Home > Khai Thị Phật Học > Tham-Lam-Vo-Do-Moi-Nguoi-Khong-Yeu-Men
Tham Lam Vô Độ Mọi Người Không Yêu Mến
Thích Hậu Quán | Thích Vạn Lợi, Việt Dịch


Xin kính chào quý vị Pháp sư, quý vị cư sỹ.

Hôm nay tôi sẽ chia sẻ cùng quý vị một điển tích Phật giáo. Câu chuyện được trích ở trang 277a~c trong

“Ma Ha Tăng Kì Luật”, tập 22 của “Đại Chánh Tạng”.

Đức Phật nói với vị Tỳ kheo quản lý các sự việc nội bộ rằng: “Trước đây, có vị tỳ kheo tên là Bạt Cụ ngồi tu thiền trong rừng cây. Khi ấy trong khu rừng này có rất nhiều chim. Mỗi buổi bình minh và khi hoàng hôn xuống, chúng lại hót líu lo huyên náo cả khu rừng, điều đó đã làm phiền vị tỳ kheo này.

Lúc đó, vị tỳ kheo đến nơi đức Phật ở, sau khi đảnh lễ thì ngồi sang một bên ở phía sau.

Đức Phật liền hỏi thăm vị tỳ kheo ngồi tu trong rừng ấy rằng: “Ngươi có đỡ bệnh và ít buồn phiền hơn không? Sống trong rừng có vui không?”

Vị tỳ kheo trả lời đức Phật rằng: “Đỡ bệnh và ít buồn phiền hơn, ở trong rừng cũng vui, chỉ có điều mỗi lúc bình minh lên và hoàng hôn xuống, thường bị tiếng chim hót làm mất tập trung, không thể tư duy tu thiền định được.”

Đức Phật nói với tỳ kheo: “Ngươi muốn đàn chim ấy không đến quấy rầy nữa phải không?”

Vị tỳ kheo thưa rằng: “Dạ thưa đức Phật, đúng vậy ạ.”

Đức Phật liền nói: “Tỳ kheo này, thế thì cứ mỗi lúc hoàng hôn khi đàn chim bay tới, ngươi hãy xin chúng mỗi con một cái lông; và mỗi khi bình minh lên, chúng bay đi, ngươi cũng làm như thế.”

Vị tỳ kheo thưa với đức Phật: “Dạ được ạ.” Vị tỳ kheo lại trở về khu rừng để tu thiền. Đợi đến chiều tối, khi bầy chim bay về tụ tập hót ồn ào, vị tỳ kheo nói với chúng rằng: “Này các bạn chim, tôi muốn xin mỗi bạn một cái lông, tôi có việc cần dùng tới nó ngay.”.

Lúc này, bầy chim vốn đang ồn áo huyên náo ngay lập tức im lặng. Lũ chim thực sự chẳng muốn cho, nhưng lại sợ tỳ kheo nói rằng: “Bầy chim này sao keo kiệt, chỉ có một cái lông cũng không cho!”. Chẳng còn cách nào khác, chúng đành nhổ mỗi con một cái lông rồi thả xuống đất. Đến sáng sớm hôm sau, tỳ kheo lại xin như thế.

Cứ như vậy, bầy chim chịu không được! Chúng bèn di dời đi nơi khác và ở đó một tối, nhưng cũng không thích nơi đó nên lại bay về.

Khi đó, Tỳ kheo lại tiếp tục xin, mỗi chú chim đã nhổ một cái lông của mình cho vị Tỳ kheo mà chẳng vui chút nào.

Bầy chim nghĩ rằng: “Vị Sa Môn này kỳ lạ! Cứ thích xin, sao lại cứ xin mãi lông của chúng ta? Nếu cứ tiếp tục như thế, e rằng sau này lông của chúng ta sẽ bị nhổ sạch, chỉ còn trần trụi lại một cục thịt lăn trên mặt đất thôi, vậy thì làm sao mà bay được chứ!” Thế là, cả bầy bàn luận: “Vị tỳ kheo này xem ra sẽ ở trong rừng lâu dài, vậy chúng ta nên mau chóng rời khỏi đây, tìm một nơi khác nghỉ chân. Nếu không thích hợp thì chúng ta lại quay về.”.

Đức Phật nói với các tỳ kheo rằng: “Loài chim đều ghét việc thường bị xin, huống hồ là con người! Các vị tỳ kheo thân mến, đừng nên vì cuộc sống hay vì công việc và có lòng tham xin xỏ vô độ, như thế sẽ làm cho các vị Bà La Môn và các cư sỹ vốn có lòng tin đã phải sót ruột đau khổ khi lấy tài sản của mình ra để cung cấp cho sa môn, nào là quần áo, thực phẩm, chăn chiếu và thuốc men.”.

Các tỳ kheo thưa với đức Phật: “Thưa Thế Tôn, tại sao vị tỳ kheo trong rừng lại có bản tính yếu đuối và dễ bị lung lay, hay sợ hãi, và ghét tiếng chim kêu như thế”?

Đức Phật trả lời rằng: “Vị tỳ kheo ở trong rừng này không những kiếp này yếu đuối, mà kiếp trước cũng như thế.”.

Các tỳ kheo lại hỏi: “Trước đây cũng từng như vậy sao?”.

Đức Phật nói với các tỳ kheo: “Trước kia có một con voi to khỏe sống ở trong rừng hoang vắng. Khi trời nổi giông tố, gió lớn làm cây cối gãy đổ, con voi nghe tiếng cây đổ sợ hãi chạy loạn xạ. Khó khăn lắm mới bình tâm lại một chút, dừng dưới gốc cây nghỉ ngơi, không ngờ cái cây đó lại tiếp tục bị gió làm gãy, con voi sợ hãi lại chạy loạn cả lên.

Lúc ấy, vị thiên nhân nhìn thấy voi hoang mang chạy, liền nghĩ: “Tại sao con voi to như vậy đột nhiên lại chạy loạn xạ lên như thế?” Thế là liền đọc một đoạn kệ có đại ý như sau:

“Gió bão nổi lên, bẻ gãy cái cây, con voi sợ quá chạy khắp nơi; Nếu trên thế giới này nơi nào cũng có gió bão như vậy, thì lúc đó voi làm gì có chỗ nào để núp?”

Đức Phật nói với các tỳ kheo: “Khi ấy con voi đó, kiếp hiện tại là vị tỳ kheo tu hành trong rừng bây giờ.”

Đức Phật lại nói với vị tỳ kheo quản lý các sự việc nội bộ: “Trước đây có 500 vị tiên cùng sống tại núi tuyết. Có một vị tiên sống ở riêng một nơi, nơi đó có suối nước đẹp, hoa nở rất nhiều. Cách đó không xa có đầm Tát la. Một con rồng sống ở đó. Rồng thấy sự uy nghi rất an lành và trang nghiêm của vị tiên nên nảy sinh tình cảm mến mộ trong lòng.

Lúc này, con rồng đến trước mặt của vị tiên, ngay lúc vị tiên đang ngồi thiền. Rồng liền quấn thân mình thành 7 vòng quanh người tiên, lại còn dùng cái đầu của mình che lên đầu của vị tiên. Hằng ngày đều làm như thế, chỉ khi ăn cơm mới không đến.

Vị tiên bị rồng quấn quanh người, cho nên cả ngày đêm chỉ biết ngồi ngay ngắn, không được nghỉ ngơi, sức khỏe ngày càng yếu, lại bị lở loét rất nhiều.

Khi đó, có người sống ở gần đó muốn phụng dưỡng vị tiên, đến gần nơi tiên ở thì nhìn thấy sức khỏe của vị tiên rất yếu, lại còn bị lở loét nên mới hỏi vị tiên rằng:

“Ông làm sao vậy? Tại sao lại ra nông nỗi này?” Vị tiên liền nói rõ tình trạng trước đây.

Người đó liền nói: “Vậy ông có muốn con rồng đó không đến đây nữa không?”

Vị tiên nói: “Đương nhiên là muốn.”

Người đó lại hỏi vị tiên: “Con rồng ấy có thứ gì đặc biệt yêu thích không?”

Vị tiên trả lời rằng: “Trên cổ của rồng có một hạt ngọc quý.”

Người đó nói với vị tiên rằng: “Ông hãy xin con rồng viên ngọc quý ấy. Con rồng vốn rất keo kiệt, nhất định sẽ không cho ông đâu, như thế có thể làm cho nó không đến đây nữa.” Nói xong người đó liền ra đi. Không lâu sau, con rồng đó lại đến. Vị tiên xin nó viên ngọc. Rồng vừa nghe thấy vị tiên xin viên ngọc, trong lòng không vui, bèn từ từ bỏ đi.

Cách một ngày sau, rồng lại đến, chưa kịp đến gần vị tiên, mới ở xa xa, vị tiên nhìn thấy nó và đã đọc to bài kệ, đại ý như sau:

“Viên ngọc tỏa ánh hào quang, mong rằng sẽ càng tôn lên vẻ nghiêm trang quý phái; Nếu rồng có thể cho tôi, thì mới đúng là người bạn thân!”

Lúc này, rồng lập tức có bài kệ đáp lại, đại ý như sau: “Tôi sợ mất đi viên ngọc quý này, giống như sợ cầm cây gậy đánh tôi vậy. Tôi sẽ không cho ông viên ngọc quý đâu, tôi cũng sẽ không đến thăm ông nữa!

Vì tất cả những đồ ăn ngon và báu vật đều từ viên ngọc quý này mà ra; nếu tôi cho ông, như vậy thức ăn ngon và báu vật sẽ không từ đâu biến ra được. Đó là viên ngọc vô cùng quý giá mà tôi không thể rời xa nó, tại sao ông lại có ý nghĩ nhất định xin được viên ngọc quý này? Sự tham lam quá độ đã làm cho người bạn thân yêu quý ông nhất rời xa ông, sau này tôi sẽ không bao giờ đến nữa.”

Khi ấy, thiên nhân trên không trung nhìn thấy tình cảnh ấy bèn có bài kệ đại ý như sau: “Tại sao lại có sự thù ghét, coi thường? Đó là do sự tham lam quá độ; Vì vị tiên ấy đã giả vờ tỏ lòng tham khiến cho rồng vội lặn vào trong nước để xa lánh.”

Đức Phật nói với vị tỳ kheo quản lý rằng: “Rồng là loài vật, cũng ghét cảnh bị xin quá mức, huống hồ gì con người! Là tỳ kheo, các ngươi chớ có vì việc công mà đi xin theo cách tham lam quá độ, như vậy sẽ làm cho các vị Bà La Môn và sư sỹ có lòng tin phải cung cấp cho sa môn nào quần áo, lương thực, giường chiếu và thuốc men, khiến cho họ không vui khi buộc phải chia sẻ tài sản của mình.”

Đức Phật cảnh giới các tỳ kheo rằng: “Có 10 việc mà mọi người chán ghét. 10 việc ấy là gì? Một là bình thường chẳng quan tâm đến người khác, cũng không giao lưu với ai. Hai là không thích tĩnh lặng, giao lưu với người khác quá thường xuyên; Ba là vì lợi ích cá nhân mới tạo dựng mối quan hệ; Bốn là việc đáng yêu thích lại không đam mê, ví dụ như giữ giới luật, tu thiền định, đọc kinh, nghiên cứu kinh điển… những việc trên đáng lẽ ra phải yêu thích nhưng lại không yêu thích; Năm là không đáng yêu thích thì lại yêu thích, ví dụ như các thứ hão danh, sắc đẹp, tự kiêu, ngạo mạn……; Sáu là người khác với ý tốt muốn khuyên ngăn, nói thẳng với họ, nhưng họ lại không muốn nghe; Bảy là hay lo chuyện bao đồng, thích can thiệp chuyện của người khác; Tám là không nghiêm khắc, không đạo đức mà lại xem thường người khác, không những không học tập người khác mà còn có thái độ bôi nhọ người khác; Chín là thích nói xấu sau lưng người khác; Mười là có lòng tham vô đáy. Trên đây là 10 việc mà mọi người đều không thích, do vậy chúng ta cần tránh xa.”

Câu chuyện trên khiến chúng ta phải suy nghĩ về chính mình. 10 việc mà mọi người không thích trên, chúng ta đã phạm phải mấy điều? Hy vọng mọi người không tham lam quá, phải biết hài lòng với giản đơn và an lạc, sáu căn trong sáng, đồng thời vui vẻ chấp nhận lời khuyên của người khác, quan tâm đến mọi người và lợi ích của mọi người bằng lòng từ bi phúc hậu.

Phúc Nghiêm, lớp giáo dục mở rộng, ngày 7 tháng 12 năm 2013