Home > Khai Thị Niệm Phật
Chánh Tri Chánh Kiến
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch


Tông Thiên Thai có câu: ‘Có thể nói mà không thể làm là quốc sư; có thể nói và cũng có thể làm là quốc bảo’, ý nghĩa của hai câu này là điều mà đức Phật thường nói đến trong kinh; người phá giới còn có thể cứu được, phá kiến (người có tri kiến sai lầm) thì chẳng thể cứu được.

‘Có thể nói mà không thể làm’ là phá giới -- người đó biết nói nhưng làm chẳng được, những gì họ nói đều đúng, nói chẳng sai, tri kiến là chính xác, cho nên người này vẫn còn có thể cứu được. Giả sử [người này] trì giới rất nghiêm mật, làm rất tốt, nhưng tri kiến sai lầm thì chẳng thể cứu nổi. Thí dụ chư Phật Như Lai, lịch đại tổ sư đại đức đều dạy chúng ta phải nên cầu sanh Tịnh độ, không những người niệm Phật phải cầu sanh Tịnh độ, tu học bất cứ pháp môn nào đến cuối cùng cũng nên hồi hướng cầu sanh Tịnh độ, kiến giải này tức là chánh tri chánh kiến.

Tự mình có thể một lòng một dạ cầu sanh Tịnh độ và còn giới thiệu chánh pháp cho mọi người, người như vậy tức là quốc bảo. Cho nên làm thế nào hoằng pháp lợi sanh mới có hiệu quả tự độ, độ tha? Phải đem lời dạy trong kinh thực sự làm được trong đời sống hằng ngày. Nếu làm chẳng được, tuy những chuyện mình nói là chánh pháp thì cũng chẳng nói được thấu suốt, triệt để. Tại sao sẽ không thấu triệt? Vì đó chẳng phải sự thể nghiệm của chính mình mà chỉ là những gì mình nghe được; dù cho biết được từ trong kinh thì cũng thuộc về ‘chuyện mình nghe được’ – là nghe đức Phật Thích Ca nói, nghe chư Bồ Tát nói, chẳng phải là do mình đích thân nhìn thấy. Phải làm sao mới có thể đích thân nhìn thấy? Phải tự mình đích thân làm, phải đoạn ác tu thiện, tích công lũy đức, phải mỗi ngày phản tỉnh, kiểm điểm lỗi lầm của mình. Chúng ta đều đã đọc cuốn Liễu Phàm Tứ Huấn, ông Viên Liễu Phàm là một tấm gương rất tốt.