Nói về quán huệ tam muội, chỉ yếu là khi quán y chánh báo cõi Cực Lạc phải đạt đến sự thuần thục, tâm cảnh hiệp nhứt để trực vãng Tây phương. Chánh quán tuy đã đạt đến đích nhưng chỗ đối sáu căn còn lưu trần cảnh hay có lúc còn bị thối chuyển.
Thánh tượng, cúng cụ tại đạo tràng và y chánh cõi Cực Lạc quán thành một thể rồi, hành giả tuy còn ở Ta bà, do tâm quán hiệp nhứt thì như đã sanh ở Tịnh độ, khi mạng chung chẳng lại chẳng cảm ứng sao?
Như hành giả sám hối tu tập tại đạo tràng thanh tịnh trang nghiêm cho đến cúng dường một nén hương một cành hoa há chẳng hiệp lý tam đế kia sao? Nếu chẳng hiệp đế lý thì trong sự sự chánh niệm quán sát thắng hạnh đạt quả đối với đại thừa viên đốn không thể hiển khai ư!
Như cõi đức Phật kia có vô lượng điều trang nghiêm là do đức Phật lúc ban sơ tu hạnh Bồ tát, nhơn hạnh đã lập, nhơn hạnh sở cảm, kết quả có cảnh giới trang nghiêm thù thắng vi diệu vô tận như vậy.
Nay chúng ta quán quả biết nhơn thời biết đạo tràng tam muội mỗi mỗi trang nghiêm cùng với cõi Cực Lạc kia nhân quả không hai, tất cả thành đại tam muội, được viên dung vi diệu như cõi Cực Lạc không khác, cũng tự được thân tướng trang nghiêm xinh đẹp. Thân tướng, cúng dường, không ở đây không ở cõi kia, không một không nhiều, y chánh viên dung, hiển lý pháp giới như cõi nước chư Phật không thể nghĩ bàn được. Cho nên rõ được hoặc cảnh, hoặc tâm, hoặc thân, hoặc độ, thọ dụng đồng nhứt tự tại vô ngại.
Kinh nói: Từ ba la mật sanh các bảo cái, nơi các cảnh giới thanh tịnh sanh các tràng hoa, nơi vô sanh pháp nhẫn sanh các y phục, nhập kim cang pháp vô ngại tâm sanh các lưới linh (chuông nhỏ), tâm rõ các pháp như huyển sanh các hương thơm kiên cố, tâm châu biến Phật cảnh giới Như Lai tọa sanh các tọa vị vi diệu của các bảo chúng, tâm cúng dường chư Phật không biếng trể sanh các bảo tràng, tâm hớn hở rõ các pháp như mộng sanh cung điện nguy nga khắp trú xứ chư Phật, không chấp trước thiện căn sanh bảo liên hoa nhiều như mây … lấy đó mà quán thì biết y chánh cõi Cực Lạc là do nhơn hạnh của đức Di Đà Như Lai mà cảm thành quả vậy. Nay do ở nơi đạo tràng là đã có nhơn sanh Tịnh độ rồi. Thắng liệt tuy có sự không đồng như biển cả và giọt nước mà tánh phần há lại không đồng một thể ư? Khi tại đạo tràng sáu căn tiếp xúc với các vật phẩm cúng dường như hương hoa đèn sáng tràng phan bảo cái, cho đến các vật thọ dụng như: y phục, ngọa cụ, y dược, ẩm thực … nhứt sắc nhứt hương cả đến một bụi trần không phải là pháp môn ư? Tất cả giúp cho hành giả phát diệu giải ngộ tâm chứng Thánh, tuy chưa nghe được pháp âm cũng có thể biểu hiện được niệm Phật tam muội, cũng được cảnh trí vô ngại các đại pháp môn; với thân chúng sanh, Phật cùng làm bạn pháp đồng hành, nếu hành giả có ý chê khiến không được diệu ngộ sanh vào cõi kia, rất đáng thương thay!
Kinh nói: Thiền định thì buộc tâm vào một chỗ, trí tuệ liễu cảnh đồng với tam muội, nghĩa cũng như vậy. Thường như vậy mà quán, căn cảnh hiệp nhứt là tu tập ba nghiệp rồi vậy.
Những hình phạt nào dao, kiếm. lửa đốt ở chốn địa ngục, hoặc làm thân rắn, chó, trùng, chim bay bị đục khoét thân thể chịu nhiều thống khổ ấy do trước kia đã gây nhơn xấu ác mà nên, trái lại đối trước đạo tràng trang nghiêm với y chánh hiện tiền và tu tập pháp giải thoát mà chẳng tạo cho ta được tam muội sao? Lại chốn đạo tràng trang nghiêm là dị cảnh còn giúp cho ta được diệu giải thay huống là đã thiết trí tôn tượng, cung kính cúng dường, tận tâm quyết chí như cha như mẹ lại không khiến ta được giải thoát mau sanh về cõi An dưỡng ư! Lại hình tượng đức Phật và hai vị Bồ tát trang nghiêm tại đạo tràng, tự thân đối trước mà sám hối là chủ, hình tượng là bạn, tổng là chánh báo, các trang nghiêm cụ là y báo, chủ bạn y chánh này cùng với y chánh cõi Cực Lạc kia tuy xấu tốt không đồng, lại vị tượng chủ kia có thần thông nguyện lực đồng với chơn thân Phật, lễ bái tất linh, nguyện cầu tất ứng thì có gì là sai khác, đã không sai khác thì ở trước hình tượng bằng đất, gỗ, nhựa, vàng, bạc mà không quán được đại nguyện tướng hảo chơn thân Phật ở Tây phương Cực Lạc sao? Nếu trước hình tượng mà không quán được chơn thân là do tâm không định, nên tam muội khó thành, diệu ngộ chẳng thâm, sai quấy lắm vậy!
Nay hình tượng đang thấy đó với chơn thân Phật thật không phải hai, lòng đại từ của Phật biến khắp nơi tùy cơ ứng hiện: thật, hóa hay hình tượng, nhưng vì nhãn chướng của ta quá dày nên tự thấy có khác, nên với chơn thân Phật gọi là hình tượng thì hình tượng này lại là tượng thật!
Trong Quán Kinh nói Phật tiếp dẫn có ba bậc chín phẩm từ cao đến thấp, phẩm vị không đồng, nên khi ta nhìn hình tượng chỉ thật là mắt thấy, há tâm từ của Phật không cùng khắp sao mà ta chỉ thấy hình tượng thôi. Tất cả là nhứt thể Di Đà nhưng mắt ta thấy không đồng.
Lại như trong kinh nói sám hối thì nhãn chướng dần mỏng sẽ thấy được đức Phật tọa vị, đầu tiên thấy được một hai đức Phật, dần dần nhãn chướng nhẹ mỏng thì sẽ thấy được Phật khắp cả hư không. Do nghĩa đó khi ta sám hối nếu tâm nguyện cầu vãng sanh cùng với lý tương ưng thì trước thấy được Phật tượng đến hóa Phật sau thấy được chơn thân Phật.
Trên hội Hoa Nghiêm, Phật vốn một thể, đại chúng Bồ tát thấy Phật với thân Lô Xá Na trang nghiêm cao lớn vô lượng vô biên, tam thừa thấy Phật giáng sanh vào vương cung, làm thân lão tỳ kheo, kẻ phàm phu chúng ta thấy Phật gỗ, Phật đất là thân Phật.
Tại sao trong Phổ Hiền Quán Kinh nói chỉ sám hối nhãn tội mà được thấy Phật, vậy hiểu rằng Phật vốn nhứt thể, thấy thật hay hình tượng sự thấy ấy tự có khác biệt vậy.
Xưa có người khắc hình mẹ mình bằng gỗ, tuy bằng gỗ mà người con còn tưởng là mẹ thật nên cũng nhớ cũng kính, tưởng hình ấy cũng có sắc tướng vui giận như thật, ý tưởng hiếu cảm của thế gian còn như thế huống là đức Phật có vô lượng đại nguyện thần thông mà ta đối với hình tượng trang nghiêm ấy không bằng kẻ xem hình mẹ bằng gỗ sao?
Việc tạc hình tượng xưa nay bất nhứt, hoặc có hào quang, hoặc hiện thoại ứng, cho đến xá lợi, hoặc chìm xuống nước hay hỏa thiêu cũng không hoại diệt, như trong truyện ký không thể nêu hết được.
Vậy tượng chủ tại đạo tràng là chơn thật sắc thân đức Di Đà Như Lai vì ngã chướng mà cho là hình tượng, dù thực là hình tượng cũng giúp ta từ đó mà quán nhập được chơn thể, lại không hiển rõ sự vi diệu đồng thể sao?
Kinh nói rằng thân thanh tịnh của Phật biến khắp mọi nơi. Lại nói rằng tất cả các pháp không gì là không phải Phật pháp. Như thế thì hình tượng này không phải là Phật ư?
Hỏi: Bảo rằng lìa các tướng tức là Phật, Phật thân còn không nữa là hình tượng này cùng với Phật đồng hay sao?
Đáp: Có hình tướng không phải là Phật, sao lại có hình tượng, lìa báo thân Lô Xá Na cũng không phải là Phật, tất cả không phải cũng tức là Phật, đâu lại không phải Phật ư? Nếu biết được nghĩa này thì ngộ được sự kính lễ tôn tượng của ta ngày nay không lìa nguyện hải, đủ đại thần lực, năng nhiếp năng thọ, gồm cả vô sở úy, thập bát bất cọng, đại từ đại bi, thường lạc ngã tịnh, tướng hảo quang minh v.v.. đồng với toàn thân đức A Di Đà không khác. Ta nay trong sự sám hối hành sự cũng như kẻ hành khất được gần bậc đế vương, tâm hằng lo lắng run sợ cảm thương, khát ngưỡng nhiếp thọ, mong mỏi xuất ly, huống là nhiều kiếp khó ra, nay được tao phùng đâu dám khinh suất để cho thắng hạnh chẳng tăng trưởng tự làm chướng nạn sao? Lại đối trước thân tượng cầu Phật thương xót nhận sự sám hối của đệ tử, đã nhận sự sám hối rồi thì tất cả trọng tội định nghiệp thảy đều tiêu diệt, quyết được sanh về Tịnh độ. Lòng vui mừng hớn hở thanh thảng như trời đất mênh mông, liền được pháp nhãn, cảnh giới Cực Lạc như ở trước mắt. Cho nên hiểu rõ thuyết chơn tượng không phải là không thâm sâu. Học giả nên hiểu cặn kẻ đừng nghĩ sai khác.