Home > Khai Thị Niệm Phật > Hoc
Học
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch


Trong xã hội có câu: ‘Học làm người’. Học làm người tức là học luân lý, đạo đức. Thí dụ học Thập thiện, Tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả) tức là học làm người của trời Dục Giới, họ cao hơn chúng ta một bậc. Học Tứ thiền bát định tức là học làm người của trời Sắc Giới, cảnh giới này còn cao hơn. Học Bốn mươi tám nguyện, học Lục Ðộ, Thập đại nguyện vương tức là học làm người của Tây phương Cực Lạc thế giới, đây mới là việc chúng ta thực sự muốn học.

‘Học’ chẳng có nghĩa là ‘tôi hiểu, tôi biết rõ’ thì xem là đã học rồi. Chữ học ở đây có nghĩa là ‘noi gương’, ‘học tập theo’, đây là động từ chứ chẳng phải là danh từ, tức là muốn chúng ta chân chánh làm cho bằng được. Ngày nay chúng ta tu hành tự mình chẳng đạt được pháp hỷ, đó chỉ là sống qua ngày, tại sao chẳng được pháp hỷ? Vì chúng ta chẳng thực lòng học tập.

Học phải bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ đọc kinh. Trong kinh dạy chúng ta phải làm như thế nào thì chúng ta làm như vậy, y theo kinh điển mà hết lòng phản tỉnh, mỗi ngày có thể phát hiện một lỗi lầm của mình, như vậy tức là giác ngộ. Mỗi ngày có thể sửa đổi một lỗi lầm thì mới là chân tu, cũng như lão cư sĩ Hạ Liên Cư trong cuốn ‘Tịnh Ngữ’ có dạy: ‘Chân cán’ (Làm thực sự). Có thể chân tu, làm thiệt, ba năm liền siêu phàm nhập thánh, sẽ chẳng là phàm phu nữa; nếu chẳng chịu học, chẳng chịu làm thì chẳng có cách gì hết.

Phải đọc kinh như thế nào? Phải dùng tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm cung kính mà đọc, được vậy thì sẽ có chỗ ngộ. Có nhiều người đọc kinh rất khổ, tại sao vậy? Vì họ dùng tâm vọng tưởng, phân biệt, phiền não để đọc, hoàn toàn chẳng thể hội ý tứ, cảnh giới trong kinh, vậy thì đương nhiên càng đọc càng khổ. Chỉ có dùng tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm cung kính để đọc thì mới tương ứng với tâm Phật, mới có thể hiểu được ý tứ trong kinh. Vì chân thành, thanh tịnh, cung kính chẳng có cùng tận, cho nên ý tứ trong kinh cũng chẳng có cùng tận, vô cùng, vô tận.