Home > Khai Thị Phật Học > Vi-Du-Ve-Bon-Nguoi-Vo
Ví Dụ Về Bốn Người Vợ
Thích Hậu Quán | Thích Vạn Lợi, Việt Dịch


Kính bạch quý Thầy cô, kính thưa các Phật tử!

Hôm nay, tôi xin chia sẻ cùng với mọi người một mẩu truyện trong kinh Phật, câu chuyện này được trích từ kinh Tạp A hàm, thuộc Đại Chánh tạng quyển 2, trang 495 496.

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn của ông Cấp cô độc, cây của thái tử Kì đà, nước Xá vệ, Ngài bảo các vị tì kheo:

- Này các tì kheo! Chú ý lắng nghe.

Các vị tì kheo trả lời:

- Chúng con xin vâng theo lời dạy bảo của đức Thế Tôn.

Đức Phật nói:

- Này các tì kheo! Con người có bốn loại nhân duyên, tham ái có nhẹ có nặng, có cạn có sâu, một khi có tham ái thì nó sẽ thừa dịp làm cho chúng ta rời xa đạo giải thoát.

Này các tì kheo! Ví dụ như một người đàn ông có bốn người vợ, trong đó, người vợ thứ nhất được ông rất xem trọng, cưng chiều hết mực. Bất luận đi, đứng, ngồi, nằm đều không rời xa ông; thậm chí, có nhu cầu tắm rửa thì liền đáp ứng, hoặc có đồ trang sức đẹp, đồ ăn thức uống ngon ngọt, năm loại ngũ dục sắc, thanh, hương, vị, xúc, ông đều cho người vợ lớn dùng trước; không luận là thời tiết lạnh lẽo hoặc nóng bức, thậm chí đói khát, việc lớn việc nhỏ gì cũng đều thuận theo và luôn động viên quan tâm nhau. Mọi việc đều tùy thuận vào tâm ý của bà vợ lớn, cho nên từ trước đến nay chưa hề có cuộc tranh cãi nào.

Người vợ thứ hai thì trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày, thường ở một bên, bầu bạn với ông ta, có việc gì ông cũng đều tâm sự với bà. Hễ ở cạnh người vợ thứ hai thì ông rất vui vẻ, nên một khi bà đi vắng thì ông cảm thấy rất ưu sầu, có khi vì ưu sầu mà dẫn đến già yếu, sinh bệnh; có khi vì bà mà phát sinh ra đủ các thứ tranh luận.

Người vợ thứ ba thì thỉnh thoảng cũng có lúc gặp gỡ, hai bên thăm hỏi sức khỏe nhau, chia sẻ những việc đắng cay ngọt bùi, thế nhưng, gặp lúc nghèo khổ thì có khi đôi bên cảm thấy chán nản, phiền hà, thành ra oán ghét nhau, nhưng hễ xa nhau một thời gian thì lại bắt đầu nhớ nghĩ đến nhau.

Còn người vợ thứ tư thì mặc cho người chồng sai khiến, cả ngày bận rộn đủ các loại việc trong nhà, việc khó đến thế nào, bà cũng tìm cách xử lý, nhưng người chồng này đối với người vợ thứ tư lại khước từ, không quan tâm, không nói chuyện với bà ấy, đã chẳng quan tâm bảo vệ, cũng chẳng giúp đỡ lo lắng gì.

Một ngày nọ, người đàn ông biết mình sắp chết, ông hỏi từng người vợ, xem ai đồng ý theo ông mà rời xa nhân thế. Ông hỏi người vợ thứ nhất:

- Bà sẽ cùng tôi qua bên kia thế giới chứ?

Bà vợ thứ nhất đáp:

- Không!Tôi chưa muốn chết, tôi không thể đi với ông được!

Người chồng hết sức thất vọng:

- Tôi yêu thương bà hết mực, ai cũng không sánh bằng, bất luận là nhiều hay ít, việc lớn nhỏ gì tôi cũng tùy thuận theo ý của bà; cung cấp những thứ cần dùng trong sinh hoạt, yêu thương che chở, bảo vệ bà mọi lúc để cho bà được hài lòng, tại sao bà không đi cùng với tôi?

Bà dứt khoát trả lời:

- Tuy ông rất yêu thương bảo vệ tôi, xem trọng tôi, nhưng xin lỗi! Tôi không thể đi cùng với ông.

Người đàn ông này đành ôm hận, quay sang hỏi người vợ thứ hai:

- Bà nên đi cùng với tôi qua bên kia thế giới!

Người vợ thứ hai trả lời:

- Ông rất mực yêu thương người vợ thứ nhất, mà bà ấy có đi chung với ông đâu? Sao tôi lại phải đi theo ông chứ? Tôi không đi!

Người chồng nài nỉ:

- Ngẫm lại thời gian trước đây tôi theo đuổi bà, gian nan vất vả biết bao, không thể dùng lời nào mà hình dung cho đủ, bất chấp thời tiết lạnh giá của mùa đông, oi bức của mùa hạ, chịu đựng những cơn đói khát, lũ lụt, hỏa hoạn, quan lại, trộm cướp; đủ thứ bức bách, phải tranh giành, cãi cọ, thật không dễ gì mới đến được với bà, tại sao bà không chịu đi cùng tôi?

Bà này đáp:

- Ông vì mưu đồ lợi ích cho chính mình nên mới theo đuổi tôi, nhưng tôi không cần ông làm như vậy, thì hà cớ gì ông lại đi kể khổ với tôi?

Người đàn ông này càng thêm ôm hận, quay sang bảo người vợ thứ ba:

- Bà đi cùng với tôi chứ?

Người vợ thứ ba trả lời:

- Tôi thọ nhận ân đức bố thí của ông, nên việc tôi có thể làm là tiễn đưa ông đến ngoài thành, chứ không thể đi cùng ông qua bên kia thế giới được.

Người chồng càng cay đắng hơn, ông quay sang người vợ thứ tư, nói:

- Tôi sắp phải từ bỏ nơi này, bà sẽ đi cùng tôi chứ?

Người vợ thứ tư gật đầu:

- Tôi sau khi rời xa cha mẹ để về với ông, ông bảo thế nào, tôi nghe thế ấy, nguyện một lòng cùng ông đồng cam cộng khổ. Dù sống hay chết, tôi cũng sẽ đi cùng với ông!

Người đàn ông này không cách nào để ba người vợ kia không xem trọng bản thân họ mà tự nguyện đi theo ông ta, chỉ có người vợ thứ tư quê mùa, cục mịch là chịu đi với ông qua bên kia thế giới mà thôi.

Đức Phật dạy:

- Từ mẫu truyện trên, người đàn ông đó được ví như là thần thức ; người vợ thứ nhất là thân thể, thân thể này nhận được sự yêu quý che chở chăm sóc quan tâm cao nhất, chẳng ai sánh bằng, thế mà, một khi kết thúc sinh mệnh, thần thức chỉ có thể tùy theo ác nghiệp hay phước nghiệp mà thôi, thân thể rồi cũng cứng đơ nằm dưới đất, rốt cuộc là một nắm tro tàn, không cách nào đi theo ta được.

Đức Phật lại dạy:

- Này các tì kheo! Nếu không thể tùy thuận theo bốn loại chánh hạnh thì không thể nào đắc được giải thoát. Thế nào là bốn loại chánh hạnh? 1. Tri khổ, 2. Đoạn tập, 3. Chứng diệt, 4. Tu đạo . Tu đạo cần đầy đủ tám chánh đạo cần chân thành tu hành mới có thể thể chứng bốn thánh đế.

Người vợ thứ hai được ví như tài sản. Thông thường, con người ta có được tài sản thì rất vui mừng, còn khi không có thì liền ưu sầu, thế nhưng, một khi mạng chung, tiền bạc châu báu đều phải để lại nhân gian, nó chẳng thể nào đi theo ta được, càng nhớ nghĩ đến nó thì càng đau khổ mà thôi.

Người vợ thứ ba thì đại biểu cho năm loại người thân: Cha, mẹ, vợ, con, anh em, cho đến bạn bè và những người ăn kẻ ở. Thời gian còn chung sống với nhau thì rất thân thiết, nhớ nghĩ về nhau. Thế mà một khi sinh mạng này kết thúc, họ chẳng qua là khóc sướt mướt để tiễn đưa ta đến nơi an táng, xong việc thì tự ai về nhà nấy như không có chuyện gì, có buồn thương tưởng nhớ cũng không quá mười ngày, rồi họ lại tụ tập ăn uống tiệc tùng, quên đi người đã chết.

Người vợ thứ tư thì đại biểu cho tâm niệm. Thế giới ngày nay rất ít người có sự quý trọng, canh giữ tâm niệm của mình, phần đông người ta đều buông thả tâm niệm, phát sanh tham dục, sân oán, không tin chánh đạo. Sau khi thân này chết đi thì sẽ đọa lạc vào ác đạo, có người đọa vào địa ngục, có người thì chuyển sanh làm súc sanh hoặc ngạ quỷ. Đây đều là do con người buông thả tâm niệm mà phải lãnh chịu hậu quả như vậy.

Này các tì kheo! Người tu đạo, tâm niệm cần phải ngay thẳng, phải loại bỏ tâm ngu si, không làm những việc ngu si, dừng các ác niệm, không tạo tác ác hạnh; không tạo tác ác hạnh thì sẽ không chiêu cảm họa hoạn, không phải lãnh thọ họa hoạn thì không bị thác sanh trong ba cõi, không đầu thai trong ba cõi thì không già, không già sẽ không bệnh, không bệnh sẽ không chết, không chết mới đắc đạo niết bàn vô vi.

Sau khi nghe đức Phật khai thị, các tì kheo đều rất vui mừng, tín thọ phụng hành.

Ví dụ này của đức Phật rất thiện xảo, rất sâu sắc, khiến cho chúng ta lãnh hội rất nhiều.

Tại sao nói người vợ lớn rất được sủng ái? Người vợ này là ví dụ cho thân thể chúng ta. Chúng ta cho nó ăn ngon, mặc đẹp, còn giúp cho nó tắm rửa, xoa bóp… đối với thân thể này quan tâm đủ kiểu, nhưng con người sau khi đã chết rồi, thân này chỉ còn là một vật cứng đơ, nằm trên mặt đất, thậm chí còn trương sình, phát ra mùi hôi thối.

Nó có thể đi cùng với chúng ta được hay không? Tất nhiên là không thể rồi!

Tại sao nói người đàn ông này lúc theo đuổi người vợ thứ hai, gian khổ trăm cay nghìn đắng mới đạt được? Người vợ thứ hai này ví dụ cho tiền tài. Vì theo đuổi tiền tài, chúng ta phải chịu đựng thời tiết khắc nghiệt, có khi cực lạnh, có khi cực nóng; thậm chí có lúc vì để đạt được nó mà đối với bạn bè đổi bạn thành thù, hơn nữa, tài sản luôn bị thiên tai rình rập như hỏa hoạn, lũ lụt, trộm cướp, … bức bách, không dễ dàng gì để đạt được nó. Một khi đã đạt được rồi thì cảm giác rất vui mừng, mà hễ mất đi thì hết sức ưu sầu, buồn khổ. Phải vất vả ngược xuôi mới có được chút của cải, thế mà một khi mạng chung, đành phải để lại hết cho thế gian, tùy ý người khác sử dụng, ta không cách nào mang theo được. Tại sao nói rằng, người này thường thủ thỉ tâm sự cùng người vợ thứ hai? Vì người đời hễ mở miệng ra là “tiền, tiền, tiền”, mà rốt cuộc thì nó có theo ta đến bên kia thế giới được đâu!

Tại sao nói thường cùng người vợ thứ ba hỏi han ân cần, lại có khi buồn vui ly hợp? Người vợ thứ ba này ví như bạn bè, hay những người thân thích của chúng ta, thỉnh thoảng tụ họp cùng nhau rất vui vẻ. Thế nhưng, gặp mặt nhau mãi lại sanh ra cảm giác phiền chán, nhưng cách một thời gian lâu không gặp thì lại bắt đầu nhớ nghĩ đến nhau. Một khi chúng ta mạng chung, thân bằng quyến thuộc cũng chỉ có thể tiễn đưa chúng ta đến bên huyệt mộ. Sau khi lo xong việc an táng rồi thì mỗi người ai cũng tự về nhà nấy, ai có thể đi cùng với bạn? Một thời gian sau, mọi người lại cùng nhau tụ tập ăn uống vui chơi, quên đi người đã chết, một chút thương nhớ cũng không còn. Nếu khi còn sống, bạn không làm được lợi ích chân chính cho mọi người, thì còn ai nhớ đến bạn?

Người vợ thứ tư với dáng vẻ thô kệch, quê mùa là ai? Đó là thí dụ cho tâm niệm của chúng ta. Nó cả ngày bận bịu hết chuyện này tới chuyện kia, nhưng chúng ta dành rất ít thời gian để quan tâm lo lắng cho nó, không biết quý trọng nó.

Tại sao nói nó thô kệch? Vì tâm niệm của chúng ta chất chứa đầy tham, sân, si, mạn, nghi, nhơ bẩn không thể nào chịu được. Tuy tâm của chúng ta thô lậu nhưng nó lại rất trung thành với chúng ta, thậm chí sau khi chết, còn thân thiết đi theo, vì các thứ ác nghiệp mà ta đã tạo, luôn đi theo chúng ta như bóng theo hình.

Chúng ta cần phản tỉnh một chút: Phải chăng chúng ta đã quá xem trọng thân thể, tiền tài của mình? Có lúc chúng ta không chú ý đến những người thân, thiếu sự quan tâm bạn bè? Còn đối với tâm niệm của bản thân, chúng ta đã chăm sóc, quan tâm đúng mức hay chưa? Nếu chúng ta biết chăm sóc tốt cho những ý niệm của mình, khiến cho nó biến thành một nơi rất tinh khiết; những thiện nghiệp, phước đức, trí huệ đã được tạo tác sẽ luôn đi theo chúng ta. Trái lại, nếu chúng ta tùy tiện buông lung tâm niệm thì nó sẽ biến thành tâm niệm xấu, khi mạng chung, ác nghiệp đã tạo sẽ đồng hành cùng ta như bóng với hình.

Bình thường, chúng ta không những đối với người thân, với thầy, hay bạn, cần nên quan tâm, mà còn phải dùng tâm từ bi đối đãi với tất cả chúng sanh; cho đến tiền tài, cũng không phải không cần, mà chúng ta nên đem tiền tài thế tục để chuyển hóa thành pháp tài công đức. Và thân thể, chúng ta không nên lợi dụng nó để ăn uống, chơi đùa, vui mừng, làm xằng làm bậy, mà phải lợi dụng sắc thân này để bồi công lập đức, làm nhiều điều lợi ích cho chúng sanh.

Hy vọng mọi người đừng quên dụng công tu hành, phải thường chăm sóc tự tâm, luôn luôn giữ gìn chánh niệm, chánh tri.

Mọi người chúng ta cùng nhau nỗ lực cố gắng!

Lớp Giáo dục mở rộng Phước Nghiêm, ngày 22.12.2014