Một người ngu nọ có vợ rất xinh đẹp, người này rất mực yêu thương vợ, nhưng người vợ lại không trung thành, lén giao du với người khác, tâm tà dâm thúc dục, khiến chị vợ muốn bỏ chồng theo tình nhân, nên nói với một bà già, khi nào tôi đi rồi, bà đem xác một người nữ về để trong nhà, rồi nói với chồng tôi là tôi đã chết. Bà giànày thừa lúc người chồng vắng nhà, liền đem xác một người nữ để trong nhà, khi người chồng về, bà lão này nói vợ anh đã chết, người chồng tin thật khóc than, rồi đem hỏa táng, và cất giữ tro tàn. Thời gian sau, người vợ chán tình nhân, nên trở về nói với chồng, tôi trở về đây, người chồng đáp, vợ tôi chết rồi, cô là ai mà mạo xưng vợ tôi, người vợ chứng minh cách mấy, người chồng cũng nhất định không tin. Giống như ngoại đạo, nghe tà thuyết tin cho là thật, nhất quyết không thay đổi, cho dù nghe chính giáo cũng không hồi đầu tin theo.

Lời Bình:  Qua các ý kiến của mọi người về câu chuyện ngu thứ tư, người vợ giả chết, chúng ta thâu lượm được rất nhiều ý kiến hay, như sự hiểu biết qua các ẩn dụ của câu chuyện như, người ngu như ta, vợ như bản tâm, tình nhân như căn bản vô minh che mờ bản tâm, bà già như vọng duyên lôi kéo ta xa cách bản tâm như kẻ sống người chết. Nhiễm vọng thâm sâu đến mức, đức Phật phương tiện chỉ bầy cho ta nhận ra được Phật tính xưa nay, cũng không đón nhận sự trở lại này của Phật tính, mà vẫn chạy theo vọng duyên, vọng duyên này từ gia duyên đến các vọng cầu của người tu hành, mà không biết tu hạnh vô cầu, vọng cầu chỉ là người muốn được giấc mộng như ý, vô cần là không tịch, tức tỉnh mộng. Nên tu học không nhằm mục đích khôi phục bản tâm, mà chỉ nhằm thỏa mãn vọng tưởng.

Người ngu cũng giống như ngoại đạo cố chấp nên không sao nhận ra sự thật, chấp là chướng ngại của chính kiến. Do đâu sở tri thành chấp? Vì ngộ nhận cái giả là thật, cho các pháp y tha khởi là thật hữu, nên mê muội tính viên thành thật của pháp, gọi là sở chấp tính, tính sở chấp này huân tập nhiều đời, càng thêm kiên cố, lại thêm hoàn cảnh và những kẻ xung quanh làm trợ duyên khiến sở chấp này thành tính quyết định, không thể dời đổi cho dù sự thật có hiển bầy trước mắt cũng không sao nhận ra. Như người có chủng tính ngoại đạo, ắt có nhân duyên với ngoại đạo và tà thuyết, vì vậy nhiều đời sinh ra trong cảnh giới của ngoại đạo, cùng ngoại đạo làm quyến thuộc, chủng tính này đã huân tập từ quá khứ, nay lại được tăng thượng duyên bằng hoàn cảnh và quyến thuộc, nên lập trường ngoại đạo rất kiên cố, coi mọi thứ ngoài sở chấp của ta là tà giáo, không thể dung thứ được.

Đức Phật dậy, đừng nghe những lời nói nào, dù là của bậc thầy ta, của những người ta thương, hay thuộc về truyền thống mà xét ra có hại cho ta và người, và hãy tin những lời nói nào dù của kẻ thù, người mình không ưa mà xét ra có lợi cho mình và người . Như vậy không nên dựa vào ái để nghe theo, và tắng để bác bỏ, mà hãy bỏ mọi tắng ái để nhìn nhận sự thật, nếu vin vào tắng ái tất sẽ không nhận ra chân lý. Thế nên Tăng xán đại sư nói, đản mạc tắng ái, động nhiên minh bạch (chỉ đừng tắng ái, sẽ tự nhiên minh bạch mọi sự), nhìn hay nghe với tâm không tắng ái là khách quan. Yếu tố khách quan dẫn đến sự nhận định chân thật và chính xác.

Để được chính tư duy, Phật pháp đòi hỏi tiến trình tư duy phải qua ba giai đoạn, thật đức và năng. Ba yếu tố này giúp tư duy gạn lọc được tính hư ngụy nhờ vào thật, tính độc hại nhờ vào đức, và tính hư nhược nhờ vào năng, như vậy tư duy qua ba yếu tố thật đức năng, đưa đến kết quả có được nhận định đầy tính chân thật, quả đức và nhân hành, hay gọi là chính tư duy. Theo kinh Vô lượng nghĩa chính tư duy đó là phải quán sát hết thẩy các pháp, từ xưa đến nay, tính tướng không tịch. (ưng đương quán sát nhất thiết chư pháp, tự bổn lai kim, tính tướng không tịch) . Chứng được thật nghĩa tức chứng chân thật tính, thật tính này bao hàm quả đức và nhân hành. Nếu tư duy không qua sự gạn lọc của ba yếu tố trên, tất các tính hoang tưởng hư ngụy, tà ác và vô năng sẽ tràn đầy trong sự tư duy, thành tà tư duy hay tà kiến.

Người ngu nếu chính tư duy, tất biết người chết chẳng phải là vợ mình, nên khi chị vợ trở về, ắt nhận biết. Người ngu tà tư duy, nên mê từ thứ này qua thứ khác, không biết người vợ phản bội, không biết người vợ giả chết, không biết người vợ còn sống, và nhất là không biết là mình mê muội không biết hết mọi thứ, nên không sao nhận ra sự thật.
 

Trích từ: Kinh Bách Dụ - Người Vợ Giả Chết
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan