Home > Khai Thị Phật Học > Vi-Sao-Bo-Tat-Trong-Vo-Luong-Kiep-Qua-Lai-Trong-Duong-Sanh-Tu-Tu-Hoc-Dai-Thua
Vì Sao Bồ Tát Trong Vô Lượng Kiếp Qua Lại Trong Đường Sanh Tử Tu Học Đại Thừa
Thích Hậu Quán | Thích Vạn Lợi, Việt Dịch


I. Tam thừa đều nhập vô dư Niết bàn, Bồ tát sao phải cần khổ tu học Thập địa, không như Nhị thừa sớm chứng giải thoát?

“Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận” nói Thanh văn, Duyên giác và Phật ba thừa Thánh giả này đều có thể đoạn tận phiền não, cũng đắc vô dư Niết bàn; đã là không có khác nhau, vậy thì Bồ tát hà tất phải trong hằng sa đại kiếp qua lại trong đường sanh tử tu học Đại thừa?

Như “Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận” quyển 1 nói: “Hỏi:

Tam thừa tu học đều vì vô dư Niết bàn, nếu vô dư Niết bàn không có gì khác nhau, ta và mọi người tại sao phải mất số đại kiếp nhiều như cát sông Hằng qua lại trong đường sanh tử đầy đủ Thập địa, không như Thanh văn, Bích Chi Phật thừa sớm diệt các khổ?”

Trong “Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận” nói “Tam thừa tu học đều vì vô dư Niết bàn”, theo “Kinh Bát Nhã” cũng vậy: “Ba thừa đều nhập vô dư Niết bàn”; nhưng cũng có Kinh Luận nói: “Bồ tát không trụ ở Niết bàn”; liên quan đến vấn đề này, các bộ Kinh Luận có những cách nói khác nhau. Ở “Kinh Bát Nhã” và Bồ tát Long Thọ trên cơ bản là chủ trương “Ba thừa đều nhập vô dư Niết bàn”.

Liên quan đến “nhập vô dư Niết bàn”, trong Kinh Luận thường thấy ví dụ: nhập vô Niết bàn, giống như nước ở các sông ngòi chảy vào biển lớn đều đồng một vị mặn.39 Căn cứ vào ví dụ nhập Niết bàn như thế, thì Niết bàn là tâm ý hành động đều diệt, ngôn ngữ đều dứt, không còn có thể phân biệt ai Niết bàn cao, ai Niết bàn thấp nữa.

Từ Nguyên thủy Phật giáo đến nay, Kinh điển giải thích Niết bàn, đại bộ phận đều dùng từ phủ định như:

“không đến, không đi, không có, không vô, không sanh, không diệt” v.v.., dùng phương thức vẽ áng mây hồng trước mặt trăng để biểu đạt “Niết bàn”, mà không trực tiếp nói Niết bàn là như thế nào. Nếu tích cực biểu hiện, chúng sanh rất dễ sanh chấp trước, lại tưởng tượng Niết bàn cuối cùng là cái gì. Vì vậy thường nói, Niết bàn đã là không thể nghĩ, không thể bàn, thì tưởng tượng không ra, không thể dùng ngôn ngữ biểu đạt. Niết bàn có đặc tính như vậy, nên không luận là Thanh văn, Duyên giác, Phật, đều nhập vô dư Niết bàn, thì không có cách nào so sánh được, không có sự khác nhau cao thấp. Nếu nhất định muốn nói Thanh văn, Duyên giác, Phật có sự khác nhau, thông thường hay dẫn ngữ từ khác đến để biểu đạt, một là “Niết bàn”, đây là từ chung của Tam thừa, ngoài ra “vô thượng bồ đề”, là từ dùng riêng cho Đại thừa. Đã là vô dư Niết bàn thì bản thân nó là không có sự khác nhau.

Vì vậy có người hỏi: Nếu như vô dư Niết bàn không có sự khác nhau, chúng ta mất số đại kiếp nhiều như số cát sông Hằng để qua lại trong đường sanh tử? Một đại kiếp đã đủ dài rồi, nếu như đại kiếp nhiều như số cát sông Hằng, thì càng nhiều nữa! Nếu qua lại đường trong sanh tử nhiều như vậy, tu học Bồ tát thập địa, thì quá cực khổ, quá khó rồi, không như Thanh văn, Bích chi Phật thừa mau diệt các khổ, sớm được giải thoát!

2. Tất cả Thanh văn, Bích chi Phật đều từ Phật mà có, nếu không có chư Phật thì từ đâu có?

“Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận” nói tiếp:

“Đáp: là lời nói nhu nhược, chẳng phải lời có ích cho đại bi. Nếu như các vị Bồ tát học theo đó, không có ý nguyện từ bi, không tinh cần tu Thập địa, thì hàng Thanh văn, Bích chi Phật từ đâu để được hóa độ, cũng không có được sự khác nhau của ba thừa. Tại vì sao vậy? Tất cả Thanh văn và Bích chi Phật đều từ Phật mà có, nếu không có Phật, thì họ từ đâu mà có? Nếu không tu Thập địa, làm sao có chư Phật? Nếu không có chư Phật, thì không có Pháp và Tăng. Vì thế lời nói đó, làm đoạn mất hạt giống Tam bảo, chẳng phải lời nói của người có trí tuệ, không cần nghe và suy nghĩ. Tại sao như vậy? Trong đời có bốn hạng người: Một là tự lợi, hai là lợi tha, ba là tự lợi lợi tha, bốn là không tự lợi lợi tha. Trong đó tự lợi lợi tha là thực hiện từ bi lợi ích cho tha nhân, gọi là hàng thượng nhân.… Như vậy giải thoát phiền não giữa Thanh văn, Bích chi Phật và Phật tuy không có gì khác nhau, song hóa độ vô lượng chúng sanh, trú trong sanh tử lâu dài, đạt được nhiều lợi ích, đầy đủ Bồ tát Thập địa, thì điều này có khác nhau lớn”.

Bồ tát Long Thọ trả lời rất nghiêm túc: “Là lời nói nhu nhược, chẳng phải lời có ích cho đại bi”. Nếu như chư Bồ tát đều phát tâm Tiểu thừa giống như thế, không có ý chí từ bi, không thể tinh cần tu học Bồ tát Thập địa, vậy thì Thanh văn, Bích chi Phật làm sao có thể được độ? Nếu như mọi người đều giống thế, chánh pháp từ đâu mà nghe? Mọi người chỉ cầu khai ngộ, thì ai hoằng pháp? Nếu như mọi người chỉ lo cho riêng mình, vậy thì Phật pháp làm sao có thể lâu dài?

Bồ tát Long Thọ nói: “Tất cả Thanh văn và Bích chi Phật đều từ Phật mà có, nếu không có Phật, thì họ từ đâu mà có?”

Thanh văn là nghe âm thanh ngộ đạo; Bích chi Phật tuy nói khi không có Phật không thầy tự ngộ, nhưng thông thường: khi Phật ở đời họ đã trồng nhân duyên được độ, nhưng lúc đó chưa được giải thoát, cách mấy đời sau mới được giải thoát, khi Phật không có ra đời, thì họ là Bích chi Phật. Vì vậy trên căn bản Bích chi Phật cũng là từ nơi Bồ tát trồng xuống nhân duyên mà được độ. Thích Ca Mâu Ni Phật dưới cội Bồ đề không thầy tự ngộ, nói nghiêm túc thì đó là căn tánh Độc giác, nếu như xem bổn sanh của Đức Thế tôn, như được Phật Nhiên Đăng thọ ký v.v… ít nhiều cũng có thể thấy Đức Thế tôn cũng từ Phật, Bồ tát ở đời trước đã trồng xuống nhân duyên được độ.

Từ ý nghĩa này lại nói, là cần có người phát nguyện xả bỏ thân mình vì hoằng dương Phật pháp; nếu như mỗi người chỉ lo cho mình, không có ý nguyện từ bi độ chúng sanh, vậy mọi người làm sao có thể được độ? Giả sử không có cách nào nghe Phật pháp, không thể hiểu đạo giải thoát, đương nhiên là không có Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, thì không có sự khác nhau của ba thừa.

Bồ tát là phát tâm bồ đề, từ từ tu học Thập địa thành Phật. Nếu như không có Bồ tát tu học Thập địa, đương nhiên là không có Phật rồi! Nếu như không có “Phật”, đương nhiên cũng không có ai thể ngộ vô thượng diệu pháp, càng không có ai tổ chức “Tăng đoàn”! Vì vậy không có Phật, cũng là không có Pháp, không có Tăng, vậy là không có Tam bảo rồi. Nhân đây Bồ tát Long Thọ nói: “Vì thế lời nói của ông, làm đoạn mất chủng tử Tam bảo, chẳng phải lời nói của người có trí tuệ, không cần nghe và suy nghĩ.” Câu nói này đầy sự nghiêm khắc. Ý nghĩa là: nếu như theo cách nói của ông, mọi người đều giống như thế không phát tâm bồ đề, thì sự truyền thừa Phật pháp đoạn tuyệt, phần đông chúng sanh trong luân hồi phải nên làm thế nào?

III. Từ trí huệ, từ bi nguyện lực, đoạn tập khí và công đức đầy đủ để xem sự khác nhau của Nhị thừa, Đại thừa

Thanh văn, Bích chi Phật và Phật, tuy “đoạn phiền não, đạt được giải thoát” không có gì khác, nhưng đứng ở những góc độ khác, thì vẫn có điểm không đồng.

1. Trí huệ: Tam thừa Thánh giả đều đoạn ngã chấp, chứng đắc “ngã không”, “bát nhã huệ” không khác bao nhiêu; song “phương tiện huệ” để độ hóa chúng sanh, đương nhiên là Bồ tát thiện xảo hơn; vì Nhị thừa chú trọng ở giải thoát “cộng tướng”, mà Bồ tát thâm nhập hiểu rõ “cộng tướng” ra, và nhân vì độ chúng sanh không đồng, tất phải đối với thiện xảo ứng dụng “biệt tướng” (tự tướng) phương tiện nhiều hơn.

2. Từ bi nguyện lực tuy A la hán sau khi chứng ngộ tùy duyên hóa độ chúng sanh, nhưng vì A la hán phiền não trong ba cõi đều đoạn tận, một khi nhập diệt thì không muốn trở lại đây thọ sanh nữa, dù họ rất tích cực độ chúng sanh, nhiều lắm cũng chỉ một đời. Còn Bồ tát phát nguyện đối với vô lượng kiếp

ở trong sanh tử, lấy tâm đại bi độ vô lượng chúng sanh, thời gian đặc biệt dài, số lượng độ hóa chúng sanh cũng rất nhiều.

3. Đoạn phiền não, tập khí: Thanh văn, Duyên giác tu đoạn tận “phiền não”, nhưng tập khí chưa trừ 42; Phật không chỉ đoạn tận tất cả phiền não, mà còn đoạn tận tất cả tập khí.

4. Đầy đủ công đức: Phật đầy đủ công đức thập lực, tứ vô sở úy, thập bát bất cộng pháp, đại từ đại bi v.v…, đây là hàng Nhị thừa không có.

Tóm lại, rất nhiều người đề ra vấn đề này “cũng đồng là xuất tam giới đắc giải thoát, Bồ tát hà tất phải cực khổ vô lượng kiếp lại tu học pháp Đại thừa”, chúng ta từ trong lời đáp án của Bồ tát Long Thọ, có thể hiểu được tâm từ bi của Ngài, đã vì “không đành nhìn Thánh giáo suy, không nỡ thấy chúng sanh khổ”, mọi người cùng phát đại tâm!