Home > Khai Thị Phật Học > Nhan-Duyen-Nhung-Nguoi-An-Xin-Duoc-Hoa-Do
Nhân Duyên Những Người Ăn Xin Được Hóa Độ
Thích Hậu Quán | Thích Vạn Lợi, Việt Dịch


Kính bạch quý Thầy cô, kính thưa quý Phật tử!

Hôm nay, tôi xin chia sẻ với quý vị một câu chuyện Phật giáo. Câu chuyện này được trích từ kinh Hiền ngu, trong Đại Chánh tạng, quyển 4, trang 386a5 387a26.

Thời quá khứ, khi đức Phật ở tại thành Xá vệ, trong vườn cây của ông Cấp Cô Độc và thái tử Kì đà, cùng với 1.250 vị sa môn. Bấy giờ, trong nước có năm trăm người ăn xin thường nương vào đức Phật và theo sau Tăng đoàn vào giờ khất thực để xin ăn sống qua ngày.

Trải qua nhiều năm, một ngày nọ họ chợt cảm thấy chán ghét cuộc sống như vậy, liền nói với nhau rằng:

- Chúng ta nhờ vào phước của chư Tăng mới có thể kéo dài mạng sống, nhưng những nỗi khổ đau trong cuộc đời còn quá nhiều. Chúng ta nên cầu thỉnh Phật cho chúng ta xuất gia thôi!

Do vậy, họ đến nơi Phật ở và cùng bạch với đức Phật rằng:

- Đức Như Lai ra đời rất khó gặp, chúng con xuất thân nghèo hèn, được nương nhờ ân đức của Ngài mới có thể sống qua ngày. Đã nhận được sự cứu giúp của Ngài như vậy rồi, nên giờ đây chúng con muốn xin được xuất gia. Không biết đức Thế Tôn có đồng ý không ạ?

Đức Phật nói với những người ăn xin rằng:

- Pháp của ta thanh tịnh, không phân biệt sang hèn. Giống như dòng nước trong mát có thể gột rửa mọi thứ dơ bẩn, bất luận là kẻ giàu người nghèo, xấu hay đẹp, nam hay nữ, nếu dùng nước gội rửa thì đều được sạch sẽ. Giáo pháp của ta cũng giống như lửa, những nơi mà lửa thiêu đốt, thì dù là núi sông hay vách đá, tất cả muôn vật trong thiên hạ không kể lớn bé, chỉ cần gặp phải lửa thì sẽ đều bị thiêu đốt (ví như các phiền não không luận là nặng hay nhẹ chỉ cần siêng năng tu tập thì đều có thể diệt trừ). Phật pháp của ta cũng lại giống như hư không vậy, bất luận là nam nữ già trẻ, hay giàu nghèo sang hèn, nếu đã phát nguyện vào nhà Phật pháp này thì đều được như ý nguyện, không có gì trở ngại.

Những người ăn xin nghe đức Phật dạy như vậy thì đều rất vui mừng, lòng tin của họ thêm lớn, thành kính quy y Phật, mong cầu xuất gia vào trong tăng đoàn để cùng tu hành. Đức Phật vừa nói: “Thiện lai, tì kheo!”, tự nhiên râu tóc của họ liền rơi rụng, ca sa đắp lên mình, đầy đủ hình tướng của bậc sa môn. Đức Phật lại nói pháp cho họ nghe, mọi người đều mở lòng đón nhận và lĩnh hội, hết thảy phiền não đều đoạn trừ, cùng chứng quả A la hán.

Bấy giờ, những phú hào, trưởng giả trong nước và ngay cả những người dân thường, nghe nói đức Phật cho phép những người ăn xin xuất gia tu hành, đều sinh tâm khinh mạn, nói rằng:

- Vì sao đức Phật lại cho phép những người hạ tiện này gia nhập vào hàng ngũ tăng đoàn? Như vậy, khi chúng ta muốn tạo phước, mà thỉnh đức Phật và chúng Tăng đến để cúng dường, thì làm sao có thể để những người hạ tiện ấy được ngồi trên tòa ngồi của gia đình chúng ta, sử dụng những đồ dùng để ăn cơm của chúng ta đây?

Thời đó, có vị thái tử tên là Kì đà, muốn thiết lễ để thỉnh Phật và chư tăng đến cúng dường, bèn sai sứ giả đến bạch Phật:

- Mong đức Phật và chư tăng nhận lời mời thỉnh cúng dường của con vào ngày mai.

Thái tử còn dặn thêm sứ giả bạch Phật:

- Những người ăn xin được Phật hóa độ thành tì kheo, con xin phép không mời, xin Thế Tôn đừng để họ tới.

Đức Phật nhận lời mời của thái tử. Ngày hôm sau, tới giờ thọ trai, trước khi đi đức Phật dặn dò các vị tì kheo mà trước từng làm ăn xin rằng:

- Ta và các thầy tì kheo này nhận lời mời thỉnh cúng dường, còn các thầy không được mời. Bây giờ các thầy có thể đến Bắc Câu Lô châu lấy gạo tẻ mọc tự nhiên ở đó, rồi đến cung thái tử, tùy theo thứ lớp mà ngồi, mỗi người tự thọ dụng phần gạo tẻ mà mình đã lấy được.

Do vậy, các vị tì kheo ấy đều theo lời Phật dạy, dùng thần túc thông của bậc A la hán để đến Bắc Câu Lô châu, mỗi vị tự lấy một phần gạo, đựng đầy bát sau đó theo thứ lớp nương hư không mà trở về, vô cùng trang nghiêm tề chỉnh, giống như Nhạn chúa bay đến cung của thái tử, rồi theo thứ lớp ngồi xuống, mỗi người tự thọ dụng đồ ăn của mình đem tới.

Lúc ấy, thái tử Kì đà nhìn thấy các vị tì kheo rất oai nghi, phong thái vô cùng trang nghiêm, đầy đủ thần thông, lại có phước đức, nên ông liền khởi tâm vui mừng, cung kính, khen rằng chưa từng thấy được sự việc như vậy, bèn bạch Phật rằng:

- Bạch đức Thế Tôn! Các bậc Đại đức Hiền thánh này có sức đại oai thần, đầy đủ tướng tốt trang nghiêm, không biết các vị ấy từ đâu tới đây khiến người ta khâm phục, kính ngưỡng? Mong đức Như Lai có thể giảng nói rõ nhân duyên của các vị ấy cho chúng con nghe.

Đức Phật nói với thái tử rằng:

- Nếu thái tử muốn biết thì xin lắng lòng, Ta sẽ nói rõ cho ngài nghe. Các vị tì kheo đây chính là những vị mà hôm qua thái tử không muốn thỉnh mời. Ta và các thầy tì kheo đến trước vì nhận lời mời của thái tử, còn các vị tì kheo này do không được mời, nên đã đến Bắc Câu Lô châu, lấy gạo tẻ mọc tự nhiên để ăn.

Thái tử nghe Thế Tôn nói cảm thấy vô cùng xấu hổ và hối hận, tự trách mình rằng:

- Con sao mà ngu si như vậy, vì sao không biết phân biệt đúng sai phải trái?

Thái tử lại nói:

- Công đức của Thế Tôn thật không thể nghĩ bàn. Những người ăn xin ở trong đất nước này là những người nghèo hèn nhất, vậy mà hôm nay lại có thể được đức Thế Tôn giáo hóa cho giác ngộ, để có được ân đức lớn lao ấy, lại có thể thọ hưởng được hạnh phúc an lạc thật sự ngay đời này và có được niềm vui vĩnh viễn của cõi Vô vi niết bàn. Đức Phật ngày nay xuất hiện ở đời là vì để cứu độ cho họ. Kính bạch Thế Tôn! Không biết những người ăn xin này đời trước đã tạo duyên lành gì, tu công đức gì mà đời nay được gặp Ngài, tiếp nhận được ân huệ đặc biệt của Ngài như vậy? Con cũng lại không biết họ đã phạm phải tội lỗi gì mà từ khi sinh ra tới nay phải ăn xin để sống khổ sở như vậy? Đức Thế Tôn từ bi, mong Ngài chỉ dạy cho chúng con hiểu.

Đức Phật dạy rằng:

- Thái tử nếu muốn biết xin hãy lắng nghe, Ta sẽ nói rõ ngọn nguồn nhân duyên của những người ăn xin này cho ngài biết.

Khi đó, đức Phật nói với thái tử Kì đà:

- Thời quá khứ cách đây vô lượng vô số kiếp, ở cõi Diêm phù đề này có một nước lớn tên Ba la nại, trong nước đó có đỉnh núi tên Lợi Sư (nghĩa là Tiên Sơn), các đức Phật thời quá khứ phần nhiều ở tại đỉnh núi này, khi không có Phật ra đời thì sẽ có những vị Bích chi phật, nếu khi nào không có Bích chi phật thì các vị tiên có ngũ thông sẽ ở đó, nên đỉnh núi đó không bao giờ hoang vắng.

Bấy giờ, trên núi có hơn hai nghìn vị Bích chi phật ở, gặp lúc trong nước có sao hỏa xuất hiện, đó là điềm báo có tai họa. Khi sao này xuất hiện ở nơi nào, thì trong vòng mười hai năm, nơi ấy sẽ bị khô hạn, không có mưa, không thể trồng cây, khiến cho quốc gia đó dần suy yếu. Bấy giờ, trong nước có một vị trưởng giả tên là Tán đà ninh (có chỗ dịch là Tán đàn ninh), vô cùng giàu có, của báu vô số, thường cúng dường người tu hành. Do vậy, một nghìn vị Bích chi phật đến nhà trưởng giả để mong được cúng dường, liền nói với ông ấy:

- Chúng tôi ở trong núi đó, chẳng may gặp lúc đại hạn, khất thực không được, nếu trưởng giả có thể cúng dường thức ăn thì chúng tôi sẽ ở lại đây, nếu không thì chúng tôi sẽ phải đi nơi khác.

Trưởng giả liền hỏi người quản kho rằng:

- Hiện giờ lương thực trong kho có đủ để cúng dường các vị Bích chi phật nhiều như vậy không?

Người giữ kho đáp:

- Mong ngài đúng thời mời thỉnh, lương thực trong

kho rất nhiều, đủ để cúng dường cho các vị ấy.

Do đó, trưởng giả mời một nghìn vị Bích chi phật đến để cúng dường thức ăn. Một nghìn vị

Bích chi phật khác trong núi cũng đến nhà trưởng giả để xin được cúng dường thức ăn. Trưởng giả lại hỏi người giữ kho:

- Trong kho ngươi giữ còn bao nhiêu lương thực? Ta cũng muốn cúng dường một nghìn vị nữa, ngươi coi có đủ không?

Người giữ kho nói:

- Lương thực trong kho tôi thấy là sẽ đủ, nếu ngài muốn cúng dường, có thể mời các vị ấy đến để thọ cúng.

Do đó, trưởng giả lại mời một nghìn vị Bích chi phật này và sai năm trăm người hầu mỗi ngày đều chuẩn bị thức ăn để cúng dường cho các vị ấy. Những người hầu này phải chuẩn bị thức ăn cho nhiều người như vậy, một thời gian lâu bèn sinh tâm chán ghét, nên nói với nhau rằng:

- Chúng ta vất vả như vậy đều là do những người ăn xin này.

Thời điểm đó, trưởng giả thường sai một người hầu trước giờ thọ trai, đến thông báo với các vị Bích chi phật. Người này có nuôi một con chó, mỗi ngày khi anh ta đi thông báo, nó đều đi theo anh ta, không bỏ sót một ngày nào.

Một bữa nọ, người hầu này bất chợt quên đi thông báo giờ thọ trai. Nhưng con chó này đúng giờ vẫn biết tự mình chạy đến chỗ chư Tăng ở, hướng về phía chư Tăng mà sủa vang lên. Các vị Bích chi phật nghe tiếng chó sủa biết là đến mời họ đi thọ trai, liền đến nhà trưởng giả như pháp mà đón nhận cúng dường và nói với trưởng giả:

- Trời sắp mưa, ông có thể trồng lương thực rồi.

Trưởng giả nghe theo lời của các vị Bích chi phật, lập tức sai người làm chuẩn bị đầy đủ nông cụ và bắt tay vào trồng lúa và các loại ngũ cốc có thể ăn được đều trồng xuống hết. Nhưng trải qua một thời gian, tất cả các hạt giống trồng xuống đều biến thành hồ lô. Trưởng giả thấy vậy vô cùng ngạc nhiên, liền đi hỏi các vị Bích chi phật và được trả lời rằng:

- Việc này ông không phải lo lắng, chỉ cần chăm chỉ trồng trọt, đúng thời tưới nước là được thôi.

Trưởng giả bèn theo lời của các vị Bích chi phật siêng năng tưới nước. Đợi đến khi chín, các quả hồ lô đều rất to và số lượng rất nhiều, bổ ra xem thì thấy bên trong đầy ắp các loại ngũ cốc đã trồng, hơn nữa đều đã chín và rất sạch sẽ, tốt đẹp.

Trưởng giả vô cùng vui mừng, dùng tất cả các phòng để cất chứa, khi nhà mình chứa đầy rồi bèn đem các ngũ cốc còn dư ra chia cho thân tộc. Nhân dân trong cả nước đều cảm động trước ân đức của trưởng giả.

Khi đó, năm trăm người làm hầu chuyên làm cơm kia đều nghĩ rằng: “Những thành quả này đều là nhờ ân đức của các vị Bích chi phật mới có, sao chúng ta lại dám nói ra những lời ác với họ?”. Do đó, họ bèn đi đến chỗ các vị Bích chi phật cầu xin sám hối và nguyện sửa đổi.

Thái tử nên biết! Trưởng giả Tán đàn ninh giàu có khi đó chẳng phải là ai khác, đó chính là Ta, người coi kho đó chính là Tu đạt bây giờ, còn người hầu ngày ngày đến chỗ Tăng chúng ở thông báo giờ thọ trai chính là vua Ưu điền. Con chó đó vì nhân duyên từng đến thông báo cho tăng chúng thọ trai, cho nên đời đời được âm thanh tốt đẹp đó chính là trưởng giả Mỹ Âm, còn năm trăm người hầu chuyên làm cơm khi ấy chính là năm trăm vị A la hán này.

Thái tử Kì đà và mọi người có mặt trong pháp hội, nghe được sự thần biến như vậy đều cảm niệm công đức của Phật và khắc ghi trong lòng, tinh tấn tu hành, có người chứng được sơ quả và có người chứng đến quả vị A la hán, có người siêng tu hạnh Bích chi phật, cũng có người phát tâm cầu Phật đạo. Mỗi mỗi đều hết lòng tinh tấn, mong được thành tựu bản nguyện của riêng mình, mọi người hân hoan vui mừng, cảm niệm đảnh lễ Thế Tôn, nguyện y giáo phụng hành.

Câu chuyện này nhắc đến việc:

Vào thời quá khứ, có hai nghìn vị Bích chi phật tu hành trong một ngọn núi, bởi vì gặp hạn hán, đi khất thực không dễ dàng, may mà có một vị trưởng giả giàu có phát tâm cúng dường. Trưởng giả sai năm trăm người hầu hàng ngày chuẩn bị cơm canh cho các vị ấy. Trải qua một thời gian lâu, năm trăm người này bắt đầu than trách: “Chúng ta từ sáng tới tối bận bịu vất vả đều do những người ăn xin này hại cả.” Vì họ khởi tâm chán ghét, ác khẩu gọi các vị thánh Bích chi phật là ăn xin, cho nên sau khi họ chết thì hết đời này sang đời khác, thường phải tái sinh làm người ăn xin.

Khi chúng ta tổ chức pháp hội, các hoạt động, hoặc những khi cần thời gian dài để chăm sóc người bệnh, có những người ban đầu tâm rất hoan hỷ vui vẻ ‘nhận vất vả, nhận trách móc’, dù có người chê bai trách móc họ cũng vui vẻ đón nhận. Nhưng trải qua một thời gian, liền biến thành ‘nhận vất vả, nhưng không nhận trách móc’, nghĩa là dù vẫn tiếp tục làm, nhưng không thể nhẫn chịu người khác chê bai, trách móc. Qua một thời gian nữa liền biến thành ‘không nhận vất vả, cũng không nhận trách móc’, không còn phát tâm làm việc nào nữa.

Chúng ta nhìn lại bản thân mình xem, có phải có tình trạng như vậy không? Ban đầu thì ‘nhận vất vả, nhận trách móc’, sau đó ‘nhận vất vả, nhưng không nhận trách móc’ và cuối cùng là ‘không nhận vất vả, cũng không nhận trách móc’ rồi không? Nếu có thì đó là một lời cảnh báo.

Mong tất cả mọi người đồng khởi tâm hoan hỷ để có thể luôn luôn hết lòng phục vụ chúng sinh mà không thoái tâm.

Một vài lời xin được chia sẻ với đại chúng để chúng ta cùng nhau cố gắng!

Lớp Giáo dục mở rộng Phước Nghiêm, ngày 09.04.2016