Kính bạch quý Thầy cô, kính thưa quý Phật tử!
Hôm nay, tôi xin chia sẻ với quý vị một câu chuyện trong kinh Phật. Câu chuyện này được trích từ kinh Tạp bảo tạng, trong Đại Chánh tạng, quyển 4, trang 461b29 463c12.
Lúc đức Phật ở tại thành Xá vệ, Đề bà đạt đa đến trước đức Phật, nói những lời thô ác, tùy ý chửi bới lung tung.
A nan nghe xong vô cùng tức giận, nhanh chóng đuổi Đề bà đạt đa đi. Tôn giả nói với ông ta:
- Nếu thầy còn đến nữa, tôi sẽ làm cho thầy rất đau khổ.
Các vị tì kheo nhìn thấy như vậy, liền bạch với đức Phật:
- Thế Tôn, thật sự là rất hiếm có ạ! Như Lai thường dùng tâm từ bi, thương xót đối với Đề bà đạt đa, nhưng Đề bà đạt đa luôn luôn chất chứa những ý niệm độc ác đối với Như Lai. Thầy A nan rất giận nên đã đuổi Đề bà đạt đa đi rồi.
Đức Phật nói:
- Không phải là hiện tại, mà cả trong quá khứ cũng đều như vậy. Thuở xưa, tại nước Ca thi, lúc bấy giờ có hai anh em Long vương, anh trai tên là Đại Đạt, em trai tên là Ưu bà Đại Đạt. Trong quốc gia ấy, mưa hòa gió thuận, nên cỏ cây sinh trưởng rất tốt, mùa màng bội thu, động vật được ăn uống no đủ nên đều to béo và khỏe mạnh, bò và dê sinh trưởng thành bầy.
Vào lúc ấy, nhà vua đã giết số lượng rất lớn bò và dê rồi đem đến chỗ ở của rồng, làm vật hiến tế cho rồng.
Rồng hiện thân nói với vua rằng:
- Ta không ăn loại thức ăn này, tại sao vì hiến tế cho ta mà sát sanh vậy?
Nói mấy lần như vậy, nhà vua vẫn không thay đổi, hai anh em long vương bèn bàn luận với nhau, quyết định đi khỏi nơi này, chuyển đến một nơi khác, nơi ấy có một con rồng nhỏ đang sinh sống ở đó, tên là Truân độ tì.
Rồng Truân độ tì, không kể là ngày hay đêm đều nóng giận, thường dùng lời thô ác chửi mắng.
Đại Đạt nói:
- Bạn không nên sân giận! Chúng ta sẽ thuận theo ý bạn, bây giờ sẽ quay trở về chỗ cũ.
Nhưng em trai là Ưu bà Đại Đạt thì vô cùng phẫn nộ đối với rồng nhỏ Truân độ tì, rồng em mắng:
- Mi chẳng qua chỉ là một con rồng nhỏ chỉ biết ăn ếch nhái mà thôi, nếu ta phun ra một hơi độc vào quyến thuộc của ngươi, lập tức sẽ khiến cho lũ các ngươi biến mất.
Đại Đạt khuyên em trai:
- Em không nên nóng nảy! Bây giờ chúng ta sẽ trở về chỗ cũ, vua nước Ca thi đang mong chờ chúng ta đó!
Lúc bấy giờ, vua nước Ca thi cầu nguyện rằng:
- Nếu hai con rồng trở về, ta sẽ tùy thuận theo ý muốn của chúng, dùng sữa đặc để cúng tế, tuyệt đối không sát sanh nữa.
Vua rồng nghe được và quay trở lại chốn cũ. Rồi rồng Đại Đạt nói một đoạn kệ, đại ý như sau:
“Mọi người hòa hợp dùng tâm thanh tịnh nhất để chuyên chú mà lắng nghe, việc này có liên quan đến việc nhân duyên bổn sanh của Bồ tát. Hiện tại, Phật khai thị bài kệ tụng của quá khứ.
Lúc đức Thế Tôn Chánh biến tri Nhất thiết Pháp, Như Lai còn ở tại thế gian, các tì kheo thường nói lời ác độc, ác ý phỉ báng lẫn nhau. Phật đà từ bi nhìn thấy sự việc ấy, đồng thời nghe thấy những lời ấy, Ngài tập hợp các thầy tì kheo lại và dạy:
Các vị tì kheo theo Ta xuất gia, những việc không hợp pháp thì không nên làm, vậy mà các ông nói những lời độc ác với nhau, lại phỉ báng nhau, như vậy chỉ làm tổn hại chính mình.
Các ông chẳng lẽ chưa từng nghe rằng, tìm cầu giác ngộ, nên tu tập tâm từ bi, nhẫn nại, tu những điều khổ hạnh, khó làm hay sao? Nếu các ông muốn nương tựa Phật pháp tu học, phải nên phụng hành lục hòa kính, đó là: “Kiến hòa đồng giải”, “Giới hòa đồng tu”, “Lợi hòa đồng chia”, “Ý hòa đồng vui”, “Thân hòa đồng trụ”, “Miệng hòa không tranh”, cũng chính là thân, khẩu, ý đều vô cùng hòa hợp; vả lại, cái thấy cái biết của mọi người cũng đều giống nhau, tất cả mọi người hộ trì giới luật cũng đều giống nhau, có lợi ích gì, mọi người đều chia sẻ bình đẳng.
Người có trí tuệ nghe pháp trong niềm vui, tu học theo con đường của Phật, vì lợi ích an vui của chúng sanh, đối với tất cả chúng sanh không não hại; tu tập, lắng nghe chánh pháp, phải xa lìa tất cả hành vi ác.
Người xuất gia tranh luận trong oán hận, thì giống như trong nước đá mà sinh ra lửa vậy; nếu muốn tùy thuận pháp xuất gia, phải nên đoạn trừ tâm sân hận ưa tranh luận, làm những điều phù hợp với chánh pháp.
Vào thời quá khứ, Ta (Như Lai) đã từng làm thân long vương, có hai anh em chung sống cùng nhau, anh trai tên là Đại Đạt, em trai tên là Ưu bà Đại Đạt, hai anh em đều không sát sanh, giữ giới thanh tịnh, có uy đức lớn, chán ghét thân hình của rồng, nhất tâm theo con đường thiện, hy vọng có thể làm thân người.
Nếu gặp sa môn, Bà la môn có tu trì giới luật thanh tịnh, học rộng nghe nhiều, thì ta biến thành thân người để đi đến cúng dường cho họ, thường xuyên gần gũi. Mỗi lần đến ngày mùng tám, mười bốn, mười lăm, thì thọ giới bát quan trai, giữ gìn tâm niệm, rời khỏi nơi ở của mình đi đến những nơi khác để tịnh tu.
Có một con rồng nhỏ tên là Truân độ tì, nhìn thấy hai con rồng chúng tôi có uy đức lớn, nó tự biết chính mình mãi mãi không được như chúng tôi nên sinh tâm ghen ghét, sân giận thường dùng những lời nói thô lỗ chửi mắng.
Nó giương hàm, há miệng phun khí, tâm vô cùng sân hận, toàn thân giương lên, miệng dùng những lời ác độc mà phỉ báng. Nó dùng những lời lẽ ngu muội, giả dối sai sự thật để xúc phạm, bức bách chúng tôi.
Nghe những lời nhục mạ của con rồng ấy, em trai Ưu bà Đại Đạt vô cùng phẫn nộ đã thỉnh cầu anh trai Đại Đạt rằng:
- Con rồng ấy dám dùng những lời độc ác phỉ báng chúng ta! Cái thứ sống cạnh bờ suối, thường ngày ăn nuốt các thứ ếch nhái hạ tiện, mà dám chưởi mắng ta sao? Con rồng này nếu sống ở dưới nước thì sẽ làm não hại các loài chúng sanh dưới nước, nếu sống trên đất liền thì sẽ làm hại con người.
Phải nghe những lời ác độc thực sự rất khó nhẫn. Bây giờ, chúng ta nên tiêu diệt con rồng ấy và cả quyến thuộc của nó, sau đó chúng ta sẽ trở lại chỗ cũ của chúng ta.
Anh trai Đại Đạt long vương nghe em trai nói như thế, thì liền nói một đoạn kệ rất vi diệu, ngay cả bậc trí giả cũng hết lòng tán thán, đại ý như sau:
“Nếu ngủ trọ tại một nơi nào đó, dẫu chỉ được chút tiện nghi nhỏ nhoi, chỉ cần có thể yên tâm ngủ ngon là được, không nên sinh khởi những ý nghĩ không tốt, nên nhớ tri ân báo ân, đó mới là việc mà các bậc Thánh nhân ca ngợi.
Nếu nghỉ ngơi dưới gốc cây, dù chỉ nhận được chút bóng râm của cây, cũng không nên làm tổn hại cành lá và hoa quả; nếu như có người đối với người mình thương yêu mà làm một chút việc ác, thì con người này từ nay về sau sẽ không thể có được an lạc.
Nhận ân huệ cúng dường thức ăn của người khác nhưng lại đáp trả bằng việc làm độc ác, đây là người ác chẳng biết tri ân báo ân, người ác như vậy sẽ không thể có được quả báo lành, dù có được một chút, rồi cũng lập tức tiêu tan; đối với những người đã thi ân, nếu bị người khác dùng việc ác để đáp trả, thì giống như những cành nhánh của rừng rậm bị thiêu cháy, ngày sau sẽ nảy mầm, hồi phục trở lại như xưa.
Con người vong ơn bội nghĩa thì không thể sanh thiện pháp, nếu dùng trăm loại thực phẩm cúng dường người ác, họ cũng không có ý nghĩ biết cảm ơn, còn dùng oán hận để đáp trả.
Thí như có một con voi mẹ sống bên cạnh một vị tiên nhân tu đạo. Sau khi voi mẹ sanh con xong thì chết, vị tiên nhân thương xót voi con, nên rất quan tâm chăm sóc cho nó. Nuôi từ nhỏ đến lớn, sau đó, có một ngày nó chạy nhảy điên cuồng, dẫm chết vị tiên đã nuôi dưỡng nó bấy lâu nay, còn dẫm nát hết cây cối và nhà cửa; con người độc ác vong ơn bội nghĩa cũng như vậy.
Sự phù phiếm và kích động bên trong nội tâm không dừng lại, giống như cái cây bị cuốn trong vòng xoáy quay cuồng không ngừng lay động; kẻ không tu hành, đối với người thân không biết báo ơn, thì giống như lấy mực đỏ mà nhuộm lên trên tấm vải trắng làm nó nhiễm ô vậy.
Nên dùng tâm lương thiện mà đáp trả thù hận, không nên dùng tâm độc ác mà đáp trả, làm hại người khác. Người có trí tuệ luôn dùng tâm từ bi để đáp trả thù hận, thậm chí là gánh trời đất hay gánh núi biển, họ đều cảm thấy nhẹ nhàng; ngược lại, nếu vong ơn bội nghĩa thì sẽ cảm thấy nặng nề vạn phần.
Đối với tất cả chúng sanh đều từ bi và bình đẳng, là
sự an lạc thù thắng nhất; giống như bến phà bằng phẳng để giúp người qua sông, cũng vậy, từ bi mang lại hai loại niềm vui là không làm hại người thân và tiêu diệt được tập tính kiêu ngạo của mình.
Người mà nội tâm không có một chút đức hạnh thì thường có biểu hiện ngang ngược, dâm dật; trên thực tế, người không có trí tuệ thì thường kiêu ngạo, thích tranh luận với mọi người, gần gũi những người bạn ác, như vậy không những làm tổn hại danh tiếng mà còn bị mang tiếng xấu.
Người cô đơn không nơi nương tựa, trẻ nhỏ, người già và người bệnh, người vừa bị mất tiền của, người gầy gò, nghèo khổ không có tài sản, người sống trong đất nước không có sự che chở của quốc vương, người đơn độc không có ai để nương tựa… Đối với những trường hợp khốn khổ, nguy nan như trên, nếu chúng ta không sanh khởi tâm từ bi thì không phải là con người tử tế.
Nếu đến một đất nước không có người thân quen, chịu những lời nói thô ác, nhưng vẫn có thể dựa vào an định, nhẫn nhục mà cảm thấy vui vẻ, như vậy có thể ngăn lại tất cả những việc ác, ngừng việc tranh đấu.
Thà rằng ở đất nước khác không quen biết ai, cũng không muốn ở tại đất nước mình mà bị người khác khinh thường; nếu ở đất nước khác nhận được sự cung kính, mọi người đều gần gũi nhau mà không có sự phẫn nộ, tranh cãi, thì có thể nói rằng, người ở nước đó cũng giống như người thân của chính quê hương mình.
Phú quý và hạnh phúc ở thế gian rất ít, sự suy tàn và khổ đau thì rất nhiều. Nếu quán chiếu thấy chúng sanh đều đang thoái thất, mà bản thân chúng ta lại không đủ khả năng giúp họ, thì hãy im lặng và chờ đợi nhân duyên thích hợp.
Sức mạnh của kẻ thù rất lớn mà bản thân ta thì yếu ớt, bạn bè thân thiết thì ít ỏi, không có ai để nương tựa; quán chiếu mình đang ở trong tình huống này, thì nên giữ tâm yên định và an lạc.
Người sống trái với pháp luật, tâm tham lam, bủn xỉn, không có lòng tin, không biết xấu hổ, không tiếp nhận những lời khuyên bảo của người khác; khi ở trước mặt những người như vậy, nên giữ im lặng, an định và nhẫn nhịn.
Tâm sân hận sâu nặng, tàn nhẫn và độc ác, chỉ thích làm hại người khác; ở gần những người như vậy, nên giữ im lặng và tu hạnh an định nhẫn nhịn.
Không có niềm tin, hung bạo dữ tợn, tự cho mình là tài ba, điên đảo thị phi, nịnh hót, giả dối, xảo trá, mê hoặc lòng người; đối với hạng người này, không nên nói mà phải giữ im lặng, tu hành hạnh an lạc và nhẫn nhịn.
Phá giới, làm việc ác, chưa bao giờ xem xét đến việc chịu nhục chịu khổ, thực hiện những hành vi bất hợp pháp lừa đảo; ở trước hạng người ấy, không nên nói gì mà phải giữ im lặng.
Nói dối không biết xấu hổ, thích trêu chọc chia rẽ, tà kiến, miệng nói lời độc ác hoặc nói những lời không có ích, kiêu mạn, tự cao, chấp trước rất nặng, vô cùng bủn xỉn, tâm thì tham lam, luôn ganh tỵ với người khác; ở trước hạng người này, không nên nói gì mà nên giữ im lặng.
Nếu đến những nơi khác, mặc dù những người ở đó không quen biết mình, cũng không biết thân phận, đức hạnh của mình, thì cũng không nên tự cho mình là đúng, sinh khởi tâm kiêu ngạo, ngã mạn.
Đến cư ngụ tạm thời ở một nước khác, bất luận y phục, thức ăn đều nương nhờ vào người khác, không được tùy tiện theo ý muốn, nếu bị tổn hại và xúc phạm đều nên an trú nhẫn nhịn.
Cư trú tại đất nước của họ, nương nhờ vào sự cúng dường y phục và thức ăn của họ, nếu vì gia đình yên ổn lập nghiệp, muốn có được an vui, phải nên tu hạnh nhẫn nhịn như trước đã nói.
Cư ngụ ở đất nước họ, nương nhờ vào sự cúng dường y phục và thức ăn, cho đến nếu gặp người hạ tiện đến khinh thị chính mình, người có trí tuệ chỉ nên nhẫn thọ.
Cư ngụ ở đất nước họ, gặp phải người bạn xấu, kẻ tiểu nhân, ngu si, muốn sống chung với ta, người có trí tuệ sẽ che giấu thân phận, giống như che chắn cho ngọn lửa vậy.
Giống như cơn gió mạnh thổi bùng ngọn lửa nơi đồng trống, một khi bị ngọn lửa lan tới, toàn bộ cánh đồng sẽ bị thiêu rụi; tâm sân giận cũng giống như ngọn lửa vậy, đốt cháy chính mình và người khác, đây là sự hủy diệt mãnh liệt nhất; người có trí tuệ luôn đoạn trừ tâm sân si, tham lam; dùng tâm từ bi khiến cho tâm sân hận dần bị dập tắt.
Cần phải gần gũi và sống chung mới biết được người thiện hay người ác, mặc dù không sống chung nhưng lại gần họ và nói họ lương thiện; thường gần gũi kẻ ác, thì đây là người ngu si; không xem xét nguyên do trong quá khứ của họ mà lại ruồng bỏ họ, nếu làm những việc như trên thì được xem như người không có trí tuệ.
Nếu không có sự ngu si thì trí tuệ không được biểu hiện, giống như con chim không thể bay khi nó gãy cánh; người có trí tuệ cũng giống như vậy, nếu như không có nhiều kẻ tiểu nhân ngu si và không có người có trí giúp đỡ thì không thể nào nhận ra và hiểu rõ được sức mạnh của trí tuệ như thế nào.
Bởi vì đạo lý này, người sáng suốt có trí tuệ học rộng nghe nhiều, vui vẻ tự tại trong đời sống; người có trí tuệ đạt được lợi ích không sanh tâm ngạo mạn; thậm chí lúc mất đi phần lợi, họ cũng sẽ không cảm thấy tuyệt vọng, họ sẽ không có những suy nghĩ ngu si.
Nghĩa lý được lý giải như thật, những lời được nói ra là để ngăn chặn những việc làm ác, vì sự an vui và lợi ích của chúng sanh mà tuyên thuyết, biện luận, vì muốn cho họ hiểu rõ nên mới nói những lời này.
Người có trí tuệ nghe đến việc gì đó thì sẽ không vội vàng hành động, mà sẽ tư duy, phân tích rõ ràng sự thật, hiểu rõ đạo lý rồi mới hành động, như vậy mới đem lại lợi ích cho mình và cho người.
Người có trí tuệ sẽ không bao giờ vì sự sống của bản thân mà tạo tác những nghiệp ác, không hợp lý; không vì sự khổ vui nhất thời mà làm trái chánh pháp, tuyệt đối không vì bản thân mà từ bỏ chánh hạnh.
Người có trí tuệ sẽ không bủn xỉn, cũng không đố kị, sân hận, không hung ác, cũng chẳng ngu si, ngay cả khi đối mặt với nguy hại, họ cũng không căng thẳng sợ hãi, tuyệt đối không bao giờ vì lợi ích riêng tư mà vu cáo làm hại người khác.
Đã không uy mãnh cũng không có yếu đuối; không thấp hèn, thô tục, mà cư xử đúng với trung đạo, có những phẩm hạnh như thế là đặc điểm của người có trí tuệ. Người quá hung giữ, khó khăn thì sẽ làm cho người ta chán ghét; người quá nhu nhược thì sẽ bị khinh rẻ xem thường; người có trí tuệ biết xả bỏ hai hạng người trên, dựa vào trung đạo mà làm.
Có lúc không nói im lặng giống như người câm, có lúc tuyên giảng, dẫn dắt giống như quốc vương, có lúc lạnh lùng giống như băng tuyết, có lúc biểu hiện nhiệt tình như lửa cháy.
Có lúc hiện rõ khí thế cao hùng như ngọn núi Tu di, có lúc hiện rõ sự hèn mọn thấp kém giống như ngọn cỏ, có lúc hiện rõ sự dũng mãnh như ông vua, có lúc lặng yên tịch tĩnh giống như giải thoát.
Có lúc có thể chịu đựng được cái khổ đau của sự đói khát, có lúc có thể chịu đựng được các việc vui sướng và khổ đau; nhìn của báu giống như đống phân dơ bẩn, có thể tùy tâm điều phục tâm sân hận.
Có lúc vui vẻ thưởng thức âm nhạc và nhảy múa, có lúc xem dường như hoảng loạn sợ hãi giống như một con nai con, có lúc uy mãnh như hổ sói. Quan sát thời cơ nào thích hợp, thời cơ nào không thích hợp, biết lúc nào nên biểu hiện tài năng, lúc nào nên che dấu tài năng
Có thể quan sát thấy phú quý và sự suy bại, có thể nhẫn được những việc mà người bình thường không nhẫn được, mới chính là nhẫn chân chánh; việc nên nhẫn nhịn mà có thể nhẫn được, đó chỉ là sự nhẫn bình thường thôi; đối với người yếu ớt cũng phải nhẫn.
Người đối với những người giàu có, mạnh mẽ thường khiêm tốn, nhẫn nhục, có thể nhẫn được những việc mà người bình thường không nhẫn, đó mới là nhẫn chân chánh; không nên ghét bỏ người ác, sống với những người hay tức giận, thường phải giữ tâm thanh tịnh.
Nhìn thấy người làm việc ác, tự mình không làm; đối với người chiến thắng mình mà có thể nhẫn nại, đây là nhẫn trước sự sợ hãi, bởi vì cảm thấy sợ hãi nên không thể không nhẫn nhục; đối với người có năng lực tương đương với mình mà có thể nhẫn, là vì sợ sanh khởi đấu tranh, đây chỉ là cái nhẫn bình thường; nếu đối với người yếu kém hơn mình mà có thể an nhẫn, đây mới là đại nhẫn nhục.
Người ngu si khi bị người khác mắng chửi, phỉ báng thì cảm thấy giống như hai cục đá ở trong mắt không thể nhẫn nhịn; người trí có thể nhẫn nhịn những lời chửi mắng độc ác và phỉ báng nặng nề, giống như rải hoa trên thân voi, như chẳng có việc gì xảy ra vậy.
Bị nghe những lời mắng chửi độc ác và phỉ báng nặng nề, người hiểu rõ sự lý, có con mắt trí tuệ có thể an nhẫn, giống như trận mưa lớn xối xuống tảng đá to, tảng đá không vì điều ấy mà bị tổn hại hay bị hủy diệt; bất luận là ác ngữ, thiện ngữ cho đến những việc khổ vui, người có trí có thể an nhẫn cũng giống như tảng đá to vậy.
Nếu là sự thật mà bị nhục mạ, nên tư duy lời nói thành thật của người ấy, không nên tức giận; nếu là việc giả dối mà bị nhục mạ, biết rằng đối phương dối trá thì lời nói đó giống như gió vậy; vì vậy, bất luận nhục mạ là chân thật hay giả dối, người có trí tuệ biết rõ ràng, đều sẽ không tức giận.
Nếu vì tài sản và các loại lợi ích, phải nhẫn thọ khổ vui, lời chửi rủa độc ác và phỉ báng; nếu không vì tài sản lợi ích, mà có được trăm ngàn châu báu cũng nên lập tức rời xa người ác.
Cành cây bị chặt xong thì không thể nối liền với gốc, người mà đã mất đi nhân tâm thì không nên gần gũi, phải thật sớm chia ra mỗi người một đường mà rời đi thật xa, trong thế gian này còn nhiều người bạn có thể gần gũi.
Người ngu đối với người khác trước mặt thì cung kính, sau lưng thì lại khởi tâm khinh thường, phỉ báng, không cung kính, không tán thán người có đức; người trí thì giống như con thiên nga trắng nhẹ nhàng mà bay đi, xa hẳn những người ngu si này.
Những người thích tranh đấu, tâm ý bất chánh, hùa theo nịnh hót; người thích nhìn lỗi lầm của người khác, kích động sự bất hòa, chia rẽ, nói lời hoang đường, miệng thốt ra lời độc ác, nói những lời không có ý nghĩa; người khinh khi, phỉ báng, nhục mạ chúng sanh, nói những lời tổn thương lòng người, không hộ trì ba nghiệp: thân, khẩu, ý, những người như vậy, người có trí tuệ sẽ nhanh chóng rời bỏ họ và đi đến nơi khác.
Người ganh ghét làm người khác tổn thương, không có tâm thiện, nhìn thấy người khác có được lợi ích, an vui và danh tiếng thì sanh tâm buồn khổ, tuy miệng thốt ra lời mềm mỏng tốt đẹp, nhưng trên thực tế thì tâm vô cùng ác độc, người như vậy chỉ có người có trí mới có thể hiểu rõ, liền ngay lập tức rời xa, đi đến nơi khác.
Người thích thú những điều không thiện, tham danh tiếng, lợi dưỡng, a dua nịnh hót, tham cầu không biết chán; người không biết xấu hổ, nội tâm không thanh tịnh, biểu hiện ra bên ngoài cũng sẽ như vậy, người có trí tuệ phải nhanh chóng xa lìa, đi đến nơi khác.
Nếu người không có tâm cung kính, kiêu ngạo tự đại, không hợp theo pháp để làm lợi ích chúng sanh, hơn nữa, lại tự khoe khoang là có trí tuệ, nhưng trên thực tế, họ là một người ngu ngốc, người có trí tuệ sẽ sớm xa lìa, đi đến nơi khác.
Ở đây nhận thức ăn, ngọa cụ, y phục và những vật dụng, nhờ vậy mà thọ mạng được duy trì, nên tư duy, cảm niệm ân đức ấy; người giúp đỡ này cũng giống như người mẹ từ bi, bảo bọc đứa con duy nhất vậy.
Tham ái làm sanh khởi tất cả khổ, trước tiên nên đoạn trừ tham ái mà xa lìa tâm sân hận, tham ái và sân giận đều có thể dẫn dắt con người đọa lạc vào đường ác; cống cao, ngã mạn toàn bộ đều nên xả bỏ.
Khi người khác giàu có thì gần gũi, nhưng khi người ta nghèo đói thì rời xa, người bạn như thế nên nhanh chóng rời xa.
Vì một gia đình mà chấp nhận từ bỏ một người; vì một thôn làng mà chấp nhận từ bỏ một gia đình; vì một đất nước mà chấp nhận từ bỏ một thôn làng; vì bản thân mà chấp nhận từ bỏ thiên hạ, vì chánh pháp mà chấp nhận từ bỏ bản thân.
Vì một ngón tay chấp nhận từ bỏ tài sản hiện có, vì mạng sống mà chấp nhận từ bỏ tay chân, vì chánh pháp mà chấp nhận từ bỏ tất cả.
Chánh pháp giống như một mái nhà có thể che chở mưa gió, người tu hành Phật pháp có thể đạt được sự che chở và bảo hộ của Phật pháp; nhờ sức tu hành Phật pháp mà có thể đoạn trừ ác đạo, giống giữa trưa nắng nóng mà có được bóng râm mát mẻ.
Người tu hành Phật pháp cũng như thế, khi họ cùng một mục tiêu với các bậc hiền nhân, trí giả, thì dù có đắc vô lượng tài bảo, họ sẽ không cảm thấy vui thích; nếu mất đi châu báu trân quý, họ cũng không cảm thấy lo lắng ưu sầu, thường ngày sẽ chẳng khổ sở để tìm cầu miếng ăn; đây chính là một đại trượng phu kiên định chân thực.
Bố thí tài sản cho người khác mà vô cùng hoan hỷ, tận lực, nhanh chóng rời bỏ các việc ác ở thế gian, bản thân an nhiên còn hơn biển sâu, đây chính là một đại trượng phu chân chính, dõng mãnh, kiên cường, thù thắng.
Nếu có thể thâm nhập hiểu rõ nghĩa lý, xử lý mọi việc một cách khéo léo, vì người khác mà tâm mềm mỏng, ý vui vẻ đem lại niềm vui, lợi ích cho người khác, mọi người đều tán thán đó là người đại trượng phu có đức hạnh.
Người em trai là Ưu bà Đại Đạt nói:
- Bây giờ em càng kính trọng, tin tưởng anh, giả sử gặp phải cảnh khổ đau vô cùng, em tuyệt đối sẽ không tiếp tục làm các việc ác.
Bất luận là chết hay là sống, có được tài sản hay mất đi tài sản cũng sẽ không làm việc ác. Bây giờ anh biết rằng em sẽ nghe theo lời chỉ dạy của anh, thà hộ trì giới thanh tịnh mà chết, chứ tuyệt đối sẽ không phạm giới tùy tiện trộm cắp.
Sao lại đem cuộc đời hết sức ngắn ngủi này mà buông lung, tạo tác ác hạnh? Trong sanh tử luân hồi, nhất thiết không nên buông lung. Ta ở trong sanh tử luân hồi làm những việc không lành, gặp phải những người bạn ác, làm việc phi pháp cho đến ngày nay, khi gặp được bạn tốt mới có thể đoạn trừ”.
Phật có túc mệnh thông, biết nhân duyên bổn sinh ở quá khứ, nên Ngài nói với các vị tì kheo bài kệ như vậy.
- Lúc đó con rồng Đại Đạt chính là Ta, em trai Ưu bà Đại Đạt chính là A nan; con rồng nhỏ Truân độ tì lúc đó, nay chính là Đề bà đạt đa.
Các vị tì kheo nên biết, phải cố gắng tu học, đây là Ta tập hợp những điều liên quan đến giáo pháp rồi dùng kệ tụng tóm gọn mà nói ra. Các vị tì kheo tăng! Các vị nên thâm nhập hiểu rõ, mọi nơi chốn phải chú ý hành vi của chính mình, nên cung kính, cố gắng tu học cái thiện pháp này.
Câu chuyện này nhắc nhở chúng ta:
Phải tu hạnh nhẫn nhục, phải biết ơn và báo ơn.
Người ngu si khi bị nghe những lời chửi mắng, chê bai, thì giống như có hai cục đá ở trong hai con mắt vậy, không cách gì chịu đựng nổi; còn người có trí tuệ, dù cho có nghe những lời chửi rủa độc ác và phỉ báng nặng nề, họ vẫn có thể an nhiên, giống như đem hoa rải lên thân con voi to lớn, như chẳng có việc gì xảy ra vậy.
Ngoài ra, còn một ví dụ cũng rất hay. Bị người khác nhục mạ, phỉ báng, người có trí tuệ biết biện biệt sự lý, nên có thể an nhẫn, giống như cơn mưa to xối trên tảng đá lớn, tảng đá sẽ không bị tổn hoại; người trí tuệ có thể an nhẫn giống như tảng đá vậy.
Một người biết ơn, thì dù chỉ nhận được một chút bóng mát khi đứng dưới gốc cây, họ cũng biết cảm ơn. Còn người vong ơn bội nghĩa thì thường lấy oán báo ơn, những người này sẽ không sanh khởi được thiện pháp, sẽ không có được quả báo lành.
Từ câu chuyện trên, mong mọi người cùng nhau cố gắng.