Home > Khai Thị Phật Học
Bồ Tát Đồng Học
Thích Hậu Quán | Thích Vạn Lợi, Việt Dịch


Giảng tại giảng đường Huệ Nhật trong ngày pháp hội Dược Sư 14/11/2009

Thông thường cùng học một trường thì gọi nhau là “đồng học” (bạn học), và trong sách vở Phật giáo cũng có nói đến từ “Bồ tát đồng học”. Như “Kinh Đại Bát nhã Ba la mật”1, có lần A nan thỉnh vấn Đức Phật: “Các vị Bồ tát cùng ở chung với nhau phải nên như thế nào?” Đức Phật bảo A nan: “Các vị Bồ tát ở chung với nhau nên cung kính đối phương như cung kính Phật”. Không nên nhìn bằng đôi mắt phân biệt hơn thua, phải xem họ như Đức Phật, và họ cũng xem mình như Đức Phật, cùng cung kính lẫn nhau. Bồ tát phải suy nghĩ, chúng ta có nhân duyên cùng nhau tu tập, hoặc thành vợ chồng, cha con v.v…; cũng có thể là bạn đồng tu, hoặc là huynh đệ, thầy trò v.v…Tất cả đều có nhân duyên với nhau. Mọi người cùng sống chung với chúng ta, những vị Bồ tát này đều là bạn tốt của ta. Chúng ta cùng đi trên một chiếc thuyền, mọi người cùng học tập lẫn nhau.

Và nội dung để chúng ta cần phải học là gì? Chúng ta phải học lục độ vạn hạnh: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ ba la mật, cho đến nhất thiết chủng trí của Đức Phật. Nếu Bồ tát tu tập “tạp hạnh”, tức là có lúc tu lục độ, có lúc tu ác hạnh, thì họ đã xa lìa tâm bồ đề Đại thừa, thì mình không nên cùng với người đó tu học. Cho nên “bạn học” là nên học điều hay tốt của họ; còn những điều không tốt, chúng ta không nên học. Nếu học những điều không tốt thì không thể gọi là đồng học. Ngược lại Bồ tát không tu tập tạp hạnh, không rời bỏ tâm bồ đề Đại thừa, thì chúng ta nên học với họ. Bồ tát Đại sỹ có thể học đầy đủ như thế, thì gọi là bạn học Bồ tát. Như trong “Luận Đại Trí Độ” quyển 77 ‘phẩm Đồng Học thứ 62’ nói:

(A nan) thưa Đức Phật: “Bồ tát cùng ở chung nên như thế nào? Đem tâm cung kính như thế nào?” Đức Phật dạy: “Bồ tát nên cung kính cúng dường, xem nhau như Phật” vì họ là Phật vị lai. Sau đó Đức Phật tự nói nhân duyên: Bồ tát ở chung nên nghĩ rằng: “Đây là bạn chơn thật của ta, cùng đến Phật đạo, cùng đi trên một con thuyền. Thuyền là sáu Ba la mật; ba cõi và ba lậu là nước; bờ kia là Phật đạo. Ðiều người kia học ta cũng nên học, đó là sáu Ba la mật, đồng giới, đồng kiến, đồng đạo. Như anh em một nhà, không nên đấu nhau; ta và họ là anh em đồng pháp, không nên tranh nhau. Nếu Bồ tát kia tu tạp hạnh, lìa tâm nhất thiết trí, ta không nên học như vậy. Tại vì sao? Vì việc tốt nên học theo, việc xấu nên bỏ” . Bồ tát nếu học được như vậy, thì việc khinh mạn, sân hận chấm dứt; mới gọi là Bồ tát bạn học.

Nếu như Bồ tát cùng ở chung, nên đem tâm cung kính như thế nào? Đức Phật dạy: “Cung kính cúng dường, xem nhau như Phật”. Chúng ta cung kính cúng dường họ, xem như Đức Phật, vì trong tương lai họ sẽ thành Phật. “Sau đó Đức Phật tự nói nhân duyên: Bồ tát ở chung nên nghĩ rằng: đây là bạn chơn thật của ta, cùng đến Phật đạo, cùng đi trên một con thuyền”. Đức Phật dạy các vị Bồ tát cùng ở chung nên nghĩ: Bồ tát là bạn lành chơn thật của ta, cùng mục đích chứng đắc đạo quả bồ đề thành Phật. Nên hiện tại chúng ta cùng nhau tu học, đi trên một chiếc thuyền. Vì thuyền này là thuyền pháp, chiếc thuyền “lục ba la mật”. Lúc chúng ta cùng nhau chèo thuyền, tuyệt đối đừng để cho người khác cố sức một mình, còn cá nhân lại đứng bên cạnh hóng mát, chỉ biết hô hào: “Cố lên! Cố lên! …” Đâu phải chỉ dùng sức hô hào thôi đã đủ. Chúng ta không nên hóng mát một mình, mà phải cùng nhau chèo lái. Và cũng không thể mọi người chèo về phía trước còn mình lại chèo về phía sau, hoặc đục lỗ, làm thuyền thấm nước, điều này đâu có được, đúng không? Chúng ta phải đồng cam cộng khổ.

Chúng ta cùng nhau ngồi trên chiếc thuyền pháp này, mục tiêu là bờ giải thoát thành Phật, vượt qua dòng sông, biển lớn “ba cõi và ba lậu là nước”. Ba cõi dục giới, sắc giới, vô sắc giới, và các loại dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu, những phiền não này chúng ta cần phải khắc phục vượt qua. Từ bờ này đến bờ kia, “bờ kia là Phật đạo”, mà chúng ta phải tu học là lục ba la mật, “đồng giới, đồng kiến, đồng đạo”. Trong “Phật Pháp Khái Luận” Ngài Ấn Thuận có nhắc đến lục hòa kính. Lục hòa kính là trên sự hiểu biết nhận thức, chúng ta phải “kiến hòa đồng giải”, quan điểm của mỗi người đều nhất trí. Không nên khởi tâm phân biệt pháp môn của tôi tu học mới là tốt nhất, pháp môn của bạn là tà thuyết dị đoan, hoặc pháp môn của bạn không hay, không cứu cánh, kỳ thật mọi người nên kiến lập một quan niệm chính xác. Về hành vi thì phải “giới hòa đồng tu”, tức mọi cùng nhau tuân thủ giới luật, không có chuyện ngoại lệ. Trên vấn đề kinh tế, phải “lợi hòa đồng quân”, mọi người cùng nhau chia sẻ, không thể so đo phần bạn nhiều, phần tôi ít. Những điều vừa nêu trên là bản chất của sự hòa hợp. Biểu hiện ở thân khẩu ý, thì phải “ý hòa đồng duyệt”, trong lòng thường vui vẻ, không nên luôn luôn khởi tâm sân hận, bất mãn. “Thân hòa đồng trú”, mọi người phải cùng sống chung với nhau, không nên vì một tí giận hờn mà tự mình bỏ ra ở riêng. Nếu như bạn ở riêng, người khác cũng như vậy, mọi người đều ở riêng, kết quả là mọi người không thể sống hòa hợp với nhau, như thế thật không tốt. Trên vấn đề ngôn ngữ, mọi người phải “ngữ hòa vô tranh”, vô cùng hòa thuận, không cãi vã nhau. Đó là biểu hiện của sự hòa hợp.

“Như anh em một nhà, không nên đấu nhau”, đã là anh em trong nhà, không nên đấu đá lẫn nhau, huống chi chúng ta là huynh đệ cùng tu, thì càng không nên tranh chấp lẫn nhau. "Vì việc tốt nên học theo, việc xấu nên bỏ”, điều tốt cùng học với họ; điều xấu, chúng ta nên uyển chuyển khéo léo khuyên họ. Nếu như Bồ tát có thể học với tinh thần như thế, đôi bên cùng học tập lẫn nhau, những việc như khinh mạn, sân hận tất cả đều trừ sạch, đây gọi là Bồ tát bạn học.

Xin hỏi các vị Bồ tát bạn học, tâm sân hận, tâm khinh mạn của chúng ta đã được trừ sạch rồi chưa? Nếu như vẫn còn, chúng ta phải cố gắng nhiều hơn nữa.