều này không phải do thanh kiếm không đủ sắc bén, mà vì thi thể đó không có tri giác, nên nó sẽ không có phản ứng gì. Cũng giống như dùng cam lồ của thiên nhân để đem cho heo ăn, chúng nó sẽ không thèm ngó ngàng gì tới mà ngoảnh đầu bỏ đi. Thật ra không phải cam lồ không ngon, mà bởi vì những con heo đó không biết quý trọng cam lồ”.
Chúng ta hãy kiểm điểm lại bản thân, nếu như trong lòng phiền não, không thể tiếp nhận lời giáo hối của đức Phật, hay lời khuyên giải của sư trưởng, đạo hữu, vậy thì, lúc đó chúng ta có khác gì cái thi thể mục nát không có phản ứng kia không? Có khác gì với những con heo đã từ chối cam lồ không?
Chúng ta hãy cùng cố gắng nhé!
Phúc Nghiêm, lớp giáo dục mở rộng, ngày 08 tháng 3 năm 2014
Người thức đêm thấy đêm dài, người mệt mỏi thấy đường xa, người ngu si khó thoát con đường sinh tử
Kính chào các vị pháp sư, các vị cư sĩ.
Hôm nay xin chia sẻ với các vị một câu chuyện kinh điển trong Phật giáo, câu chuyện này được trích từ trang 616 ~ 617 trong “Kinh Xuất Diệu, Phẩm Vô Thường” thuộc “Đại chánh tạng” quyển thứ 4.
Trong kinh nói: Những người không ngủ sẽ cảm thấy đêm dài; những người mệt mỏi sẽ cảm thấy đường xa; còn người ngu si không biết chánh pháp thì sanh tử vô tận.
Trước đây, trong khoảng thời gian ở vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc nước Xá Vệ, đức Phật nói với các tỳ kheo: “Có 4 loại người, vào buổi tối, thời gian ngủ ít, thời gian thức nhiều. Đó là 4 loại người nào? Loại thứ nhất là phụ nữ chìm trong nỗi nhớ cánh đàn ông. Loại thứ hai là đàn ông chìm trong nỗi nhớ người phụ nữ. Loại thứ ba là những kẻ trộm cắp. Loại thứ tư là những tỳ kheo mong muốn đạt được thiền định, nên không ngủ nghỉ để tinh tấn tu hành chánh pháp.
Tuy rằng 4 loại người này đều có thời gian ngủ ít, thời gian thức nhiều, nhưng 3 loại người trước thì cảm thấy đêm rất dài, chỉ có những tỳ kheo tu học chánh pháp thì không cảm thấy đêm dài dằng dặc.
Những người mệt mỏi sẽ cảm thấy đường đi càng ngày càng xa; những người ngu si vô tri, vì không biết chánh pháp nên không thể nào được giải thoát, vì vậy sinh tử kéo dài vô tận”.
Trong khoảng thời gian đức Phật ở vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc nước Xá Vệ, có một vị Bà La Môn ở kiếp trước đã tích rất nhiều phước đức, nhân duyên đắc độ đã chín muồi, và đã vô tình nghe được câu kệ tụng: “Người ngu muội vô tri sinh tử vô tận”. Vị này có rất nhiều vàng bạc châu báu, có rất nhiều người hầu kẻ hạ, sự nghiệp thành công, gia sản sung túc, 5 thê 7 thiếp ai ai cũng xinh đẹp đoan trang, tài sắc vẹn toàn, không thể chê vào đâu được. Lúc đó, trong lòng vị Bà La Môn này nghĩ: “Mình nên tới chỗ của Như Lai, để thỉnh giáo đức Phật trong tương lai sẽ có mấy vị Phật xuất thế?”.
Thế là, Bà La Môn ra khỏi thành đi về tịnh xá Kỳ Hoàn tới trước mặt Thế Tôn, đảnh lễ đức Phật xong ngồi qua một bên chắp tay hỏi Thế Tôn: “Con xin thỉnh giáo Ngài một chuyện, nếu như Ngài cho phép con mới dám mạo muội nói ra”.
Thế Tôn nói: “Ngươi cứ hỏi, Như Lai sẽ trả lời”.
Bà La Môn nói: “Thế Tôn, xin hỏi trong kiếp sau sẽ có bao nhiêu đức Phật xuất thế?”
Thế Tôn nói: “Trong kiếp sau sẽ có hằng hà sa số đức Phật xuất thế”.
Nghe xong, Bà La Môn cung kính ngưỡng vọng đức Phật, trong lòng dâng lên niềm vui khôn xiết và khởi một thiện niệm: “Kiếp sau sẽ có hằng hà sa số chư Phật xuất thế, sau này mình phải tới trước chư Phật để tu thanh tịnh, tu tập phước đức không hề mệt mỏi. Có điều, bây giờ mình có gia sản sung túc, vàng bạc châu báu đầy nhà, lại có nhiều người hầu kẻ hạ để mình sai khiến bất cứ lúc nào, sự nghiệp lại rất thành công, còn có thê thiếp tài sắc vẹn toàn, bây giờ mình có thể dựa vào phước báo tu tập của nhiều kiếp trước để hành bố thí, có cầu tất ứng, không phụ lòng người có tâm”.
Nghe được những lời khai thị của đức Phật, ngườ
Bà La Môn ghi khắc trong lòng, sau đó đi 3 vòng quanh đức Phật rồi chắp tay cáo từ. Nhưng đi chưa được bao lâu thì Bà La Môn lại nghĩ: “Mình mới hỏi trong kiếp sau có bao nhiêu đức Phật xuất thế, mà quên hỏi Phật ở quá khứ. Bây giờ mình nên quay lại hỏi Thế Tôn những kiếp trước đã từng có bao nhiêu đức Phật xuất thế”.
Bà La Môn lập tức quay trở lại, đến trước mặt Thế
Tôn, chắp tay chào hỏi xong, lui sang một bên, hỏi Thế Tôn: “Những kiếp trước đã từng có bao nhiêu đức Phật xuất thế?”
Đức Phật trả lời: “Ở những kiếp trước đã từng có hằng hà sa số đức Phật xuất thế”.
Nghe xong, Bà La Môn liền bật khóc thảm thương, và lớn tiếng nói: “Con thật ngu si, đã luân hồi trong sinh tử bao nhiêu lâu nay, những kiếp trước đã có hằng hà sa số chư Phật xuất thế nhưng tại sao con vẫn không gặp được? Đây là một điều rất đáng thương”. Ông ta cứ khóc và nhiều lần tự trách mình: “Nguyên nhân đều do mình quá buông thả, đã không làm theo nguyện vọng, khiến trong thời gian dài mình bị đọa trong chốn phàm phu, hoặc trong đường địa ngục, súc sinh, ngã quỷ để chịu khổ, phải ở trong rừng đao núi kiếm, xe lửa, lò than; hoặc phải phục tội thụ hình trong địa ngục băng tuyết lạnh giá như Tuyết Sơn hàng vạn năm, chờ tới hết kiếp mới được thoát ra; hoặc bị quay nướng trong địa ngục, chịu đủ mọi cảnh khổ, còn nếu được sanh làm người, thì cũng ở nơi không có Phật pháp, dù có đức Phật xuất thế cũng không gặp được. Trước đây, có vị tỳ kheo đã dạy bảo con: Người ngu si sinh tử vô tận. Điều này không sai chút nào. Bây giờ con phải tinh tấn chăm chỉ. Nếu bây giờ không lập tức quy y Như Lai, chẳng lẽ còn phải chờ tới khi chư Phật trong tương lai xuất thế thì mới quy y sao? Nhà cửa đất đai, vợ con gia quyến đều là những trói buộc bên ngoài, thì tại sao phải tham luyến những thứ ngoài thân mà hủy hoại giáo giới của thánh giả (không thể tiếp tục tham luyến những vật ngoài thân mà để mất cơ hội tu học Phật pháp)”.
Bà La Môn lập tức chắp tay trước đức Phật, quỳ xuống thưa với Thế Tôn: “Thế Tôn, xin Ngài cho phép con được xuất gia theo Ngài, được tu học phạm hạnh thanh tịnh trong tăng đoàn”.
Lúc này, Thế Tôn nói với các tỳ kheo: “Các ngươ hãy dẫn dắt vị Bà La Môn này, chỉ bảo uy nghi, độ cho vị đó xuất gia trở thành tỳ kheo”.
Các tỳ kheo làm theo lời chỉ dạy của Phật, độ hóa vị Bà La Môn này xuất gia làm sa môn, để ông ấy ở một nơi yên tĩnh, tư duy, lựa chọn, tu tập pháp hiền thánh. Vị thiện nam tử xuất thân Bà La Môn này xuất gia học đạo, xuống tóc, mặc tăng phục, có lòng tin kiên cố để xa rời gánh nặng gia đình thế tục, xuất gia tu học phạm hạnh thanh tịnh vô thượng, tịnh hóa thân tâm, chứng đắc niết bàn thanh tịnh, chấm dứt sinh tử, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn luân hồi sinh tử trong ba cõi, thật sự chứng đắc thánh đạo, đoạn tuyệt phiền não đắc A La Hán quả.
Lúc đó Thế Tôn quan sát đầu đuôi nhân duyên, để giúp đỡ những tỳ kheo khác sớm chứng đắc niết bàn giải thoát, cũng vì để những chúng sinh tương lai chỉ bày đại quang minh, nhóm lên ánh sáng trí tuệ, để chính pháp thường trụ thế gian.
Đức Phật nói với Bà La Môn, đại ý là: “Những người không ngủ sẽ cảm thấy đêm dài; những người mệt mỏi sẽ cảm thấy đường xa; còn người ngu si không biết chánh pháp thì sanh tử vô tận, không phải có con cái là đã có chỗ dựa, cũng không thể dựa vào cha mẹ hay vào anh em, mà lúc đối diện với cái chết, thì không có bất cứ người thân nào để có thể cho mình nương tựa. Trang 307 trong quyển 33 “Đại Chánh Tạng” tập 25 cũng có nói:
Sau khi thành đạo, đức Phật trở về quê hương hoằng pháp, phụ thân của Thích Tôn là vua Tịnh Phạn nhìn thấy những đệ tử của Thích Tôn có thể vì tu khổ hạnh nên người nào cũng gầy ốm, có vẻ không được trang nghiêm, nên đã hạ lệnh cho mỗi gia đình trong tộc Thích Ca phái một nam đinh xuất gia làm đệ tử đức Phật (Tộc Thích Ca đều thuộc tầng lớp vương công quý tộc, ăn ngon mặc đẹp, hồng hào trắng trẻo. Có thể vua Tịnh Phạn nghĩ như vậy mới là trang nghiêm).
Đức Phật lựa chọn ra 500 vị có thể đắc đạo, tới thành Xá Vệ xa xôi để tu hành. Tại sao không ở lại quê hương là thành Ca tỳ la để tu hành, mà phải dẫn họ tới thành Xá Vệ xa xôi? Bởi vì những người này vẫn chưa ly dục, nếu để họ ở gần với những bạn bè người thân sợ rằng họ sẽ dễ dàng phá giới, nên đức Phật đã dẫn họ tớ thành Xá Vệ, rời quê hương thật xa. Đức Phật còn chỉ thị cho Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên giáo hóa cho họ đêm đầu và những đêm sau đều chuyên tâm không ngủ, vì tinh tấn tu hành nên không lâu họ đã chứng đắc. Sau khi đắc đạo, đức Phật lại dẫn họ trở về cố hương. Thông thường thì tất cả chư Phật sau khi trở về cố quốc đều ở trong rừng tiên nhân Ca tỳ la cùng với đại hội chư thiên chúng, khu rừng này cách thành Ca tỳ la 50 dặm, lúc chưa xuất gia gia tộc Thích Ca vẫn thường tới đây du ngoạn săn bắn. Những tỳ kheo xuất thân từ dòng tộc Thích Ca, lúc ở thành Xá Vệ đã không ngủ nhiều đêm liền để chuyên tâm tu hành, vì vậy mà đêm cảm thấy rất dài; ra khỏi rừng để vào thành khất thực phải đi bộ 50 dặm, nên cảm thấy đường rất xa. Lúc này, đức Phật đã biết được suy nghĩ của họ, nhân lúc có con sư tử tới đảnh lễ dưới chân đức Phật, sau đó lui sang một bên, đức Phật bèn nói một câu kệ, đại ý là: Những người không ngủ sẽ cảm thấy đêm dài; những người mệt mỏi sẽ cảm thấy đường xa; còn người ngu si không biết chánh pháp thì sanh tử vô tận.
Đức Phật nói với các tỳ kheo: “Lúc các ngươi vẫn chưa xuất gia, tâm niệm buông thả, thời gian ngủ rất nhiều, không cảm thấy đêm dài, bây giờ nhiều đêm liền chuyên tâm cầu đạo, vì giảm thời gian ngủ lại nên cảm thấy đêm rất dài. Khu rừng Ca tỳ la này vốn là nơi để các ngươi tới du ngoạn săn bắn nên không cảm thấy xa, bây giờ phải đắp y cầm bát đi bộ hành rất mệt nên sẽ cảm thấy đường rất dài. Ngoài ra, con sư tử này kiếp trước lúc ở đức Phật Tỳ bà thi vốn là một vị thầy Bà La Môn, nhìn thấy đức Phật đang thuyết pháp nên đã tới chỗ Phật thuyết pháp. Lúc đó, vì đại chúng quá chuyên tâm nghe đức Phật thuyết pháp, không ai chào hỏi ông ấy, nên ông đã khởi lên ác niệm, thốt lên những lời ác độc, thậm chí chửi mắng: “Đám đầu trọc các ngươi, không khác gì với lũ súc sinh, không biết phân biệt đâu là người tốt, không biết chào hỏi người tốt”. Vì chửi người, tạo nên khẩu nghiệp, mãi cho đến bây giờ, trong 91 kiếp luôn bị đọa trong đường súc sinh. Vị thầy Bà La Môn này đáng lẽ lúc đó đã có thể đắc đạo, nhưng vì ngu si tự tạo ác nghiệp nên bị luân hồi trong tam giới, sinh tử vô tận. Có điều, vị thầy Bà La Môn ngày xưa bây giờ là một con sư tử, vì phát tâm thanh tịnh trước đức Phật, sau này có thể được giải thoát”.
Trong câu chuyện này nhắc tới: Không ngủ sẽ thấy đêm dài, càng mệt thấy đường càng xa, người ngu muội sinh tử vô tận.
Người không ngủ được, tại sao cảm thấy đêm dài?
Người mệt mỏi không đi nổi, tại sao cảm thấy đường xa? Cũng giống như thời học tiểu học, khi thầy giáo dẫn chúng ta đi bộ thật xa, đi mệt rồi chúng ta thường hỏi thầy: “Sắp tới chưa thầy?”, và thầy thường an ủi: “Sắp tới rồi, sắp tới rồi”. Như vậy đó, người mệt mỏi thì luôn cảm thấy đường rất xa. Người ngu si không biết chánh pháp, bị đọa trong luân hồi lục đạo, không biết tới khi nào mới được giải thoát, vì vậy mới nói là sinh tử vô tận.
Ngoài ra, vị Bà La Môn còn hỏi đức Phật: “Trong tương lai sẽ có bao nhiêu đức Phật xuất thế?”
Đức Phật trả lời: “Trong kiếp sau sẽ có hằng hà sa số chư Phật xuất thế”.
Bà La Môn nghĩ: “Nếu trong tương lai còn có nhiều chư Phật xuất thế như vậy, thì mình vẫn còn cơ hội”.
Nhưng khi đi được vài bước, đột nhiên ông ấy nghĩ: “Mình mới hỏi trong tương lai có bao nhiêu đức Phật xuất thế, mà quên hỏi đức Phật ở quá khứ”, thế là vội vàng quay lại hỏi đức Phật.
Đức Phật trả lời: “Ở những kiếp trước đã từng có hằng hà sa số Phật xuất thế”.
Vị Bà La Môn này rất có tuệ căn, nên đã cảnh tỉnh ngay lập tức: “Những kiếp trước đã có hằng hà sa số chư Phật xuất thế nhưng tại sao mình vẫn không gặp, hoặc cũng đã từng gặp, nhưng tại sao mình vẫn luân hồi trong tam giới lục đạo?” Có cơ duyên nghe được Phật pháp, mong rằng quý vị hãy quý trọng, nếu không nắm bắt ngay bây giờ thì còn chờ tới khi nào?
Chúng ta hãy cùng cố gắng nhé.
Phước Nghiêm, ngày 12/4/2014