Home > Khai Thị Niệm Phật > Nhieu-Nguoi-Cho-Rang-Ban-Soan-Dich-Kinh-Vo-Luong-Tho1-La-Khong-Chinh-Xac
Nhiều Người Cho Rằng Bản Soạn Dịch Kinh Vô Lượng Thọ(1) Là Không Chính Xác
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thượng Tọa Thích Nguyên Hùng, Việt Dịch


Gần đây có nhiều người cho rằng bản soạn dịch kinh Vô lượng thọ(1) là không chính xác, cho nên chủ trương dùng bản dịch gốc. Vấn đề này chúng ta nghe nói rất nhiều. Trong bài tựa của bản soạn dịch, cư sĩ Mai Quang Hy và Hạ Liên Cư đã có nói rất rõ ràng. Cư sĩ Mai là người thâm Nho học, nhưng cũng rất am tường Phật học, hiểu và hành rất sâu, công phu rất nghiêm mật. Lúc bấy giờ trong giới cư sĩ tại gia lưu truyền danh hiệu "nam Mai bắc Hạ", đó chính là danh xưng mà giới Phật giáo suy tôn và kính trọng cư sĩ Mai Quang Hy và Hạ Liên Cư.

Kinh Vô lượng thọ được cư sĩ Vương Long Thư soạn dịch lần đầu vào triều nam Tống, niên hiệu Thiệu Hưng thứ 30 (1160 TL). Ông tham chiếu các bản dịch đang lưu hành để biên soạn lại kinh này mà không dịch trực tiếp từ bản chữ Phạn. Bản soạn dịch của Vương cư sĩ sớm được đưa vào Đại tạng kinh. Đến cuối đời nhà Minh, đại sư Liên Trì trước tác bộ Di Đà sớ sao, trong đó có trích dẫn rất nhiều đoạn kinh Vô lượng thọ, mà đa số là sử dụng bản soạn dịch của Vương Long Thư. Do đó có thể thấy bản soạn dịch này đã được lịch đại chư vị tổ sư đại đức tôn trọng. Bản soạn dịch ấy tất nhiên cũng có khuyết điểm, cho nên Ấn Quang đại sư đã có phê bình, nhưng không có nói là không thể dùng được. Sau này, cư sĩ Ngụy Nguyên biên tập lại, có phần tiến bộ và chính xác hơn bản dịch của cư sĩ Long Thư rất nhiều, nhưng vẫn còn có sai xót, cho nên cũng không phải là bản hoàn thiện. Mới đây, cư sĩ Hạ Liên Cư biên dịch lại lần thứ ba, hy vọng có thể đính chính những khuyết điểm của các bản dịch của các bậc tiền bối. Đây là bản dịch sau hết, bấy giờ đã được lão pháp sư Huệ Minh ấn chứng, lại được đại sư Từ Châu đem ra giảng ở Tề Nam, hơn nữa bản này dùng làm tư liệu cũng tốt. Hiện nay chúng ta đã in lại tất cả các tư liệu này, tổng cộng có 5 bản dịch gốc từ Phạn sang Hán, 3 bản soạn dịch bằng cách đối chiếu từ các bản Hán, 1 bản giáo khoa của Bành Tế Thanh. Như vậy, hiện nay kinh Vô lượng thọ có tất cả 9 bản khác nhau, đều đã được in lại, rất tiện lợi cho chúng ta tham khảo. Hy vọng rằng các bạn đồng tu khởi phát tín tâm đối với pháp môn Tịnh độ, có thể buông bỏ mọi duyên, một lòng niệm Phật, cầu sanh Tịnh độ. Đây là mục đích hoằng dương pháp môn Tịnh độ của chúng tôi.

Nếu như nhận thấy các bản soạn dịch có chỗ không thoả đáng, thì năm bản dịch gốc vẫn còn ở đây, xin các bạn vui lòng xem lại, chắc không có vấn đề gì. Bởi vì các kinh này đều giới thiệu thế giới Tây phương cực lạc. Nếu muốn vãng sanh qua đó thì nhất định phải có niềm tin sâu sắc, phải tha thiết, phải chân thành niệm Phật, niệm đến tiêu chuẩn mà Bồ tát Đại Thế Chí đã nói là "Tịnh niệm liên tục", thì chắc chắn được vãng sanh.

Chúng ta thấy, từ xưa đến nay, những người niệm Phật được vãng sanh một cách tự tại, thì quả thật công hạnh của họ đã đạt đến tịnh niệm liên tục, không có tâm hoài nghi, không gián đoạn, không để cho tạp niệm xen vào. Bồ tát Đại Thế Chí nói rằng "phải giữ cho tâm niệm thanh tịnh và liên tục" (tịnh niệm tương tục), thì cũng giống như đức Thế Tôn dạy trong kinh Kim Cương là "phải phát khởi cái tâm không ở đâu cả" (ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm).

Tịnh tức là phải vô sở trụ, nếu như còn có chỗ trụ, còn có chỗ bám víu, thì không phải là tịnh. Niệm tức là nhi sanh kỳ tâm. Tương tục tức là công phu không gián đoạn. Do đó, chúng ta thấy những người niệm Phật chân chính, họ chỉ cần công phu trong vòng 3 năm, 5 năm, liền được thành tựu, biết trước giờ chết, đến đi tự tại. Đó mới là thành tựu chân thật. Là người niệm Phật, chúng ta phải nhớ lấy điều này.

Chúng ta nên biết rằng, những người được vãng sanh, là do tín tâm của họ kiên định. Còn đối với vấn đề phê bình, nghiên cứu kinh điển, thật sự không liên quan gì đến họ hết. Chỉ cần trong cuộc đời này quyết tâm được sanh về Tịnh độ, được vãng sanh một cách tự tại, đó là mục đích của người niệm Phật như chúng ta. Còn về phần các bản kinh soạn dịch, nếu như trong tâm chúng còn có chỗ nghi ngờ, thì đó là tạp niệm, là chướng ngại, phải từ bỏ ý niệm đó đi. Chúng ta không thể vì sự tranh luận của một số người về bản kinh mà làm ảnh hưởng đến sự duy trì một niệm liên tục của bản thân mình, như vậy thật đáng tiếc! Nếu như chúng ta gặp những trường hợp tranh luận này thì nên lấy câu Nam mô A Di Đà Phật để trong lòng là tốt nhất, không cần phải đôi co, lý luận làm gì.

Người niệm Phật cần phải đạt được nhất tâm bất loạn, không nên để ngoại cảnh nó làm dao động tâm thanh tịnh của chúng ta. Trong kinh Quán vô lượng thọ Phật, ở chương Thượng phẩm thượng sanh, đại sư Thiện Tôn đã khai thị rất rõ, đủ giúp cho chúng ta xác lập niềm tin kiên cố.