Xin kính chào quý vị Pháp sư, quý vị cư sỹ.
Hôm nay tôi sẽ chia sẻ cùng quý vị một điển tích Phật giáo. Câu chuyện này được trích từ trang 599c đến trang 600b trong “Kinh Cú Pháp Thí Dụ”, tập 04 của “Đại Chánh Tạng”.
Phật Thích Ca Mâu Ni trước khi xuất gia đã từng lập gia đình, sinh một người con trai tên là La Hầu La (“Kinh Cú Pháp Thí Dụ” dịch là “La Vân” ), sau khi thành Phật thì La Vân cũng xuất gia theo.
Khi La Vân chưa đắc đạo, tuổi thiếu niên ham chơi lêu lỏng, tâm tính thô lỗ và thường hay nói dối.
Đức Phật nhắc nhở La Vân rằng: “Con đến sống ở tịnh xá Hiền Đề, lo giữ khẩu nghiệp, giữ ý nghiệp, chăm chỉ học tập kinh giáo giới luật.”
La Vân vâng theo lời dạy của đức Phật, đảnh lễ rồi ra đi. Ông đến tịnh xá Hiền Đề sống 90 ngày, không kể ngày đêm ăn năn sám hối.
Một hôm, đức Phật đến tịnh xá Hiền Đề để thăm La Vân. La Vân rất vui, đến trước mặt đức Phật để đảnh lễ, sắp xếp chỗ ngồi, giúp Phật đặt y bát.
Đức Phật ngồi trên giường rồi nói với La Vân: “Con dùng chậu đi lấy ít nước đến rửa chân cho ta.”
La Vân nghe theo lời đức Phật bảo, rửa chân cho Ngài. Sau khi rửa xong, đức Phật nói với La Vân: “Con có nhìn thấy nước rửa chân trong chậu không?”
La Vân trả lời: “Có! Thưa con nhìn thấy.”
Đức Phật nói: “Nước trong chậu có thể dùng để uống, hoặc rửa tay, súc miệng không?”
La Vân thưa: “Không được. Tại sao vậy? Vì nước trong chậu vốn là nước sạch, nhưng vì đã dùng để rửa chân, bị bẩn rồi, nên không thể dùng được nữa.”
Đức Phật nói với La Vân: “Con cũng vậy. Cho dù con là con của ta, là tôn tử của quốc vương, đã từ bỏ vinh hoa phú quý trên thế gian, xuất gia đi tu, lại không thể tinh tấn giữ gìn thân nghiệp và khẩu nghiệp, trong lòng rất nhiều 3 thứ bẩn thỉu là tham sân si, cũng giống như chậu nước đã bị bẩn này, không thể dùng được nữa.”
Đức Phật lại nói với La Vân: “Con đem nước trong chậu đổ đi.” La Vân liền mang nước đổ đi.
Đức Phật nói: “Trong chậu đã không còn gì, cò thể dùng nó để đựng thức ăn, thực phẩm không?"
La Vân trả lời đức Phật: “Thưa không được. Tại sao? Vì đã bị dùng làm chậu rửa chân, đã đựng thứ không sạch, cho nên không thể đựng thức ăn được nữa.”
Đức Phật nói với La Vân: “Cũng giống như con, tuy là người xuất gia đi tu, nhưng con nói mà không giữ chữ tín, tính cách ngang bướng, không biết cần phải tinh tấn học tập. Do những hành vi xấu này mà lưu danh xấu không trong sạch, cũng giống như cái chậu từng đựng đồ dơ, không thể dùng đựng thức ăn được nữa.”
Đức Phật lại dùng chân đẩy cái chậu, nó rơi xuống lăn mấy vòng, nảy lên mấy cái, một lúc sau mới dừng lại.
Đức Phật nói với La Vân: “Con sẽ không tiếc khi ta làm hư cái chậu đó chứ?”
La Vân trả lời: “Cái chậu này là thứ không đáng giá, cho dù cảm thấy hơi tiếc, nhưng sẽ không quá bận tâm.”
Đức Phật nói với La Vân: “Con cũng giống như vậy. Tuy là người xuất gia đi tu, lại không thể thận trọng trong lời nói và hành động, thường xuyên nói lời thô tục ác ý, làm tổn thương nhiều người; Loại người như vậy bị mọi người xa lánh, người có trí tuệ cũng không muốn trân trọng. Một khi sắc thân đã chết thì thần trí cũng rời xa. Rồi lại ở trong luân hồi trong 3 ác đạo, tự sinh tự diệt, gặp phải rất nhiều đau khổ. Chư Phật Thánh Hiền cũng không quá tiếc thương loại người này, cũng giống như con nói không tiếc thương cái chậu.”
La Vân nghe đến đây thì cảm thấy xấu hổ và sợ hãi.
Đức Phật lại nói với La Vân rằng: “Hãy nghe ta nói một ví dụ: Trước đây có một vị vua nuôi một con voi, con voi này rất dũng mãnh, thông minh và thiện chiến, ước tính sức của nó có thể đánh thắng cả 500 con voi khác. Khi ấy nhà vua muốn đem quân đi dẹp các nước làm loạn, liền làm áo giáp sắt cho con voi này, và để cho người huấn luyện voi quản lý nó. Đồng thời, gắn thêm hai cái giáo lên hai chiếc răng của voi, lại gắn hai cây kiếm trên tai voi, cột 4 cái dao cong vào 4 chân của voi, lại còn gắn thêm một cái roi sắt vào đuôi voi, hơn nữa tất cả 9 loại binh khí được gắn thêm cho voi này đều rất sắc nhọn. Chỉ có cái vòi là thu lại, không đưa ra khi giao đấu. Người huấn luyện voi rất vui, vì con voi biết yêu quý sinh mạng của mình. Tại sao lại thế? Vì vòi của voi rất mềm và yếu, chỉ cần bị trúng tên thì lập tức sẽ chết, cho nên không thể đưa ra khi chiến đấu.
Nhưng, con voi đánh nhau lâu quá, muốn đưa cái vòi ra để cuộn lấy cái kiếm mà giết địch, người huấn luyện voi không đồng ý, cho rằng con voi khỏe này đã đến lúc không còn yêu quý sinh mạng, muốn đưa vòi ra để tìm cái kiếm ngậm vào vòi. Vua và các đại thần rất yêu quý con voi, nên lập tức cho nó rời chiến trường, không cho nó tiếp tục chiến đấu nữa.
Đức Phật nói với La Vân: “Nếu người dù đã phạm 9 trong số 10 bất thiện nghiệp, cũng nên cần phải giữ gìn khẩu nghiệp, đừng nói dối: Giống như con voi ấy, cẩn thận giữ cái vòi không đưa ra chiến đấu. Voi làm như vậy vì sợ vòi trúng tên mà chết. Con người cũng như vậy, cần phải giữ gìn khẩu nghiệp, vì sợ phải chịu đau khổ nơi địa ngục ở ba đường ác. Nếu phạm 10 bất thiện nghiệp, người mà ngay cả khẩu nghiệp cũng không giữ được, thì cũng giống như chú voi lấy cái vòi ra chiến đấu này, không xem xét đến việc sẽ bị trúng tên mà chết. Con người cũng như thế, tạo ra 10 ác nghiệp, tức không suy nghĩ đến hậu quả đau khổ triền miên ở ba đường ác; Nếu thực hành 10 thiện đạo, gìn giữ thân khẩu ý nghiệp, không có những hành vi ác, thì có thể chứng ngộ đắc đạo, mãi mãi sẽ không rơi xuống ba đường ác, cũng không còn đau khổ của sinh tử.” Và Thế Tôn lại nói một bài kệ, đại ý như sau:
“Ta giống như con voi dũng mãnh, trên chiến trường không sợ tên của địch; (cho dù trên thế gian này có rất nhiều người không giữ giới, tùy tiện phỉ báng ta), ta cũng vẫn cứ đối xử với mọi người một cách chân thành, thậm chí còn dùng lòng từ bi cứu độ những người không giữ giới. Cũng giống như con voi đã được huấn luyện kia, có thể làm ghế cho vua ngồi. (Cho dù bị người phỉ báng), cũng không mất đi lòng chân thành (không sinh ghen ghét, không nói lời ác), những người có thể thu phục là những người đáng kính nhất trong quần chúng.”
La Vân nghe xong lời dạy của đức Phật, tích cực sám hối, nỗ lực phấn đấu và khắc ghi lời giáo huấn của Ngài, tinh tấn uốn nắn, tu hành nhẫn nhục như trái đất, tĩnh tâm, tiêu trừ mọi vọng tưởng mà chứng đắc quả A La Hán.
Nội dung như trên cũng đề cập đến trong quyển “Trung A Hàm”, “Kinh La Vân số 14”, nhưng phần ví dụ được nêu ra có chỗ khác.
Sau khi gọi La Hầu La đến rửa chân giúp, Thế Tôn liền đổ nước đi, trong chậu chỉ còn lại ít nước, rồi hỏi La Hầu La: “Con nhìn thấy ta đổ nước đi, trong chậu chỉ còn lại ít nước rồi chứ?”
La Hầu La thưa: “Dạ, con thấy rồi thưa Thế Tôn!”
Đức Phật nói: “Người cố ý nói dối, không biết xấu hổ, thì đạo pháp của người ấy cũng chỉ còn lại ít như thế này, cũng ít giống như nước còn lại trong chậu này thôi!”
Thế Tôn lại đem nước còn lại trong chậu đổ hết đi, rồi nói với La Hầu La: “Người cố ý nói dối, không biết xấu hổ thì đạo pháp của người ấy cũng bị phế bỏ toàn bộ, giống như đổ hết nước trong chậu này đi vậy!”
Thế Tôn lại úp cái chậu không xuống đất mà nói với La Hầu La: “Người cố ý nói dối, không biết xấu hổ là người đang đi ngược với đạo pháp, giống như cái chậu úp ngược này thì làm sao có thể chứa đựng thánh đạo được?”
Thế Tôn lại để thẳng cái chậu lại, rồi nói với La Hầu La: “Con có thấy cái chậu này để thẳng hay để úp thì bên trong cũng trống rỗng, không có nước không?” La Hầu La đáp: “Dạ, con thấy ạ!”
Thế Tôn lại nói: “Người cố ý nói dối, không biết xấu hổ, đạo pháp của người ấy cũng trống rỗng, hư không, chẳng khác gì cái chậu không này!”
Nội dung tương tự cũng có trong “Đại Trí Độ Luận” quyển 13, trong phần trên của trang 158a tập 25 “Đại Chánh Tạng”.
Sau khi đức Phật thành đạo, con trai của ngài là La Hầu La cũng xuất gia đi tu, nhưng vì tuổi còn nhỏ, không biết phải cẩn trọng trong lời nói, thường xuyên nói dối.
Có người đến hỏi: “Thế Tôn có ở tịnh xá không?” Khi Thế Tôn đang ở tịnh xá, nhưng La Hầu La lại nói:
“Không có!” Khi Thế Tôn không có ở tịnh xá thì La Hầu La lại nói: “Có ở tịnh xá!”
Sau đó, có người đem chuyện này nói cho đức Phật biết.
Một hôm, đức Phật nói với La Hầu La rằng: “Cầm chậu đi lấy nước để giúp ta rửa chân.”
Sau khi rửa chân xong, đức Phật lại bảo La Hầu La đem cái chậu úp ngược xuống, miệng chậu úp xuống đất rồi lấy nước đổ vào chậu.”
La Hầu La thưa: “Cái chậu đã úp ngược, không đổ nước vào được mà!”
Đức Phật liền nói với La Hầu La rằng: “Người không biết xấu hổ, nói dối, thì đạo pháp không thể vào được, giống như đã bị che kín hết vậy!” (Ý câu nói trên là: “Con là người không biết xấu hổ, thường xuyên nói dối, che mất lòng thanh tịnh của mình, khiến đạo pháp thượng diệu cũng không thể vào trong tâm của con, cũng giống như cái chậu úp ngược này, không thể đựng được nước!)
Đức Phật bảo nói dối dẫn đến 10 điều sau: “Một là miệng hôi thối; Hai là thiện thần tránh xa, ác quỷ và la sát tìm đến; Ba là khi nói thật người khác cũng không tin (vì người đó có thói quen nói dối, nên bây giờ có nói thật thì người khác cũng không muốn tin); Bốn là những người trí tuệ ngồi nói chuyện bàn bạc với nhau không muốn cho người ấy tham gia; Năm là thường bị phỉ báng, tiếng ác đồn xa; Sáu là người nói dối sẽ không được mọi người tôn kính, cho dù người đó có lời giảng dạy hay thì mọi người cũng không tiếp nhận; Bảy là thường xuyên lo sầu; Tám là lời nói dối thường gieo nhân duyên bị phỉ báng; Chín là khi thân tàn mệnh tận bị đọa địa ngục; Mười là cho dù ở dưới địa ngục chịu ác báo xong được đầu thai lại kiếp người, cũng có thể còn dư báo, cũng vẫn còn thường xuyên bị phỉ báng.
Mọi người có muốn vì lời nói dối mà bị bạn bè thiện hữu lánh xa, nói không ai tin, hơn nữa còn thường xuyên bị phỉ báng hoặc đi theo ác đạo không? Chi bằng muốn không phải chịu những ác báo trên thì không được nói dối và nói những lời không có lợi ích gì.
Xin được chia sẻ cùng quý vị câu chuyện trên!
Phúc Nghiêm, lớp giáo dục mở rộng, ngày 3 tháng 5 năm 2014