Kính bạch quý Thầy cô, kính thưa quý Phật tử!
Hôm nay, tôi chia sẻ cùng quý vị một câu chuyện Phật giáo. Câu chuyện này được trích từ kinh Hiền ngu, trong Đại Chánh tạng, quyển 4, trang 357b10 358b19.
Thời quá khứ, lúc đức Phật ngụ tại thành Xá vệ, trong vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, phu nhân của vua Ba tư nặc tên là Ma lợi (có kinh dịch là Mạc lợi), hạ sanh được một công chúa, đặt tên là Ba xà la, nghĩa là Kim Cương. Cô công chúa này có tướng mạo vô cùng xấu xí, da thì thô và dày như da lừa, tóc thì khô và cứng cứ dựng đứng lên như cái đuôi ngựa. Mỗi lần nhìn thấy công chúa là nhà vua không vui, nên vua ra lệnh cho các cung nữ:
- Các ngươi phải canh chừng cẩn thận, không được để người khác nhìn thấy công chúa Ba xà la.
Vì sao vậy? Vì cô công chúa xấu xí này không giống ai, nhưng lại do Mạc lợi phu nhân sanh ra, cho nên, dù xấu đến mấy, nhà vua cũng phải bí mật sai người chăm sóc, nuôi dưỡng công chúa.
Công chúa dần dần trưởng thành, đến tuổi cập kê, phải tính chuyện gả chồng cho nàng. Lúc đó, vua Ba tư nặc lo lắng, suy nghĩ mãi nhưng vẫn không tìm ra biện pháp, đành ra lệnh cho các đại thần:
- Các khanh đi tìm thử xem, chàng trai nào vốn thuộc gia đình phú quý, chủng tánh cư sĩ, nhưng nay đang rơi vào cảnh nghèo cùng thiếu thốn. Tìm được người như vậy thì dẫn về đây.
Các đại thần tuân theo lệnh của nhà vua, đi khắp nơi tìm kiếm. Cuối cùng, tìm được một chàng trai xuất thân phú quý, nhưng hiện tại đang bị phá sản. Đại thần dẫn anh ta vào cung để diện kiến nhà vua.
Ba tư nặc vừa nhìn thấy, liền dẫn chàng ta đi vào nơi kín đáo, rồi kể lại đầu đuôi sự việc:
- Trẫm có một cô công chúa nhưng dung mạo quá khó xem. Nay trẫm muốn tìm người để gả công chúa, nhưng tìm kiếm mãi vẫn không tìm ra đối tượng phù hợp. Trẫm được biết, khanh xuất thân phú quý nhưng bây giờ đang bị túng thiếu. Trẫm sẽ cung cấp mọi vật dụng, cho đến tiền tài, vàng bạc cho khanh. Hy vọng khanh không từ chối, mà hãy đón nhận công chúa con của trẫm!
Lúc ấy, chàng trai quỳ sụp xuống và tâu:
- Thần nhất định phụng mệnh của đại vương. Dù đại vương cho thần một con chó, thần cũng nhất định tiếp nhận, huống gì là con gái ruột của Ngài? Thần cảm tạ đại vương ban ân. Thần xin tiếp nhận mệnh lệnh của đại vương.
Vua Ba tư nặc liền gả công chúa cho chàng trai nghèo này, còn xây cả cung điện riêng cho họ, nhưng phòng xá thì xây đến bảy lớp cửa.
Nhà vua căn dặn con rể:
- Chìa khóa cửa con phải tự giữ lấy, nếu có việc ra ngoài, phải khóa cửa cẩn thận. Con gái của ta quá xấu xí, trên thế gian này chắc không tìm ra được người thứ hai xấu như thế, cho nên con không được để người ngoài nhìn thấy mặt của nó; lúc thường cũng phải khóa cửa thật cẩn thận, phải nhốt nó ở mãi trong cung điện.
Nhà vua cung cấp đầy đủ tiền tài và vật dụng sinh hoạt hằng ngày, khiến cho cuộc sống của gia đình con gái không bị thiếu thốn bất cứ thứ gì.
Sau đó, vua Ba tư nặc sắc phong con rể làm đại thần. Cũng kể từ đó, anh ta có vô số tài bảo, nên thường cùng các tầng lớp hào quý tổ chức các buổi tiệc tùng. Ngày qua ngày, những buổi yến tiệc được mở liên tục, không ngừng nghỉ. Lúc dự tiệc, ai cũng vợ vợ chồng chồng cùng đến dự yến tiệc, nam nữ tụ họp một nơi, nói chuyện cười đùa vui vẻ. Ai cũng có vợ lẽo đẽo theo bên cạnh, riêng một mình vị đại thần này từ trước đến nay, chỉ đơn độc một mình đi dự tiệc.
Mọi người đều lấy làm lạ:
- Vợ của người này chẳng lẽ đẹp đến nỗi không ai sánh kịp, là mỹ nhân tuyệt trần hay sao? Hay là cô nàng xấu xí nhất trần gian, cho nên anh ta mới không dám mang nàng theo. Chúng ta phải tìm cách dò xét xem thử dung nhan nàng ấy như thế nào.
Mọi người đều đồng ý, bí mật bàn tán, dụ cho vị đại thần này uống thật nhiều rượu, khiến cho anh ta uống say nhừ như xác chết, sau đó lấy chìa khóa, sai năm người đến mở cửa nhà của đại thần.
Lúc ấy, cô công chúa xấu xí trong lòng rất buồn tủi, tự trách mình: “Tôi đã tạo tội gì mà bị chồng chán ghét, thường bị giam mãi trong chỗ tối tăm, cả đời không bao giờ được nhìn thấy mặt trời, mặt trăng và đến cả con người?”. Nàng lại nghĩ: “Đức Phật hiện còn tại thế, giáo pháp của Ngài mang lợi ích cho chúng sanh, người gặp phải khổ đau, đều nhờ vào sự dẫn dắt của đức Phật mà vượt qua khổ não”. Nghĩ như thế xong, nàng từ nơi xa, hướng về đức Thế Tôn thành tâm kính lễ: “Nguyện cầu đức Thế Tôn từ bi thương xót, xin Ngài đến giảng dạy giáo pháp, khai thị cho con”. Vị công chúa này một lòng cung kính, vô cùng chân thành cầu khẩn.
Đức Phật biết được lòng thành kính của công chúa,
Ngài liền xuất hiện ngay trước mặt nàng. Lúc đó, đức Phật hiện tóc của Ngài biến thành màu đen huyền cho công chúa xem. Lúc công chúa ngước đầu lên, nhìn thấy màu tóc của đức Phật, niềm vui của nàng càng tăng bội phần, do tâm hoan hỷ nên càng cung kính, thành khẩn hơn, ngay khi ấy, mái tóc của công chúa tự nhiên cũng biến đổi vừa óng mượt vừa mềm mại, tóc có màu đen pha chút màu hồng tím.
Kế đến, đức Phật hiện tướng trên gương mặt, công chúa vừa nhìn thấy nét mặt từ bi của đức Phật, trong lòng nàng tràn ngập vui sướng, nhờ đó mà nét mặt của nàng cũng thay đổi thành đoan chánh, tướng mạo xấu xí và làn da thô cứng tự nhiên biến mất.
Đức Phật thị hiện tiếp phần thân tướng, từ hông trở lên, màu vàng chiếu sáng rực rỡ, để cho cô được chiêm ngưỡng. Công chúa vừa nhìn thấy thân tướng của đức Phật, niềm vui sướng tràn ngập cả tâm hồn, nhờ tâm hoan hỷ mà các tướng xấu của nàng lập tức biến mất, thân thể đoan chánh trang nghiêm, đẹp không khác các tiên nữ trên trời, người ở trần gian không ai có thể sánh bằng. Đức Phật vì thương xót cô gái, liền hiện toàn thân, cô gái quan sát một cách tỉ mỉ, nhìn đến nỗi không nháy mắt, không kiềm chế được sự vui mừng, cô gái bèn hoa chân múa tay vui sướng. Nét đẹp toàn thân của cô bây giờ không ai bằng được, người thường không thể có, thế gian hiếm thấy, những tướng xấu bây giờ đã không còn, đến cả một vết thẹo vẫn không lưu lại.
Đức Phật giảng pháp cho công chúa nghe, công chúa vừa nghe pháp, những nghiệp ác đã tạo từ trước lập tức diệt sạch, ngay lúc ấy, nàng chứng đắc sơ quả. Biết công chúa đã đắc đạo, đức Thế Tôn liền rời khỏi.
Vừa lúc ấy, năm người mở cửa bước vào, nhìn thấy dung nhan của vợ đại thần đẹp tuyệt trần, chưa từng thấy ai có nét đẹp tuyệt vời như thế, có thể nói trần gian này không thể tìm thấy người thứ hai. Mọi người thầm bảo nhau:
- Tôi cảm thấy thật kỳ lạ, tại sao đại thần không lần nào dẫn vợ mình ra ngoài, nguyên do là vì nhan sắc của nàng ấy quá diễm lệ!
Họ nhìn thấy dung nhan của công chúa xong, thỏa mãn sự tò mò từ lâu, liền đóng cửa lại, trả chìa khóa về lại túi áo cho vị đại thần.
Sau khi đại thần tỉnh dậy thì buổi tiệc đã kết thúc từ lâu. Anh ta một mình trở về nhà, vừa mới bước chân vào cửa, liền nhìn thấy một cô gái nhan sắc thật yêu kiều, vô cùng mỹ lệ, từ trước đến nay, anh ta chưa thấy qua người phụ nữ nào đẹp đến thế. Anh ta nhìn say đắm một hồi, cảm thấy rất thích thú, liền hỏi:
- Nàng là ai?
Công chúa đáp:
- Thiếp chính là vợ của chàng!
Người chồng lấy làm ngạc nhiên hỏi lại:
- Trước kia, tướng mạo nàng vô cùng xấu xí, sao giờ đây lại trở thành một cô gái xinh đẹp đoan chánh thế này?
Người vợ liền kể lại đầu đuôi câu chuyện cho chồng nghe:
- Thiếp nhờ được gặp đức Phật, sanh tâm hoan hỷ, tâm cung kính và tâm thanh tịnh đối với Ngài, cho nên bây giờ có được nhan sắc như thế này.
Nàng lại nói với chồng:
- Thiếp muốn được diện kiến vua cha một lần, xin chàng giúp thiếp chuyển lời đến người.
Người chồng nhận lời xong, liền đến diện kiến tâu lên vua Ba tư nặc:
- Tâu đại vương! Công chúa muốn được diện kiến ngài.
Nhà vua đáp:
- Ái chà! Đừng bao giờ nhắc đến việc này, nhanh đóng kín cửa phòng lại, đừng bao giờ để con ta bước ra ngoài.
Người con rể liền thưa:
- Sao phải làm như vậy? Công chúa nhờ ân đức của đức Phật, bây giờ xinh đẹp như tiên không khác.
Nhà vua nghe xong liền đáp:
- Nếu đúng thật như thế thì mau dẫn công chúa đến đây.
Lập tức, vua cho người chuẩn bị kiệu đến đón công chúa vào hoàng cung. Vua cha vừa nhìn thấy sắc đẹp rạng rỡ của công chúa, vui mừng đến không thể đứng yên được. Thật lâu sau, nhà vua mới bình tĩnh trở lại, liền sai người chuẩn bị xe, sau đó, vua Ba tư nặc, phu nhân Mạc lợi và vợ chồng công chúa đến nơi đức Phật đang trú ngụ.
Sau khi đảnh lễ đức Phật xong, mọi người đứng qua một bên. Lúc ấy, nhà vua quỳ xuống trước đức Thế Tôn thưa hỏi:
- Bạch Thế Tôn! Trẫm không biết đời trước công chúa đã gieo trồng phước đức hoặc đã tạo nghiệp báo gì, mà đời này được sanh vào trong gia đình quyền quý? Công chúa cũng đã tạo nghiệp gì, mà đời này phải chịu tướng mạo xấu xí như thế, da dẻ, tóc tai đều thô cứng, thậm chí còn tệ hơn cả loài súc sanh?
Đức Phật trả lời:
Con người sanh ra trong thế gian này, hình tướng đẹp hay xấu đều do hành vi trong quá khứ tạo ra hoặc là quả báo nhờ tu tập phước đức.
Từ nhiều đời trong quá khứ, có một quốc gia tên là Ba la nại, trong nước đó, có một vị đại trưởng giả, của báu nhiều vô số. Cả gia đình ông thường cúng dường cho một vị Bích chi phật. Tướng mạo vị Bích chi phật này rất thô, không được trang nghiêm, nét mặt lúc nào cũng tiều tụy, khắc khổ.
Lúc ấy, trưởng giả có một cô con gái, mỗi ngày đều nhìn thấy vị Bích chi phật đến thọ nhận cúng dường, cô sanh tâm chán ghét, xem thường bậc Thánh nhân, có lúc lại chửi mắng và chê rằng:
Tướng mạo gì đâu mà xấu xí, da dẻ thì thô cứng, chẳng ai muốn nhìn thấy!
Lúc bấy giờ, Bích chi phật đến nhà này rất nhiều lần, nhận cúng dường của họ, trụ ở thế gian này đã lâu, nên nay ngài muốn vào Niết bàn, bèn thị hiện nhiều loại thần biến như: Bay vào trong không trung, trên thân ra nước và lửa, trong chốc lát bay về hướng đông, ẩn mất ở hướng tây; hoặc từ hướng tây bay lên, ẩn mất ở hướng đông; từ phía nam bay lên, ẩn mất ở phía bắc; hoặc từ phía bắc bay lên, ẩn mất ở phía nam; trong không trung hoặc ngồi hoặc nằm, biến hiện đủ các thứ như thế, khiến cho cả gia đình trưởng giả tận mắt nhìn thấy đủ các món thần biến, sau đó, từ trong không trung xuống, đi đến nhà của họ.
Sau khi nhìn thấy, ông trưởng giả càng sanh tâm hoan hỷ, còn con gái của ông thì lập tức thành tâm sám hối những lỗi lầm trước đây, rồi tự trách rằng:
Cầu xin Tôn giả khoan dung tha thứ! Trước đây con khởi lên những ý niệm không tốt đối với ngài, đã phạm phải tội lỗi sâu nặng, xin ngài từ bi bỏ qua và tiếp nhận sự sám hối của con, để cho tội lỗi mà con đã tạo, đều được xóa sạch.
Lúc ấy, vị Bích chi phật tiếp nhận sự ăn năn, sám hối của cô gái.
Đức Phật bảo nhà vua:
Cô gái ấy nay chính là công chúa. Do kiếp trước khởi tâm bất thiện, chê bai, chửi mắng bậc Hiền thánh, tạo khẩu nghiệp quá nặng, từ đó về sau cô thường phải nhận quả báo thân hình xấu xí. Sau đó, thấy vị Bích chi phật hiện thần thông biến hóa, nhờ cô đã biết phát tâm thay đổi, hối cải nên tướng mạo mới thay đổi đoan chánh xinh đẹp như thế, lại được tài trí hơn người, không ai có thể sánh bằng. Nhờ được cúng dường Bích chi phật, mà đời đời nàng thường được giàu có, như đời này nhờ được gặp đức Phật, được nghe giáo pháp mà giải thoát.
Cũng như thế, đại vương! Tất cả chúng sanh hữu tình, cần phải hết lòng giữ gìn và tu tập thân nghiệp cũng như khẩu nghiệp, không nên tùy tiện tạo nghiệp, chê bai người khác.
Lúc bấy giờ, đức vua cùng các đại thần, lắng lòng nghe đức Phật giảng nhân duyên của quả báo, mọi người đều phát khởi tâm cung kính tín ngưỡng, vô cùng biết ơn đức Phật. Nhờ tín tâm kiên cố nên có người chứng được Sơ quả, có người chứng được đến Tứ quả, có người phát tâm tâm Vô thượng bồ đề, cũng có người đắc được giai vị Bất thoái chuyển. Tất cả đều ngưỡng mộ và tôn kính đức Phật, cung kính tín phụng, hoan hỷ tin nhận, vâng làm theo lời Phật dạy.
Nội dung của câu chuyện này là:
Công chúa của vua Ba tư nặc, vì xem thường Thánh nhân, chửi mắng vị Bích chi phật, cho nên phải chuốc lấy quả báo thân hình xấu xí. Cũng may, cô ấy kịp thời sám hối, nếu không sẽ bị sa đọa trong ba đường ác. Trong đời này may mắn được gặp đức Phật, sanh tâm hoan hỷ, nhờ tâm thanh tịnh và cung kính nên từ cô gái có tướng mạo xấu xí biến thành xinh đẹp tuyệt trần.
Chúng ta thường nói, không nệ hà con cái xấu xí, chó còn không kén chọn nhà nghèo. Nhưng vua Ba tư nặc vì thể diện, nên đã lén lút gả công chúa cho một anh chàng nghèo.
Trong kinh Tạp a hàm, kinh số 1278 có nói:
Sĩ phu sanh thế gian, phủ tại khẩu trung sanh, hoàn tự trảm kỳ thân, tư do kỳ ác ngôn5.
Có nghĩa là: Con người sanh ra trong thế gian này, nếu mở miệng nói lời bất thiện, thì chẳng khác gì chiếc búa nằm trong miệng, muốn nói cho người đau khổ đến khắc cốt ghi tâm, nhưng trên thật tế là đang tự hại chính mình. Đó đều là do nghiệp bất thiện của miệng tạo ra.
Trong kinh còn dạy:
Ưng hủy tiện xưng dự, ưng dự nhi tiện hủy, kỳ tội sanh ư khẩu, tử đọa ác đạo trung. Bác dịch vong thất tài, thị phi vi đại cữu, hủy Phật cập Thanh văn, thị tắc vi đại quá6.
Ý muốn nhắc nhở chúng ta: Khi gặp phải người hay sự việc không tốt, đáng lẽ nên quở trách thì chúng ta lại khen ngợi; đối với người hay sự việc tốt phải nên hết lòng khen ngợi thì ngược lại, chúng ta lại chê bai, trách móc. Những lỗi lầm như thế đều do nghiệp của miệng gây ra, sau khi chết sẽ bị đọa vào địa ngục. Vì ham chơi cờ bạc mà bị tán gia bại sản, như thế cũng chưa phải là tội lỗi lớn; nhưng nếu chê bai đức Phật và hàng Thanh văn đệ tử của đức Phật, mới là đại tội lỗi!
Thế gian có câu: “Lương ngôn nhất cú tam đông noãn, ác khẩu thương nhân lục nguyệt hàn”, cũng là lời nói, nhưng nếu nói ra một câu nói hay thì mang đến cho người nghe cảm giác ấm áp trong lòng; cũng là lời nói, nhưng có tác dụng tương phản, ví dụ một câu nói độc ác, sẽ khiến cho trong lòng đối phương cảm thấy như băng giá.
Hầu hết chúng ta đều chú trọng hình tướng đẹp xấu bên ngoài, nhưng thật ra, nội tâm chân thật, lương thiện mới đáng quý hơn cả. Chính vì thế, người lương thiện và có tấm lòng từ ái mới xứng đáng được xem là người đẹp nhất, trang nghiêm nhất, có đúng vậy không?
Qua câu chuyện trên, chúng ta cùng cố gắng.
Lớp giáo dục mở rộng Phước Nghiêm, ngày 14.11.2015