Ai cũng cho rằng khi sống, sinh mạng mình chính là “tôi”; sau khi chết, thân thể hoại diệt nhưng linh hồn vẫn còn tồn tại, nên từ đó họ lại tiếp tục nghĩ rằng linh hổn kia chính là “tôi”. Nhưng như các bạn biết, chó có linh hồn của chó, mèo có linh hồn của mèo, người có linh hồn của người, thậm chí là linh hồn của người cũng phân biệt linh hồn của nam nữ. Vì thế, trong các lần luân hồi sinh tử tử sinh, linh hồn cũng không phải là điều gì đó bất biến; chỉ cần linh hồn thay đổi thì tôi cũng thay đổi theo, nên có thể nói không có điều gì có thể gán cho nó là “tôi” cả.
Người lần đầu tìm hiểu “vô ngã” đều có cảm giác rất sợ. Thực ra, “vô ngã” mới là cách khẳng định “ngã” đúng đắn nhất. Chúng ta hãy nghĩ kĩ xem: “tôi” là gì, là tâm của chúng ta hay là thân? Hay là những sự vật mà thân và tâm sở hữu chúng? Tư tưởng, tài sản, danh dự, giá trị là “tôi” chăng? Hay chỉ là khái niệm “của tôi” đó chính là tôi? Ví dụ đơn giản, dễ hiểu là, tôi đây tên Thánh Nghiêm, nhưng ở Đài Loan có đến bốn vị xuất gia cùng tên là Thánh Nghiêm. Vì thế, nếu sau này có người nhắc đến Hòa thượng Thánh Nghiêm thì sẽ chỉ vị nào? Hơn nữa, có lần tôi đến Viện bảo tàng Anh quốc xem các kinh điển khai quật ở động Đôn Hoàng (Trung Quốc) cũng có vị hòa thượng tên Thánh Nghiêm. Vị này không những cùng pháp danh mà trùng cả họ ở đời của tôi là họ Trương nữa, cả tên tục của vị này cũng hoàn toàn giống tôi là Trương Thánh Nghiêm. Trong lịch sử, có rất nhiều người cùng họ cùng tên cùng nghề nghiệp, chứng tỏ rằng cái tên gọi tuyệt đối không phải là “tôi”.
Cũng theo lẽ đó, thân thể của tôi không phải là tôi, họ tên tôi không phải là tôi, tất cả mối quan hệ con người, vật chất đều không phải là tôi. Từ đó chúng ta thấy, cái mà mọi người cho là “tôi” kia đều hư giả, không thực. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người rất sợ “vô ngã” (không có cái tôi thực sự) của đạo Phật. Vì hễ nói đến vô ngã, họ liền cảm thấy tất cả giá trị, lập trường, mục tiêu, phương hướng của mình đều tan tành mây khói. Tôi có một đệ tử người Mĩ từng học thiền giữa chừng rồi bỏ về nước với lí do là vị đó sau khi tham thiền và tìm hiểu giáo lí Phật giáo bỗng cảm thấy cuộc đời này càng ngày càng trống rỗng, hư vô.
Tôi hỏi tại sao không học nữa, anh nói:
Thưa thầy, con càng ngồi thiền càng thấy cuộc đời trống vắng, không còn gì quan trọng nữa. Nhưng con cảm thấy như thế không ổn vì ở nhà con còn có vợ, con sợ rằng một khi khai ngộ, đạt đến “vô ngã” thì con không cần vợ con nữa. Con có thể không cần vợ nhưng con biết vợ rất cần con nên con muốn về nước ạ.
Những gì vị ấy làm đều xuất phát từ tâm từ bi nên phải về nước giúp vợ, không muốn học thiền hay khai ngộ nữa. Biết thế, tôi liền bảo:
Con thật chẳng hiểu biết chút gì về Phật pháp! Một khi giác ngộ tuy không còn lòng vị kỉ, tự tư tự lợi nhưng lại có tâm từ bi rộng lớn, có đại trí đại dũng, mở rộng cái tôi hữu hạn thành cái tôi vô hạn lượng, khi đó con không những giúp được nhiều điều lợi ích cho vợ mà còn phổ độ chúng sinh thoát khổ sinh tử đến bờ yên vui nữa.
Phật giáo cho rằng hết thảy muôn vật quanh ta từ hữu hình đến vô hình đều đang không ngừng thay đổi; sống trong môi trường như thế, chúng ta vô tình dệt nên mạng lưới sinh tử khổ đau vô tận. Hiếu rõ đạo lí vô ngã giúp chúng ta buông xả ảo giác về cái tôi, của tôi, tích cực tu tập hạnh nguyện Bồ tát. Tuy chúng sinh thường xem Phật như một vị có cái “tôi” thực thụ, như trong kinh Kim Cương, đức Phật Thích Ca thường tự xưng là “ta”, còn trong các kinh iuận khác, Phật thường nói “ta là Phật”, “ta đang thuyết pháp”, “ta đang độ chúng sinh”... Tất cả các danh từ tự xưng kia chỉ là “cái tôi giả danh” với mục đích giúp chúng sinh hiểu được pháp mà đức Phật đang nói nên buộc phải nêu lên một đối tượng tạm thời như thế. Thực tế thì từ tự xưng của Phật là “ta” chính là sự vô ngã, bỏ cái tôi phàm phu và chỉ còn lại là đức Phật vô ngã. Đấy mới chính là cái tôi cứu cánh, mới phát huy chính pháp trong cõi đời này.